Bác sĩ “ma”

Thứ Tư, 30/10/2024, 20:36

Những con người bình thường không ai biết đến, chẳng có học hàm, học vị, chuyên môn thực tế, bỗng một ngày khoác tấm áo blouse trắng chễm chệ bắt bệnh, kê đơn bốc thuốc. Nạn bác sĩ “ma” đã hoành hành, gây ra hệ lụy tiềm tàng với sức khỏe người bệnh, trở thành nỗi nhức nhối cho xã hội…

Hãi hùng bác sĩ “ma”

Nghề y là nghề cao quý, thiêng liêng, liên quan trực tiếp đến sức khỏe mỗi con người. Tuy nhiên, sự liều lĩnh, bất chấp đạo lý đã khiến các đối tượng tự phong mình là bác sĩ, lương y, kiếm tiền trên tính mạng của người bệnh. Không phải người dân nào cũng tỉnh táo, đủ kiến thức để nhận ra đâu là bác sĩ thật, đâu là bác sĩ “ma” trước sự bủa vây của thông tin cùng những mánh khóe quảng cáo rất tinh vi của đối tượng giả danh.

h1.jpg -0
Người tự xưng là bác sĩ ở Gia Lai thực tế chỉ tốt nghiệp ngành văn hóa, không hề có chuyên môn y khoa.

Vừa trải qua ca mổ trĩ, chưa hết cơn đau thì bà L.T.M (48 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) nghe tin người mổ cho mình chưa phải là bác sĩ khiến bà lo lắng mất ăn mất ngủ. Bà M. đã ôm theo xấp hồ sơ bệnh án tới bệnh viện chuyên khoa để bác sĩ kiểm tra lại toàn diện vết mổ cũng như xem xét lại các đơn thuốc trước đó bà được bác sĩ “ma” kê cho.

Bà M. cho biết, bản thân bị bệnh trĩ lâu năm, vừa rồi cơn đau hành hạ không chịu nổi, bà được một đồng nghiệp giới thiệu tới phòng khám có bác sĩ quen biết kiểm tra. Tại đây, bà M. được tư vấn nên mổ vì búi trĩ đã trễ ra ngoài, phòng khám đang có chương trình khuyến mãi, giảm giá mạnh cho gói mổ. Bà M. đồng ý và được xếp lịch mổ ngay hôm sau. Ca mổ thuận lợi, bà được kê đơn thuốc về nhà uống, hẹn tái khám sau một tuần.

“Tôi còn chưa kịp đi tái khám thì nghe tin người phẫu thuật cho mình chưa phải là bác sĩ, khi tôi gọi điện đến phòng khám hỏi cho ra nhẽ thì được trả lời “phòng khám đang giải trình với lãnh đạo sở”, bà M. kể lại cú sốc khi biết sự thật.

Lo lắng, bất an là tình cảnh của bà N.M.N (50 tuổi, ngụ Gia Lai) khi từng đến điều trị bệnh suy giãn tĩnh mạch tại phòng khám “ĐHY Dược TP Hồ Chí Minh”. Ngay khi biết bác sĩ ở phòng khám giả mạo, bà N. đã khăn gói ôm bệnh án xuống TP Hồ Chí Minh để kiểm tra sức khỏe. “May mắn cho tôi là chưa điều trị chuyên sâu ở đây, các đơn thuốc qua kiểm tra của bác sĩ cho thấy đều là thuốc giảm đau và thuốc bổ, tôi chưa uống nhiều nên không đáng lo ngại”, bà chia sẻ.

h2.png -1
Phòng khám lấy danh bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ mổ thẩm mỹ không phép.

Bà N. cũng như nhiều người bệnh ở miền núi Gia Lai là nạn nhân của nhóm bác sĩ “ma” vừa bị phanh phui. 

Theo báo cáo của Sở Y tế Gia Lai, tại cơ sở “PK ĐHY TP Hồ Chí Minh”, một nhóm người không có chuyên môn y tế, nhưng lại mạo danh bác sĩ, nhân viên y tế để khám chữa bệnh. Cụ thể, ông Võ Minh Chiến (28 tuổi, trú tại thôn Chí Công, xã Cư An, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) học chuyên ngành văn hóa, nhưng tự xưng là "bác sĩ Võ Minh Thanh" để tư vấn và điều trị cho bệnh nhân. Các nhân viên tại cơ sở này cũng sử dụng tên giả để hoạt động cùng với ông Chiến nhằm che giấu danh tính thực sự.

