Lớp học kỹ năng sống: Cũng “thượng vàng, hạ cám”

Thứ Ba, 27/06/2023, 20:33

Xuất phát từ nhu cầu muốn tìm chỗ chơi, trải nghiệm, rèn luyện kĩ năng sống cho con của các bậc phụ huynh, các khóa tu mùa hè, trại hè, học kỳ quân đội, học kỳ Công an… được mở ra khắp nơi và được quảng cáo rầm rộ trên khắp các hội nhóm, diễn đàn. Bên cạnh những mặt tích cực thì những khóa học này vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi to, mất an toàn cho trẻ nhỏ.

Như nấm sau mưa

Chỉ cần lên mạng gõ từ khóa “khóa học kỹ năng sống” hay “khóa tu mùa hè”, một giây sẽ cho ra hơn 60 triệu kết quả, với đủ các lớp, trung tâm, khóa học dạy kỹ năng sống cho trẻ. Dễ nhận thấy, bất cứ chủ đề gì cũng có thể trở thành nội dung của lớp kỹ năng dành cho trẻ từ vài tháng tuổi đến học sinh trung học phổ thông.

a.jpg -0
Bé trai bị bạn đánh gãy tay khi tham dự khóa tu ở chùa Cự Đà

“… Năm nay… Khoá tu được thiết kế rất công phu. Đem lại cho các bạn khóa sinh những kiến thức rất thực tế… Hãy “cho” nhà chùa 6 ngày …  Chùa sẽ “cho” lại các bạn trẻ 1 con người thắm đượm: Từ bi và trí tuệ.

Cụ thể… Sau khóa tu… Các bạn trẻ sẽ thương yêu cha mẹ hơn. Sống có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng. Được gieo hạt giống Phật pháp sâu đậm trong tâm thức thông qua nghệ thuật Phật giáo, các bài Pháp và các ca khúc Phật giáo… Được các chuyên gia y khoa hướng dẫn cách chăm sóc bản thân, cách ăn uống khoa học. Được tham gia các trò chơi vui và đầy trí tuệ … Và rất nhiều thứ nữa”, một nick quảng cáo khóa tu mùa hè.

Theo khảo sát của phóng viên, khóa tu mùa hè được nhiều ngôi chùa, đền, thiền viện tổ chức trên cả nước, từ Bắc vào Nam. Đa số các khóa tu mùa hè tại các cơ sở tôn giáo đều không mất chi phí. Phụ huynh có thể tìm các khóa tu trên mạng xã hội; việc đăng kí tham dự cũng dễ dàng.

Năm trước từng cho con tham dự một học kì Công an, thấy con lớn và trưởng thành rất nhiều, năm nay chị Nguyễn Minh Nguyệt (Cầu Giấy, Hà Nội) lại tiếp tục cho con tham dự một khóa tu ở Quảng Ninh, vì có người nhà ở Quảng Ninh, đã từng cho con tham dự khóa tu này trước đó. Mong muốn của chị là con được giáo dục thêm về nhân cách, biết yêu thương cha mẹ và sẻ chia với người xung quanh nhiều hơn. “Trước khi cho con đi, tôi cũng tìm hiểu kỹ lắm, lên các hội nhóm để học hỏi kinh nghiệm cũng như lời bình luận của các phụ huynh tham gia. Khóa của con tôi rất đông, tôi cũng băn khoăn nhiều thứ, nhưng hi vọng đó cũng là một trải nghiệm tốt cho con trong mùa hè này”.

Quan trọng vẫn là giáo dục kĩ năng sống từ gia đình

Không thể phủ nhận việc tham gia các khóa học kỹ năng sống giúp trẻ được trải nghiệm trong dịp hè, hạn chế việc “làm bạn” với điện thoại hay dán mắt vào màn hình tivi, laptop, ipad… Đó cũng là cách các bậc cha mẹ có được chỗ gửi con an toàn, tiện lợi, khi dịp hè không có người trông coi.

