Siết chặt quản lý, chống tham nhũng, trục lợi từ đất đai

Những đại án, quan chức nhúng chàm vì “đất vàng” (Kỳ 2)

Thứ Tư, 22/06/2022, 07:50

Nhiều cựu quan chức, lãnh đạo, quan tham đã bất chấp pháp luật, liều lĩnh, câu kết, bắt tay nhau thành nhóm, tạo những liên minh bảo kê cho các doanh nghiệp sân sau thâu tóm đất công, biến đất công thành đất tư để trục lợi, gây thất thoát tài sản của Nhà nước lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Từ những sai phạm, qua đó cũng rút ra những bài học về công tác quản lý Nhà nước còn nhiều kẽ hở để xảy ra tham nhũng, thất thoát.

Bảo kê cho các doanh nghiệp sân sau thâu tóm đất công

Nhiều cựu quan chức, lãnh đạo, quan tham vơ vét, đục khoét của dân của nước, thâu tóm đất đai, làm giàu bất chính đã bị khởi tố, điều tra, xét xử nghiêm minh trước pháp luật. Hàng loạt vụ đại án, tham nhũng đất đai gây thất thoát, lãng phí số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng của Nhà nước đã được làm rõ, xử lý, khẳng định cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

13-lo-dat-2-4-6-hai-ba-trung-anh-hoang-trieu3-1621866013787923960686.jpg -0
Số phận khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1, TP Hồ CHí Minh đang chờ định đoạt. Ảnh: Hoàng Triều

Các đối tượng đã bất chấp pháp luật, liều lĩnh, câu kết, bắt tay nhau thành nhóm, tạo thành những liên minh bảo kê cho các doanh nghiệp sân sau thâu tóm đất công, biến đất công thành đất tư để trục lợi, gây thất thoát tài sản của Nhà nước lên tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng. Qua hàng loạt những vụ đại án tham nhũng, những vụ xét xử các quan chức tham nhũng, nhúng chàm vì đất cho thấy tất cả các phi vụ thâu tóm đất công nếu không có sự tiếp tay của một số quan chức, lãnh đạo thoái hóa, biến chất thì những hành vi sai phạm không thể thực hiện được. Từ những kẽ hở, sơ hở trong các quy định liên quan đến quy hoạch, sử dụng, cho thuê đất, đấu thầu… các đối tượng đã “bắt tay nhau”, lập lợi ích nhóm để kiếm chác, làm giàu.

Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: Chúng ta đều đã biết, đất đai là tài sản đặc biệt của quốc gia, là tư liệu sản xuất cơ bản, là tài nguyên vô cùng quý giá, là nguồn sống của nhân dân và nguồn lực to lớn của đất nước, thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Tôi đã nhiều lần nhắc lại câu nói của Các Mác rằng: "Lao động là cha, đất đai là mẹ của của cải vật chất"; nhiều người giàu lên nhờ đất, nhưng cũng có không ít người nghèo đi vì đất, thậm chí bị đi tù cũng vì đất, mất cả tình nghĩa cha con, anh em vì đất. Không phải ngẫu nhiên mà trong thời gian qua có tới hơn 70% số vụ tố cáo, khiếu nại thuộc về lĩnh vực đất đai.

Ngày 8/6/2022, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm bị cáo Tất Thành Cang, cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh; Tề Trí Dũng, cựu Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận - IPC, Chủ tịch HĐQT SADECO và các đồng phạm liên quan vụ án bán 9 triệu cổ phần của Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) cho Công ty Nguyễn Kim, gây thiệt hại cho SADECO 1.103 tỷ đồng; trong đó thiệt hại cho vốn của UBND TP Hồ Chí Minh 485 tỷ đồng, vốn Thành ủy TP Hồ Chí Minh 184 tỷ đồng, các cổ đông khác là 433 tỷ đồng.

