Phối hợp đánh án mua bán người từ đường biên giới vào nội địa

Thứ Sáu, 03/03/2023, 06:49

Trong những năm qua, lực lượng phòng, chống ma tuý và tội phạm, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) và lực lượng Công an đã phối hợp chặt chẽ trong công tác đấu tranh, ngăn chặn tội phạm mua bán người (MBN). Từ đó, đã tạo thành thế liên hoàn trong công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm ở khu vực biên giới và trong nội địa…

Một trong những chuyên án nổi bật, ghi dấu ấn điển hình về công tác phối hợp giữa lực lượng Công an và Biên phòng trong năm 2022 là việc triệt phá thành công đường dây MBN do Trần Quang Quyết (SN 2002, ở tại thôn 7, xã Ia Dal, huyện Ia HDrai, tỉnh Kon Tum) điều hành.

Trước đó, qua công tác nghiệp vụ và nguồn tin tố giác tội phạm của quần chúng, ngày 23/6/2022, Đồn Biên phòng IaO, BĐBP tỉnh Gia Lai có thông tin vào ngày 19/6/2022, có 7 công dân gồm Puih Đại, Puih Môi, Puih Phú, Ksor Jối, Puih Chiêu; Puih Thái, K Gun (cùng trú tại xã Ia O, huyện Ia Grai) bị các đối tượng lừa gạt, tổ chức xuất cảnh trái phép sang Campuchia. Sau đó, các nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong các sòng bài, muốn về Việt Nam thì phải nộp tiền chuộc từ 120 đến 150 triệu đồng. Nếu không có tiền chuộc sẽ bị bán cho các công ty khác… Xét thấy có dấu hiệu lợi dụng hoạt động tuyển dụng lao động để MBN, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo Phòng phòng chống ma tuý và Tội phạm, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Gia Lai phối hợp với Đồn Biên phòng Ia O và các lực lượng chức năng tiến hành các biện pháp thu thập, điều tra, xác minh, kết luận vụ việc.

Quá trình điều tra, xác định Trần Văn Quyết là “mắt xích” hết sức quan trọng trong đường dây mua bán người, ban chuyên án đã chỉ đạo lực lượng nghiệp vụ phối hợp với BĐBP tỉnh Kon Tum gặp gỡ, vận động bố đẻ của Quyết ra đầu thú. Ngày 29/6/2022, Quyết đã đến Đồn Biên phòng Ia O, BĐBP tỉnh Gia Lai trình báo và đấu thú về hành vi phạm tội.

Quá trình đấu tranh, Quyết khai nhận: Ngày 20/11/2021, Quyết từ Kon Tum vào TP Hồ Chí Minh và lên tỉnh Tây Ninh xuất cảnh trái phép sang Campuchia để làm “Sale Game” cho một casino ở Campuchia đối diện với Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài/ Tây Ninh. Quá trình làm việc được khoảng 1 tháng, Quyết vi phạm quy định của công ty. Vì thế, Quyết đã mượn điện thoại gọi về cho gia đình gửi tiền để nộp tiền chuộc. Ngày 28/12/2021, khi nộp đủ tiền chuộc, Quyết được thả và trở về nhà tại thôn 7, xã Ia Dal. Sau khi ăn Tết Nhâm Dần (2022) cùng gia đình, Quyết tiếp tục vào TP Hồ Chí Minh để tìm việc làm nhưng không có việc làm ổn định. Đến khoảng đầu tháng 4/2022, Quyết liên lạc với một người ứng dụng Zalo có tên là “Linh Đặng” để nhờ đưa Quyết sang Campuchia làm nhân viên tại casino. Quyết làm được khoảng 2 tháng thì có một người tên Phương, không rõ nhân thân đã nói với Quyết nếu tuyển được lao động thì sẽ được trả công 700 USD/người. Vì hám lời, Quyết đã đồng ý. Sau khi liên lạc và được gia đình gửi tiền nộp phạt, Quyết trở lại Việt Nam tích cực sử dụng mạng xã hội để lừa đảo, tuyển mộ người lao động… và đã lừa đưa trót lọt 7 người sang biên giới.

Ban chuyên án đã chủ động cung cấp các nội dung và phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Công an tỉnh Gia Lai tiến hành điều tra, xác minh, củng cố tài liệu, chứng cứ, chứng minh hành vi phạm tội của Trần Quang Quyết và các đối tượng liên quan đến đường dây MBN từ Gia Lai sang Campuchia. Sau khi tiếp nhận bàn giao đối tượng, củng cố hồ sơ, vật chứng vụ án, Phòng CSĐT Công an tỉnh Gia Lai đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Trần Quang Quyết và tiến hành các hoạt động tố tụng theo luật định. Ngoài ra, trong quá trình khám phá chuyên án trên, BĐBP tỉnh Gia Lai đã phối hợp với Công an huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An bắt giữ Phan Ngọc Đức (SN 1990, trú tại huyện Quỳ Châu), di lý về Gia Lai để tiếp tục đấu tranh…

Đó chỉ là một trong các chuyên án phối hợp thành công giữa lực lượng Công an và Bộ đội Biên phòng trong thời gian qua. Nhấn mạnh ý nghĩa của việc phối hợp, lãnh đạo Cục Phòng, chống ma tuý và tội phạm BĐBP cho biết: Hiện nay, đối tượng phạm tội đa dạng, có sự câu kết giữa các đối tượng trong và ngoài nước, hình thành đường dây MBN xuyên quốc gia với phương thức, thủ đoạn tinh vi.

