Rủi ro và hệ lụy từ xuất cảnh trái phép
Với hàng trăm kilomet đường biên giới giáp với nước bạn Trung Quốc, trong thời gian qua Công an tỉnh Lai Châu đã triển khai nhiều biện pháp đảm bảo an ninh Quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, trong đó có nhiệm vụ phòng, chống tội phạm mua bán người, xuất nhập cảnh trái phép.
Thời gian qua, tình trạng công dân Việt Nam xuất, nhập cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động làm thuê bất hợp pháp có những diễn biến phức tạp. Hành vi xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc của những đối tượng này đã gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự của địa phương và vi phạm pháp luật về xuất - nhập cảnh. Dưới sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt và hiệu quả của Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh, các đơn vị nghiệp vụ của Công an tỉnh Lai Châu trong đó nòng cốt là lực lượng Công an xã đã tăng cường tuyên truyền đến người dân nắm, hiểu những thủ đoạn của các đối tượng tội phạm. Đồng thời không tin, nghe theo lời dụ dỗ, hứa hẹn để xuất cảnh trái phép.
Bên cạnh đó, lực lượng Công an tỉnh Lai Châu còn tăng cường các biện pháp đấu tranh, phòng, chống hệ, loại tội phạm này.Thống kê của Công an tỉnh Lai Châu cho thấy, từ năm 2020 đến nay, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Lai Châu đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn 121 lượt công dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc với mục đích lao động, làm thuê.
Đại tá Tao Văn Trường, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu cho biết: Chỉ tính riêng từ năm 2020 đến tháng 8/2022, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Lai Châu đã khởi tố 8 vụ án, 24 bị can liên quan đến các tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài; Tổ chức cho người xuất - nhập cảnh trái phép”. Ngoài việc xử lý theo quy định của pháp luật, những người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc còn phải trực tiếp đối mặt với nhiều rủi ro luôn rình rập khác như có thể bị các cơ quan quản lý địa bàn phía Trung Quốc bắt giữ xử lý, vây đuổi, trục xuất, phạt tiền, cải tạo lao động...
Đại tá Trần Văn Thành, Trưởng phòng An ninh điều tra, Công an tỉnh Lai Châu cho biết: Nếu như chưa bị chính quyền sở tại phía Trung Quốc phát hiện, xử lý, thì những người xuất cảnh trái phép cũng phải đối mặt với rất nhiều hệ lụy, nguy cơ. Người lao động xuất cảnh trái phép bị chủ sử dụng lao động không trả lương hoặc tìm mọi thủ đoạn để “xù nợ” như báo Công an, Biên phòng Trung Quốc vây đuổi, truy bắt người lao động “chui” để trục xuất về nước, hoặc dùng chiêu bài sau 6 - 8 tháng mới trả lương một lần và gần tới ngày trả lương thì gọi điện trình báo cơ quan chức năng của Trung Quốc bắt, xử lý để không phải trả tiền lương cho người lao động. Vụ án đối tượng Tẩn Phủ Tông (SN 1967, trú tại bản Lả Nhì Thàng, xã Sì Lở Lầu, Phong Thổ, Lai Châu) tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài là một ví dụ điển hình.
Đối tượng Tẩn Phủ Tông đã tổ chức 2 đợt đưa 42 người ở các xã Sì Lở Lầu, Mồ Sì San, Vàng Ma Chải, Bản Lang thuộc huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu lội suối, vượt biên trái phép qua đường mòn tại khu vực mốc 71, thuộc xã Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu sang Trung Quốc để ở lại lao động bất hợp pháp, trốn tránh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng Việt Nam và Trung Quốc. Đợt 1, Tẩn Phủ Tông tổ chức đưa 16 người trú tại bản Lả Nhì Thàng, xã Sì Lở Lầu, đợt 2 tổ chức đưa 26 người ở huyện Phong Thổ xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. Ngày 12/5/2021, Tòa án nhân dân tỉnh Lai Châu đã xét xử, tuyên phạt bị cáo Tẩn Phủ Tông mức án 11 năm tù về tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép theo điểm a khoản 3 điểu 349 Bộ luật Hình sự.
