Siết chặt quản lý, chống “chảy máu” tài nguyên (kỳ 2)
Lực lượng CSGT đường thủy hiện nay khá mỏng so với yêu cầu quản lý cũng như địa bàn phụ trách. Các cơ quan chức năng, quản lý Nhà nước cần tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát; tránh tình trạng “chảy máu” tài nguyên.
Tinh vi các thủ đoạn vi phạm
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay chỉ tính riêng Đội Cảnh sát đường thủy số 1, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội đang quản lý 106km đường sông Hồng, đi qua 47 xã, phường, thị trấn thuộc 7 quận, huyện, thị xã thuộc địa bàn TP Hà Nội. Tổng chiều dài giáp ranh trên cả 2 tuyến sông giữa TP Hà Nội với các tỉnh lân cận là 77km (trong đó, sông Đà có 32,5km; sông Hồng có 44,5km). Cũng trên các tuyến này có 8 doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát tại các bãi nổi ven sông Hồng thuộc địa bàn thành phố Hà Nội, trong đó có 1 mỏ đã hết hạn và không hoạt động; 3 mỏ không hoạt động và 4 mỏ đang hoạt động.
Ngoài ra, trên tuyến sông Đà, sông Hồng thuộc các tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc giáp ranh với các huyện Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ thuộc TP Hà Nội hiện có 14 mỏ cát được UBND các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc được cấp phép khai thác. Có thể nói việc có quá nhiều mỏ cát được cấp phép khai thác, thậm chí là vị trí các mỏ quá gần nhau đã và đang gây ra những vấn đề phức tạp về trật tự ATGT và TTXH cũng như tình hình khai thác cát trái phép ở khu vực giáp ranh với TP Hà Nội.
Trung tá Đỗ Trọng Tuân, Đội trưởng Đội Cảnh sát đường thủy số 2, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cũng cho biết: Các đối tượng khai thác cát trái phép thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động, không có quy luật cụ thể, chủ yếu vào thời điểm đêm khuya, gần sáng, khi thời tiết mưa, gió. Những hoạt động lưu động, khai thác ở các địa điểm xa trụ sở đơn vị, vắng vẻ, khó tiếp cận cả bằng đường thủy lẫn đường bộ. Tại các địa bàn giáp ranh với tỉnh lân cận và các khu vực có các mỏ hoạt động khai thác cát, các đối tượng thường sử dụng các phương tiện, thiết bị khai thác cát có công suất lớn để rút ngắn thời gian khai thác.
Có trường hợp khai thác chỉ trong khoảng 15-20 phút. Đồng thời, các đối tượng thường bố trí người có kinh nghiệm sông nước, thông thuộc địa bàn cả dưới sông và trên bờ, cũng như tại các khu vực khai thác để cảnh giới lực lượng chức năng khi làm nhiệm vụ. Ngoài ra, các đối tượng còn đe dọa trả thù các chủ phương tiện được lực lượng chức năng thuê, trưng dụng phương tiện để phục vụ công tác đấu tranh, xử lý đối với hoạt động khai thác cát trái phép.
Siết chặt cấp phép, quản lý bến bãi
Thượng tá Đỗ Văn Chuẩn, Phó trưởng Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết: Mặc dù các đối tượng dùng mọi thủ đoạn để che giấu, qua mắt và trốn tránh sự phát hiện, kiểm tra, bắt giữ của cơ quan chức năng, nhưng lực lượng Cảnh sát đường thủy đã sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để nắm tình hình, phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, không để hình thành các điểm nóng, phức tạp. Thời gian trước đây, đơn vị bố trí tuần tra lưu động phòng ngừa, bắt giữ các đối tượng khai thác cát trái phép và đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, do các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động nên đơn vị cũng đã tập trung theo dõi, nắm tình hình, nghiên cứu và thay đổi phương pháp, biện pháp để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, bắt giữ, xử lý theo quy định của pháp luật, như trinh sát, mật phục.
Những biện pháp mạnh, linh hoạt và chủ động này của đơn vị đã phát huy hiệu quả tích cực. Cụ thể, trong 11 tháng đầu năm 2022, Đội Cảnh sát đường thủy số 1 đã phối hợp và trực tiếp phát hiện bắt giữ tổng số 26 phương tiện liên quan đến hoạt động khai thác cát trái phép. Đơn vị đã lập hồ sơ, đề xuất cấp có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 14 đối tượng; tịch thu 1 phương tiện thủy và 797,2m3 cát; chuyển hồ sơ 1 đối tượng đến Phòng Cảnh sát Hình sự để tiếp tục điều tra theo chỉ đạo của Giám đốc Công an TP Hà Nội. Cùng với đó, hiện đơn vị đang tiếp tục xác minh, đề xuất cấp có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các cá nhân vi phạm của 4 vụ, 5 phương tiện.
Còn tại Đội Cảnh sát đường thủy số 2, trong 11 tháng của năm 2022, đơn vị đã trực tiếp bắt giữ, phối hợp với Phòng 1, Cục CSGT, Công an huyện Thanh Trì phát hiện bắt giữ 3 vụ, 4 phương tiện có hành vi khai thác cát trái phép tại sông Hồng. Đơn vị tiếp nhận bàn giao của Công an tỉnh Hưng Yên 1 hồ sơ xử phạt vi phạm về hành vi khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép. Riêng Đội Cảnh sát đường thủy số 1, trong 11 tháng của năm 2022, Đội Cảnh sát đường thủy số 1 còn phối hợp với Công an các quận, huyện, thị xã trên địa bàn bắt giữ 15 vụ phạm pháp hình sự với 18 đối tượng (trong đó 14 vụ tàng trữ trái phép chất ma túy, 17 đối tượng; 1 vụ tàng trữ, vận chuyển trái phép pháo nổ, 1 đối tượng).
Đầu tháng 9 vừa qua, UBND TP Hà Nội ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND của Chủ tịch UBND thành phố về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển tiêu thụ khoáng sản (cát, sỏi) trên địa bàn. Theo đó, UBND TP Hà Nội đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu UBND thành phố về quy hoạch sử dụng cát, sỏi trên địa bàn TP Hà Nội bảo đảm phù hợp với các tiêu chí về điều kiện hoạt động của bãi chứa trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông. Chủ trì đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các sở, ngành và UBND cấp huyện thực hiện phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn thành phố; xây dựng phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng đối với từng loại khoáng sản, đặc biệt với khoáng sản là cát, sỏi.
Cùng với lực lượng CSGT, các đơn vị cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản của các tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác khoáng sản (cát, sỏi) trên địa bàn thành phố; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Nâng cao trách nhiệm, chất lượng thẩm định, tham mưu UBND thành phố cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản (cát, sỏi) bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã tham mưu UBND thành phố tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản (cát, sỏi); đấu giá khối lượng cát thu được từ các dự án duy tu, nạo vét luồng thuộc vùng nước đường thủy nội địa; đấu giá đối với các bến bãi hoạt động kinh doanh, trung chuyển vật liệu xây dựng... tăng nguồn thu cho ngân sách thành phố.