Đưa hình ảnh, thông tin cá nhân lên mạng xã hội, dễ rước họa vào thân

Chủ Nhật, 08/05/2022, 08:49

Chỉ trong tháng 4/2022, Công an các cấp ở tỉnh Bình Dương tiếp nhận 9 vụ nạn nhân trình báo bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức mạo danh Công an, viện kiểm sát, tòa án, công ty cho vay tài chính… với số tiền bị chiếm đoạt lên đến gần 10 tỷ đồng.

Tháng 4/2022, một đối tượng lạ gọi điện cho bà B (ngụ phường Thuận Giao, TP Thuận An, Bình Dương) tự xưng là nhân viên công ty tài chính “MIRAE ASSET CREDIT” chuyên cho vay tiền trực tuyến với lãi suất thấp, thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh chóng và có nhiều ưu đãi hấp dẫn. Sau khi bà B đồng ý vay, các đối tượng sử dụng tài khoản Zalo để kết bạn và hướng dẫn làm thủ tục vay tiền trên trang web “vs5.org”. Chúng yêu cầu bà B cung cấp hình ảnh giấy tờ tùy thân, thông tin cá nhân và yêu cầu bà B đóng phí bảo hiểm 10% trên tổng số tiền vay để được giải ngân. Đối tượng cam kết sẽ hoàn trả lại số tiền này sau khi giải ngân hoàn tất.

Đưa hình ảnh, thông tin cá nhân lên mạng xã hội, dễ rước họa vào thân -0
Ảnh minh họa.

Tin lời, bà B chuyển tiền vào tài khoản do đối tượng cung cấp. Mặc dù việc chuyển khoản đã thành công nhưng đối tượng đưa ra nhiều lí do (như chuyển tiền sai cú pháp, sai mẫu, thông tin người chuyển tiền giải ngân không chính xác, lỗi giao dịch…) để yêu cầu bị hại chuyển lại tiền. Đến khi chuyển khoản hết tổng cộng 814 triệu đồng thì đối tượng cắt đứt liên lạc, bà B. mới hay mình bị lừa...

Bên cạnh kiểu lừa trên, ở địa bàn TP Thủ Dầu Một, nhiều nạn nhân nhận được các cuộc gọi từ số máy lạ tự xưng là Công an, viện kiểm sát, tòa án… và đọc chính xác tên, tuổi cùng một số thông tin cá nhân (dữ liệu này của nạn nhân đã bị lộ, lọt trước đó do nhiều nguyên nhân) và thông báo có liên quan đến vụ án nào đó rồi yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mật khẩu, mã OTP gửi về số điện thoại. Sau đó, đối tượng dùng thông tin này đăng nhập các ứng dụng ngân hàng online, ví điện tử Momo, Zalopay... của nạn nhân để chiếm đoạt tài sản.

Thời gian gần đây, nhiều nạn nhân còn trình báo nhận được các tin nhắn với nội dung tiêu đề “lệnh truy nã”. Tin nhắn này nêu rõ thời gian ra quyết định và hành vi bị truy nã; đồng thời yêu cầu người nhận tin nhắn tự giác trình diện. Khi nhận tin nhắn không ít người thiếu hiểu biết pháp luật hoang mang, lo lắng và gọi điện thoại cho số máy nhắn tin để “đính chính” thì lập tức rơi vào kế hoạch đã sắp đặt sẵn của nhóm lừa đảo… Một thủ đoạn khác là các đối tượng tự xưng là Công an, đọc chính xác tên, số định danh, ngày tháng năm sinh để yêu cầu xác thực tài khoản định danh điện tử. Sau đó các đối tượng yêu cầu nạn nhân thực hiện các thao tác đăng nhập vào website giả mạo để điền thông tin cá nhân, cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP… để chiếm đoạt tiền.

Khi được cán bộ Công an hỏi vì sao lại dễ dàng tin tưởng người xa lạ thì hầu hết các nạn nhân đều cho rằng do đối tượng lừa đảo biết chính xác tên tuổi, nơi ở, số CMND, số điện thoại… mà theo nếp nghĩ thông thường của họ là chỉ có cơ quan Công an mới biết những thông tin này. Trên thực tế, việc lộ, lọt thông tin cá nhân ra bên ngoài có nhiều nguyên nhân nhưng phần lớn xuất phát từ lỗi của nạn nhân. Có người vô tư đăng hình ảnh căn cước, CMND, vé máy bay, vé tàu lửa, hợp đồng kinh doanh… trên tài khoản facebook, zalo… của mình. Có người còn phơi bày tất tần tật những chuyện vui buồn, chuyện học hành của con cái, chuyện tranh chấp đất đai trong gia tộc, chuyện xích mích với hàng xóm láng giềng; thậm chí chuyện gia đình hôm nay ăn cơm món gì cũng đưa lên mạng. Điều này đã vô tình giúp cho bọn tội phạm có cả một “bộ hồ sơ lý lịch” hoàn chỉnh của bị hại mà không cần phải cất công tìm kiếm. 

“Để hạn chế lộ, lọt thông tin cá nhân của mình thì mọi người cần phải thận trọng khi sử dụng mạng xã hội, không nên đưa lên mạng thông tin, hình ảnh liên quan đến lý lịch cá nhân của mình và người thân, bạn bè. Tuyệt đối không cung cấp số tài khoản, mã OTP cho bất kỳ người lạ nào, kể cả nhân viên ngân hàng”, Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương đưa ra khuyến cáo.

Ngoài ra, Công an Bình Dương cũng cảnh báo người dân thận trọng trước các đối tượng mạo nhận nhân viên các trang mạng thương mại điện tử (Tiki, Shopee…) để dụ dỗ người dùng tham gia làm cộng tác viên bán hành online với mức hoa hồng cao; không vay tiền qua mạng xã hội với thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh và yêu cầu đóng các khoản phí; không nghe theo lời các đối tượng lạ gọi điện tự xưng là cơ quan Công an, viện kiểm sát, tòa án , nhân viên y tế, bưu điện, ngân hàng... Thường xuyên cập nhật, cảnh báo với người thân, bạn bè, đồng nghiệp về các phương thức, thủ đoạn của bọn tội phạm. Báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất khi phát hiện có nghi vấn hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Về lừa đảo gửi “lệnh truy nã”, Bộ Công an đã khẳng định, cơ quan chức năng không gửi lệnh truy nã bằng tin nhắn điện thoại. Các tin nhắn với nội dung tương tự là giả mạo, người dân cần cảnh giác để tránh bị kẻ gian lợi dụng lừa đảo.

M.Hải
.
.
.