Phá án xuất, nhập cảnh trái phép giữa đại dịch

Thứ Hai, 03/01/2022, 09:15

Sử dụng danh nghĩa các công ty lữ hành tạo lập một chương trình du lịch không có thật để bảo lãnh cho người nước ngoài (NNN) ở lại Việt Nam; sử dụng danh nghĩa các doanh nghiệp sử dụng lao động, chuyên gia NNN để ký hợp đồng lao động khống. Đó là thủ đoạn các đối tượng tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội nhưng đã bị Công an phát hiện, bắt giữ.

Trong hai năm 2020, 2021, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp, nhiều NNN khi gần hết hạn thị thực tại Việt Nam không muốn về nước hoặc nhiều lý do khác nhau dẫn đến phát sinh nhu cầu đã nhờ các đối tượng làm thủ tục hợp thức hóa hồ sơ để ở lại Việt Nam trái phép. Từ sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an TP Hà Nội, Phòng An ninh điều tra (ANĐT) Công an TP Hà Nội phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ triệt phá, bóc gỡ thành công nhiều đường dây.

5-1.jpg -0
Các trường hợp xuất, nhập cảnh trái phép sang Trung Quốc tại cơ quan Công an huyện Tiên Yên (tỉnh Quảng Ninh).

Núp bóng danh nghĩa các doanh nghiệp sử dụng lao động, chuyên gia nước ngoài

Ngày 24/3, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an TP Hà Nội tiến hành kiểm tra, rà soát NNN tại Công ty TNHH Tech Dottp (phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội), sau đây gọi tắt là Công ty Tech Dottp. Tại thời điểm kiểm tra, đã phát hiện 2 người Trung Quốc là Dai Ming Biao (SN 1987) và Huang Zhi Yong (SN 1975). Qua làm việc, hai người này trình bày được Công ty Tech Dottp, Công ty TNHH Skyco làm thủ tục bảo lãnh nhập cảnh Việt Nam nhưng họ không làm việc cho 2 công ty trên.

Vụ việc theo thẩm quyền được chuyển đến Phòng ANĐT Công an TP Hà Nội. Sau khi tiếp nhận thông tin, Cơ quan ANĐT Công an TP Hà Nội đã triệu tập Lý Văn Dũng (SN 1991, trú tại tỉnh Bắc Giang), Giám đốc Công ty Tech Dottp và Qiu Deng Guo (SN 1985, quốc tịch Trung Quốc) để làm rõ sự việc. Từ các căn cứ thu thập được, Cơ quan ANĐT Công an TP Hà Nội đã làm rõ đường dây tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép ở lại việt Nam trái phép và ra quyết định khởi tố hình sự, khởi tố bị can với các đối tượng gồm Lý Văn Dũng, Qiu Deng Guo; Trần Thị Thanh Nhàn (SN 1998, trú tại tỉnh Nghệ An) và Lê Thị Tân (SN 1998, ở tại huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang), nhân viên Công ty Tech Dottp về tội danh trên.

Quá trình điều tra làm rõ, trước đó Qiu Deng Guo thường xuyên nhập cảnh Việt Nam để hoạt động kinh doanh. Năm 2018, đối tượng đã nhờ Đinh Thị Thanh Huyền (SN 1984, trú tại huyện Thanh Trì, Hà Nội), thành lập Công ty Tech Dottp; hoạt động chính của công ty là thiết kế phần mềm, ứng dụng thương mại điện tử. Tháng 4/2019, Qiu Deng Guo thay đổi đăng ký doanh nghiệp, nhờ Lý Văn Dũng đứng tên giám đốc nhưng trên thực tế mọi hoạt động của công ty này đều do Qiu Deng Guo điều hành. Ngoài Công ty Tech Dottp, vào năm 2020, Lý Văn Dũng còn thành lập và làm Giám đốc Công ty TNHH Skyco (gọi tắt là Công ty Skyco), có trụ sở tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Năm 2020, theo chỉ đạo của Qui Deng Guo, Công ty Tech Dottp bắt đầu làm môi giới, bảo lãnh cho NNN nhập cảnh Việt Nam. Nguồn khách nhờ Công ty Tech Dottp làm thủ tục nhập cảnh Việt Nam do Qiu Deng Guo mang về công ty. Các khách này được làm thủ tục bảo lãnh và làm việc ở Việt Nam với danh nghĩa công ty khác, không sử dụng pháp nhân Công ty Tech Dottp và Skyco. Đến cuối năm 2020, Qui Deng Guo đã trao đổi với Lý Văn Dũng về việc sử dụng pháp nhân của Công ty Tech Dottp và Công ty Sky để bảo lãnh cho 10 NNN nhập cảnh Việt Nam trái phép.