Trước khi vào nghị án, Hội đồng xét xử đã cho các bị cáo nói lời sau cùng. Là người được nói đầu tiên, bị cáo Tất Thành Cang nhiều lần bật khóc và gửi lời xin lỗi vì đã làm ảnh hưởng uy tín của Đảng, Nhà nước, ảnh hưởng đến truyền thống gia đình.  Ông Tất Thành Cang cũng bị đề nghị truy tố vụ bán rẻ 32ha đất công.

Theo kết luận điều tra bổ sung của Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hồ Chí Minh, Cơ quan điều tra tiếp tục đề nghị truy tố bị can Tất Thành Cang (cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy), Trần Công Thiện (nguyên Tổng Giám đốc Công ty xây dựng Tân Thuận) và 8 đồng phạm tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Cơ quan điều tra xác định bị can Tất Thành Cang và đồng phạm có sai phạm trong chuyển nhượng dự án khu dân cư Phước Kiển (diện tích 32ha, ở huyện Nhà Bè) và dự án khu dân cư Ven Sông (quận 7) từ Công ty Tân Thuận cho Công ty Quốc Cường Gia Lai, gây thất thoát tổng cộng 248 tỷ đồng. Các bị can nguyên là cán bộ Công ty xây dựng Tân Thuận đã có hành vi tổ chức và thực hiện không đúng quy định về xây dựng giá dẫn đến giá trị chuyển nhượng phần đất đã đền bù không đảm bảo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch.

Bị can Tất Thành Cang, cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đã có hành vi không báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy mà tự ý cho chủ trương để cấp dưới thực hiện chuyển nhượng phần đất đã đền bù tại dự án khu dân cư Phước Kiển với giá được xây dựng không đúng quy định dẫn đến giá trị chuyển nhượng thấp, gây thất thoát tiền của Đảng bộ thành phố tại công ty.

Đầu năm 2022, một sự kiện thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận khi sáng 21/1, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án xảy ra tại Bộ Công Thương, Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và TP Hồ Chí Minh, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 2.700 tỷ đồng. Bị cáo Vũ Huy Hoàng đã phải nhận mức án 10 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Sau khi hoãn 1 lần, Tòa phúc thẩm quyết định tiến hành xét xử dù bị cáo Vũ Huy Hoàng tiếp tục có đơn xin vắng mặt vì lý do sức khỏe. Bốn bị cáo kháng cáo trong vụ án này gồm: Vũ Huy Hoàng (cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương); Phan Chí Dũng (cựu Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương); Lâm Nguyên Khôi (cựu Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh); Lê Quang Minh (cựu Trưởng Phòng Phát triển hạ tầng, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh). Căn cứ vào hồ sơ, tài liệu, lời khai tại toà của các bị cáo, toà phúc thẩm xác định, Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát (Sabeco) được giao quản lý khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1, TP Hồ Chí Minh.

Bị cáo Vũ Huy Hoàng (cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương) trực tiếp tham gia các cuộc họp Chính phủ, biết rõ các Nghị quyết về cấm đầu tư ngoài ngành, biết rõ Sabeco không có khả năng tài chính. Tuy nhiên, bị cáo vẫn chấp thuận chủ trương cho Sabeco liên danh, liên kết thành lập Sabeco Pearl, chuyển giao quyền sử dụng đất cho Sapeco Pearl thực hiện dự án là vi phạm nghiêm trọng các Nghị quyết 94, Nghị quyết 26 và Luật Đất đai năm 2013.

Đối với các bị cáo thuộc UBND TP Hồ Chí Minh cũng biết rõ khu đất trên được sắp xếp cho Sabeco triển khai dự án, không áp dụng liên danh, liên kết thành lập pháp nhân mới. Song các bị cáo vẫn tham mưu, đề xuất UBND chấp thuận cho Sabeco Pearl được thực hiện nghĩa vụ tài chính, làm chủ đầu tư dự án trái quy định pháp luật vì không thông qua đấu giá.