Bên cạnh đó, những người lao động từ Việt Nam sang Trung Quốc thường bị các chủ sử dụng lao động quản lý rất khắt khe về giờ giấc, chất lượng công việc cũng như “vắt” kiệt sức lao động nhưng điều kiện sinh hoạt lại rất khó khăn, thiếu thốn. Họ phải ngủ trong những lán trại tuềnh toàng, rách nát, mưa gió rét trên những đồi núi cao, ít người qua lại, hằng ngày ăn những thức ăn thiếu dinh dưỡng. Khi xảy ra ốm đau, tai nạn lao động, thai sản… gần như họ phải tự lo, thậm chí còn bị hắt hủi, lăng mạ...
Hầu hết những trường hợp lao động xuất cảnh trái phép đi làm thuê nhưng quá trình làm việc tại nước ngoài chẳng khác gì bị giam lỏng, phải trốn chui, trốn lủi trong rừng. Khi lực lượng chức năng của Trung Quốc tiến hành các đợt truy quét, họ phải “cuốn gói” bỏ chạy vào rừng nếu như không muốn bị bắt giữ, xử lý.
Đối với những lao động là phụ nữ thì nguy cơ và hệ lụy còn gấp nhiều lần so với lao động nam giới. Đã có không ít phụ nữ trở thành nạn nhân của nạn mua bán người làm gái mại dâm. Họ bị các đối tượng buôn người lừa bán, đưa vào các động mại dâm trá hình. Cuộc sống trong những động mại dâm này không khác gì ngục tù, tận đáy của sự bóc lột, trà đạp nhân phẩm, sức khỏe. Do xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc nên những người lao động đã gặp phải không ít những bất lợi, rủi ro về tài sản cũng như tính mạng, bởi chính họ sẽ không được chính quyền và các cơ quan chức năng sở tại bảo hộ, không được hưởng bất kỳ chế độ, chính sách nào…
Nhận diện phương thức, thủ đoạn của các đối tượng tội phạm mua bán người, lãnh đạo Phòng An ninh Điều tra, Công an tỉnh Lai Châu cho biết: Các đối tượng tội phạm thường sử dụng những website và các trang mạng xã hội Facebook, Zalo… để quảng bá, vẽ ra một viễn cảnh vô cùng tốt đẹp, một nơi làm việc lý tưởng, uy tín với mức lương cao để dụ dỗ người lao động tin và nghe theo. Sau đó, các đối tượng nêu những khó khăn, vướng mắc cũng như thủ tục khi làm hồ sơ xuất cảnh nên đã yêu cầu người lao động nộp tiền để đối tượng đưa đón, dẫn đường qua các đường tiểu ngạch dọc biên giới Việt Nam - Trung Quốc để xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc rồi bỏ mặc.
Các đối tượng buôn bán người cũng lợi dụng sự thiếu hiểu biết về pháp luật, tình trạng nghèo khó của những người dân không có việc làm ổn định, nhất là các thanh thiếu niên mới lớn muốn có việc làm nhàn hạ và hưởng lương cao… để mồi chài xuất cảnh trái phép. “Người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, không tin và nghe theo đối tượng xấu dụ dỗ, lôi kéo xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc.
Đặc biệt, nếu phát hiện những website và các trang mạng xã hội Facebook, Zalo… tung quảng cáo, liên hệ về việc tuyển lao động sang Trung Quốc lương cao, công việc nhẹ, chi phí đi lại thấp và không có địa chỉ rõ ràng, nhất là đi qua các đường tiểu ngạch cũng như các đối tượng có biểu hiện dụ dỗ, lôi kéo người sang Trung Quốc trái phép đề nghị người dân khẩn trương báo cho lực lượng Công an xã, Đồn Biên phòng hoặc chính quyền địa phương nơi gần nhất để có biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời” - Đại tá Trần Văn Thành khuyến cáo.