Ngăn chặn từ sớm tội phạm đường phố tại Thái Bình:

Lãnh đạo Công an tỉnh đối thoại, kéo thanh, thiếu niên hư về nẻo thiện (kỳ cuối)

Thứ Hai, 18/11/2024, 06:47

Chủ động nhận diện những diễn biến của tội phạm, đồng thời triển khai quyết liệt, hiệu quả các phương án, kế hoạch, Công an tỉnh Thái Bình được xem là "điểm sáng" trong đấu tranh phòng, chống tội phạm đường phố thời gian qua. Những biện pháp, cách làm bài bản, có tính chiều sâu của Công an tỉnh Thái Bình đang ngày càng phát huy hiệu quả, củng cố và giữ gìn bình yên nơi mảnh đất quê lúa.

Chủ động đấu tranh, phòng ngừa

Trong câu chuyện đấu tranh phòng, chống tội phạm đường phố với chúng tôi, Đại tá Phạm Mạnh Hùng, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình chia sẻ nỗi lo lắng trước những suy nghĩ, hành động lệch lạc, manh động, bất cần của nhiều đối tượng thanh, thiếu niên hư hiện nay. Đáng chú ý, phần nhiều trong số những đối tượng gây án trên đường phố đang ở lứa tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới", đang ngồi trên ghế nhà trường.

"Khi vi phạm này không được kịp thời phát hiện, ngăn chặn thì tương lai của một thanh, thiếu niên tưởng chừng đẹp đẽ ở phía trước có lẽ sẽ là những ngày tháng mịt mù, tăm tối, sa lầy vào các hành vi phạm pháp khác. Do vậy, lực lượng Công an tỉnh là nòng cốt đã tham mưu Ban Chỉ đạo 138 tỉnh Thái Bình ra văn bản chỉ đạo Ban Chỉ đạo 138 các huyện, thành phố nhằm nâng cao vai trò của các cấp, các ngành trong công tác quản lý, giáo dục; đồng thời, tạo ra những sân chơi lành mạnh để thu hút thanh, thiếu niên trên địa bàn"- Đại tá Phạm Mạnh Hùng trăn trở.

Lãnh đạo Công an tỉnh đối thoại, kéo thanh, thiếu niên hư về nẻo thiện (kỳ cuối) -0
Đại tá Phạm Mạnh Hùng - Phó Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình đối thoại với thanh, thiếu niên trên địa bàn TP Thái Bình.

 Thực tế từ các vụ án cho thấy, các đối tượng tội phạm đường phố thường không quen mà chỉ hẹn nhau đến vị trí nào đó gây án, sau này truy xét hết sức khó khăn, nếu không chủ động phòng ngừa. Trước diễn biến phức tạp của tội phạm đường phố, trong năm 2024, Công an tỉnh Thái Bình đã tăng cường công tác nắm tình hình địa bàn; tập trung rà soát lên danh sách các đối tượng thanh, thiếu niên có biểu hiện vi phạm và có khả năng, điều kiện vi phạm để tập trung, tăng cường các biện pháp giáo dục, quản lý và có biện pháp phòng ngừa.

Chỉ khi làm tốt công tác nắm tình hình từ cơ sở thì các vụ việc liên quan đến các đối tượng thanh, thiếu niên và tội phạm đường phố mới kịp thời được phát hiện và xử lý một cách triệt để. Thời gian qua, Công an tỉnh Thái Bình đã thực hiện tổng rà soát, mở những đợt cao điểm tấn công mạnh mẽ, khiến tình hình tội phạm đường phố giảm rõ rệt.

Một trong những giải pháp mang lại hiệu quả đặc biệt trong công tác phòng ngừa tội phạm đường phố của Công an tỉnh Thái Bình, đó là huy động lực lượng Công an cơ sở vào cuộc một cách quyết liệt và trách nhiệm. Công an các xã, phường phối hợp tổ chức lực lượng theo cụm (2 xã), thực hiện tuần tra kiểm soát lưu động trên các tuyến đã được rà soát, lên phương án phòng ngừa; trước khi triển khai thực hiện, danh sách và đầu mối liên hệ giữa các tổ cũng được cập nhật để kịp thời phối hợp trong trường hợp cần thiết.

Khi phát hiện các nhóm tội phạm đường phố, tổ công tác không thực hiện bắt giữ hay truy đuổi ngay trên đường mà thường "tóm gọn" khi chúng dừng lại tụ tập, để đảm bảo an toàn. Đặc biệt, các dịp cuối tuần, khi nhiều cháu được nghỉ học, cũng như nhiều cuộc tụ tập của thanh, thiếu niên hư hay được tổ chức, Công an các xã, phường phối hợp với gia đình quản lý chặt chẽ các cháu có biểu hiện tham gia tụ tập, vi phạm. Điều này nhận được sự đồng tình, ủng hộ của gia đình các cháu, thậm chí có gia đình còn xin đưa con em mình lên trụ sở Công an xã, phường để các chú Công an quản "giúp", không có cơ hội tụ tập với đám bạn xấu.