Khi Sabeco thực hiện xong các thủ tục pháp lý đầu tư dự án cho Sabeco Pearl và đề nghị được UBND TP Hồ Chí Minh chấp thuận bổ sung chức năng officetel và căn hộ ở cho dự án, ngay sau đó Bộ Công thương đã chỉ đạo Sabeco thoái 26% vốn góp của Sabeco cho doanh nghiệp tư nhân tham gia liên doanh. Từ đó, hoàn tất việc chuyển quyền quản lý, sử dụng khu đất 6.080m2 có giá trị hơn 3.816 tỉ đồng là tài sản của Nhà nước sang tư nhân trái pháp luật, gây thất thoát cho Nhà nước với số tiền hơn 2.713 tỉ đồng.

Toà phúc thẩm đánh giá, hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội. Các bị cáo được giao đảm nhận quản lý tài sản của Nhà nước, nắm rõ chủ trương của Nhà nước song đã không làm tròn trách nhiệm. Hành vi đó đã xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, gây thiệt hại lớn tài sản Nhà nước. Việc xét xử với các bị cáo là có căn cứ, hoàn toàn cần thiết. Trong vụ án, bị cáo Vũ Huy Hoàng giữ vai trò chủ mưu, hoàn toàn biết về việc thành lập dự án, thoái vốn của Sabeco tại Sabeco Pearl.

Thực tế, bị cáo Vũ Huy Hoàng đã có các chỉ đạo, khiến tài sản Nhà nước chuyển dịch sang tư nhân, trái pháp luật. Bị cáo Dũng là đồng phạm giúp sức cho ông Vũ Huy Hoàng và bà Hồ Thị Kim Thoa (cựu Thứ trưởng, đang bỏ trốn). Ban Bí thư đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với bà Hồ Thị Kim Thoa. Bà Hồ Thị Kim Thoa bị khởi tố bị can về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.  Trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Công thương giai đoạn 2010 - 2017, bà Hồ Thị Kim Thoa đã có những vi phạm, khuyết điểm liên quan đến dự án khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, phường Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh.

Kiên quyết khắc phục tình trạng đầu cơ đất, lãng phí, tham nhũng

Liên quan đến những sai phạm tại Đà Nẵng, phiên tòa xét xử 2 cựu Chủ tịch Đà Nẵng và Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”) vì làm “bốc hơi” hơn 22.000 tỉ đồng được dư luận đặc biệt quan tâm. Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên phạt 2 nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến tổng cộng 27 năm tù, bị bắt giam ngay tại tòa.

Theo Hội đồng xét xử, có đủ cơ sở xác định trong thời gian dài, Phan Văn Anh Vũ trực tiếp hoặc thông qua công ty của Vũ, lợi dụng chủ trương trái pháp luật tại các văn bản pháp lý của UBND TP Đà Nẵng để thâu tóm thị trường bất động sản. Các bị cáo Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến đã ban hành chủ trương trái quy định để tạo điều kiện cho Vũ và công ty của Vũ mua hoặc chuyển nhượng dự án nhà đất công sản không qua đấu giá. Từ thời điểm xảy ra vụ án cho đến khi bị khởi tố, các bị cáo đã gây thiệt hại hơn 22.000 tỉ đồng.

Từ những sai phạm của những cựu quan chức, quan tham và một số cán bộ có liên quan, qua đó cũng rút ra những bài học về công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực quản lý đất đai, công sản còn nhiều kẽ hở để xảy ra tham nhũng, thất thoát, lãng phí.

Liên quan đến vấn đề quản lý và sử dụng đất đai, khi phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết: Trung ương cho rằng thể chế, chính sách về đất đai phải được hoàn thiện đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó có chính sách phù hợp đối với đối tượng, loại hình sử dụng đất để khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất nguồn lực tài nguyên đất đai;  kiên quyết khắc phục tình trạng đầu cơ đất, sử dụng đất không đúng mục đích, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, gây khiếu kiện, bức xúc trong nhân dân.

Nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về đất đai. Nâng cao vai trò và năng lực của các cơ quan quản lý Nhà nước và cơ quan tư pháp trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai…

Việt Hưng
.
.
.