Khuyến cáo người dân cảnh giác với tiền giả
Theo Công an TP Thủ Đức, hiện tiền giả không chỉ xuất hiện trên thị trường mà còn được rao bán công khai qua mạng xã hội. Nhiều người thiếu hiểu biết pháp luật, hám lợi bỏ tiền thật mua tiền giả để tiêu dùng, tiếp tay, khiến hoạt động buôn bán tiền giả mạnh hơn.
Ngày 25/4, Công an TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) cho biết, kẻ gian thường lợi dụng những người buôn bán nhỏ, người già, người bán hàng đang bận rộn, mất cảnh giác, các điểm bán tạp hóa, hàng rong nhỏ lẻ ven đường, vắng người hoặc nơi thiếu ánh sáng để “ra tay”. Chúng thường dùng tiền giả mệnh giá lớn mua hàng có giá trị nhỏ hoặc đổi lấy tiền mệnh giá nhỏ để được trả lại bằng tiền thật.
Ngày 15/2, nhân viên một tiệm thuốc tây trên đường Nguyễn Xiển, TP Thủ Đức đã nhận được những tờ tiền giả như thật (mệnh giá 500 ngàn đồng) do khách đưa khi mua thuốc. Khi chủ tiệm kiểm kê lại tiền mới biết đó là tiền giả…
Công an TP Thủ Đức đã chỉ cách nhận biết tiền giả, tiền thật và khuyến cáo người dân cảnh giác với tội phạm làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, vì đây là tội phạm nguy hiểm, tinh vi và phức tạp.
Theo Công an TP Thủ Đức, các loại tiền giả Polymer thường có các dải seri sau: 500.000 đồng seri DA, FC, PK, YF; 200.000 đồng seri EP, HW, HZ. IA, IW, JP, NM, OG, QQ, TQ, UI, YX, ZX và 50.000 đồng có seri PL.
Những loại tiền giả này có các đặc điểm hình ảnh, hoa văn không sắc nét, hình định vị không khớp khít, mực đổi màu được in cùng với hình ảnh, hoa văn mặt trước, không có hiệu ứng đổi màu như tiền thật và mảng ký tự siêu nhỏ là những dải mực nhòe.
Ngoài ra, cửa sổ lớn, cửa sổ nhỏ làm giả bằng cách khoét thủng trên giấy theo hình cửa sổ và phủ lớp nylon trên toàn bộ hai mặt tờ tiền. Khi soi dưới đèn cực tím thì nền giấy này phát quang, seri dọc và seri ngang không phát quang.
Riêng seri PK của mệnh giá 500.000 đồng làm giả nét in nổi tại cụm số mệnh giá ở góc trên, bên trái, mặt sau tờ tiền. Khi soi dưới đèn cực tím, cụm số in làm giả dập nổi phát quang cường độ yếu.
Công an TP Thủ Đức cũng chỉ ra cách nhận biết tiền thật. Theo đó, khi soi tờ tiền thật trước nguồn sáng, kiểm tra hình bóng chìm sẽ nhìn thấy rõ từ hai mặt, được thể hiện bằng nhiều đường nét tinh xảo, sáng trắng.
Tiền thật khi vuốt nhẹ tờ tiền ở các yếu tố in lỏm sẽ cảm nhận được độ nổi, nhám ráp của nét in. Bên cạnh đó, khi chao nghiêng tờ tiền, kiểm tra mực đổi màu thì yếu tố này có màu vàng khi nhìn thẳng, đổi sang màu xanh lá cây khi nhìn nghiêng. Kiểm tra yếu tố IRIODIN là dải màu vàng chạy dọc tờ tiền, lấp lánh ánh kim khi chao nghiêng. Tiền thật khi kiểm tra các cửa sổ sẽ trong suốt, số mệnh giá dập nổi và yếu tố hình ẩn.
Còn tiền giả có hình bóng chìm chỉ là hình mô phỏng, không tinh xảo, các chữ, số trên dây bảo hiểm không rõ ràng, không sắc nét. Hình định vị không khớp khít, các khe trắng không đều nhau.
Tiền giả vuốt nhẹ tay chỉ có cảm giác trơn lì hoặc có cảm giác gợn tay nhưng không có độ nổi, nhám ráp như tiền thật. Tiền giả được làm giả yếu tố mực đổi màu nhưng không đổi màu, hoặc có đổi màu nhưng không đúng như tiền thật, không có yếu tố iriodin hoặc có dải nhũ vàng nhưng không lấp lánh như tiền thật.
Riêng cụm số mệnh giá dập nổi trên cửa sổ lớn không tinh xảo như tiền thật, trong cửa sổ nhỏ không có yếu tố hình ẩn.
Theo Điều 207 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017, người nào có hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả có thể bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm. Trường hợp phạm tội tiền giả có trị giá tương ứng từ 5 triệu đến dưới 50 triệu đồng thì bị phạt tù từ 5 đến 12 năm. Còn phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 50 triệu trở lên thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân…
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.