Những đổi thay trong cuộc sống của đồng bào Khmer ở Sóc Trăng
Với khoảng 362.029 người Khmer sinh sống, chiếm 30,18% dân số toàn tỉnh, Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống nhiều nhất cả nước.
Đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng có mối quan hệ đồng tộc, đồng tôn và đồng văn với người Khmer Campuchia, sinh sống đan xen với dân tộc Kinh, Hoa và phân bố đều khắp trên địa bàn tỉnh, luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng và Nhà nước để sớm giảm nghèo, thoát nghèo, nâng cao dần mức hưởng thụ cả về vật chất lẫn tinh thần.
Làm giàu từ cây lúa, vật nuôi
Trở lại Sóc Trăng vào những ngày nắng nóng nhất của mùa hè 2023, theo chân một cán bộ tỉnh, chúng tôi ghé thăm mô hình chăn nuôi bò sinh sản của vợ chồng anh Danh Pho La, một hộ người Khmer sinh sống ở ấp 3, phường 5, TP Sóc Trăng, nơi có gần 90% dân số là người Khmer. Rót ấm trà mời chúng tôi, anh Danh Pho La nhanh nhảu kể chuyện, mô hình chăn nuôi bò sinh sản kết hợp nuôi bò vỗ béo mà anh đang thực hiện cho hiệu quả kinh tế cao, khoảng 500 triệu đồng mỗi năm.
Nhờ đó, gia đình anh Danh Pho La đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo, trở thành hộ khá giả của địa phương. "Điều chúng tôi mong mỏi nhất lúc này là con cái học hành giỏi giang, có kiến thức tốt để làm giàu và cống hiến cho quê hương, đất nước. Mà không chỉ gia đình tôi đâu, ở đây nhà nào cũng vậy. Từ cuối năm 2020, phường chúng tôi đã không còn hộ nghèo", anh Danh Pho La phấn khởi khoe.
Khi được hỏi về cách thức làm giàu, anh Danh Pho La kể, trước đây nhà anh nghèo, hai vợ chồng chỉ chủ yếu đi làm thuê và làm ruộng, thu nhập bấp bênh. Khi được chính quyền tuyên truyền, động viên, hướng dẫn cách thức chuyển đổi, phát triển kinh tế, anh quyết định chọn mô hình chăn nuôi trong số các mô hình sản xuất hiệu quả ở phường 5 như: trồng lúa, trồng màu, vừa kinh doanh vừa chăn nuôi...
Qua các kênh thông tin, đặc biệt được sự chia sẻ kinh nghiệm từ một số chuyên gia, cán bộ khuyến nông, anh Danh Pho La đã tìm cách chăm bò sinh sản; áp dụng khoa học kỹ thuật, cách làm chuồng trại, biện pháp trị bệnh cho bò, phối giống bò…
Nhưng muốn chuyển đổi sản xuất thì phải có tiền. Sau khi bàn bạc với vợ, anh Danh Pho La quyết định vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư đàn bò và gây giống. Số lượng đàn bò nhà anh tăng dần theo thời gian. Giai đoạn cao điểm, có lúc đàn lên tới trên 20 con. Bò đực anh nuôi vỗ béo, bán cho các đầu mối, tiểu thương; bò cái giữ lại tiếp tục nhân giống. Cứ như vậy, cuộc sống gia đình khấm khá hơn, có của ăn của để, xây được nhà khang trang...
Chịu khó vất vả, nhanh nhạy trong cách làm ăn, vận dụng tốt khoa học kỹ thuật trong sản xuất..., nhiều người dân Khmer ở Sóc Trăng đã không chỉ thoát nghèo mà còn làm giàu. Như "tỷ phú" người Khmer Lâm Se chẳng hạn.
Năm nay 64 tuổi, người đàn ông ở TP Sóc Trăng này thường được mọi người gọi đùa với biệt danh "tỷ phú từ cây lúa" bởi lẽ, chỉ với 3 nghề chính là làm ruộng, cắt lúa dịch vụ, mua rơm mà thu nhập của ông hiện giờ đã hơn 1 tỷ đồng/năm. Chia sẻ về hành trình khởi nghiệp của mình, ông Lâm Se kể, năm 1987, sau khi lập gia đình, hai vợ chồng ông ở riêng. Chăm chỉ làm ăn, tiết kiệm chi tiêu lắm cũng chỉ đủ tích lũy vốn mua được 10 công đất.
