Tết trồng cây và mục tiêu xanh hoá Trường Sa
Ai đã từng đến Trường Sa đều thấu hiểu rằng, thời tiết nơi này vô cùng khắc nghiệt bởi nắng, nóng, sóng và gió biển. Thế nhưng, chỉ cần tàu vừa cập bến, hiện trước mắt mọi người không chỉ có cát trắng và san hô, mà còn là một màu xanh của cây lá. Mỗi đảo hiện lên như một "Công viên xanh", "Cột mốc xanh" giữa trùng khơi.
"Cột mốc xanh" giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc
Chúng tôi đến đảo Đá Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) vào những ngày đầu năm mới, đúng vào dịp nơi này chuẩn bị diễn ra Tết trồng cây. Mấy cậu lính trẻ đang chăm chú đào hố, một tốp khác chuẩn bị bưng cây từ vườn ươm ra khoảng đất trống gần cột mốc chủ quyền. Đôi ba gia đình người dân trên đảo, người cầm xẻng, người cầm xô nước chuẩn bị cho công tác vun đất, tưới cây. Trẻ con cũng tíu tít chạy quanh, nô đùa tươi vui như mùa xuân về.
Binh nhất Lê Văn Bảo chia sẻ: Lần đầu tiên được tham gia Tết trồng cây trên đảo, em thấy ý nghĩa vô cùng. Trước đây, ở quê nhà Quảng Ngãi, em cũng đã nhiều lần trồng cây, nhưng đất ở quê màu mỡ, xốp, khi đào lên và đặt cây xuống đã cảm nhận được cây sẽ bén rễ, tươi xanh. Thế nhưng, ở trên đảo, khi đào đất trồng cây, lại là cảm nhận sự "nhọc nhằn" của cây trong quá trình bén rễ, sinh trưởng. Mỗi cây trồng xuống sẽ đòi hỏi sự chăm sóc chu đáo, cẩn thận hơn.
Đứng cách khu vực trồng cây không xa, đưa ánh mắt nhìn về phía hàng cây với niềm vui lan toả, Thượng tá Dương Chí Nguyện, Phó Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 146; Phó Trưởng đoàn công tác xúc động kể: "Đảo Đá Tây như "ngôi nhà" thứ hai của tôi". Cách đây 6 năm, khi anh đến đây thực hiện nhiệm vụ (với cương vị là Chính trị viên phó; sau đó là Chính trị viên đảo), cả đảo hầu như được bao phủ một màu trắng san hô. Nhiều cây mang từ đất liền ra trồng đều không sống được.
Nghiên cứu mãi, cuối cùng mọi người đã quyết định cùng nhau "dựng" lên những hàng rào phi lao. Những ngày đầu chưa có kinh nghiệm, cây cứ trồng 10 thì chết đến 6-7. Anh em cán bộ, chiến sĩ thêm lo lắng, nhưng vẫn kiên trì nghiên cứu, tìm nguyên nhân. Sau khi tìm hiểu thì phát hiện, chính những ngày sóng to, gió lớn, hơi nước mặn tràn qua đảo, phủ khắp bề mặt, làm thổ nhưỡng ngày một cằn cỗi, cây chậm phát triển. Từ đó việc che chắn được thực hiện cẩn thận hơn, đất trồng được xử lý cho màu mỡ. Hồi đó nước rất hiếm, cán bộ, chiến sĩ phải rất dè sẻn khi sử dụng trong sinh hoạt. Tiết kiệm nước đã qua sử dụng, cứ 2-3 ngày, những người lính trẻ lại tưới tắm cho cây, dõi theo mỗi ngày.
Mấy tháng sau là mùa mưa, nhìn cây lớn nhanh, xanh tốt, mạnh khỏe, ai cũng vui mừng. Mỗi cây vươn lên xanh tốt, đối với người lính đảo, là niềm hạnh phúc. Bởi thế, lần trở lại đảo Đá Tây này, nhìn hàng phi lao xanh mướt, cao vời vợi, gió thổi lao xao như hát lên khúc nhạc ca oai hùng vững chãi mà những người lính từng ở đây như Thượng tá Dương Chí Nguyện cảm thấy hạnh phúc muôn phần. Một bức tường xanh vươn lên mỗi ngày nơi đầu sóng ngọn gió trở thành nỗi nhớ, là niềm tự hào của người lính, bởi đó là công sức, tâm huyết, trách nhiệm mà họ đã gieo trồng, vun xới.
