Giải cứu hàng trăm nạn nhân bị lừa bán sang Campuchia
Quá tin vào những lời mời chào hấp dẫn “việc nhẹ, lương cao”, hàng trăm người đã bị lừa qua Campuchia trái phép và bị ép phải làm nhiều công việc nặng nhọc, “nhạy cảm”. Để rồi sau đó vỡ mộng khi đối mặt với những cạm bẫy chờ sẵn, phải khốn khổ tìm cách lẩn trốn khắp nơi, cầu cứu người thân và cơ quan chức năng giải cứu trở về…
Chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng Công an đã phối hợp với các lực lượng chức năng khác và phía Campuchia giải cứu hơn 250 trường hợp bị lừa sang lao động trái phép tại Campuchia; tổ chức điều tra, triệt phá nhiều đường dây tội phạm lừa đảo tuyển mộ công dân Việt Nam sang Campuchia làm việc, thực chất là xuất cảnh trái phép rồi bị cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản...
Tháng 6/2022, thông qua mạng xã hội facebook, zalo, anh Ksor Tui, sinh năm 2003, quê tỉnh Gia Lai, trú tại tỉnh Đồng Nai đã làm quen với một người tên Ngọc Hân và được người này giới thiệu đi làm việc tại tỉnh Tây Ninh trong một công ty sản xuất linh kiện điện tử với mức lương hơn 20 triệu đồng/tháng. Trước lời chào mời lương hấp dẫn cho một lao động phổ thông như vậy, Ksor Tui không những nhận lời đi làm mà còn giới thiệu 3 người bạn cùng quê là Siu Hao, Siu Hai và Rmah đi cùng. Sau khi đến điểm hẹn tại Khu công nghiệp Hố Nai, Ksor Tui và 3 người đi cùng đã đón xe đến bến xe Miền Đông, TP Hồ Chí Minh. Vừa xuống xe, Ksor Tui và nhóm bạn được một người đàn ông lạ mặt gọi điện thoại, đón lên một khách sạn ở quận Tân Bình để nghỉ ngơi, chờ người tới đón. Sau đó cả nhóm tiếp tục được một người khác dùng ôtô chở đến địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Lợi dụng đêm tối, các đối tượng tiếp tục chở Ksor Tui và nhóm bạn bằng xe máy đến một căn nhà hoang ở khu vực giáp biên giới Campuchia. Nghi ngờ bị lừa, giữa đêm khuya thanh vắng, Siu Hao và Siu Hai đã bỏ chạy trốn vào nhà dân ở khu vực biên giới, sau đó gọi điện cho người thân nhờ lực lượng chức năng giải cứu. Người dân đã dẫn Siu Hao và Siu Hai đến Đồn Biên phòng tỉnh Long An để nhờ hỗ trợ đưa về nhà. Trong khi đó, anh Ksor Tui và Rmah Phai tiếp tục bị các đối tượng đưa qua biên giới Campuchia.
Để triệt phá đường dây đưa người xuất cảnh trái phép này, Công an tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát hình sự đeo bám các “chân rết” trong đường dây. Trinh sát xác định, nhóm đối tượng đưa 4 người cùng quê Gia Lai nói trên từ Đồng Nai qua biên giới Campuchia là Vòng Phát Chương, Chế Minh Nhật và Huỳnh Thanh Phong. Để đánh lạc hướng cũng như tránh được sự theo dõi của Công an, các đối tượng đã liên tục đổi địa điểm đưa, đón và phân công nhiều đối tượng thay phiên nhau. Do đó, các trinh sát hình sự đã phải rất khó khăn mới đeo bám được đường đi nước bước của các đối tượng trong đường dây này.
