Vướng vòng lao lý vì bắt giữ người trái pháp luật

Thứ Tư, 11/05/2022, 07:52

Thời gian gần đây, Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đã xử lý nhiều đối tượng liên quan đến hành vi bắt giữ người trái pháp luật. Nguyên nhân xuất phát từ những mâu thuẫn trong cuộc sống hàng ngày, các đối tượng này đã manh động, liều lĩnh nên vướng vào vòng lao lý…

Thượng tá Lê Ngọc Minh, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an TP Huế cho biết, tội phạm bắt giữ người trái pháp luật có dấu hiệu gia tăng thời gian gần đây.

Đáng lo ngại, trong phút chốc nông nổi, một số sinh viên cũng đã trở thành tội phạm này và kéo theo nhiều hệ lụy khác. Điển hình, ngày 14/3, Trần Hải Hồ Nam (SN 1996, trú xã Thủy Bằng, TP Huế) mượn xe Exciter BKS 37P1-21367 của Hoàng Đình Thái (SN 2000, trú phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), sinh viên Trường Đại học Bách khoa (ĐHBK) Đà Nẵng rồi chiếm đoạt.

bat giu.jpg -0
Nhóm đối tượng do Trần Ly làm chủ mưu bắt giữ người đang bị tạm giam tại Công an thị xã Hương Thủy.

Sau khi đến Công an phường Hòa Minh trình báo sự việc, trưa 15/3, Thái cùng bạn là Trần Hoàng Vĩ (SN 2000, sinh viên Trường ĐHBK Đà Nẵng) nghĩ ra kế hoạch giả trúng thưởng để đưa Nam vào Đà Nẵng. Lúc này, Vĩ nhắn tin cho Nam và được Nam hẹn gặp tại TP Huế. Thái rủ thêm Trần Quang Nhật (SN 1997), Đào Quang Ngọc (1988) đều trú tại TP Đà Nẵng, đi Huế.

Cả nhóm lên xe ôtô BKS 43A-41206 ra Huế và khống chế Nam chở vào Đà Nẵng với mục đích giao cho Công an phường Hòa Minh xử lý. Tuy nhiên, trên đường đi vào Đà Nẵng, khi đến Trạm thu phí Bắc Hải Vân ở thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc) thì bị lực lượng Công an thị trấn Lăng Cô, Phòng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế dừng xe, đưa về trụ sở làm việc.

Hiện tại, Cơ quan CSĐT Công an TP Huế đã khởi tố các đối tượng về hành vi bắt giữ người trái pháp luật. Hay mới đây, do mâu thuẫn trong việc nợ nần tiền bạc, Trần Ly (SN 1986), Trần Văn Bi (SN 1999) và Nguyễn Thanh Tuấn (SN 1991), cùng trú tại huyện Phú Vang, Thừa Thiên-Huế, đã có hành vi bắt giữ người trái pháp luật.

Theo cơ quan Công an, khi nạn nhân đang ngồi tại 1 quán cà phê ở thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên-Huế) thì Ly, Bi và Tuấn tìm gặp, khống chế, bắt đưa đến một quán cà phê khác ở phường Thủy Lương (thị xã Hương Thủy). Tiếp đó, các đối tượng gọi điện cho người nhà nạn nhân yêu cầu đem đến số tiền 15 triệu đồng để trả nợ rồi mới thả người ra. Ngay sau khi nhận được tin báo, lực lượng Công an thị xã Hương Thủy đã bắt giữ nhóm đối tượng và giải cứu nạn nhân.

Trước đó, Công an TP Huế cũng khởi tố vụ án, bắt tạm giam 8 đối tượng liên quan để điều tra về hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Nạn nhân là anh T.V.A.K (SN 2000, trú tại phường 1, TP Đông Hà, Quảng Trị). Theo lời khai của anh K., anh bị một nhóm thanh niên bắt giữ, đánh đập ở khu vực gần khu du lịch Về Nguồn (phường Hương Hồ, TP Huế). Nhóm đối tượng này buộc người nhà anh K. phải giao nộp 52 triệu đồng, mới thả anh K. về.

Ngay sau khi nhận được tin, Ban Chỉ huy Công an TP Huế đã chỉ đạo Đội CSHS khẩn trương vào cuộc, xác minh và qua điều tra truy xét, đã làm rõ nhóm 8 đối tượng gây án do Hồ Nhật Quốc (SN 2002 trú tại Long Hồ, Thượng 1, Hương Hồ, TP Huế) cầm đầu. Quá trình mở rộng điều tra, nhóm đối tượng khai nhận, trước đó có đặt mua ma túy của anh K. nhưng mua phải ma túy “dỏm” nên mục đích bắt giữ người là để lấy lại tiền…

Từ thực tế các vụ án cho thấy, hành vi bắt giữ người trái pháp luật xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống hàng ngày, chủ yếu là do nợ nần tiền bạc lâu ngày không trả. Đối tượng cầm đầu rủ rê thêm nhiều đối tượng khác là bạn bè, anh em trong gia đình, có hành vi sử dụng vũ lực, bắt giữ nạn nhân trong nhiều giờ đồng hồ, rồi yêu cầu nạn nhân gọi điện về nhà đưa tiền đến chuộc mới thả người.

Việc bắt giữ người trái pháp luật chủ yếu là do sự bộc phát, nóng nảy nhất thời và do thiếu hiểu biết về luật pháp dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật; các đối tượng khi bị bắt mới biết mình vi phạm pháp luật. Trung tá Phan Văn Hòa, Đội trưởng Đội CSHS Công an thị xã Hương Thủy cho rằng: Bắt giữ người trái phép là hành vi vi phạm pháp luật.

Mọi người dân không nên ngăn cản, tước đoạt sự tự do hoạt động, dịch chuyển thân thể của người khác trái với quy định của pháp luật. Mỗi khi có những mâu thuẫn không thể hòa giải, người dân không nên tự ý giải quyết bằng cách bắt giữ người mà nên trình báo cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.

Hải Lan
.
.
.