Thông tin mới nhất về vụ kiện giữa Công ty TNHH Đầu tư SATO và Công ty TNHH Bay Water:

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao ra “Quyết định Kháng nghị Giám đốc thẩm”, hủy Quyết định phúc thẩm

Thứ Tư, 13/04/2022, 06:06

Xung quanh sự việc Công ty TNHH Đầu tư SATO (viết tắt là Công ty SATO) khởi kiện nhà đầu tư nước ngoài là Công ty TNHH Bay Water và đã thắng kiện ở phiên toà sơ thẩm được xét xử vào tháng 8/2020, Báo CAND đã có bài phản ánh.

Đến tháng 1/2021, phiên tòa phúc thẩm do Tòa án nhân dân (TAND) cấp cao tại TP Hồ Chí Minh xét xử lại tuyên bố Công ty TNHH Bay Water thắng kiện. Sau hơn 1 năm kể từ khi có quyết định phúc thẩm, ngày 28/3/2022, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã có “Quyết định Kháng nghị Giám đốc thẩm” đối với Quyết định phúc thẩm giải quyết vụ việc này của TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh.

“Quyết định Kháng nghị Giám đốc thẩm” nhận định, theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số 0312137063, đăng ký thay đổi lần thứ 10 ngày 12/8/2016 của Phòng Đăng ký Kinh doanh Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh thì Công ty Bay Water có số vốn điều lệ 1.019 tỷ đồng, gồm có hai thành viên góp vốn: Công ty Sun Wah góp 917,1 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 90% và Công ty SATO góp 101,9 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 10%.

ảnh sato.jpg -0
Quyết định Kháng nghị Giám đốc thẩm về vụ việc này của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao.

Ngày 10/5/2016, Công ty Bay Water đã ban hành Điều lệ được 2 thành viên góp vốn là Công ty Sun Wah và Công ty SATO xác nhận. Trong đó có nội dung (được quy định tại khoản 3 Điều 23 của Điều lệ): “Các vấn đề sau đòi hỏi phải có sự chấp thuận của tất cả thành viên hội đồng: Bất kỳ sửa đổi nào đối với Điều lệ này; các điều khoản và điều kiện (kế cả mức lãi suất) không dựa trên cơ sở kinh doanh công bằng, khách quan của vốn vay hoặc bất kỳ sự tăng hoặc giảm vốn vay và/hoặc vốn Điều lệ...".

Tháng 9/2019, Công ty Bay Water muốn sửa đổi, bổ sung Điều lệ nên đã tổ chức họp hội đồng thành viên (HĐTV) ngày 3/9/2019. Tại cuộc họp, thành viên chiếm 90% vốn Điều lệ là Công ty Sun Wah nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ; thành viên chiếm 10% vốn Điều lệ là Công ty SATO không nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ. Căn cứ kết quả cuộc họp, cùng ngày, Công ty Bay Water ban hành Nghị quyết của HĐTV số 05/2019/NQ-HĐTV (gọi tắt là Nghị quyết số 05) thông qua việc sửa đổi Điều lệ công ty, cụ thể sửa đổi 10 điều khoản, trong đó có việc sửa đổi, bổ sung Điều 23 như sau: “Quyết định của HĐTV được thông qua tại cuộc họp nếu được chấp thuận bởi các thành viên hội đồng được chỉ định bởi các thành viên nắm giữ số cổ phiếu đại diện ít nhất tám mươi phần trăm (80%) vốn Điều lệ; Quyết định của Hội đồng có thể được thông qua dưới hình thức lấy ý kiến chấp thuận bằng văn bản đã được ký của các thành viên Hội đồng được chỉ định bởi các thành viên nắm giữ số cổ phần đại diện cho các thành viên nắm giữ số cổ phiếu đại diện ít nhất tám mươi phần trăm (80%) vốn Điều lệ”.

Lý do, Công ty Sun Wah và Công ty Bay Water cho rằng, cần phải sửa đổi, bổ sung Điều lệ để ổn định việc xây dựng, chủ động về tiến độ giải ngân đầu tư dự án, bảo đảm việc bàn giao căn hộ đúng tiến độ cho khách hàng và do trước đó, thành viên góp vốn là Công ty Sato cản trở, gây khó khăn cho Ban giám đốc, Ban điều hành của Công ty làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình vay và huy động vốn. Nếu Công ty SATO bỏ phiếu không tán thành đối với quyết định của HĐTV về việc sửa đổi, bổ sung các nội dung trong Điều lệ công ty liên quan đến quyền và nghĩa vụ của thành viên thì Công ty SATO được quyền chào bán cho Công ty Sun Wah phần vốn góp của mình. Trong khi đó, Công ty SATO không đồng ý sửa đổi Điều lệ vì những nội dung sửa đổi, bổ sung đã loại bỏ quyền quyết định của Công ty SATO đối với các vấn đề quan trọng của Công ty Bay Water.

Do việc Công ty Bay Water thông qua Nghị quyết số 05 đã phát sinh mâu thuẫn, Công ty SATO làm đơn yêu cầu Tòa án hủy Nghị quyết số 05 này.

Tại Quyết định sơ thẩm ngày 17/8/2020, TAND TP Hồ Chí Minh quyết định Công ty SATO thắng kiện, hủy Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTV ngày 3/9/2019 của HĐTV Công ty TNHH Bay Water.