Đến cuối tháng 6, Công an tỉnh Đồng Nai tiếp tục xác định một nạn nhân khác là anh Phạm Văn Hòa, sinh năm 2000, ngụ TP Biên Hòa cũng đang bị một số đối tượng lừa đưa đi làm việc ở Tây Ninh nhưng thực chất đang trên đường đưa qua biên giới Campuchia bằng đường bộ ở tỉnh Long An. Một trinh sát cho biết, quá trình lần theo dấu vết các đối tượng đưa anh Hòa đi biên giới gặp rất nhiều khó khăn khi có 3 địa điểm Công an tiếp cận được thì các đối tượng cũng vừa dẫn nạn nhân đi nơi khác. Với quyết tâm đeo bám và kiên quyết chặt đứt đường dây này, Công an tỉnh Đồng Nai đã cắt cử nhiều tổ công tác chia thành nhiều mũi tiếp cận ở khu vực biên giới Campuchia. Tối 28/6, Công an tỉnh Đồng Nai đã phát hiện tại khu vực xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An, nạn nhân Phạm Văn Hòa cùng 2 người là Lê Chí Thông (ngụ tỉnh Bình Phước) và Đỗ Tiến Đạt (ngụ TP Biên Hòa) đang được các đối tượng đưa qua một xe ô tô khác để qua biên giới Campuchia. Các trinh sát đã lập tức ập vào khống chế nhóm đối tượng để giải cứu 3 nạn nhân. Các đối tượng bị khống chế, bắt giữ gồm: Nguyễn Văn Khánh, SN 1993; Phạm Thanh Quy, SN 1989 và Huỳnh Văn Út, SN 1993, cả 3 đều ngụ tỉnh Long An. Cùng lúc, một tổ trinh sát khác cũng nhanh chóng tiếp cận nhà của các đối tượng trong đường dây là Vòng Phát Chương, SN 1986, ngụ TP Hồ Chí Minh và Lê Văn Lộc, Chế Minh Nhật, Huỳnh Thanh Phong, cùng SN 1989 và cùng ngụ tỉnh Tây Ninh, tổ chức bắt giữ các đối tượng. Khám xét nơi ở của nhóm này, Công an thu giữ 3 xe ôtô, 2 xe máy cùng nhiều tang vật liên quan khác.
Tại cơ quan Công an, Vòng Phát Chương khai nhận, qua mạng xã hội đã quen biết với Vương Văn Thành sinh sống ở Campuchia từ nhiều năm nay. Đầu năm 2022, Vương Văn Thành nói với Chương rằng công ty nơi hắn làm việc ở Campuchia cần tuyển nhiều người lao động. Cứ đưa được một người đến điểm hẹn ở TP Hồ Chí Minh để Thành đưa sang nước ngoài thì Chương sẽ được hưởng tiền. Ban đầu, các đối tượng dự tính đưa người tập kết tại các khách sạn ở TP Hồ Chí Minh để làm hộ chiếu trước khi xuất cảnh, nhưng sau đó chúng đã tổ chức đưa người xuất cảnh “chui” bằng đường tiểu ngạch. Theo xác minh của cơ quan Công an, từ đầu năm 2022 đến nay, với thủ đoạn nêu trên, Vòng Phát Chương cùng đồng bọn đã đưa gần 200 người trót lọt sang Campuchia.
