Đừng mất mạng vì tin “lang băm” trên mạng

Thứ Sáu, 06/05/2022, 15:27

“Có bệnh thì vái tứ phương”, đó là tâm trạng chung của tất cả mọi người bệnh. Tuy nhiên, trong thời buổi bùng nổ mạng xã hội, thông tin tràn lan và ít được kiểm chứng, tôi nghĩ trước khi quyết định một sản phẩm có liên quan đến sức khỏe của mình, mỗi bệnh nhân nên tìm hiểu kĩ về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, có được cơ quan chủ quản y tế cấp phép hay không để tránh tiền mất tật mang” - bác sĩ Lưu Quốc Hải khuyến cáo.

Thời gian qua, trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều quảng cáo về các bài thuốc đông y gia truyền chữa cao huyết áp, mỡ máu, viêm gan, suy thận, đau nhức xương khớp... nói chung là bách bệnh, kể cả ung thư. Nhiều lương y, bác sĩ đã lên tiếng cảnh báo về tác hại, sự nguy hiểm của các loại thuốc không rõ nguồn gốc do những người không phải là thầy thuốc kê toa. Thậm chí, nhiều thầy thuốc còn lập cả trang cá nhân trên mạng cùng một số người từng là nạn nhân bóc mẽ những “lang băm” nhưng vẫn có một số người cho rằng “có bệnh thì vái tứ phương” đã đặt mua về sử dụng khiến bệnh tật không những không thuyên giảm mà còn tăng nặng, phải đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.

Suýt chết vì dùng thuốc của “thầy lang”

Anh Nguyễn Gia Minh ở Đồng Nai bị cao huyết áp và mỡ máu vượt xa chỉ số tham chiếu. Đang là công chức nhà nước nên anh được khám chữa bệnh và nhận thuốc miễn phí tại bệnh viện, tuy có lúc đường huyết trồi sụt đôi chút nhưng nhìn chung là việc uống thuốc mỗi ngày theo chỉ định của bác sĩ cũng giúp anh ổn định mỡ máu, huyết áp.

Đừng mất mạng vì tin “lang băm” trên mạng -0
Cơ quan Công an kiểm tra một kho thuốc không rõ nguồn gốc.

Vừa hết giãn cách xã hội, anh gặp lại người bạn nối khố từ phía Bắc vào chơi, trong lúc hàn huyên tâm sự, biết anh bị một số chứng bệnh trên thì lập tức giới thiệu phương thuốc gia truyền đã giúp bản thân nhiều năm nay ổn định cơ thể rồi móc trong túi lấy gần chục viên thuốc màu xám đen kêu anh dùng thử. Nghĩ bạn mình đã dùng rồi thì chắc là có hiệu nghiệm nên anh Minh nhờ bạn đặt thử 3 lọ, mỗi lọ 100 viên dùng trong 1 tháng. Tuần đầu sau khi dùng thuốc, anh Minh thấy trong người có thay đổi, đi tiểu tiện, đại tiện nhiều hơn bình thường nên nghĩ rằng chắc thuốc tẩy mỡ và chất dư thừa trong cơ thể nên mới vậy. Đến ngày thứ 8, sau khi uống thuốc xong, toàn thân anh Minh rã rời, tim đập mạnh, huyết áp liên tục trồi, sụt bất thường nên đã nhờ người thân đưa vào bệnh viện cấp cứu. Sau khi thăm khám và làm xét nghiệm tổng quát, các bác sĩ cho biết anh bị suy gan, thận sưng to bất thường và đang có biểu hiện suy cấp.

Sau hơn 1 tháng điều trị, tình trạng bệnh tật đã thuyên giảm đáng kể, anh Minh mang thuốc đi xét nghiệm thì mới biết thành phần thuốc có chứa những chất cấm dùng trong điều trị bệnh. Thông báo việc phải vào bệnh viện cấp cứu và gửi kết quả xét nghệm cho người bạn thân thì anh này mới biết bản thân anh ta cũng không biết nguồn gốc xuất xứ của thuốc đó ở đâu, mà chỉ tin người bán thuốc ở hàng xóm quảng cáo trên Facebook nên mua về dùng.

Một nạn nhân khác của “lang băm” trên mạng là anh Nguyễn Thanh Phước ở huyện Hóc Môn. Anh Phước bị viêm gan B từ nhiều năm và được điều trị bằng thuốc Tây theo toa của bác sĩ. Đầu năm 2021, theo lời giới thiệu của một người quen trên mạng xã hội, anh Phước ra Bắc tìm gặp người này nhưng không được.

