Nhận diện những cạm bẫy Tình - Tiền trên mạng

Thứ Tư, 31/05/2023, 06:30

Thời gian gần đây, tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng xảy ra nhiều trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh Bình Phước nói riêng. Do việc sử dụng mạng xã hội Facebook, Zalo, Telegram… để thông tin liên lạc, kết nối bạn bè, người thân đã trở thành nhu cầu hàng ngày của mỗi người.

Tuy nhiên, lợi dụng thói quen và tâm lý một số người thường liên hệ qua mạng xã hội để giao dịch, chuyển tiền, các đối tượng tội phạm đã chiếm quyền sử dụng Facebook, Zalo, Telegram… để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn tinh vi, xây dựng kịch bản kín kẽ.

Điển hình như vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, nạn nhân là ông Phương cư trú tại khu phố Phước Thiện, phường Tân Thiện. Theo trình báo của ông Phương, con gái của ông là P.A. đang du học tại Nhật Bản nhắn tin qua Facebook Messenger cho ông nhờ chuyển tiền giúp cho bạn tên là Diệu.

chu dong.jpg -0
Công an tỉnh Bình Phước trao trả tài sản cho ông Phương.

Vì gia đình bạn gặp tai nạn giao thông, số tiền cần chuyển khoản là 98 triệu đồng. Trước khi thực hiện việc chuyển tiền, ông Phương đã cẩn thận gọi video call cho con gái để xác nhận nhưng được nhắn tin trả lời là đang ở khu cách ly COVID-19 nên không nói chuyện được. Thông tin con gái đang cách ly là đúng, vì cách đó vài ngày con gái ông có nói với gia đình rằng mình bị cách ly nên ông Phương thêm tin tưởng.

Tuy nhiên, để xác thực việc gia đình bạn Diệu bị tai nạn cần chuyển tiền gấp, ông Phương yêu cầu số điện thoại để liên lạc thì được nhắn cho số điện thoại 0877.080.332. Ông Phương gọi điện thì có người nhận là bố của bạn Diệu trao đổi các thông tin rằng Diệu đang học bên Nhật cùng P.A. nên ông Phương không còn nghi ngờ và thực hiện chuyển tiền.

Sau khi chuyển tiền theo yêu cầu của đối tượng, ông Phương kiểm tra thì thấy tài khoản Facebook của con gái bị khoá do P.A. phát hiện có người hack và nói cho ông biết là không kêu ông chuyển tiền. Ông Phương đã đến cơ quan Công an địa phương để trình báo.

Tiếp nhận tin báo của người dân, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Bình Phước đã xác minh và thu hồi được toàn bộ tài sản bị chiếm đoạt, trao trả cho ông Phương. Đồng thời, tiếp tục điều tra, làm rõ để xử lý đối tượng.

Việc các bé gái sử dụng mạng xã hội nhưng không có người thân kiểm soát đã trở thành “con mồi” cho kẻ xấu. Đó là vụ việc xảy ra ngày 1/8/2022 tại xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước, đối tượng kết bạn với bé gái (SN 2009) trên Facebook để chơi game. Sau đó dụ dỗ, ép buộc bé gái trình diễn khiêu dâm rồi đăng lên mạng xã hội để thu lợi bất chính.

Mỗi khi bé gái không muốn thực hiện “chat sex”, đối tượng đe dọa gửi hình cho bạn bè nên bé phải thực hiện. Cháu bé “chat sex” khoảng 2 tuần thì người thân phát hiện. Nhận được tin báo của người thân bé gái, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã xác định được đối tượng thực hiện hành vi tên Hoàng Trung Kiên (SN 2005, HKTT: xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn).

Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng phối hợp với các đơn vị chức năng và Công an TP Đồng Xoài đấu tranh, triệt xóa nhóm đối tượng hoạt động phạm tội “Mua bán mại dâm” thông qua ứng dụng Zalo.

Kết quả, bắt giữ đối tượng Nguyễn Thị Hồng Sang (SN 2002, HKTT: ấp 9, xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước; chỗ ở hiện nay: Khu phố Ninh Thành, TT. Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) về tội “Môi giới mại dâm”.

Không chỉ sử dụng mạng xã hội để lừa đảo đối với người dân, trong thời gian dịch bệnh COVID-19 (tháng 9/2021), đối tượng còn giả mạo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước gửi thư điện tử đến các lãnh đạo sở, ngành của tỉnh để lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản.

Quá trình điều tra xác minh, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao xác định đối tượng là Đặng Thanh Tùng (SN 1993, HKTT: thôn 3, xã Quảng Ngãi, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng; tạm trú: Số 22/2, tổ 21, khu phố 6, phường Long Bình, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác bằng cách tạo tài khoản email giả mạo chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố để gửi email đến lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, thành phố đó.

Khi có trả lời, Tùng sẽ giả mạo nhờ gửi tiền vào tài khoản ngân hàng của lãnh đạo Văn phòng Chính phủ hoặc Văn phòng Quốc hội nhưng thực tế là chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của đại lý trò chơi (game) đánh bạc trực tuyến và Tùng sẽ lấy tiền bằng cách đổi tiền từ tài khoản game về tài khoản ngân hàng của Tùng.

Trung tá Nguyễn Minh Hiếu, Phó trưởng Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Bình Phước cho biết, bên cạnh các mặt công tác chuyên môn, lãnh đạo đơn vị chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ thường xuyên viết tin, bài và làm clip đăng lên Fanpage của đơn vị tuyên truyền đến người dân nâng cao cảnh giác để không bị lừa đảo…

Đại tá Nguyễn Phương Đằng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Phước cho biết, mặc dù mới thành lập nhưng Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao làm việc rất hiệu quả. Đơn vị đã đấu tranh, ngăn chặn, bắt giữ nhiều vụ với nhiều đối tượng vi phạm pháp luật trên không gian mạng.

Đơn vị đã chủ động tham mưu Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương chú trọng công tác tuyên truyền đến người dân các quy định, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về các lĩnh vực có liên quan đến đảm bảo an ninh mạng; về phương thức, thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao và hậu quả, hệ lụy do các hoạt động của tội phạm sử dụng công nghệ cao gây ra…

Công an tỉnh Bình Phước kêu gọi các cơ quan, doanh nghiệp và người dân nâng cao tinh thần cảnh giác để không trở thành nạn nhân của các đối tượng tội phạm. Cần thận trọng trong việc bàn bạc, thỏa thuận, yêu cầu thực hiện giao dịch thông qua tin nhắn Facebook, Zalo, Telegram… Đặc biệt là việc chuyển khoản cho mượn tiền, thanh toán giúp, chuyển tiền giúp cho người khác. Trường hợp phát hiện nghi vấn, đề nghị báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất để được hướng dẫn xử lý kịp thời.

Nguyễn Cảnh
.
.
.