Đất thiêng Thành cổ

Thứ Hai, 01/05/2023, 10:00

Cuộc chiến đấu 81 ngày đêm  trong mùa hè đỏ lửa năm 1972 bảo vệ Thành cổ Quảng Trị đã đi vào lịch sử như một huyền thoại. Chiến tranh kết thúc, hơn nửa thế kỷ hồi sinh và phát triển, Thành cổ hôm nay đã khoác lên mình màu sắc mới, yên bình và tràn đầy sức sống của một đô thị mang khát vọng hòa bình.

Thành cổ không chỉ là “chấm đỏ” trên bản đồ Việt Nam, nơi đây được cả thế giới biết đến là nỗi khát vọng và biểu tượng của hòa bình. Lật lại lịch sử 51 năm trước, hay đơn giản qua trí nhớ, hồi ức của những người lính, người dân sống qua chiến tranh trong bảo vệ Thành cổ, mảnh đất nhỏ bé chỉ vài hécta này không nơi nào là không có bom đạn.

tc3.jpg -0
Thị xã Quảng Trị đang đổi thay từng ngày.

Trong một lần về thăm lại chiến trường xưa, người cựu binh già Nguyễn Văn Hợi, nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn K3 Tam Đảo đã nói với các du khách rằng: “Các bạn hãy nhìn vào một đoạn tường thành hiếm hoi còn sót lại với chi chít vết bom lỗ đạn ở phía bên tay phải các bạn đi vào, sẽ hình dung được bao nhiêu bom đạn đã giội xuống mảnh đất nhỏ bé này. Để giữ Thành cổ, từng hạt đất, gọng cỏ nơi đây đều đã nhuốm đỏ máu của các anh hùng liệt sĩ”...  

Hòa bình, chính quyền và nhân dân thị xã Quảng Trị bắt tay vào công cuộc xây dựng, tái thiết quê hương. Ông Lê Phương Bắc, Phó Chủ tịch UBND thị xã Quảng Trị chia sẻ, trước đây xuất phát là nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp với hệ thống hạ tầng kỹ thuật thiếu thốn và lạc hậu, đến nay thị xã Quảng Trị đã phát triển mạnh mẽ, kết quả đạt được trên các lĩnh vực hàng năm vượt kế hoạch đề ra. Tỷ trọng ngành thương mại, dịch vụ, du lịch chiếm hơn 50% trong cơ cấu kinh tế, với tổng giá trị tăng 330 lần so với lúc thị xã Quảng Trị mới được tái lập (1989). Tương tự, công nghiệp chế biến nông sản, gỗ, gia công kim loại phát triển mạnh, với tổng giá trị tăng 136 lần. Sản xuất nông – lâm – thủy sản tăng đều hằng năm... Về thu ngân sách Nhà nước năm 2022 tăng 268 lần so với năm 1990. Thu nhập bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng trong năm qua, tăng gấp 2,1 lần so với năm 2015. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2015 – 2020 tăng gấp đôi giai đoạn 2010-2015...

Đặc biệt những năm gần đây, du lịch thị xã Quảng Trị đã có những bước phát triển, hình thành nên một số sản phẩm du lịch mang nét đặc trưng. Trong đó phải kể đến hoạt động du lịch về nguồn, kết nối tour, tuyến để khai thác du lịch về nguồn, du lịch hoài niệm tâm linh. Lãnh đạo UBND thị xã Quảng Trị cho hay, gắn với Đề án phát triển các sản phẩm du lịch thị xã và lễ hội Vì Hòa bình tại Quảng Trị, thời gian qua, thị xã Quảng Trị đã tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng hai sản phẩm du lịch hiện có là chương trình “Đêm hoa đăng” và “Tuyến phố đi bộ Ngô Quyền”. Đồng thời, triển khai hình thành sản phẩm du lịch mới gắn với khai thác có hiệu quả các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn và khu vực phụ cận như Thành cổ Quảng Trị, Bến thả hoa bờ Nam sông Thạch Hãn, Trường Bồ Đề, Nghĩa Trũng Đàn, Tượng đài Mai Quốc Ca, Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn, Nhà Thờ La Vang… Bên cạnh đó là việc  chú trọng hợp tác với các địa phương khác trong việc kết nối tour, tuyến, phát triển đột phá du lịch.

DB31-Đất thiêng Thành cổ -0
Thả hoa đăng trên dòng Thạch Hãn.