Lớp học kỹ năng sống: Cũng “thượng vàng, hạ cám” -0
Khóa tu mùa hè là sự lựa chọn của nhiều phụ huynh vào dịp hè

Nhưng thực tế hiện nay cho thấy, các trung tâm đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng sống mọc ra tràn lan; nội dung, chương trình học không theo quy chuẩn, không thống nhất; nhiều nơi giáo viên tự vạch ra kỹ năng và chủ yếu dạy bằng kinh nghiệm với mục đích thu được lợi nhuận là chính. Trong khi đó, cơ sở vật chất không bảo đảm, thiếu sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng… sẽ là mối nguy cơ gây mất an toàn cho trẻ nhỏ.

Câu chuyện một học sinh bị bạn đánh gẫy tay ở chùa Cự Đà, Thanh Oai, Hà Nội mấy bữa nay đang nóng trên các mặt báo là bài học quý giá cho các bậc phụ huynh có ý định tìm nơi trải nghiệm, rèn luyện kĩ năng sống cho con trong mùa hè này.

Sau khi thông tin trên trang cá nhân của phụ huynh được chia sẻ trên mạng xã hội, các cơ quan chức năng đã vào cuộc xác minh. Hiện chưa có kết luận chính xác về vụ việc, tuy nhiên đến nay khóa tu còn lại ở chùa Cự Đà đã bị dừng hoạt động.

Câu chuyện khóa tu mùa hè ở chùa Cự Đà chỉ là một sự cố không mong muốn, nhưng lại đang ảnh hưởng rất lớn tới dư luận xã hội. Từ 10 năm nay, các khóa tu nổi lên như một hiện tượng mới, môi trường mới, tạo sự thay đổi về tâm tính cho các bạn trẻ. Không chỉ các khóa tu, nhiều cơ sở tổ chức thành công các học kỳ quân đội, tập làm chiến sỹ, hay các trại hè với nhiều mục đích khác nhau. Tuy nhiên gần đây ngày càng nở rộ bởi xuất phát từ chính nhu cầu và điều kiện kinh tế của các gia đình. Thế nhưng một điều dễ nhận thấy các khóa tu thường có rất nhiều thành viên tham gia ở mọi lứa tuổi. Có khóa lên tới 6-700 người. Việc tổ chức ăn ở, sinh hoạt trong điều kiện thiếu thốn cơ sở vật chất ở các chùa, cùng với việc khó đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, vệ sinh cá nhân, phòng ốc, an toàn thực phẩm cũng như các kỹ năng sinh tồn khác… cho các em học sinh là điều rất đáng phải bàn đến. Chưa kể, chùa là nơi thanh tịnh, tâm lý trẻ em mỗi lứa tuổi mỗi khác, nếu không có sự quản lý chuyên nghiệp, sự quan tâm sát sao giữa ban tổ chức và chính quyền địa phương thì rất có thể xảy ra nhiều vấn đề.

Lớp học kỹ năng sống: Cũng “thượng vàng, hạ cám” -0
Các khóa tu mùa hè được quảng cáo rất nhiều trên mạng

Trang bị kỹ năng sống cho trẻ là việc làm cần thiết, vừa bảo đảm sức khỏe, vừa giúp các em có ý thức, có khả năng làm chủ bản thân, sống tích cực và hướng đến những điều lành mạnh.

Thế nhưng việc đào tạo kĩ năng sống lại phải trải qua một quá trình lâu dài chứ không chỉ tham gia vài ba khóa học ngắn ngủi là có thể thành công. Đầu tiên phải kể đến chính những kĩ năng sống từ gia đình truyền lại. Đó là những kiến thức cơ bản hằng ngày, mà cha mẹ là người có tính chất quyết định tới việc giáo dục, hình thành nhân cách, kỹ năng cho con. Ví dụ như kỹ năng sinh tồn, kĩ năng chăm sóc bản thân...

