Kỳ 1: Những đêm trắng “săn” cát tặc
Với hàng trăm km đi qua địa bàn Thủ đô, sông Hồng và suông Đuống lâu nay là tuyến đường thủy huyết mạch. Lực lượng Cảnh sát giao thông của Công an TP Hà Nội không chỉ đảm bảo an toàn cho các hoạt động đường thủy mà còn tập trung tăng cường phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên sông trong đó có tình trạng khai thác cát trái phép.
Mật phục xử lý vi phạm trên sông Hồng
Đêm của tháng cuối cùng trong năm, phóng viên cùng tổ công tác của Đội Cảnh sát đường thủy số 1, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội ngồi trên chiếc xuồng đặc chủng ở dưới sông Hồng trên thượng nguồn Ba Vì khiến cho chúng tôi thêm cảm nhận cái lạnh của mùa đông rõ rệt hơn. Hơi lạnh phả ngược từ dưới mặt sông lên phía trên, tạo thành một lớp sương mờ đục.
Trái với những tháng trước đó, hoạt động vận tải trên sông thời điểm này lại khá khiêm tốn. Những người dân vạn chài và ngay cả các chủ tàu thuyền thường có tâm lý nghỉ Tết sớm hơn thường lệ. Những con tàu hoạt động trên sông là số chủ tàu đang cố gắng hoàn thành nốt những chuyến hàng cuối năm, để neo đậu trước khi tháng Chạp gọi mưa xuân đến.
Thời điểm này, theo ghi nhận, mực nước ở trên các tuyến sông qua địa bàn Thủ đô đều thấp. Mùa khô, nước từ trên thượng nguồn khan hiếm, khiến cho nhiều đoạn trên tuyến sông Hồng, sông Đuống lộ rõ các bãi cát ngầm. Nguy cơ xảy ra tai nạn đối với hoạt động vận tải tàu thuyền trên sông cũng tiềm ẩn từ những bãi khan cạn, bãi nổi này. Thiếu tá Hà Trọng Hoan, Đội trưởng Đội Cảnh sát đường thủy số 1 cho biết, ở các khu vực trên, đơn vị đều bố trí lực lượng, phương tiện cảnh báo, hướng dẫn các tàu thuyền đi lại an toàn. Mối lo lớn nhất của đơn vị không phải là tai nạn từ những khu vực bãi khan cạn, bãi cát nổi trên, mà chính là số “vàng trắng” đó sẽ thu hút cát tặc đến khai thác cát trái phép.
Không chỉ có tổ công tác làm nhiệm vụ mật phục trên sông Hồng ở đoạn đi qua địa bàn huyện Ba Vì, từ khu vực sông Hồng chảy vào Thủ đô kéo dài cho đến cầu Thăng Long, Đội Cảnh sát đường thủy số 1 còn “cắm” nhiều tổ công tác khác với nhiệm vụ tương tự. Đêm theo thời gian kéo dần về sáng, qua bộ đàm, Thiếu tá Hà Trọng Hoan nhận thông tin báo cáo từ tổ công tác số 2 phát hiện tại sông Hồng đi qua địa bàn phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm xuất hiện một tàu nghi vấn đang có biểu hiện vận chuyển cát trái phép.
Chỉ huy Đội Cảnh sát đường thủy số 1 đã chỉ đạo tổ công tác đón lõng con tàu này từ xa, với yêu cầu phải đảm bảo bí mật, an toàn cho lực lượng kiểm tra, người trên tàu. Hỗ trợ cho tổ công tác còn có Đội Cảnh sát Kinh tế, Công an quận Bắc Từ Liêm. Chừng nửa giờ sau, con tàu nghi vấn đi “lọt thỏm” vào khu vực mật phục của tổ công tác.
Tại thời điểm kiểm tra, tàu thủy có số đăng ký VP-1240 có 2 người và không xuất trình được giấy tờ phương tiện có liên quan. Đáng chú ý, toàn bộ số cát trên khoang tàu cũng không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Kiểm tra sơ bộ, tổ công tác xác định trên tàu có khoảng hơn 200m3 cát. Trong quá trình kiểm tra, một đối tượng trên tàu đã tự nguyện giao nộp 8 giàn pháo hoa nổ và 1 túi ni lon chứa pháo bi nổ, với tổng trọng lượng khoảng 12kg. Ban đầu, đối tượng khai nhận mang số pháo hoa nổ trên để đi bán kiếm lời. Cơ quan CSĐT Công an quận Bắc Từ Liêm đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tiếp tục điều tra xử lý theo quy định.