Không chỉ có người lính, người dân mà ngay cả sư trụ trì chùa Đá Tây thầy Thích Nhuận Hiếu cũng là một người yêu thiên nhiên, luôn đau đáu việc nghiên cứu trồng cây gì để vừa có hoa trái cải thiện đời sống cho người dân, vừa có màu xanh phủ quanh đảo. Thầy kể chuyện, từ trước khi ra đảo, thầy đã nghiên cứu về đất nơi này. Hành trang thầy mang theo là rất nhiều hạt giống các loại cây. Hạt giống mang ra, thầy không chỉ gieo quanh khuôn viên chùa, mà còn đem tặng cho người dân trên đảo. Đến nay trên đảo Đá Tây, không chỉ có màu xanh của bàng vuông, phi lao, mà còn thêm đủ màu xanh của nhiều loài hoa và hàng loạt cây ăn trái như mít, dưa, đu đủ vàng, chuối…
Rau xanh không còn phụ thuộc nhiều vào đất liền
Có trải nghiệm những ngày xuân trên đảo mới thấy rằng, lượng rau xanh ngoài đảo gần như không còn phụ thuộc vào những chuyến tàu từ đất liền. Đó là nhờ những người lính đã quen vận dụng kinh nghiệm nhà nông và cả ứng dụng những kỹ thuật trong trồng trọt. Bộ đội Trường Sa có nhiều người là con em nông dân và họ đã linh hoạt, sáng tạo vận dụng rất hiệu quả kinh nghiệm nhà nông "Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống" để có những lứa rau thu hoạch quanh năm.
Với quân và dân trên các đảo, nguồn nước mưa rất quan trọng. Nhưng nhiều người không biết, nước mưa ngoài đại dương có chứa một lượng muối, nếu mưa thẳng xuống sẽ khiến cho rau xanh bị táp. Qua quá trình quan sát và tích lũy kinh nghiệm, cán bộ, chiến sĩ trên đảo truyền nhau "bí quyết" sử dụng nước mưa hiệu quả nhất, đó là sử dụng hồ lắng. Những hồ lắng này có thể làm bằng thùng phuy, hoặc đơn giản hơn là đào hố lót nilon. Lâu ngày, trong hồ lắng sẽ sinh ra các loại rêu, tảo, vi sinh vật trung hòa chất muối có trong nước mưa. Đây mới là nguồn nước tưới chủ yếu cho cây, nhất là các loại rau xanh ngắn hạn.
Xuất phát từ yêu cầu tạo ra nhiều đất canh tác trên quần đảo Trường Sa, Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường biển (Bộ Tư lệnh Hải quân) đang thực hiện đề tài "Cải tạo cát san hô thành đất để trồng cây" tại một số đảo. Để có đất trồng trọt, bộ đội trộn lẫn xơ dừa, mùn cưa, lá cây với cát, tạo ra đất có mùn. Nhiều loại rau đã được trồng trên nền đất này phát triển tốt hơn đất thông thường.
Chủ tịch thị trấn Trường Sa Trần Quang Phú cho biết, trong khu vực tăng gia tập trung, các loại cây được trồng thử nghiệm trên nền đất cải tạo cho kết quả khá tốt, cây sinh trưởng khỏe hơn so với khu vực trồng thông thường. Việc trồng rau cũng được các chiến sĩ điều chỉnh phù hợp địa hình từng đảo, khí hậu từng mùa. Ở các đảo có diện tích nhỏ Đá Đông, Đá Tây, An Bang… các chiến sĩ chắt chiu từng nắm đất màu từ đất liền chở ra, tận dụng cả xô, chậu, thùng nhựa, chậu xi-măng, chậu composite để ươm trồng rau xanh. Các vườn rau, khu vực tăng gia được quây kín, tránh gió biển mặn. Với công sức của bộ đội, vườn rau luôn xanh tốt.
Dẫn chúng tôi thăm vườn rau xanh quanh đảo, đồng chí Trần Quang Phú thông tin thêm, nếu như ở đất liền, mùa xuân là "Tết trồng cây" thì ở Trường Sa, trồng cây xanh, tăng gia rau xanh là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của quân dân huyện đảo và được cán bộ, chiến sĩ, người dân trên các đảo thực hiện hàng ngày. Ở đây có nhiều vườn, tổng diện tích lên tới vài trăm m2. Những loại cây rau "chiến lược" là cải, ngót, muống, cà tím, mồng tơi... Năm vừa qua, đảo Trường Sa Lớn đã thu hoạch được hàng nghìn kg, bảo đảm cơ bản rau xanh cho bữa ăn của bộ đội.
Với tầm quan trọng của việc trồng, phát triển cây xanh trên quần đảo Trường Sa, những năm gần đây, Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân có chương trình "Xanh hóa Trường Sa". Theo Đại tá Lê Đình Hải, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Trưởng đoàn công tác: Chương trình "Xanh hóa Trường Sa" có tác dụng, ý nghĩa rất lớn, đó là thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ, che chắn đảo trước điều kiện khắc nghiệt của thời tiết, tạo "nang phổi" cung cấp ô xy, bảo vệ sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ trong quá trình phục vụ công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Đây là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng để phát triển màu xanh trên quần đảo.
Trong thời gian qua, Vùng 4 Hải quân đã tự ươm gần 60.000 giống cây các loại, phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị, các địa phương đưa hàng nghìn cây ra trồng nhằm phủ xanh Trường Sa với các giống cây: Mù u, bàng vuông, bàng ta, tre, phong ba, bão táp, phi lao, nhàu… đến nay đã vươn lên xanh tốt.