Sự gian dối, lập lờ của nhóm bác sĩ “ma” này còn thể hiện ở việc treo biển hiệu “PK ĐHY TP Hồ Chí Minh”, sử dụng giấy tờ ghi "DHY DƯỢC TP Hồ Chí Minh" tạo niềm tin sai lệch về tính hợp pháp và chuyên môn để thực hiện khám chữa bệnh không phép nhằm trục lợi. Phòng khám này không có giấy phép hoạt động nhưng vẫn quảng cáo dịch vụ điều trị suy giãn tĩnh mạch và thu tiền từ các bệnh nhân.

Ông Võ Minh Chiến không có chuyên môn về nghề y, không có giấy phép hành nghề hay chứng chỉ hành nghề mà vẫn thực hiện hành vi khám, chữa bệnh cho bệnh nhân. Hiện nay, Công an tỉnh Gia Lai đã tiếp nhận hồ sơ, điều tra làm rõ vụ việc để xử lý theo quy định. Đây cũng là lần đầu tiên một cơ sở y tế tư nhân vi phạm ở Gia Lai bị điều tra hình sự.

Bác sĩ “ma”, phòng khám ảo xuất hiện từ nhiều năm qua, mặc dù các cơ quan chức năng đã ráo riết kiểm tra, xử lý, song tình trạng giả danh bác sĩ khám chữa bệnh, kê đơn thuốc cho người bệnh vẫn chưa triệt xóa được tận gốc.

h3.jpg -2
Bệnh viện Chợ Rẫy cảnh báo nạn giả danh bác sĩ của bệnh viện quảng cáo khám, chữa bệnh.

Cũng liên quan tới lĩnh vực này, vừa qua, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) đã phát hiện thêm một fanpage giả mạo tự xưng bác sĩ Trưởng Khoa Tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Chợ Rẫy, có tên “PGS. TS. BS. Văn Thanh - Chuyên khoa Thẩm mỹ Bệnh viện Chợ Rẫy”. Để tạo thêm uy tín, đối tượng cung cấp hình ảnh các chứng chỉ, bằng cấp giả mạo hoặc chỉnh sửa ảnh để làm giả danh tính bác sĩ. Xây dựng lòng tin với người theo dõi, kẻ lừa đảo sẽ mời chào dịch vụ khám chữa bệnh trực tuyến với mức giá thấp hoặc ưu đãi đặc biệt. Sau khi nhận được tiền cọc hoặc thanh toán dịch vụ, đối tượng sẽ biến mất hoặc cung cấp thông tin y tế không chính xác, gây nguy hại cho sức khỏe người bệnh.

Lừa đảo trên tính mạng con người

Từng là nạn nhân, ông T.P.B (65 tuổi, ngụ Biên Hòa, Đồng Nai) vẫn chưa hết ám ảnh về khoảng thời gian được bác sĩ “ma” điều trị chứng thoái hóa cột sống tại cơ sở khám chữa bệnh “chui” ở Đồng Nai. Ông B. cho biết, bản thân bị gai cột sống nhiều năm sau đó được người quen giới thiệu bác sĩ T.Đ, chuyên điều trị xương khớp. Ông B. được điều trị theo phương pháp đốt nhang và truyền dịch.

Theo bác sĩ được hơn một tháng thì cơ thể ông phù nề, không đi lại được nhưng bác sĩ quả quyết đó là hiệu quả của sự đào thải chất độc, khi nào hết độc tố thì xương sẽ khỏe lại. Đang “ngắc ngoải” theo phác đồ của bác sĩ thì bỗng một ngày, ông B. nghe tin T.Đ không phải là bác sĩ mà xuất thân là nhân viên bán thuốc cho một phòng khám Đông y tại TP Hồ Chí Minh. Không hiểu bằng cách nào mà nhân viên ấy lại thoát xác thành bác sĩ điều trị xương khớp mấy năm trời mới bị phát lộ. “Nếu không có sự việc bác sĩ giả bị lộ tẩy chắc giờ này tôi đã bị bại liệt vì điều trị cột sống rồi”, ông B. kể

Giao bệnh vào tay bác sĩ “ma” như ông B. sẽ gây ra nhiều hệ lụy đối với sức khỏe về sau, nhưng ông B. vẫn còn may mắn khi phát hiện và dừng lại kịp thời. Đau đớn, xót xa phải kể đến con của chị V.X.M đã tử vong khi được bác sĩ giả chữa bệnh. Theo đó, bé L.A.T (sinh năm 2023) được chẩn đoán viêm phổi, co giật nghi ngờ động kinh và nhập viện điều trị nội trú tại Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 2. Tại bệnh viện, ông Nguyễn Quốc Thắng tự nhận là bác sĩ, giảng viên của Khoa Vật lý trị liệu, phục hồi chức năng của bệnh viện, đã chủ động tiếp cận chị M. để điều trị cho bé.

h4.jpg -3
Các hóa đơn ghi thông tin lập lờ khiến người bệnh hiểu lầm là cơ sở y tế khám bệnh.