Bên cạnh đó, nhà trường cũng đóng vai trò quan trọng trong giáo dục kỹ năng sống đối với học sinh. Mặc dù thời lượng còn ít thế nhưng những tiết học kỹ năng sống được đưa vào chương trình đào tạo ở nhà trường góp phần không nhỏ nâng cao nhận thức cho trẻ. Bên cạnh tấm gương là cha mẹ, thì trẻ nhỏ học qua thầy cô, bạn bè cũng rất nhanh. Bởi thế việc tiếp tục chú trọng kỹ năng sống, tăng thời lượng thực hành, trải nghiệm cho học sinh ở trường là điều rất cần thiết.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cần kiểm soát chặt chẽ việc mở các trung tâm, các lớp dạy kỹ năng cho trẻ; ngăn chặn việc nhiều trung tâm lợi dụng tâm lý của phụ huynh để mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng sống nhằm trục lợi về kinh tế; thậm chí tiềm ẩn yếu tố mất an toàn đối với trẻ em.

Tiến sĩ Bùi Thị Phương Thảo, chuyên gia tâm lý học, giảng viên Trường đại học Thủy lợi cho biết: “Những khóa học kỹ năng sống ở những trung tâm chuẩn, hay những khóa tu không phủ nhận có tác dụng thay đổi rất lớn thói quen, tâm lý với đứa trẻ.

Nhưng đôi khi bố mẹ kì vọng quá nhiều vào những khóa học đó. Rằng con mình khi tham dự khóa học sẽ thay đổi được như con người ta. Nhưng thực tế không ai quan tâm, rằng con mình có muốn học không, có phù hợp với khóa học, có thay đổi được bản thân hay không, trong khi bình thường ở nhà, con chưa bao giờ được trải qua những điều kiện sống, hoàn cảnh như thế, nhưng khi tham gia khóa học kĩ năng sống, con lại hoàn toàn sống một môi trường khác? Để hoàn thiện tâm lý một đứa trẻ, khi đến một nơi lạ, hoặc tham gia một khóa học, rất cần một khoảng thời gian lặp lại. Nếu đứa trẻ đã phát triển hoàn thiện, đầy đủ về mặt nhận thức, tâm lý, những khóa học này giúp đứa trẻ có điều kiện phát triển nhảy vọt. Nhưng với những đứa trẻ còn một khoảng cách rất xa mới đạt đến hoàn thiện thì những khóa học, khóa tu này sẽ trở thành phản tác dụng.

Ví dụ ở nhà chưa từng phải làm việc gì, hoặc đang ở môi trường nhàn hạ, sung sướng, con bị đặt vào môi trường vất vả, cực nhọc, phải tự thân làm mọi việc, thậm chí bố mẹ còn chưa từng trải qua môi trường như thế, nhưng yêu cầu con phải làm được thì đương nhiên đứa trẻ sẽ trở nên hụt hẫng, thậm chí là sợ hãi.

Vì thế điều đầu tiên phải xem đến yếu tố gia đình và môi trường thường ngày. Có những đứa trẻ khi đến môi trường mới thay đổi nhiều lắm, nhưng khi về nhà vẫn thế vì môi trường gia đình, bố mẹ không thay đổi thói quen, cách suy nghĩ cũ… thì đứa trẻ không thể thay đổi.

Khi dạy một đứa trẻ, yếu tố lớn nhất mà chúng ta phải nắm được về mặt tâm lý học là bố mẹ phải làm gương, phải trao đổi với con, tôn trọng con.  Bố mẹ lấy quyền của mình áp đặt con là không hợp lý, đôi khi còn áp đặt sai.

Muốn con làm được phải thuyết phục được con, quyền lựa chọn thuộc về đứa trẻ. Người lớn phân tích, chỉ ra những cái đúng sai, định hướng cho con, còn lựa chọn là việc của trẻ”.

Mai Ngọc
.
.
.