Qua điện thoại, người này nói người làm giao cho anh Phước 20 thang thuốc sắc và 20 hộp thuốc về dùng thử. Chưa kịp sử dụng hết số thuốc, anh Phước phát hiện nền da chuyển sang màu vàng nghệ, ăn uống không tiêu và có biểu hiện đau ở khoang bụng. Đến Bệnh viện 175 thăm khám thì được các bác sĩ cho biết bị xơ gan nặng nên đã chuyển sang bệnh viện Chợ Rẫy điều trị cho đúng chuyên môn. 2 ngày sau, bác sĩ bệnh viện này gọi người thân vào thông báo chuẩn bị cho khả năng xấu nhất vì khả năng tái tạo gan của anh Phước là rất nhỏ.Nếu đồng ý thì gia đình ký cam kết cho điều trị bằng phương pháp mới là đưa thuốc và dịch tiêu hóa nhân tạo vào để tiêu hóa thức ăn, còn gan được cho nghỉ ngơi để hy vọng có thể tái tạo. Cũng may hợp thầy, hợp thuốc nên sau 3 tháng, sức khỏe của anh bình phục và được xuất viện về nhà.

Trước khi về, bác sĩ còn dặn rất kỹ rằng không được sử dụng thuốc Đông hoặc Tây y không rõ nguồn gốc mà phải tuân thủ phương pháp điều trị của bác sĩ vì nghi ngờ trong gan có mấy dấu chấm mờ nghi là khối u. Mặc dù đã vướng vào thuốc quảng các trên mạng dẫn đến việc suýt mất mạng nhưng do nóng lòng muốn mau chữa khỏi bệnh, hơn nữa, nghĩ rằng kết hợp Đông - Tây y cũng tốt nên anh Phước lại lên mạng xã hội tìm kiếm và phát hiện trang mạng có tên M.thuocgiatruyen3doi (thuốc gia truyền 3 đời). Anh được chủ trang mạng này giới thiệu từ đời ông, đời cha đã từng bốc thuốc chữa được cho nhiều người mắc bệnh nan y mà nay gọi là ung thư, chủ trang mạng cũng cho biết đang hành nghề ở một huyện thuộc tỉnh Đồng Nai và nếu người bệnh bốc thuốc về uống không khỏi thì không lấy tiền... Nghe lời đường mật, anh Phước tỏ ý muốn tìm đến tận nơi gặp mặt thầy để bốc thuốc, nhưng lấy lý do dịch bệnh COVID-19 nên không tiện tiếp và nếu muốn thì chỉ cần khai bệnh, đặt cọc một phần tiền, thầy sẽ cho người ship đến tận nơi.

Đừng mất mạng vì tin “lang băm” trên mạng -0
Người bệnh cần đến nhà thuốc có uy tín để được tư vấn, cắt thuốc theo đúng toa của lương y, bác sĩ.

Nghĩ có bệnh thì vái tứ phương, anh Phước đặt 50 thang cùng 30 túi thuốc đã được cô thành viên mang về uống và dần bỏ luôn thuốc theo toa của bác sĩ. Đến cuối năm 2021, thấy cơ thể anh tiều tụy, gia đình đưa anh vào bệnh viện và may mắn là anh lại được cứu sống một lần nữa. Đến lúc này, anh Phước mới tỉnh ngộ ra một điều, dù uống thuống Đông hay Tây y thì cũng phải theo toa của bác sĩ và anh quyết định đóng luôn tài khoản mạng xã hội để tránh sa vào bẫy của “lang băm”. Để những người bệnh khác không bị lừa như mình, trước khi đóng tài khoản mạng, anh Phước nhiều lần tìm cách liên hệ với vị “lang băm” kia để vạch trần sự gian dối nhưng chủ tài khoản này nhất quyết không chịu gặp mặt với lý do bận và khi biết anh Phước đang có ý định bóc mẽ mình thì chủ trang mạng này lập tức xóa ngay tài khoản.

Cũng là một nạn nhân của “lang băm” trên mạng, chị Trần Thu Thủy ở TP. Thủ Đức chia sẻ, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, chị Thủy phát hiện trên mặt và vùng cổ xuất hiện một vài vết nám. Thời gian này, chị thường xuyên lướt mạng xã hội và tìm được một trang giới thiệu thực phẩm chức năng do lương y tên Ái có thể chữa nám da hiệu quả được chiết xuất từ thảo dược. Thấy trang mạng này có hàng ngàn người theo dõi, trong đó có rất nhiều thiếu nữ trẻ liên tục khen ngợi về tính hiệu quả của sản phẩm nên chị Thủy đánh liều đặt mua thử một lô theo dạng mua 2 tặng 1 về dùng thử nhưng dùng chưa hết một hộp thì mặt, cổ nổi nhiều vết mẩn ngứa màu đỏ, sau đó nổi nhiều mụn mủ.