Thời gian qua, Công an tỉnh Tây Ninh đã phát hiện 22 vụ, 26 đối tượng xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới. Đại tá Nguyễn Văn Trãi, Giám đốc Công an tỉnh Tây Ninh cho biết: Tỉnh Tây Ninh có địa hình tiếp giáp với nhiều tỉnh của nước bạn Campuchia nên tồn tại các đường mòn, lối mở. Do đó, nhiều đối tượng đã lợi dụng tìm mọi cách móc nối đưa người xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới Campuchia. Ngày 16/5, Công an huyện Bến Cầu đã bắt quả tang Nguyễn Thành Công, SN 1984; Trần Ngọc Hảo, SN 1986; Trần Quốc Tuấn, SN 1996 và Trần Tuấn Em, SN 1996, tất cả đều ngụ huyện Bến Cầu tổ chức cho 4 người ở các tỉnh Cao Bằng, Sơn La, Bình Thuận xuất cảnh trái phép tìm việc làm theo đường mòn, lối mở trên địa bàn xã Long Thuận để sang Campuchia. Công khai nhận được một phụ nữ tên Ngọc liên hệ qua mạng zalo thỏa thuận đến khu vực cầu Trắng, xã Long Thuận đón 8 người từ các tỉnh, thành khác đến tập trung để đưa sang Campuchia theo đường mòn với tiền công 1,6 triệu đồng. Sau đó Công thuê Tuấn Em, Quốc Tuấn, Ngọc Hảo dùng xe máy chở 2 người sang Campuchia với tiền công 200 nghìn đồng/người. Khi đã đưa được 4 người sang Campuchia và đang chở tiếp 4 người khác thì nhóm của Công bị Công an bắt giữ. Cả 4 nạn nhân chuẩn bị xuất cảnh trái phép cho biết, qua mạng xã hội facebook, họ được một thanh niên tên Dũng, quê tỉnh Tây Ninh làm quen, giới thiệu sang Campuchia để làm việc với tiền lương mỗi tháng từ 15 đến 20 triệu đồng. Chi phí thuê người đưa xuất cảnh trái phép, ăn uống sinh hoạt được Dũng trừ vào tiền lương khi họ sang làm việc. Do ham mức lương cao, họ mới đến Tây Ninh để xuất cảnh trái phép sang Campuchia.
Trước đó, Phòng An ninh điều tra, Công an tỉnh Tây Ninh cũng đã bắt quả tang Bùi Văn Đỡ, SN 1984, ngụ ấp Voi, xã An Thạnh, huyện Bến Cầu khi Đỡ đang chở 11 người trên xe ôtô để xuất cảnh trái phép sang Campuchia tìm việc làm. Điều tra mở rộng, Công an Tây Ninh bắt khẩn cấp Trương Thị Lan, SN 1982, ngụ huyện Dương Minh Châu. Sau đó Phòng An ninh điều tra đã khởi tố 4 đối tượng, gồm Đỡ, Lan và Đặng Minh Luân, SN 1992, ngụ thị xã Trảng Bàng cùng Phan Văn Tỷ, SN 2005, ở huyện Dương Minh Châu về hành vi tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép. Băng nhóm này khai nhận đã tổ chức 5 lần cho 35 người từ các tỉnh phía Bắc di chuyển vào TP Hồ Chí Minh rồi đưa đến Tây Ninh để xuất cảnh trái phép sang Campuchia.
Qua các vụ án đưa người xuất, nhập cảnh trái phép, Công an tỉnh Tây Ninh cho biết: Do nhu cầu tìm người làm việc cho các casino ở Campuchia tăng lên, lợi dụng các mạng xã hội zalo, facebook, các đối tượng ở Campuchia đã đăng tải thông tin, nội dung tuyển dụng người ở Việt Nam có nhu cầu tìm việc để đưa sang Campuchia làm việc với mức lương “ảo”. Khi người tìm việc đồng ý, các đối tượng này sẽ móc nối với các chân rết ở Việt Nam để tổ chức thành đường dây, sắp xếp đưa họ xuất cảnh trái phép qua các đường mòn, lối mở để sang Campuchia. Sau thời gian làm việc không đúng thực tế với mức lương thấp, họ lại tìm cách nhập cảnh trái phép qua đường tiểu ngạch về Việt Nam. Trong đó một số trường hợp đã bị các đối tượng giam giữ, đe dọa đòi tiền chuộc từ gia đình. Công an tỉnh Tây Ninh đã tiếp nhận 21 đơn đề nghị giải cứu của những gia đình sống trên địa bàn có người thân bị lừa sang Campuchia lao động, bị bóc lột, cưỡng bức và đòi tiền chuộc. Đây là những bài học cảnh tỉnh với những người đang có ý định tìm “việc nhẹ, lương cao” ở xứ người.