Ngăn chặn các phi vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản vào cuối năm

Thứ Ba, 19/12/2023, 08:19

Thông thường, vào thời điểm cuối năm, tội phạm hình sự, trong đó có các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản tăng tần suất hoạt động; do đó số vụ việc có liên quan mà cơ quan Công an tiếp nhận có chiều hướng gia tăng.

Tại Thừa Thiên Huế, qua công tác điều tra, lực lượng Công an đã làm rõ nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền lớn, đồng thời tăng cường tuyên truyền, cảnh báo để người dân cảnh giác tránh “sập bẫy” lừa đảo của tội phạm.

Mới đây, một người dân trú tại đường Hà Huy Giáp (phường Vỹ Dạ, TP Huế) trình báo đến Công an tỉnh Thừa Thiên Huế sự việc bị đối tượng không rõ danh tính sử dụng tài khoản Zalo giả danh người thân để lừa đảo chiếm đoạt số tiền hàng trăm triệu đồng. Sau khi nhận được tin báo, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm (PCTP) sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Thừa Thiên Huế khẩn trương vào cuộc điều tra. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, chỉ sau một thời gian ngắn thu thập thông tin, dấu vết, cơ quan Công an đã làm rõ Phan Huỳnh Quỳnh Như (SN 1997, trú tại 4/289 Bùi Thị Xuân, phường Phường Đúc, TP Huế) là đối tượng đã thực hiện phi vụ lừa đảo này.

4.jpg -0
Cơ quan Công an lấy lời khai đối tượng Phan Huỳnh Quỳnh Như (ngồi giữa).

Theo một cán bộ điều tra, để giăng bẫy lừa đảo, Như đã thực hiện thủ đoạn rất tinh vi. Sau khi tìm hiểu và nắm rõ bị hại là người có điều kiện, có nhiều tài sản và có mối quan hệ với những người thân ở nước ngoài, Như đã tạo lập nhiều tài khoản mạng xã hội để giả danh người thân của bị hại để nhắn tin mượn tiền. Từ tháng 11 đến đầu tháng 12/2023, thông qua các tài khoản Zalo, Như đã nhắn tin với các nội dung khác nhau để lừa mượn tiền, sau đó chiếm đoạt tổng số tiền hơn 800 triệu đồng. Ngay sau đó, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Như để làm rõ hành vi của đối tượng nhằm xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Hay vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã ra quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối tượng Lê Thị Hồng Phương (SN 1992, trú tại TP Huế), chuyên kinh doanh các mặt hàng mỹ phẩm, túi xách, nước hoa, đồng hồ trên mạng Internet về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Do kinh doanh thua lỗ nên Phương tự tạo nhiều đơn hàng khống với lãi suất cao. Thấy lợi nhuận thu về từ việc góp vốn kinh doanh cao nên có nhiều người tham gia góp vốn với Phương để hưởng lãi suất chênh lệch, nhưng sau đó Phương mất khả năng thanh toán. Cơ quan Công an xác định, Phương đã lập khống gần 1.400 đơn hàng để lừa đảo chiếm đoạt hơn 15 tỷ đồng.

Ngoài các thủ đoạn lừa đảo qua mạng Internet kể trên, do nhu cầu chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) gia tăng vào dịp cuối năm nên không ít đối tượng đã lợi dụng để thực hiện hành vi lừa đảo. Lê Văn Hiền (SN 1991, trú tại thôn Lang Xá Cồn, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy), Giám đốc một doanh nghiệp đóng tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, sau khi thỏa thuận với anh T.T.H (ở tỉnh Thừa Thiên Huế)về việc nhận chuyển nhượng thửa đất số 114, tờ bản đồ số 35 tại địa chỉ thôn Nam Khe Dài, xã Lộc Hòa, huyện Phú Lộc với giá 1,1 tỷ đồng, đã thanh toán trước cho anh H 500 triệu đồng, số tiền còn lại thỏa thuận thanh toán theo từng đợt.

Sau khi anh H thực hiện chuyển nhượng QSDĐ, Hiền lại làm thủ tục chuyển quyền sử dụng thửa đất trên cho anh N rồi nhờ anh N vay thế chấp tại ngân hàng để lấy 1 tỷ đồng. Sau đó Hiền không thanh toán cho anh H số tiền thiếu 600 triệu đồng mà sử dụng vào mục đích cá nhân. Nhận được đơn thư trình báo, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã vào cuộc điều tra, sau đó ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam Lê Văn Hiền.

Cũng với thủ đoạn tương tự, đối tượng Nguyễn Chí Tâm (SN 1988, trú tại thôn Thanh Vinh, xã Phú Mậu, TP Huế) đã lừa đảo chiếm đoạt hơn 15 tỷ đồng của nhiều người thông qua hình thức vay, mượn, mua bán giao dịch bất động sản. Lợi dụng sự tin tưởng của nhiều tổ chức, cá nhân, Tâm sử dụng các giấy chứng nhận QSDĐ của các nạn nhân rồi lập hợp đồng ủy quyền, chuyển nhượng QSDĐ để vay mượn tiền. Sau đó Tâm mượn lại các hồ sơ và nói mang đi chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tách thửa nhưng thực tế Tâm mang các hồ sơ thửa đất đi bán lấy tiền hoặc cầm cố để chiếm đoạt. Sau khi chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân, Tâm cắt thông tin liên lạc, bỏ trốn khỏi địa phương. Đến giữa tháng 12/2023 vừa qua, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên Huế ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Tâm.

Trước những thủ đoạn lừa đảo tinh vi của các đối tượng tội phạm để chiếm đoạt tài sản của người dân, tại lễ phát động ra quân đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, đảm bảo ANTT Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Đại tá Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị các đơn vị nghiệp vụ tập trung tấn công, trấn áp mạnh các loại tội phạm, trong đó chú trọng điều tra, làm rõ, kịp thời ngăn chặn, xử lý các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo trên không gian mạng.

“Để tránh bị lừa đảo, cơ quan Công an khuyến cáo người dân không chuyển tiền cho bất kỳ người nào qua mạng xã hội khi chưa xác thực rõ thông tin. Không truy cập vào các đường link lạ, không cung cấp thông tin bảo mật tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội gồm tên đăng nhập, mật khẩu đăng nhập, mã xác thực OTP. Người dân không mua bán hoặc cho mượn giấy tờ tùy thân, tài khoản, thẻ ngân hàng; không đầu tư tiền ảo, không đầu tư vào các sàn đầu tư tài chính trái phép hoặc các dự án không rõ nguồn gốc. Đặc biệt không nên vay tiền từ các app, website để tránh bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc vay lãi nặng”, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế khuyến cáo.

Anh Khoa
.
.
.