Mạo danh doanh nghiệp để lừa đảo đầu tư tài chính

Thứ Ba, 24/05/2022, 09:49

Chị M.H. (35 tuổi, ngụ Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) nghỉ ở nhà do mới sinh con. Trước đó chị làm kế toán tại một công ty ở Vũng Tàu. Mới đây, chị lên mạng và thấy có nhóm chat “Công ty cổ phần SSG group”. Tưởng đây là một công ty lớn, chị liền tham gia và thấy có nhiều người tham gia đầu tư như chị. Những người tham gia được hứa hẹn có thể nhận đến 30% tiền lãi trên số tiền đầu tư. 

Nghĩ rằng ở nhà mà vẫn có thể kiếm thu nhập cao bằng hình thức đầu tư này, chị H. đã chuyển khoản trước số tiền 130 triệu đồng. Một tiếng sau, chị H. nhận được cuộc gọi xác nhận đã nhận được tiền. Người này “dụ dỗ” nếu muốn nhận được lãi càng nhiều thì chị có thể chuyển thêm 100% số tiền vừa chuyển thì sẽ được giải ngân nhanh. Muốn “trúng đậm” thêm nên chị H. tiếp tục chuyển tiếp 130 triệu đồng nữa. Năm phút sau, chị H. gọi lại cho số điện thoại của công ty thì họ vẫn nghe máy nhưng có một số dấu hiệu lạ nên chị tìm hiểu về số tài khoản vừa nhận tiền của mình thì mới biết đó là số tài khoản ảo…

Chị H. liền đi trình báo Công an, nhưng đã quá muộn… “Họ cho thấy những hình ảnh, thông tin khiến tôi hoàn toàn tin tưởng đó là của Công ty cổ phần SSG group, lãi suất lại cao. Cứ thế tôi chuyển tiền cho họ mà không hề biết rằng mình đã bị lừa đảo…”, chị H. nghẹn ngào.

dautu-1653360722908.png
Ảnh minh họa.

Chị Trang Diễm (ở Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh) cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Sau khi đã chuyển một khoản tiền đầu tư, có phần nghi ngờ nên chị Diễm đã tới trụ sở văn phòng Công ty CP SSG Văn Thánh để xin được gặp Giám đốc văn phòng nhằm xác thực thông tin công ty có đang hoạt động tại trụ sở 561A Điện Biên Phủ, phường 25, quận Bình Thạnh hay không, nếu đúng chị Diễm sẽ chuyển khoản tiếp số tiền còn lại (80 triệu đồng) đã giao hẹn trước đó.

Theo chị Diễm, trong quá trình tìm kiếm cơ hội đầu tư, chị đã kết bạn với một người tự nhận là nhân viên Lê Vũ Ngọc Dịu (mã số 6452) của Công ty CP SSG Văn Thánh đang triển khai các đơn hàng đầu tư tài chính với lãi suất 30%/ đơn hàng giao dịch thành công.

Theo hướng dẫn, chị Diễm đã tải app có tên SSG bằng một đường link https://www.ssggroup1.com/#/register?invitation code=4gdc) do Dịu gửi qua tin nhắn Telegram. Chị Diễm đã đăng ký thành công và chọn 1 trong 9 đơn hàng có trong app. Các đơn hàng có giá trị từ thấp tới cao. Sau khi khách hàng chọn đơn hàng theo mã số thì sẽ chuyển khoản tiền tương ứng với giá trị đơn hàng đó.

Chị Diễm đã chọn 2 loại có mệnh giá 3 triệu và 6 triệu đồng vào ngày 6/4/2022 và chuyển khoản vào cùng ngày cho người có tên Hoàng Thị Lan Anh, STK: 22930737, Ngân hàng ACB. Sau đó, chị Diễm được nhận lại tiền lãi 30% số tiền đơn hàng đã mua. Tin tưởng, chị Diễm tiếp tục mua đơn hàng tiếp theo, nhưng do hết giờ (theo 1 người hướng dẫn đặt lệnh tên Mr Dinh trên app SSG thông báo), chị Diễm không mua được đơn hàng đó. Chỉ còn đơn hàng 100 triệu đồng, chị đã đặt lệnh chuyển khoản trước 20 triệu đồng. Do số tiền còn lại khá lớn, chị Diễm muốn đến trụ sở văn phòng để xác thực thông tin công ty và sẽ chuyển khoản tiếp, nhưng thực tế không như chị được mời gọi.