Trung tâm chỉ huy Công an tỉnh Thái Bình vận hành xuyên suốt cả ngày nghỉ cuối tuần hay dịp lễ tết. Thông qua hệ thống camera an ninh phòng ngừa, phát hiện các nhóm thanh, thiếu niên tụ tập, càn quấy trên các tuyến, địa bàn. Bên cạnh đó, phát huy vai trò của lực lượng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh cũng nâng tầm nhận diện, nắm bắt từ sớm, từ xa những "đốm lửa" manh nha bùng cháy trên không gian mạng, qua đó có biện pháp, đối sách phòng ngừa, đấu tranh cụ thể đối với từng đối tượng, nhất là đối tượng cầm đầu.

Thống kê, trong 8 tháng đầu năm 2024, tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi trên địa bàn huyện Thái Thụy xảy ra 18 vụ, 64 đối tượng, tăng 55,5% so với cùng kỳ năm 2023 (trong đó hành vi cấu thành tội phạm là 10 vụ, khởi tố 30 bị can), tính chất ngày càng manh động, liều lĩnh, nguy hiểm hơn; chịu ảnh hưởng và chi phối nhiều từ mạng xã hội.

Trước tình hình đó, Thượng tá Nguyễn Đình Lanh, Trưởng Công an huyện Thái Thụy cho biết, thực hiện chỉ đạo của Công an tỉnh, Công an huyện Thái Thụy đã thực hiện các kế hoạch, phương án nhằm đánh mạnh, hạn chế loại tội phạm này, kiên quyết xử lý các trường hợp đủ điều kiện, tích cực quản lý, răn đe các đối tượng còn lại. Ghi nhận tại huyện Thái Thụy cho thấy, đến nay, trên địa bàn huyện Thái Thụy không còn hiện tượng các thanh, thiếu niên sử dụng xe máy, mang theo hung khí, dàn hàng ngang diễu hành hay chạy với tốc độ cao… gây nguy hiểm ở trên đường. 

Những giọt nước mắt đắng chát

Tâm sự với chúng tôi, Đại tá Phạm Mạnh Hùng chia sẻ, tập trung đánh trúng, đánh mạnh vào nhóm tội phạm đường phố gây bức xúc dư luận thời gian qua, Công an tỉnh Thái Bình luôn giữ vững quan điểm xuyên suốt là các quyền và lợi ích của trẻ em phải luôn được tôn trọng và đặt lên hàng đầu. Bắt nhiều không phải là hữu hiệu, mà phải lấy mục đích giáo dục, phòng ngừa là chính để các em có thể trở thành công dân có ích cho xã hội; hạn chế tối đa việc áp dụng các biện pháp mang tính trừng phạt, giam giữ nhưng vẫn đảm bảo sự an toàn của cộng đồng và trật tự xã hội.

Lãnh đạo Công an tỉnh đối thoại, kéo thanh, thiếu niên hư về nẻo thiện (kỳ cuối) -0
Đại tá Phạm Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình trao đổi với phóng viên về công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm đường phố.

Trong thời gian qua, đã có 7 hội nghị đối thoại, phổ biến, giáo dục pháp luật giữa Ban Giám đốc, lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Thái Bình và Công an các huyện, thành phố với thanh, thiếu niên, học sinh trên địa bàn được tổ chức, thể hiện sự quyết liệt và phòng ngừa có chiều sâu của Ban Giám đốc Công an tỉnh trong việc nhận diện, đánh trúng vào gốc rễ của vấn đề.

Các cuộc đối thoại, tuyên truyền này là diễn đàn cần thiết để nhìn nhận, phân tích thực trạng, đánh giá nguyên nhân để tìm ra những giải pháp thiết thực, sát thực tế. Giải pháp tuyên truyền, giáo dục, phòng ngừa vi phạm pháp luật ở lứa tuổi thanh, thiếu niên thông qua hình thức đối thoại, lắng nghe nhân dân nhận được nhiều ý kiến đồng tình, đánh giá cao. Tại buổi đối thoại, những thanh, thiếu niên, học sinh được trình bày về hoàn cảnh vi phạm pháp luật, tâm lý lứa tuổi, nguyên nhân phát sinh vi phạm. Các em cũng bày tỏ sự hối hận, ăn năn sau khi bị cơ quan chức năng xử lý.

