Điên cuồng những đêm "cháy phố" sinh tử (bài 1)
Bỏ học, lêu lổng, không có sự quản lý của gia đình, người thân và bị ảnh hưởng, lôi kéo bởi đám bạn xấu, mạng xã hội độc hại, không ít thanh, thiếu niên đã tụ tập với nhau trở thành tội phạm đường phố. Với bản tính "chưa biết sợ", những đối tượng này manh động gây ra nhiều vụ án khiến người dân bất bình, bức xúc, lo lắng.
Cái kết của “đu trend” độc hại
Chiều muộn một ngày giữa tháng 10, chúng tôi có mặt tại nhà tạm giữ của Công an TP Thái Bình. Khi cánh cửa phòng giam được cán bộ Công an bật mở, một thanh niên khuôn mặt già trước tuổi lầm lũi bước ra, cúi mặt, lí nhí cất tiếng chào cán bộ. Ngồi trước chúng tôi, Nguyễn Thái Kiệt (SN 2008, trú tại xã Tam Quang, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) không khỏi ân hận trước hành động phạm pháp của mình. Ở trong này, Kiệt được ăn uống, sinh hoạt theo chế độ hợp lý thay cho việc ngày ngủ, đêm chơi như trước kia nên sức khỏe có vẻ tốt lên, không còn gầy gò, đen sạm nữa. Nhắc đến bố mẹ và gia đình, Kiệt không khỏi ngậm ngùi, ân hận bởi những việc làm, hành động mà bản thân đã gây ra.
Gia đình Kiệt dù không có điều kiện nhưng căn bản. Bố mẹ và anh chị em khá quan tâm song Kiệt ỷ thế con út, không nghe lời bố mẹ, thường xuyên bỏ học. Cứ hễ khi bố mẹ đi làm nhà máy ca đêm hoặc vắng nhà là Kiệt lại trốn đi chơi cùng với đám bạn hư hỏng. Kiệt mượn xe máy của người chú họ để có phương tiện tham gia vào đám thanh niên hư hỏng chuyên "quậy" đường phố chỉ để có "chiến tích" chặt biển số xe của người đi đường, khoe trên mạng xã hội. Giờ đây, khi có nhiều thời gian để bình tâm suy nghĩ, Kiệt nhớ mẹ, nhớ gia đình và hết sức hối hận. "Bố mẹ bảo em ở trong này cố gắng, nghe lời các chú, chấp hành tốt. Bố mẹ ơi! Con xin lỗi. Bố mẹ hãy chờ con về. Con hứa sẽ ngoan!", Kiệt cúi gằm mặt, giấu đi những giọt nước mắt của cậu trai mới lớn.
Nguyễn Thái Kiệt cũng chỉ là một trong số hàng chục đối tượng thanh, thiếu niên đã bị Công an các huyện và Công an TP Thái Bình xử lý về những hành vi gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích… trong thời gian qua. Nhiều nạn nhân đi trên đường dù không quen biết, không có mâu thuẫn với số đối tượng này vẫn trở thành bị hại bởi thói ngông cuồng, bất chấp pháp luật của các đối tượng. Khi đến cơ quan Công an trình báo, anh Đào Hoàng Anh ở thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy vẫn còn hoảng sợ bởi bản thân và người bạn đi cùng bỗng dưng trở thành mục tiêu tấn công của các đối tượng thanh, thiếu niên hư hỏng trên đường phố.
Đêm 18/6, anh Đào Hoàng Anh điều khiển xe máy điện chở Đào Minh Đạt (đều SN 2007), ở cùng thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình đi trên đường ĐT456 thì bị một nhóm đối tượng không rõ tên tuổi, địa chỉ điều khiển xe môtô các loại đi ngược chiều ném vỏ chai bia. Hoảng sợ, anh Đào Hoàng Anh vội điều khiển xe chạy về đến gần Trường Mầm non Thụy Hà (thuộc thị trấn Diêm Điền). Không chịu bỏ qua, nhóm đối tượng thanh, thiếu niên trên tiếp tục truy đuổi, chặn đầu xe anh Đào Hoàng Anh.