Tổ chức trên đã đưa các thông tin của Công ty CP SSG Văn Thánh để chị Diễm tin là có thực, app đặt lệnh mua đơn hàng là tên của Công ty CP Tập đoàn SSG (viết tắt là SSG). Trước đó vào cuối tháng 3/2022, bộ phận lễ tân tòa nhà của văn phòng công ty này cũng đã nhận thông tin về cặp vợ chồng cũng muốn lên văn phòng Công ty CP SSG Văn Thánh gặp trực tiếp lãnh đạo để xác thực thông tin như chị Diễm nói trên và sau đó sẽ chuyển số tiền 750 triệu còn lại (đã chuyển trước 250 triệu)…

Phản hồi về những thông tin này, SSG (chuyên về đầu tư kinh doanh bất động sản và phát triển giáo dục…) cho biết, một số đối tượng đã lập các nhóm trao đổi (group chat) trên các nền tảng số như Zalo, Telegram, và đặt tên cho các group chat này là “Công ty cổ phần SSG group” để tiếp cận với người dân và các cá nhân có nhu cầu đầu tư. Các đối tượng này nói rằng SSG đang cần huy động vốn cho các dự án bằng việc bán ra các cổ phiếu, hoặc nói rằng họ đầu tư tiền vào SSG để có thể nhận được đến 30% tiền lãi trên số tiền đầu tư. Ngoài ra, các đối tượng này còn lập ra các ứng dụng (app) chạy trên các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính; cũng như lập ra các trang web tương tự với trang của SSG và sử dụng tên “Công ty cổ phần SSG group” gần giống với tên của SSG; lập các đường dẫn truy cập (đường link) có tổ hợp chữ SSG…

Các hành vi này đều nhằm mục đích gây nhầm lẫn cho các cá nhân đầu tư và người dân nói chung. Thậm chí, các đối tượng này còn cắt ghép một số hình ảnh trên trang web chính thức của SSG rồi dùng chúng tạo ra các video giả về các dự án để tạo dựng niềm tin với các cá nhân đầu tư và người dân, nhằm lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền và tài sản của các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, SSG cho biết hoàn toàn không triển khai huy động vốn ra ngoài công chúng dưới bất kỳ hình thức nào. Các công ty thuộc SSG cũng không lập bất kỳ group chat, bất kỳ trang web hay đường dẫn truy cập nào để kêu gọi đầu tư từ người dân. Vì vậy, bất cứ nhân viên nào tiếp cận các nhà đầu tư cá nhân theo các hình thức trên đều là giả mạo.

Trước đó, cũng với hành vi tương tự, Tập đoàn CT Group (hoạt động trong lĩnh vực đầu tư - phát triển bất động sản) cũng nhận được nhiều phản ánh về việc có một nhóm lừa đảo dùng tên thương hiệu và hình ảnh logo của doanh nghiệp này để chiếm đoạt tài sản của nhiều người.

Trước tình trạng này, các doanh nghiệp lưu ý người dân cần cẩn trọng để nhận biết các hình thức lừa đảo. Đồng thời, khuyến nghị người dân không truy cập các đường link, liên kết trong SMS, email lạ, không rõ nguồn gốc để phòng tránh các hình thức lừa đảo và đảm bảo an toàn. Đặc biệt, người dân không cung cấp thông tin đăng nhập tài khoản, mã OTP, mã PIN cho bất cứ cá nhân, đơn vị, tổ chức nào qua điện thoại, email, mạng xã hội và các trang web. Trường hợp nghi ngờ bị lừa đảo, cần báo ngay cho cơ quan Công an để kịp thời xử lý…

Phú Lữ
.
.
.