Tuy nhiên, tại Quyết định phúc thẩm ngày 08/01/2021 của TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh tuyên: Chấp nhận kháng cáo của Công ty Sun Wah Việt Nam Real Estate (Dl) Limited và kháng cáo của Công ty TNHH Bay Water; Sửa Quyết định sơ thẩm giải quyết việc dân sự số 1257/2020/QDST-KDTM ngày 17/8/2020 của TAND TP Hồ Chí Minh; Không chấp nhận đơn yêu cầu của Công ty SATO về việc yêu cầu hủy Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTV ngày 3/9/2019 của HĐTV Công ty TNHH Bay Water.

Sau khi xem xét, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng, Quyết định phúc thẩm số 03/2021/QĐPT-KDTM ngày 8/1/2021 của TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh sửa Quyết định sơ thẩm số 1257/2020/QĐST-KDTM, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty SATO về việc hủy Nghị quyết số 05 là không có căn cứ, bởi lẽ:

Thứ nhất, Nghị quyết số 05 và phụ lục kèm theo vi phạm khoản 3 Điều 23 Điều lệ Công ty Bay Water ngày 10/5/2016. Nghị quyết số 05 và phụ lục kèm theo không có giá trị do không được sự chấp thuận của tất cả thành viên góp vốn nên không đạt tỷ lệ 100% số thành viên góp vốn tán thành.

Thứ hai, việc Công ty Bay Water thông qua Nghị quyết số 05 có nội dung loại bỏ chính khoản 3 Điều 23 là xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi của Công ty SATO, loại bỏ quyền quyết định của Công ty SATO đối với các vấn đề quan trọng của Công ty Bay Water. Ngoài ra, Nghị quyết này cũng sửa đổi, bổ sung 9 điều khác, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty SATO, nên Công ty SATO không tán thành là có lý do chính đáng.

Thứ ba, Quyết định phúc thẩm cho rằng: “khoản 1 Điều 10 và khoản 3 Điều 23 Điều lệ công ty ngày 10/5/2016 là mâu thuẫn và không thể áp dụng để làm căn cứ xem xét yêu cầu của đương sự” là không đúng, bởi vì:

Khoản 1 Điều 10 Điều lệ công ty quy định: “Thành viên có quyền chào bán cho công ty phần vốn góp của mình nếu thành viên đó bỏ phiếu không tán thành đối với quy định của HĐTV về sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty...”. Theo quy định này, Công ty SATO có quyền chứ không có nghĩa vụ bắt buộc phải chào bán phần vốn góp. Quy định này không trái với Điều 52 Luật Doanh nghiệp năm 2014 (tương ứng Điều 51 Luật Doanh nghiệp năm 2020).

Việc Quyết định phúc thẩm nhận định: “Công ty Sun Wah góp vốn 90% trên tổng số vốn Điều lệ Công ty Bay Water là lớn hơn quy định 75% vốn góp nên có quyền biểu quyết thông qua việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty theo quy định tại khoản 3 Điều 60 Luật Doanh nghiệp năm 2014” là không có căn cứ.

Thứ tư, Quyết định phúc thẩm nhận định: Công ty SATO nhiều lần không tán thành Nghị quyết của HĐTV nhưng không nêu được lý do là không đúng với hồ sơ vụ việc và không khách quan, vi phạm Điều 93 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015. Hồ sơ thể hiện, Công ty SATO cho rằng không được tiếp cận báo cáo tài chính của Công ty Bay Water, không được cung cấp đầy đủ các thông tin trước khi tổ chức các cuộc họp HĐTV nên không có cơ sở để đưa ra các ý kiến, quan điểm cũng như việc biểu quyết các nội dung họp HĐTV.

Như vậy, Quyết định sơ thẩm giải quyết việc dân sự số 1257/2020/QĐST- KDTM ngày 17/8/2020 của TAND TP Hồ Chí Minh chấp nhận yêu cầu của Công ty SATO hủy Nghị quyết số 05 là có căn cứ, vì Nghị quyết này chỉ có một trên hai thành viên góp vốn tán thành, tỉ lệ vốn biểu quyết 90% tán thành là không đạt tỷ lệ 100% theo khoản 3 Điều 23 Điều lệ Công ty Bay Water đang có hiệu lực thi hành. Điều lệ này không trái với Điều 60 Luật Doanh nghiệp năm 2014 (tương ứng Điều 59 Luật Doanh nghiệp năm 2020).

Từ những phân tích trên, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã quyết định “Kháng nghị Giám đốc thẩm” đối với Quyết định phúc thẩm giải quyết việc dân sự số 03/2021/QĐPT-KDTM ngày 8/1/2021 của TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh. Đồng thời, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao xét xử giám đốc thẩm, hủy Quyết định phúc thẩm; giữ nguyên Quyết định sơ thẩm giải quyết việc dân sự số 1257/2020/QĐST-KDTM ngày 17/8/2020 của TAND TP Hồ Chí Minh. Tạm đình chỉ thi hành Quyết định phúc thẩm giải quyết việc dân sự số 03/2021/QĐPT-KDTM ngày 8/1/2021 của TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh cho đến khi có Quyết định Giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao.

Nhóm PV Pháp luật
.
.
.