Liên hoàn tấn công
Thông tin với phóng viên, Thượng tá Đỗ Văn Chuẩn, Phó trưởng Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết, hoạt động vận tải thủy khác biệt so với giao thông đường bộ. Những vi phạm trên các tuyến sông cũng khá đặc thù và đa dạng. Bên cạnh đại đa số các chủ tàu thuyền, phương tiện chấp hành nghiêm quy định về vận tải, đảm bảo an toàn thì vẫn còn đâu đó có những đối tượng cố tình vi phạm, từ chở hàng quá tải đến hàng lậu.
Thời điểm cuối năm khi hoạt động xây dựng đang được đẩy mạnh thì cũng đồng nghĩa với nhu cầu về vật liệu xây dựng tăng cao. Mối liên hệ giữa cung và cầu này ở góc độ nào đó đã tạo nên các “cơ hội” cho hoạt động khai thác cát trái phép tiềm ẩn.
Nếu như các tuyến đường huyết mạch hoặc trong nội đô trên bộ nằm trọn ở khu vực địa giới Hà Nội, thì đối với những tuyến sông lại có sự giáp ranh giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố xung quanh. Đơn cử như hàng chục km tuyến sông Hồng đoạn đi qua địa bàn các huyện Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Đan Phượng… lại giáp ranh với các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc. Chính vì lẽ đó, công tác đấu tranh phòng, chống những vi phạm pháp luật trên sông không thể một mình Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội đảm đương được, mà đòi hỏi ở đây phải có sự phối hợp chặt chẽ, liên hoàn, hiệu quả giữa lực lượng của Cục CSGT và Công an các tỉnh, thành giáp ranh.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT, Cục CSGT, Bộ Công an cho biết: Trong những năm qua, Cục CSGT đã chỉ đạo nghiệp vụ lực lượng CSGT các địa phương đảm bảo hiệu quả các yêu cầu nhiệm vụ về phòng, chống, kéo giảm ùn tắc và TNGT cả trên bộ lẫn đường thủy. Cùng với đó, các hoạt động về phòng, chống vi phạm pháp luật, đấu tranh với các loại tội phạm trên đường thủy, đường bộ cũng được đẩy mạnh, đạt được nhiều kết quả cao. Trên lĩnh vực phòng, chống vi phạm khai thác cát trái phép, một trong những đơn vị đạt được nhiều kết quả cao, đó chính là Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội. Nhiều vụ việc Phòng CSGT Công an TP Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Cục CSGT qua đó kịp thời phát hiện, xử lý các đối tượng khai thác cát trái phép.
Lật giở hồ sơ về những vụ việc trên, Đại tá Nguyễn Quang Nhật thông tin với chúng tôi vụ bắt giữ 4 phương tiện thủy khai thác cát trái phép trên sông Hồng vào đầu tháng 11/2022 vừa qua. Thời điểm đó mới chập tối, lực lượng của Đội Cảnh sát đường thủy số 1 phối hợp với Phòng 10, Thủy Đoàn I - Cục CSGT, Công an tỉnh Vĩnh Phúc, Công an tỉnh Phú Thọ và Công an huyện Ba Vì, Hà Nội mật phục, kiểm tra bắt giữ 4 phương tiện thủy đang có hành vi khai thác cát trái phép trên sông Hồng.
Quá trình kiểm tra, xác định có 3 phương tiện khai thác cát trái phép nằm trên địa bàn thuộc địa phận xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc giáp ranh với xã Châu Sơn, huyện Ba Vì, TP Hà Nội và 1 phương tiện khai thác cát trái phép thuộc địa phận xã Tản Hồng, huyện Ba Vì, TP Hà Nội giáp ranh với phường Bạch Hạc, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Tại thời điểm kiểm tra, các phương tiện đã khai thác được tổng số khoảng 300m3 cát. Hiện tại, Đội Cảnh sát đường thủy số 1 - Phòng CSGT - Công an TP Hà Nội đang thụ lý, giải quyết 1 phương tiện và Phòng CSGT, Công an tỉnh Vĩnh Phúc thụ lý giải quyết 3 phương tiện theo quy định của pháp luật.