Nỗ lực ngăn chặn vàng lậu qua biên giới

Thứ Bảy, 23/04/2022, 08:42

Theo lực lượng chức năng, hoạt động buôn lậu vàng từ nước ngoài vào Việt Nam gia tăng trong thời gian gần đây với quy mô lớn và phương thức, thủ đoạn tinh vi. Trên thực tế, khi giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới hoặc ngược lại thì hoạt động nhập lậu, xuất lậu các mặt hàng này sẽ gia tăng bởi lợi nhuận hấp dẫn. Hơn thế nữa, vàng cũng là hàng hóa có giá trị cao, dễ cất giấu và vận chuyển.

Thời gian qua, lực lượng hải quan đã phát hiện, bắt và thu giữ nhiều vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng qua biên giới. Đơn cử, vào ngày 11/11/2021, Chi cục Hải quan cửa khẩu Lao Bảo tiến hành làm thủ tục đăng ký tái nhập cảnh từ Lào về Việt Nam cho phương tiện vận tải BKS 75H-001.32 do ông Nguyễn Hữu Chiến điều khiển (xuất trình theo tờ khai phương tiện vận tải đường bộ tạm xuất - tái nhập số 71362/TXTN/HQCK-B32B/2021).

luc-luong-hai-quan-ngan-chan-buon-lau-vang-qua-bien-gioi.jpeg -0
Vàng lậu được ngụy trang, cất giấu trong hành lý, hàng hóa trên các phương tiện vận chuyển hành khách.

Tại khu vực kiểm tra phương tiện nhập cảnh, sau khi tiếp nhận các giấy tờ do ông Nguyễn Hữu Chiến xuất trình, Chi cục thực hiện kiểm tra phương tiện theo quy định. Quá trình kiểm tra, lực lượng Hải quan phát hiện trong ngăn đựng đồ phía trần cabin xe có chứa 2 gói hàng hoá gồm 10.000 USD; 1.736,14 gam vàng; 2.180,41 gam bạc, tổng trị giá bắt giữ 2,945 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hữu Chiến không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của các loại hàng hóa nêu trên. Kết quả làm việc ban đầu với các đối tượng liên quan, xác định có hành vi không khai, không thực hiện thủ tục hải quan, vi phạm quy định về kiểm soát hải quan, vận chuyển trái phép hàng hóa, ngoại tệ qua biên giới.

Theo kết luận giám định của Phân viện Khoa học hình sự tại Đà Nẵng, xác định toàn bộ tang vật kim loại có 1.736,14 gam vàng; 2.180,41 gam bạc và 100 tờ tiền USD, mệnh giá 100 USD là tiền ngoại tệ thật. Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự của UBND huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) xác định trị giá số tang vật trên là 2,945 tỷ đồng. Ngày 27/12/2021, Chi cục Hải quan cửa khẩu Lao Bảo đã ban hành Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 427/QĐ-HQLB về tội "Vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới".

Ngày 29/12/2021, trên cơ sở Quyết định số 02/QĐ-VKSHH ngày 28/12/2021 của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Hướng Hóa, Chi cục Hải quan cửa khẩu Lao Bảo đã chuyển hồ sơ vụ án hình sự nêu trên đến Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Hướng Hóa. Ngày 31/12/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Hướng Hóa đã tiếp nhận toàn bộ tang vật của vụ án để điều tra theo thẩm quyền.

Trong khi đó, tình trạng buôn lậu vàng tại khu vực biên giới Tây Nam diễn ra khá phức tạp, vàng từ Campuchia khi đưa trái phép vào Việt Nam. Là địa phương có tuyến biên giới kéo dài gần 100km, có nhiều đường mòn, lối mở, kênh rạch thông với các tỉnh của Campuchia, An Giang là một trong những điểm "nóng" buôn lậu vàng.

Trong tháng 1/2022, lực lượng chức năng tỉnh An Giang đã bắt quả tang một vụ mua bán vàng nhập lậu từ Campuchia vào An Giang, thu giữ 3kg vàng, gần 170.000 USD… Trước đó, một đường dây buôn lậu vàng từ Campuchia về TP Hồ Chí Minh tiêu thụ đã bị lực lượng chức năng Tây Ninh triệt phá, thu giữ 56 kg vàng, 84 chỉ vàng.