Bất cần lý do và cho dù không quen biết, một trong số những đối tượng trên đã ném vỏ chai bia vào đầu Hoàng Anh khiến nạn nhân bị thương. Gây án xong, các đối tượng gầm rú ga xe máy bỏ chạy. Sau những giây phút hoảng loạn, anh Đào Hoàng Anh đã đến Công an huyện Thái Thụy trình báo sự việc. Trước tính chất nghiêm trọng của vụ việc, Công an huyện Thái Thụy nhanh chóng tổ chức điều tra làm rõ, triệu tập 11 thanh thiếu niên cùng trú tại xã Thanh Lương, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng. Kết quả điều tra, Cơ quan CSĐT Công an huyện Thái Thụy đã tạm giữ các đối tượng, củng cố hồ sơ, ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 7 đối tượng về hành vi gây rối trật tự công cộng. Đây là một trong số những vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi phạm tội xảy ra trên địa bàn huyện Thái Thụy thể hiện rất rõ những hệ lụy của loại tội phạm đường phố gây ra. Không cần biết đối phương là ai, chúng có thể trực tiếp tấn công bất cứ người nào đang xuất hiện trên đường.
Theo “trend” chặt lấy biển số xe của người đi đường trên mạng xã hội của giới trẻ hiện nay, 6 bị can có tuổi đời từ 16 tuổi đến 18 tuổi gây án ở huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình đang phải đối mặt với một bản án hình sự. Tại cơ quan Công an, các đối tượng khai nhận đã điều khiển xe môtô truy đuổi, chặn xe của bị hại, sử dụng kiếm chém vào phần đuôi xe để cướp tấm nhựa chắn bùn gắn biển kiểm soát và ném vỏ chai bia về phía nạn nhân để "khoe chiến tích" trên mạng xã hội TikTok. Hành vi tưởng chừng như "không đáng gì" như vậy nhưng cái giá phải trả lại rất lớn nếu các em không nhận thức được sai lầm của mình.
Trao đổi với PV, Đại tá Phạm Mạnh Hùng, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình cho biết: Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, Công an tỉnh Thái Bình đã phát hiện, khởi tố 76 vụ với 393 bị can liên quan đến tội phạm đường phố. Từ ghi nhận thực tế đến số liệu thống kê của Công an các địa phương cho thấy, phần lớn hành động của các đối tượng mang tính chất bốc đồng, a dua. Các thanh, thiếu niên sử dụng mạng xã hội thành lập những hội, nhóm mang tính chất tiêu cực, từ đó kêu gọi nhau đi gây án, phạm pháp.
Không chỉ gây án trong địa bàn nơi các đối tượng sinh sống, chúng còn kéo nhau di chuyển sang các huyện, thậm chí là tỉnh, thành khác để phạm tội. Có nhiều nhóm lên tới hàng chục đối tượng nhưng chúng không hề biết nhau. Vậy nhưng khi bị kích động, hô hào trên nhóm, mạng xã hội, chúng bất chấp các quy định của pháp luật, kéo nhau đi gây án. Hậu quả của loại tội phạm này gây ra rất nhiều dư luận xấu do các sự việc không những diễn ra công khai tại các khu vực công cộng mà các đối tượng còn chủ động đăng tải nhiều hình ảnh, clip lên mạng xã hội nhằm mục đích khiêu khích, câu view, câu like và nguyên nhân thường là do mâu thuẫn của các nhóm thanh niên ở những địa bàn giáp ranh.