Khi chúng tôi về Thái Bình thực hiện loạt bài viết này, đã chứng kiến hội trường Công an tỉnh Thái Bình không còn một ghế trống. Cuộc đối thoại với gần 1.000 thanh, thiếu niên, học sinh và phụ huynh tham gia do Công an TP Thái Bình phối hợp với UBND thành phố, chính quyền 19 phường, xã, 24 trường THCS, trường THPT tổ chức đã gây ấn tượng mạnh với những thanh, thiếu niên có biểu hiện hư hỏng và các bậc phụ huynh, thầy cô giáo. Phía trên bục hội trường, Đại tá Phạm Mạnh Hùng cùng với một số chỉ huy của các phòng nghiệp vụ và Công an TP Thái Bình, Công an một số huyện trong tỉnh trực tiếp "đối thoại" với những thanh, thiếu niên có biểu hiện hư hỏng trong toàn tỉnh.

Là con của một đối tượng hình sự có tiếng ở Thái Bình - Nguyễn Xuân Đường (tức Đường "Nhuệ"), Nguyễn Bảo Khang (SN 2009) từng là một thiếu niên "không biết sợ". Đi ra ngoài, Khang luôn kè kè 2 vệ sĩ sẵn sàng phục tùng bất cứ yêu cầu gì. Dù tuổi đời còn trẻ song Khang lại là nỗi sợ hãi của không chỉ những thanh, thiếu niên cùng trang lứa mà ngay cả với nhiều người dân trên địa bàn nơi sinh sống.

Sau khi phân tích những hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật, Đại tá Phạm Mạnh Hùng "chốt" lại: "Nếu những cháu nào có bố mẹ đang đi "vắng" thì các cháu phải ở nhà ngoan để cho bố mẹ các cháu yên tâm chấp hành án từ đó có cơ hội sớm trở về". Chỉ với câu nói trên vừa đủ yếu tố răn đe nhưng cũng bao hàm sự quan tâm đặc biệt của Phó Giám đốc Công an tỉnh đối với các thanh, thiếu niên có biểu hiện hư hỏng, các thanh, thiếu niên ngồi dưới có bố, mẹ đang phải chấp hành án tại các trại giam hiểu được cái giá phải trả của việc vi phạm pháp luật để thay đổi bản thân. Từ sau khi cuộc đối thoại diễn ra, nhiều thanh, thiếu niên, trong đó có Nguyễn Bảo Khang không còn tụ tập lêu lổng, gây gổ đánh nhau mà đã  chú tâm hơn vào việc học.

Những câu chuyện thực tế, đặc biệt là cái giá phải trả rất đắt khi học sinh, con em, thanh, thiếu niên hư hỏng vi phạm pháp luật được đồng chí Phó Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình trực tiếp nêu ra tại cuộc đối thoại không chỉ khiến các cháu thanh, thiếu niên ngồi dưới cảm nhận được nỗi đau, sự mất mát, tương lai mờ mịt nếu như sa vào con đường phạm tội, mà còn giúp những phụ huynh, người giám hộ cho các trường hợp thanh, thiếu niên, học sinh vi phạm pháp luật hoặc có biểu hiện vi phạm pháp luật, học sinh cá biệt cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, giáo dục con em mình.

Một bà mẹ quanh năm lam lũ với ruộng đồng đã bật khóc, nói không thành tiếng khi chia sẻ về những bất lực, ức nghẹn của mình với cậu con trai 16 tuổi ngay trong cuộc đối thoại, trước sự hiện diện của gần 400 thanh, thiếu niên, phụ huynh của huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình) và mong muốn tiếp tục được lực lượng Công an xã phối hợp giáo dục để cháu chú tâm vào việc học, không còn những suy nghĩ lệch lạc dẫn đến hành động sai trái.

Đại tá Phạm Mạnh Hùng cũng chia sẻ, đối thoại là một kênh và cùng với đó, để phòng ngừa, kéo giảm vi phạm của các đối tượng thanh, thiếu niên cũng như tội phạm đường phố cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cũng như các cơ quan đoàn thể, đặc biệt là các tổ chức Đoàn thanh niên, hội phụ nữ, nhà trường chung tay giáo dục, chăm lo học sinh, thanh, thiếu niên.

Cùng với đó, sự quan tâm, động viên, quyết liệt từ phía gia đình trong phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan Công an, nhất là Công an xã, để kịp thời uốn nắn, giáo dục các cháu ngay từ còn bé, từ những vi phạm nhỏ tránh bị trượt dài vào các vi phạm lớn, dẫn đến cấu thành các hành vi phạm tội, là điều rất cần thiết.

Vũ Linh - Hoàng Phong
.
.
.