Sau đó, ông Nguyễn Quốc Thắng và chị M. thỏa thuận ông Thắng sẽ giúp tập vật lý trị liệu cho bé vào khung giờ cố định tại bệnh viện trong vòng 7 ngày. Khi bé ra viện, ông Thắng tiếp tục tới nhà riêng để tập cho bé.

“Trong lúc tập cho con, tôi thấy con tím tái bất thường nên góp ý thì ông Thắng bực tức, hất ly nước vào tôi và quát lớn, đừng can thiệp chuyên môn của bác sĩ và đuổi tôi ra khỏi phòng. Chỉ vài phút sau, do sốt ruột nên tôi quay lại để gặp con thì phát hiện cơ thể bé tím đen, nằm bất động trên giường. Tôi có hỏi thì bác sĩ Thắng bảo tôi im lặng, ông nói đang cấp cứu cho bé, vì bé bị ngưng tim. Vợ chồng tôi đã nhanh chóng đưa bé vào Bệnh viện Nhi đồng 2 cấp cứu. Sau 7 ngày nằm điều trị tại Khoa Cấp cứu thì con tôi tử vong”, chị M. đau xót kể lại sự ra đi của con gái 9 tháng tuổi.

Liên quan đến vụ việc trên, đại diện Ban Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 khẳng định vào thời điểm sự việc xảy ra, ông Nguyễn Quốc Thắng không phải là nhân viên của bệnh viện. Làm việc với Thanh tra Sở Y tế, ông Thắng thừa nhận, ông chỉ có văn bằng tốt nghiệp trình độ chuyên môn trung cấp điều dưỡng, không có chứng chỉ hành nghề vật lý trị liệu. Thanh tra Sở Y tế đã củng cố hồ sơ, chuyển thông tin vụ việc đến Cơ quan Cảnh sát điều tra để xử lý.

Bác sĩ “ma” không chỉ xuất hiện ở các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa lòe bịp người dân mà ngay tại TP Hồ Chí Minh, tình trạng giả danh bác sĩ đang là vấn đề nhức nhối. Vào cuối tháng 10/2024 vừa qua, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng cho biết, Thanh tra Sở phối hợp kiểm tra cơ sở tại địa chỉ số 166A Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú, sau khi nhận được phản ánh nơi này để điều dưỡng mổ trĩ, bác sĩ chưa có chứng chỉ hành nghề đứng ra phẫu thuật bệnh nhân.

Thanh tra Sở Y tế đã mời giám đốc công ty, các cá nhân liên quan đến làm việc. Cơ sở này thừa nhận có sử dụng nhân sự chưa được cấp giấy phép hành nghề tham gia khám, chữa bệnh. Cụ thể, người nam 29 tuổi, chỉ có bằng bác sĩ y khoa, chưa được cấp giấy phép hành nghề và đang thực hành tại Bệnh viện Từ Dũ trong thời gian 18 tháng. Nhân viên nữ bị phản ánh mổ trĩ cho khách hàng, đang theo học khóa điều dưỡng tại một trường y của TP Hồ Chí Minh.

Lực lượng chức năng xác định phòng khám Mary Tân Phú khám chữa bệnh khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh, sử dụng người hành nghề không có chứng chỉ, quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được xác nhận nội dung trước khi thực hiện.

Bên cạnh xử phạt vi phạm hành chính, Sở Y tế tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh và tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề của người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở. Nơi này phải ngưng hoạt động, đồng thời tháo gỡ, xóa quảng cáo sai quy định.

"Lãnh đạo Bệnh viện Từ Dũ cần xem xét, xử lý nghiêm trường hợp bác sĩ khi đang tham gia thực hành khám, chữa bệnh lại có vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế", Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng nói.

Ngọc Thiện
.
.
.