Theo Ban chỉ đạo 389 tỉnh Tây Ninh, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Công an tỉnh Tây Ninh vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can các đối tượng Nguyễn Hoàng Hiếu, Trần Quốc Tuấn và Trần Kim Ngọc để điều tra về hành vi buôn lậu. Cụ thể, vào chiều 20/1, lực lượng Công an Tây Ninh kiểm tra xe ô tô do Đào Mạnh Cường điều khiển chở Trần Thị Ánh Loan di chuyển qua địa phận huyện Bến Cầu.

Qua khám xét, Công an phát hiện trên xe có một túi xách chứa 25 kg vàng thỏi, 2 kg vàng nữ trang, 84 miếng vàng 9999 và 1,2 tỷ đồng tiền mặt. Cùng thời điểm này, Công an cũng kiểm tra ôtô do Trần Châu Chánh Trực điều khiển, phát hiện 29 kg vàng thỏi. Tại thời điểm kiểm tra, các đối tượng không xuất trình được các giấy tờ liên quan đến nguồn gốc xuất xứ số vàng trên. Mở rộng điều tra, Công an đã tiến hành bắt khẩn cấp các đối tượng là Tuấn, Hiếu và Ngọc.

Tại cơ quan Công an, các đối tượng khai nhận đã móc nối với người ở Campuchia mua vàng với số lượng lớn, sau đó thuê người vận chuyển đến khu vực biên giới để các đối tượng mang tiền đến đổi vàng, đem về TP Hồ Chí Minh tiêu thụ. Qua điều tra, toàn bộ số vàng trên là của đối tượng Hiếu (là chủ tiệm vàng tại xã Long Thuận, huyện Bến Cầu), trên đường vận chuyển vàng giao cho đối tượng Ngọc (chủ tiệm vàng ở huyện Hóc Môn, TP.HCM) thì bị phát hiện, bắt giữ.

Theo Tổng cục Hải quan, từ thực tế các vụ việc mà lực lượng chức năng bắt giữ cho thấy, các đối tượng dùng mọi thủ đoạn để buôn lậu vàng qua biên giới. Các đối tượng thường tổ chức thành đường dây chặt chẽ, kết nối với các đối tượng ở khu vực biên giới, trong nước và nước ngoài để vận chuyển thông qua các phương tiện chuyên chở hàng hóa, nông sản... Đặc biệt, vàng lậu được ngụy trang, cất giấu trong hành lý, hàng hóa trên các phương tiện vận chuyển hành khách.

Bên cạnh đó, vàng cũng thường được các đối tượng buôn lậu trà trộn vào hàng chính ngạch, tư trang cá nhân, trong các cabin, gầm xe khách, xe tải để vận chuyển qua biên giới. Một số đối tượng còn lợi dụng đêm tối và địa hình sông ngòi, kênh rạch, đường mòn, lối mở để đưa vàng lậu vào nội địa tiêu thụ. Đáng chú ý, cơ quan chức năng còn phát hiện còn nhiều đối tượng "núp bóng" doanh nghiệp để thực hiện hành vi buôn lậu vàng, nhập lậu giao cho các địa phương.

Để kiểm soát địa bàn, Tổng cục Hải quan đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc nỗ lực ngăn chặn buôn lậu vàng cũng như kim loại quý, đá quý, ngoại tệ trái phép qua biên giới. Thời gian tới, để kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng buôn lậu vàng, các cơ quan Hải quan trong phạm vi hoạt động của mình sẽ tiếp tục chủ động kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Đồng thời, tăng cường đầu tư máy móc hiện đại, lắp đặt tại cửa khẩu để soi chiếu hàng hóa phát hiện kịp thời vàng lậu. Tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, giám sát tại các địa điểm kiểm tra, nơi tập kết hàng hóa; giám sát các kho chứa hàng hóa; đẩy mạnh giám sát cơ động, phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bà, trao đổi và thu thập thông tin; phối hợp tăng cường tuần tra, kiểm soát tại các khu vực đường mòn lối mở biên giới…

Ngoài ra, cơ quan Hải quan cũng sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng trong công tác tuyên truyền, giáo dục cho người dân các quy định của pháp luật trong công tác chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức cho người dân trên địa bàn phụ trách, vận động người dân kiên quyết không tiếp tay hay tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật, tích cực phát hiện, tố giác tội phạm.

Phan Đức
.
.
.