Quyết định lớn nhất làm thay đổi thu nhập trong gia đình ông xảy ra vào năm 2017 khi ông gặp một thương lái người Trà Vinh sang Sóc Trăng thu mua rơm với giá 30.000 đồng/cuộn. Khi ông hỏi về số lượng thu mua, thương lái cho biết họ thu mua không giới hạn để làm nguyên liệu trồng nấm, thức ăn cho gia súc và bón cây. Máu kinh doanh nổi lên, ông Lâm Se đã đi xe máy trên quãng đường 60km bám theo chiếc xe thu mua rơm tới tận Trà Vinh để tìm hiểu và quyết định đầu tư.
Chiếc máy cuốn rơm đầu tiên của gia đình ông Lâm Se cũng là chiếc máy cuốn rơm đầu tiên có tại Sóc Trăng với giá trị 300 triệu đồng, được mua nhờ Nghị định 68 của Chính phủ cho vay 100% không lãi suất.
Hai năm sau, ông Lâm Se mua thêm 3 chiếc máy cuốn rơm nữa để phục vụ thị trường Sóc Trăng. Đến năm 2022, gia đình ông đã có tổng cộng 6 chiếc máy với trị giá gần 2 tỷ đồng và 4 nhà kho chứa rơm có tổng diện tích trên 2.000m2. Hiện tại, không chỉ làm giàu cho bản thân, ông còn tạo việc làm và mang lại thu nhập cho 12 người dân địa phương ở mức hơn 10 triệu đồng/tháng...
Như vậy, nhờ huy động các nguồn lực, lồng ghép nhiều chương trình, dự án, tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững trong đồng bào Khmer. Ông Lý Rđha, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng cho biết: "Nhiều hộ gia đình đã biết tận dụng hiệu quả các chính sách ưu đãi, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, từ đó, tích cực đóng góp cho phong trào xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, góp phần làm thay đổi diện mạo vùng có đông đồng bào Khmer. Công tác giáo dục và đào tạo ở tỉnh cũng đã có nhiều tiến bộ, mạng lưới cơ sở giáo dục đào tạo được phát triển rộng khắp, cơ sở vật chất và năng lực đào tạo của các cơ sở từng bước được nâng cao. Công tác phòng bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân được thực hiện tốt...".
Báo cáo của UBND tỉnh Sóc Trăng cho hay, đến cuối năm 2022, toàn tỉnh giảm được 7.270 hộ nghèo (2,19%), trong đó có 3.031 hộ nghèo Khmer; giảm 3.527 hộ cận nghèo (1,07%); trong đó giảm 1.353 hộ cận nghèo Khmer. Hiện tỉnh Sóc Trăng còn 15.139 hộ nghèo (4,54%) và 26.242 hộ cận nghèo (7,87%). Chưa hết, tỉnh đã giải quyết việc làm cho 946 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo; đào tạo nghề cho 758 người thuộc hộ nghèo, cận nghèo.
Tỷ lệ hộ nghèo có nhà ở an toàn, ổn định đạt 90,67% kế hoạch; hiện có 90,66% số hộ nghèo, cận nghèo được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh; 91,39% số hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận dịch vụ internet... Đến nay, toàn tỉnh Sóc Trăng có 64/80 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 80%); trong đó có 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; ba đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; các xã đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục nâng chất lượng tiêu chí, xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Bảo tồn các giá trị văn hóa và làng nghề
Đưa chúng tôi tham quan một vòng Nhà trưng bày văn hóa Khmer trên đường Nguyễn Chí Thanh, Phường 6, TP Sóc Trăng, Phó Giám đốc Sở Văn hoá-Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Sóc Trăng Sơn Thanh Liêm khẳng định, bên cạnh phát triển kinh tế, tỉnh Sóc Trăng luôn quan tâm, bảo tồn và phát huy các nghề truyền thống của người Khmer.
"Toàn tỉnh có 2/8 di tích cấp quốc gia và 8/43 di tích cấp tỉnh của đồng bào dân tộc Khmer. Thời gian qua, ngành VHTTDL đã duy trì thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị của 8 di sản văn hoá phi vật thể, trong đó có 5 di sản văn hoá phi vật thể của đồng bào dân tộc Khmer; 2/6 nghệ nhân nhân dân, 7/14 nghệ nhân ưu tú, 7/9 nghệ sĩ ưu tú đều là người dân tộc Khmer. Đây là tài sản vô giá đã góp phần gìn giữ những nét đẹp văn hoá của đồng bào dân tộc Khmer", ông Sơn Thanh Liêm cho biết.