Về phần bị can Trần Thị Thanh Nhàn, vào năm 2019, Nhàn vào làm việc tại Công ty Tech Dottp, là nhân viên hành chính, nhân sự; phiên dịch, hưởng lương 7 triệu đồng/ tháng. Năm 2020, khi Công ty Tech Dottp làm thêm lĩnh vực môi giới cho NNN nhập cảnh vào Việt Nam, Nhàn được giao liên hệ với các công ty môi giới để làm thủ tục cho các khách do Qiu Deng Guo đưa về công ty. Nhàn đã sử dụng pháp nhân Công ty TNHH Tech Dottp làm thủ tục bảo lãnh cho 4 NNN nhập cảnh Việt Nam trái phép; sử dụng pháp nhân Công ty Skyco để làm thủ tục nhập cảnh cho 6 NNN. Năm 2019, Lê Thị Tân quen biết và có quan hệ tình cảm với Qiu Deng Guo. Sau đó, Tân được Qiu Deng Guo đưa vào làm việc tại Công ty Tech Dottp, nhiệm vụ là nhân viên hành chính.

Từ năm 2020, khi Công ty Tech Dottp làm thêm lĩnh vực môi giới, bảo lãnh cho NNN nhập cảnh Việt Nam, Tân được giao liên hệ các công ty môi giới để làm thủ tục cho các khách do Qiu Deng Guo đưa về công ty. Đến tháng 9/2020, Tân được bổ nhiệm chức vụ kế toán trưởng, quản lý hoạt động chi tiêu, tài khoản của Công ty Tech Dottp. Đối tượng đã giúp sức trong việc tổ chức đưa người…

Vạch trần mánh khoé tinh vi

Đây chỉ là một trong những vụ án tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam được Phòng ANĐT Công an TP Hà Nội, khám phá thành công trong thời gian qua. Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Trần Văn Dũng, Phó Trưởng Phòng ANĐT Công an TP Hà Nội cho biết: Để trốn tránh sự phát hiện của cơ quan Công an, đối tượng phạm tội đã thay đổi phương thức truyền thống như tổ chức, bố trí nơi ăn ở, sinh hoạt hoặc làm giả thông tin nhân thân của NNN..., bằng các thủ đoạn phạm tội mới, phổ biến hơn. Các đối tượng sử dụng danh nghĩa các công ty lữ hành tạo lập một chương trình du lịch không có thật bảo lãnh cho NNN ở lại Việt Nam, gia hạn thị thực để ở lại Việt Nam với hình thức du lịch.

Một số đối tượng đã sử dụng danh nghĩa các doanh nghiệp sử dụng lao động; chuyên gia NNN để ký hợp đồng lao động khống. Từ đó, có hồ sơ để xin giấy phép lao động và gia hạn thị thực cho người NNN ở lại Việt Nam với hình thức lao động, chuyên gia.

5--11.jpg -0
Công an TP Hà Nội kiểm tra một số trường hợp người nước ngoài ở lại Việt Nam trái phép.

Vụ án được làm rõ khi cơ quan điều tra qua quá trình điều tra các vụ án. Đường dây tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép do Nguyễn Xuân Phúc (SN 1987, trú tại huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) và Meng Zhong Xing (SN 1983, người Trung Quốc) thực hiện là một ví dụ. Khoảng năm 2009, Phức và Meng Zhong Xing quen biết nhau ở Đài Loan. Sau khi về nước, cả hai vẫn giữ liên lạc với nhau. Khoảng tháng 4/2021, Xing liên lạc, thuê Phức tìm căn hộ tại Hà Nội cho Xing, hứa hẹn sẽ trả tiền công là 10 triệu đồng/ tháng, Phức đồng ý.

Ngày 14/4, Phức đã ký hợp đồng thuê căn hộ của anh Nguyễn Quốc Chung với giá 6,5 triệu đồng/tháng. Phức đã trả cho anh Chung 26 triệu đồng (3 tháng tiền thuê nhà và đặt cọc 1 tháng) và thông báo cho Xing biết. Khoảng 2 ngày sau, Xing đưa 3 người Trung Quốc đi ôtô đến căn phòng trên để ở.

Sau khi ở đây 2 ngày thì Xing tiếp tục nhờ Phức thuê hộ một căn nhà khác để Xing ở. Ngày 19/4, Phức tìm thuê được căn hộ ở phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội của anh Nguyễn Ngọc A, với giá 12 triệu đồng/tháng. Sau đó, Phức đã đưa Xing đến đây ở. Khi Xing rời khỏi căn hộ thuê của nhà anh Chung thì có một người Trung Quốc đã đến ở cùng người còn lại.

Tại cơ quan Công an, Xing khai vì muốn kiếm thêm thu nhập và trả ơn Meng Zhong Xing, Phức đã đồng ý giúp Xing thuê nhà và mua thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt, sim điện thoại trong thời gian Xing và 3 người Trung Quốc thuê trọ và được Xing trả tiền công 10 triệu đồng/tháng. Trong 5 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép, Xing đã trao đổi nên Phức biết Xing và 3 người Trung Quốc đi cùng nhập cảnh vào Việt Nam trái phép, không có giấy tờ cư trú hợp pháp.

Vì thế, mới nhờ Phức thuê nhà và mua các nhu cầu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt, nếu không có sự giúp đỡ của Phức thì họ sẽ không thuê được nhà và khi đi ra ngoài sẽ bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ và trục xuất về nước. Phức đã được Xing trả công 5 triệu đồng. Phức nhận thức được việc thuê nhà giúp Meng Zhou Xing để ở lại Việt Nam như trên là trái pháp luật nhưng do hám lời vẫn thực hiện. 

Xuân Mai
.
.
.