Khuyến cáo người dân cảnh giác với tội phạm trộm cắp, lừa đảo những tháng cận Tết

Chủ Nhật, 20/11/2022, 08:26

Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cho biết, do chủ động triển khai quyết liệt nhiều giải pháp nên tình hình tội phạm xâm phạm trật tự xã hội được kéo giảm. Trong năm 2022 toàn tỉnh xảy ra 950 vụ, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2019 (tức trước khi dịch bệnh COVID-19), khám phá 786/950 vụ, đạt tỷ lệ 82,73%, bắt xử lý 1.840 đối tượng; trong đó, án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đã làm rõ 118 vụ, đạt tỷ lệ 90,67% vượt chỉ tiêu đề ra.

Nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng được tập trung điều tra, làm rõ, bắt giữ các đối tượng gây án. Nổi bật là chuyên án bắt giữ 2 đối tượng Lê Minh Trí, Lê Minh Truyền gây ra 8 vụ lừa đảo qua mạng trên nhiều tỉnh, thành, chiếm đoạt hơn 13 tỷ đồng; Chuyên án bắt giữ 8 đối tượng nằm trong đường dây mua bán 31 trẻ sơ sinh do Nguyễn Thị Ngọc Như cầm đầu…;

Hay vụ bắt giữ các đối tượng vận chuyển ma tuý từ châu Âu qua đường hàng không, thu giữ số lượng 30kg thuốc lắc; Chuyên án bắt giữ 7 đối tượng về hành vi tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy, tang vật thu giữ là 1,34kg ma túy đá và 27,1179g thuốc lắc...

binh duong.jpg -0
Một băng trộm cắp tài sản bị Công an Bình Dương bắt giữ.

Để tiếp tục kiềm chế tội phạm, thời gian qua, Công an tỉnh đã mở 2 đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm và thành lập Tổ tuần tra đặc biệt 171. Từ khi ra mắt Tổ 171 (31/10/2022) đến nay, tội phạm về trật tự xã hội đã giảm 53,8% so với liền kề, hạn chế thấp nhất các loại tội phạm đường phố và các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông. Ngoài ra, Công an tỉnh Bình Dương còn duy trì nhân rộng 3 mô hình phòng chống tội phạm hiệu quả là Đội Công nhân xung kích tự quản về ANTT trong doanh nghiệp; Câu lạc bộ phòng chống tội phạm và Đội tuyên truyền phòng, chống tội phạm.

Tuy nhiên, cũng theo Đại tá Trần Văn Chính, mặc dù số vụ phạm pháp giảm nhưng tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, các vụ vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; trộm cắp tài sản; lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có chiều hướng gia tăng, nhất là vào những tháng cận Tết.

Thượng tá Lâm Hồng Vũ, Trưởng Phòng CSHS Công an tỉnh Bình Dương cho biết: Đối với tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, các đối tượng sử dựng phương thức truyền thống nhưng tinh vi hơn không yêu cầu cung cấp giấy tờ tùy thân, không viết giấy vay nợ, chỉ yêu cầu cung cấp hình “ảnh nóng” cá nhân và số điện thoại của người thân. Đối với số tiền vay lớn, kẻ cho vay lập hợp đồng giả cách công chứng chuyển nhượng các bất động sản.

Do hợp đồng giả cách được chúng thiết lập khá chặt chẽ nên người vay có nguy cơ mất nhà cửa, đất đai nếu bị chúng “lật kèo”. Do vậy mà Công an tỉnh Bình Dương khuyến cáo người dân cần chủng động tìm hiểu để tiếp cận các nguồn vốn vay từ ngân hàng, tổ chức tín dụng hoặc vay tiền từ người thân, bạn bè để trang trải cuộc sống và đầu tư kinh doanh… để trách xa thòng lọng “tín dụng đen” có thể “siết cổ” mình bất cứ lúc nào…

Về tội phạm trộm cắp tài sản, Thượng tá Lâm Hồng Vũ khuyến cáo người dân cần trang bị thêm hệ thống chống trộm cho xe gắn máy như khóa bánh, khóa càng, khóa điện tử để chống trộm, tuy nhiên vẫn phải để xe nơi dễ quan sát, có người trông coi. Đối với các hộ gia đình cần trang bị camera giám sát hoặc chuông báo động để quan sát từ xa. Hạn chế hoặc không để tiền mặt, tài sản có giá trị cao như vàng bạc, đá quý… trong nhà. Không chia sẻ thông tin, hình ảnh về kiến trúc nhà cửa, gia đình đi du lịch, đi chơi lễ, Tết… trên mạng xã hội.

Về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật thông qua hình thức chơi hụi (họ, biêu, phường) cũng được Công an Bình Dương xác định sẽ xảy ra nhiều vào dịp cuối năm. Mục đích của việc tổ chức hụi nhằm tương trợ lẫn nhau giữa những người tham gia, không nặng về mục đích lợi nhuận. Tuy nhiên, trên thực tế hầu hết các dây hụi các thành viên đều không biết mặt nhau, thiên về lợi nhuận, thu lãi cao hơn so với lãi suất tiết kiệm tại Ngân hàng nên đã phát sinh rủi ro rất cao. Đến khi chủ hụi tuyên bố vỡ họ, không ít người rơi vào cảnh trắng tay.

Hiện nay việc chơi hụi xuất hiện nhiều biến tướng và phức tạp, người chơi hụi thông qua mạng xã hội như Facebook, Zalo... mà không biết nhau ngoài đời. Để lôi kéo hụi viên, các chủ hụi đăng tải hình ảnh cuộc sống xa hoa trên mạng xã hội để mọi người tin tưởng tham gia. Sau khi có hụi viên thật, kẻ lừa dựng lên nhiều hụi viên “ảo” cùng tham gia dây hụi và dễ dàng chiếm đoạt. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2022, Công an tỉnh đã tiếp nhận hơn 200 nguồn tin về tội phạm về lừa đảo kiểu này.

“Để tránh bị lừa, người dân chỉ nên chơi hụi khi thấy rõ sự an toàn. Đó là người chủ hụi có độ tin cậy cao, các thành viên biết rõ về nhau, hụi không có lãi suất hoặc lãi suất thấp. Ngoài ra, việc chơi hụi nhất thiết phải có sổ sách ghi chép cẩn thận, giấy tờ biên nhận rõ ràng, có chữ ký của cả hai bên về việc giao nhận tiền, biết rõ người nhận hụi sau mỗi kỳ góp hụi”- Thượng tá Trần Minh Tâm, Phó Chánh Văn phòng cơ quan CSĐT Công an Bình Dương đưa ra khuyến cáo.

Mã Hải
.
.
.