Cũng theo Phó Giám đốc VHTTDL tỉnh Sóc Trăng, đời sống văn hóa tinh thần của bà con Khmer được thể hiện sâu sắc, phong phú thông qua sự đa dạng của các hiện vật như: mô hình nghệ thuật sân khấu Rô băm (lấy nghệ thuật múa là ngôn ngữ đóng vai trò chính yếu, tuồng tích được rút ra từ các truyền thuyết nhuốm màu thần thoại, nổi tiếng từ xa xưa), Dù kê (thuộc thể loại kịch hát Khmer ra đời ở Đồng bằng sông Cửu Long vào khoảng những năm 1929-1930, trên cơ sở thừa hưởng từ nghệ thuật sân khấu Rô băm)…
"Sân khấu Dù kê đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian. Tổ chức Guiness Việt Nam đã trao quyết định và công nhận "Lễ hội Óoc Om Bóc - Đua ghe Ngo” Sóc Trăng có số lượng ghe ngo và vận động viên đông nhất Việt Nam từ năm 2005 đến nay. Chúng tôi cũng đang thực hiện nhiều đề án bảo tồn văn hoá Khmer", ông Sơn Thanh Liêm nhấn mạnh.
Đáng chú ý, đóng góp vào kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam, văn hóa Khmer còn phong phú, sáng tạo và đặc sắc trong lĩnh vực làng nghề truyền thống. Du khách trong nước và nước ngoài khi tới Sóc Trăng đều ấn tượng về xã Phú Tân, huyện Châu Thành, nơi có nhiều làng nghề truyền thống như: đan đát, đâm cốm dẹp, vẽ tranh trên kiếng…
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng cho hay: "Nghề đan đát là một trong những nghề lâu năm tạo ra những sản phẩm truyền thống, sử dụng không chỉ trong sinh hoạt hàng ngày mà còn phục vụ cho việc trang trí, đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường. Những sản phẩm ra đời phục vụ nhu cầu của con người muốn trở lại với tự nhiên, trở về với những vùng quê. Có thể nói, các sản phẩm của làng nghề làm ra vừa mang đậm nét truyền thống, vừa đáp ứng xu thế mới hiện nay chính là điều mới và đặc sắc của làng nghề".
Trong khi đó, tranh kính lại là loại hình nghệ thuật dân gian được người dân Nam Bộ ưa chuộng. Nếu các địa phương như Lái Thiêu (tỉnh Bình Dương), Chợ Lớn (TP Hồ Chí Minh), Chợ Mới (tỉnh An Giang) phát triển nghề vẽ tranh kính theo phong cách của người Hoa, thì tranh kính ở Sóc Trăng lại mang bản sắc văn hóa của người Khmer.
Bà Triệu Thị Vui ở ấp Phước Thuận, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng - một nghệ nhân nổi tiếng với nghề khắc tranh trên kính cho hay, nghề truyền thống này ra đời cách đây khoảng nửa thế kỷ, với những bức tranh mang đậm sắc thái văn hóa hội họa của đồng bào Khmer, được thể hiện qua từng nét vẽ chăm chút trên tấm kính trong suốt.
Do phần lớn người Khmer theo đạo Phật, vì vậy, những tác phẩm được vẽ trên kính của dân tộc Khmer thường kể về cuộc đời Đức Phật, phong cảnh làng quê, danh lam thắng cảnh hay chùa chiền. Tranh kính được các gia đình mua về để thờ tự hoặc trang trí trong nhà. Theo bà Vui, trước đây ở xã Phú Tân, gia đình nào cũng biết vẽ tranh trên kính. Đến đây, tranh kính được bà con phơi đầy trước cửa nhà. Cả xã có hơn 100 hộ dân làm nghề vẽ tranh kính, tranh được bán ở nhiều tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ.
Rõ ràng, từ nghệ thuật về trang trí, chạm khắc, hội họa, đến thể hiện đời sống tinh thần, tín ngưỡng tôn giáo của người Khmer đều là những giá trị văn hóa độc đáo. Và bảo tồn phát triển các làng nghề truyền thống là một nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển văn hóa chung của Sóc Trăng. Ông Sơn Thanh Liêm khẳng định: "Với phương hướng phát triển làng nghề truyền thống, phát triển du lịch cộng đồng, Sóc Trăng cũng đang đầu tư và bảo tồn như cốm dẹt, vẽ tranh trên kiếng, dệt chiếu… Ưu điểm của việc này là có nét văn hóa đặc sắc, thu hút nhiều khách du lịch. Các làng nghề đang trở thành điểm đến mới của khách du lịch; giúp người dân phát triển kinh tế, cải thiện đời sống từ ngành dịch vụ không khói".