Vì vậy, công tác đấu tranh chống tội phạm MBN ở khu vực biên giới và nội địa phải là thế trận thống nhất, liên hoàn giữa các lực lượng chức năng, đó là một tất yếu khách quan.

a.jpg -0
Lực lượng Công an và BĐBP Hải Phòng lấy lời khai của đối tượng Ngô Văn Tuấn.

Nhận thức rõ tính tất yếu và tầm quan trọng của công tác phối hợp; trên cơ sở Nghị định số 03/2019/NĐ-CP ngày 5/9/2019 về phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng, ngày 28/12/2020, Cục Cảnh sát hình sự (CSHS), Bộ Công an và Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm (PCMT&TP), Bộ Tư lệnh BĐBP phòng ký Kế hoạch số 1326/KHPH về phối hợp phòng, chống tội phạm MBN. Theo đó, lực lượng lực lượng Cảnh sát hình sự và lực lượng PCMT&TP, BĐBP đã tăng cường công tác phối hợp trên các lĩnh vực: Tham mưu chỉ đạo, trao đổi thông tin tội phạm MBN định kỳ và đột xuất; phối hợp triển khai công tác phòng ngừa, đấu tranh, điều tra, xử lý tội phạm MBN và phối hợp trong công tác tập huấn, hội nghị, hội thảo... Công tác phối hợp giữa lực lượng PCMT & TP, BĐBP và lực lượng CSHS vừa đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, đồng thời cũng là trách nhiệm của hai lực lượng trong việc tạo thế trận khép kín phòng, chống tội phạm MBN.

Trong quá trình phối hợp đấu tranh chống tội phạm MBN, công tác chỉ huy, chỉ đạo của hai lực lượng được tiến hành thường xuyên và xuyên suốt; qua công tác phối hợp, nhận thức của CBCS cả hai lực lượng về mối hệ phối hợp được nâng lên. Trên cơ sở quy chế, kế hoạch phối hợp, hai lực lượng đã tích cực trao đổi thông tin, tình hình về hoạt động của tội phạm hình sự nói chung, tội phạm MBN nói riêng, nhất là các thủ đoạn mới của tội phạm MBN được các đơn vị tiến hành thường xuyên, từ cấp Cục đến cấp cơ sở; hình thức trao đổi theo định kỳ, đột xuất hoặc thông qua giao ban 3 lực lượng: Công an, Quân Sự, Biên phòng (theo Nghị định số 03/2019/NĐ-CP ngày 5/9/2019 của Chính phủ). Đặc biệt, hình thức trao đổi thông tin được vận dung linh hoạt, đảm bảo nhanh chóng, kịp thời. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ tích cực về nghiệp vụ đã phát huy hiệu quả và tính năng động sáng tạo của mỗi lực lượng trong phòng ngừa, phát hiện, điều tra khám phá tội phạm và truy bắt, truy tìm đối tượng; phối hợp tích cực trong công tác tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân tại các vùng biên giới cũng như tại các địa bàn, tuyến phức tạp, góp phần nâng cao hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống tội phạm MBN, ổn định an ninh trật tự tại các địa bàn biên giới, cửa khẩu.

Từ năm 2021 đến nay, các đơn vị đã trao đổi hơn 320 thông tin liên quan đến tình hình hoạt động của tội phạm MBN, điều tra, xử lý tội phạm và giải cứu nạn nhân trên các tuyến biên giới và nội địa. Trong đó, có 16 thông tin liên quan đến nạn nhân cư trú trong nội địa do BĐBP cung cấp đến các đơn vị Công an và 8 thông tin liên quan đến nạn nhân ở khu vực biên giới do Công an cung cấp cho BĐBP giúp các đơn vị triệt phá thành công 3 chuyên án và 5 vụ án MBN… Ngoài ra, còn phối hợp với các địa phương đấu tranh 12 chuyên án, 6 vụ án MBN, bắt giữ 22 đối tượng phạm tội và giải cứu 26 nạn nhân trong các chuyên án, vụ án.

Những kết quả trên là minh chứng cho thấy, lực lượng PCMT&TP, Bộ đội Biên phòng và lực lượng CSHS đã có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm MBN ở khu vực biên giới và các tỉnh nội địa. Công tác phối hợp đã góp phần kiềm chế sự gia tăng của tội phạm. Tuy mỗi lực lượng có nhiệm vụ riêng, nhưng đều có chung mục tiêu phát hiện, ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả hoạt động của tội phạm MBN. Do vậy, công tác phối hợp giữa hai lực lượng là tất yếu khách quan, quan trọng và cấp bách. Để đấu tranh ngăn chặn tội phạm MBN có hiệu quả phải tiến hành công tác phối hợp đấu tranh một cách liên hoàn, thống nhất, toàn diện, đa dạng và chặt chẽ trên nhiều tuyến, nhiều địa bàn ở cả nội địa và khu vực biên giới.

Đặc biệt, trong thời gian tới, công tác phối hợp giữa lực lượng PCMT&TP, BĐBP và lực lượng Cảnh sát hình sự Bộ Công an sẽ tiếp tục chặt chẽ hơn nữa.

Xuân Mai
.
.
.