Mạnh tay với các đối tượng tự xưng chữa bách bệnh mang màu sắc mê tín dị đoan

Thứ Năm, 13/01/2022, 20:43

Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, năm 2021, đơn vị đã triệt phá, đấu tranh làm rõ một số vụ việc liên quan đến việc lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19, đối tượng đã đăng tải các thông tin quảng cáo khám, chữa bệnh phản khoa học, mang màu sắc mê tín dị đoan gây bất ổn tình hình an ninh trật tự (ANTT) tại địa phương.

Khoảng tháng 3/2021, trên địa bàn TP Vĩnh Yên, cơ quan Công an phát hiện trường hợp Nguyễn Thị Vĩnh, trú tại TP Vĩnh Yên có các hoạt động mang tính chất mê tín dị đoan tại nhà riêng để thực hiện các nghi lễ gọi hồn, trừ tà ma, giải nghiệp chướng để điều trị các triệu chứng như: mất ngủ, stress, nhức đầu, mơ ngủ gặp ác mộng hay hiếm muộn con cái, gia đình lục đục, các bệnh về ung thư, thậm chí chữa được cả bệnh COVID-19…

Để nhiều người biết mình có khả năng gọi hồn, trừ vong và chữa trị tất cả các loại bệnh, Vĩnh đã in card và nhờ con gái đăng tải các thông tin trên lên các mạng xã hội như: Zalo, Facebook, Youtube. Ngay khi nắm được tình hình, Công an TP Vĩnh Yên đã gọi hỏi, lấy lời khai của Vĩnh; đồng thời xác minh, làm rõ tình tiết vụ việc.

Mạnh tay với các đối tượng tự xưng chữa bách bệnh mang màu sắc mê tín dị đoan -0
Cán bộ Công an tỉnh Vĩnh Phúc làm việc với Nguyễn Thị Vĩnh.

Tại nhà ở của Vĩnh, cơ quan Công an thu giữ 241 tờ card có nội dung quảng cáo Vĩnh có khả năng trừ tà ma, gọi hồn, chữa bệnh nan y, COVID-19… và một quyển sổ có ghi chép danh sách khách đến gọi hồn, chữa bệnh… Tuy nhiên, do mới hoạt động, uy tín không cao nên nhiều người chỉ đến hỏi thăm về dịch vụ gọi hồn, trừ vong, chữa bệnh của Vĩnh nhưng không để “thầy bói” này chữa bệnh. Người đến xem bói, gọi vong đặt lễ tùy tâm, với số tiền từ 50.000đ đến 100.000đ. Tính đến ngày 23/3, Vĩnh khai nhận thu được 1 triệu đồng tiền khách đặt lễ…

Công an TP Vĩnh Yên đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 12,5 triệu đồng đối với Nguyễn Thị Vĩnh về 2 hành vi “Vi phạm nếp sống văn hóa”, “Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội khi cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục...”

Trước đó, khi tình hình dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp, tài khoản Facebook có tên “D. H.” do D.T.H. (SN 1993), trú tại phường Nam Viêm, TP Phúc Yên làm chủ đã đăng tải thông tin phòng, chống dịch COVID-19 không đúng cách, đồng thời hướng dẫn chữa bằng cách "ở nhà dùng khăn lạnh, chanh không cần đến bệnh viện". Ngay sau khi thông tin được đăng tải trên mạng xã hội, lực lượng Công an kịp thời phát hiện, gửi cơ quan chuyên môn thẩm định tính xác thực của thông tin. Lập tức, Sở Y tế đã có ý kiến về phương pháp điều trị COVID-19 mà chủ tài khoản Facebook “D. H.” đăng tải không có cơ sở khoa học và chưa được các cơ quan chức năng có chuyên môn kiểm định, khuyến cáo và áp dụng.

Nhận thấy nội dung trên ảnh hưởng tiêu cực tới công tác phòng, chống dịch của các cấp, các ngành, gây hoang mang dư luận, Thanh tra Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Vĩnh Phúc đã lập biên bản, ra quyết định xử lý vi phạm hành chính với đối tượng H, mức phạt 5 triệu đồng.

Tại cơ quan chức năng, H. khai nhận, do vô tình đọc được thông tin này từ một chủ tài khoản Facebook khác, thấy có ích, muốn chia sẻ cho mọi người biết để phòng dịch tốt hơn nên đã copy toàn bộ thông tin không được kiểm định trên, đăng tải lên bảng tin của Facebook cá nhân mình mà không hề nghĩ đến những ảnh hưởng nghiêm trọng của thông tin đối với dư luận…

Công an tỉnh Vĩnh Phúc khuyến cáo, người bệnh cần đến các cơ sở y tế uy tín để khám, chữa bệnh, cảnh giác trước những lời quảng cáo thổi phồng, mê tín dị đoan. Khi sử dụng mạng xã hội, công dân cần nêu cao trách nhiệm, thực hiện đúng Luật An ninh mạng, đọc kỹ các thông tin trước khi chia sẻ, bình luận, tương tác; tránh chia sẻ, đăng tải các thông tin không được kiểm chứng, thiếu căn cứ khoa học.

Cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là chủ động nắm bắt các thông tin sai sự thực, thiếu cơ sở khoa học để phản bác, không để người dân mắc bẫy của những kẻ lừa đảo dựng lên những câu chuyện mang màu sắc mê tín dị đoan, hoang đường nhằm làm cho nạn nhân sợ hãi, hoang mang.

Khi biết con mồi “sập bẫy”, chúng đưa ra nhiều lời lẽ để nạn nhân cúng dường, giải bớt nghiệp, chữa được bệnh. Hậu quả không những khiến bệnh tình không được chữa trị kịp thời theo khoa học, ngày càng biến chuyển theo chiều hướng xấu mà còn gây mất ANTT tại địa phương.

M.Hiền
.
.
.