Cùng với mở rộng địa giới hành chính thêm phường An Đôn và xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị ưu tiên tập trung mở rộng không gian đô thị, hình thành thêm nhiều khu đô thị mới, làm cho bộ mặt đô thị ngày càng khởi sắc. Ông Nguyễn Thanh Bình, một cựu chiến binh Thành cổ, nhớ lại, ngày đầu thị xã được tái lập cách đây 34 năm hệ thống giao thông chật hẹp, chủ yếu đất cấp phối. Nhưng đến nay tất cả đều được đầu tư thảm nhựa kiên cố và mở rộng. Đặc biệt cầu Thành cổ được xây dựng đã “nối nhịp bờ vui” cho 2 bờ Nam - Bắc sông Thạch Hãn, tạo diện mạo mới cho đô thị ven sông.

Theo UBND thị xã Quảng Trị, hiện Giáo dục – Đào tạo phát triển toàn diện cả chất lượng đại trà và mũi nhọn, nằm trong top đầu của tỉnh. Nhiều học sinh của thị xã đạt giải kỳ thi sáng tạo trẻ Quốc tế, Quán quân, Á quân cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia và nhiều giải thưởng cấp Quốc gia khác.

Ông Văn Ngọc Lãm, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã Quảng Trị cho biết, thị xã Quảng Trị đặt mục tiêu xây dựng thị xã giàu đẹp, văn minh, thân thiện, nghĩa tình, phấn đấu đạt đô thị loại III, hướng đến đô thị Hòa bình. “Để đạt mục tiêu này, thị xã Quảng Trị đang tập trung thực hiện tốt công tác quy hoạch, đẩy mạnh huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch và các dịch vụ phục vụ phát triển du lịch để thị xã xứng tầm với truyền thống văn hóa, cách mạng, nơi thực hiện tốt các hoạt động lễ hội Vì Hòa bình và truyền tải, lan tỏa thông điệp Hòa bình”, ông Lãm chia sẻ.

DB31-Đất thiêng Thành cổ -0
Tuổi trẻ Công an chăm lo cho Mẹ Việt Nam Anh hùng ở Quảng Trị.

Đặc biệt, trong hàng chục năm qua, thị xã Quảng Trị còn là địa phương luôn đi đầu trong tỉnh về công tác đền ơn đáp nghĩa. Với gần 6.300 hộ dân, hơn 25.000 nhân khẩu sinh sống tại 4 phường, 1 xã trên toàn địa bàn, nhà nào cũng có một bàn thờ Tổ quốc; hết thảy công dân đều hết sức trách nhiệm chăm lo, giúp đỡ những gia đình thương binh, liệt sĩ, có công với cách mạng.

Đại tá Lê Phương Nam, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị bộc bạch, ít có nơi nào như thị xã Quảng Trị, mỗi công dân khi vừa mới biết đọc biết viết đã ý thức rất sâu sắc trong mình về trách nhiệm đối với xã hội. Đó là nhờ giáo dục về truyền thống yêu nước của chính các bậc sinh thành, những người hơn ai hết, họ thấu rõ sự hy sinh to lớn của bao lớp người trong cuộc chiến đấu vô cùng gian khổ, trường kỳ để bảo vệ quê hương khỏi giặc ngoại xâm hàng chục năm trước.

Những năm qua, Công an Quảng Trị đã tập trung đẩy mạnh công tác xóa nhà ở tạm bợ, thiếu kiên cố cho hơn 100 gia đình thuộc diện Mẹ Việt Nam Anh hùng, Thương binh, Liệt sĩ CAND và gần 70 gia đình khác có công với cách mạng trên địa bàn toàn thị xã. Cùng với việc sửa chữa, nâng cấp, xây mới nhà ở, lực lượng còn kêu gọi nhiều cá nhân, tổ chức hảo tâm trong và ngoài tỉnh giúp đỡ, hỗ trợ thêm về vật chất khác để những gia đình này có điều kiện tốt vươn lên trong cuộc sống.

Tháng Tư vào Thành cổ, mỗi bước chân đều rất khẽ. Trong không gian lặng yên ấy, lần lượt từng dòng người cúi đầu như dáng hoa lau trước Đài tưởng niệm. Tháng Tư như nhắc nhớ về một mùa hè sắp đến, nhớ về hàng ngàn người lính vượt sông Thạch Hãn, cô gái nhỏ giúp người cha già chèo đò đưa bộ đội qua sông, biết bao sinh viên đã viết thư bằng máu, gác bút nghiên để vào chiến trường Thành cổ!

“Cho tôi hôm nay vào Thành cổ/Thắp một nén nhang viếng người nằm dưới cỏ/Cỏ xanh non tơ, cỏ xanh non tơ/Xin chớ vô tình với người hy sinh/Trên mảnh đất quê mình”. Lời bài hát từ những chiếc loa phóng thanh trong khuôn viên Thành cổ ngọt ngào, êm ái như lời ru của mẹ, sâu sắc như lời dạy của cha, nhưng cũng đầy nỗi day dứt, bi hùng về một thời kỳ lịch sử, khiến du khách như không muốn rời xa…

Thanh Bình
.
.
.