Hoảng hốt, chị Thủy đến bệnh viện thăm khám và được các bác sĩ cho biết bị viêm da cấp. Cùng thời điểm này, chị Thủy mang một hộp thuốc đi xét nghiệm, thấy bản kết quả hỗn hợp gồm bột mì hòa lẫn bột màu vàng nhạt chứ không phải thực phẩm chức năng gì nên chị lập tức lên mạng tìm “lương y” tên Ái nhưng không được vì trang này đã bị xóa.

Cần điều trị đúng phương pháp

Trong những năm gần đây, nhu cầu sử dụng thuốc y học cổ truyền của người dân ngày càng cao, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước khác trên thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới ước tính 80% dân số thế giới sử dụng y học cổ truyền dưới nhiều hình thức: châm cứu, dưỡng sinh và thuốc y học cổ truyền. Ở nước ta, với bề dày lịch sử y học cổ truyền lâu đời, Nhà nước luôn chú trọng đào tạo y học cổ truyền với đội ngũ bác sĩ, lương y, y sĩ. Các bệnh viện chuyên khoa về y học cổ truyền được thành lập, song song với mỗi bệnh viện đa khoa đều có khoa y học cổ truyền, từ Trung ương đến địa phương.Họ được đào tạo chuyên môn, được Nhà nước thẩm định cấp giấy phép hành nghề, được cập nhật kiến thức chuyên môn liên tục.

Đừng mất mạng vì tin “lang băm” trên mạng -0
Thuốc không ghi nguồn gốc, xuất xứ và địa chỉ nhà sản xuất được quảng cáo trên mạng.

Bác sĩ Lưu Quốc Hải - Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Y học cổ truyền TP. Hồ Chí Minh khuyến cáo: Gần đây, nếu có sử dụng mạng xã hội, mọi người sẽ thấy xuất hiện nhiều quảng cáo thuốc hoặc thực phẩm chức năng. Các sản phẩm này thường được gán mác là có nguồn gốc thảo dược, do các “lương y” hoặc “thầy thuốc” bào chế, nghiên cứu, điều trị nhiều loại bệnh lý khác nhau, từ những bệnh lý thường gặp như đau nhức xương khớp, huyết áp, tiểu đường đến những loại bệnh phức tạp mà tôi cho rằng trình độ y học ngày nay còn chưa hiểu hết như ung thư, bệnh tự miễn... Để tăng tính thuyết phục, các quảng cáo còn chèn phóng sự, phỏng vấn người sử dụng...

Một sản phẩm muốn được công nhận là thuốc phải trải qua quy trình khắt khe. Trong đó có 2 yếu tố quan trọng: tính an toàn và tính hiệu quả. Trước khi bàn đến hiệu quả, đầu tiên sản phẩm đó phải an toàn. Muốn chứng minh an toàn, lại phải trải qua nhiều khâu: trước tiên là thử nghiệm trên động vật, sau đó thử nghiệm trên người tình nguyện khỏe mạnh, sau đó nữa mới là bệnh nhân. Những quy trình này phải trải qua sự kiểm tra gắt gao của hội đồng y đức, hội đồng kiểm duyệt thuốc, cuối cùng phải được sự công nhận từ đơn vị chủ quản y tế quốc gia (ở Việt Nam là Bộ Y tế), thì sản phẩm đó mới được công nhận là thuốc và mới được cấp phép lưu hành.

Nếu người sử dụng sản phẩm giả, nguy hại, ảnh hưởng hệ miễn dịch như ung thư, bệnh tự miễn. Những đối tượng bệnh nhân này thường đã sử dụng nhiều loại thuốc, khi sử dụng thêm các sản phẩm quảng cáo, có khả năng cao gây tương tác thuốc với nhau, góp phần làm trầm trọng thêm các tác dụng phụ. Mặt khác, hầu hết các thuốc đều chuyển hóa và thải qua gan và thận, nên khả năng gây độc cho các cơ quan này lại càng cao.

“Có bệnh thì vái tứ phương”, đó là tâm trạng chung của tất cả mọi người bệnh. Tuy nhiên, trong thời buổi bùng nổ mạng xã hội, thông tin tràn lan và ít được kiểm chứng, tôi nghĩ trước khi quyết định một sản phẩm có liên quan đến sức khỏe của mình, mỗi bệnh nhân nên tìm hiểu kĩ về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, có được cơ quan chủ quản y tế cấp phép hay không để tránh tiền mất tật mang” - bác sĩ Lưu Quốc Hải khuyến cáo.

Đức Cương
.
.
.