Nhức nhối những hành vi phạm pháp "bầy đàn"
Nhiều năm kinh nghiệm trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, Thiếu tá Giang Anh Tuấn, Đội trưởng Đội CSHS, Công an TP Thái Bình không giấu được sự lo lắng trước tội phạm đường phố cũng như tình trạng phạm pháp liên quan đến thanh, thiếu niên đang có xu hướng phức tạp như hiện nay. Cứ qua mỗi vụ án, Thiếu tá Giang Anh Tuấn lại cùng đồng đội soi xét cẩn thận từng đối tượng, hoàn cảnh, xuất thân, qua đó xác định nguyên nhân sâu xa khiến các đối tượng gây án. Qua nhiều hồ sơ, vụ án, Thiếu tá Giang Anh Tuấn phân tích, tội phạm đường phố liên quan rất mật thiết với các loại tội phạm thanh, thiếu niên do các trường hợp này có độ tuổi còn trẻ, hành động mang tính chất bốc đồng và muốn thể hiện nơi đông người nên gần như không có ý thức về việc che giấu tội phạm.
Cũng theo Thiếu tá Giang Anh Tuấn, điều đáng nói là tuổi đời của nhiều đối tượng còn rất trẻ, có trường hợp mới 13 tuổi. Ở độ tuổi này, các em có nhiều thay đổi về tâm sinh lý, bốc đồng và dễ bị tác động, ảnh hưởng bởi các yếu tố, hình ảnh tiệu cực do mạng xã hội đem lại. Do thiếu sự quản lý, giáo dục của gia đình hoặc có em sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh đặc biệt nên các em nhanh chóng theo nhóm bạn xấu, tụ tập điều khiển xe môtô chạy tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, mang theo hung khí diễu hành ngoài đường, đuổi đánh nhau; rủ nhau đi gây rối trật tự công cộng, cướp tài sản...
Qua điều tra các vụ án do các nhóm thanh, thiếu niên sử dụng vũ khí, hung khí giải quyết mâu thuẫn cho thấy, các vụ thường xảy ra vào ban đêm, nhất là khi nghỉ hè, nghỉ lễ dài ngày, tại thị trấn, địa bàn giáp ranh có các tuyến đường lớn nhưng vắng người, ít có lực lượng tuần tra, kiểm soát. Sau khi có mâu thuẫn, các đối tượng gọi điện, nhắn tin chửi bới, thách thức nhau qua mạng xã hội, hẹn địa điểm, thời gian giải quyết mâu thuẫn. Sau đó rủ rê, lôi kéo các đối tượng khác tham gia (mặc dù không có mâu thuẫn trực tiếp), sau đó phân công nhau chuẩn bị hung khí, vũ khí, phương tiện, thông báo địa điểm tập trung và gây án.
Quá trình di chuyển, các đối tượng điều khiển phương tiện mang theo hung khí, vũ khí lạng lách, đánh võng, nẹt pô, hò hét gây rối trật tự công cộng, chặt biển số xe, thậm chí đe dọa, tấn công người đi đường. Khi đến địa điểm, các đối tượng sử dụng hung khí tấn công, truy đuổi đối phương qua nhiều địa bàn, tuyến phố, đập phá phương tiện. Một số người đi đường hoặc đối tượng khác trong nhóm bị tấn công do nhầm tưởng là đối thủ. Điều này gây ra nỗi bức xúc, ám ảnh cho những người dân địa phương.
Phân tích nguyên nhân xảy ra những vụ việc trên, lãnh đạo Công an tỉnh Thái Bình chỉ ra, phần lớn là do mâu thuẫn nhỏ giữa các cá nhân từ trước. Số lượng đối tượng tham gia các nhóm thường đông, nhiều vụ từ 10 - 20 đối tượng trở lên. Hầu hết các đối tượng tham gia là nam giới, trong độ tuổi từ 14 đến 25 tuổi. Đa phần các thanh, thiếu niên trên đều tương đồng, giống nhau ở hoàn cảnh gia đình khá éo le thiếu đi sự quan tâm giáo dục của cha mẹ, hoặc như bố mẹ đi làm ăn xa và nhờ ông bà, người thân ở nhà nuôi dưỡng.
Có những trường hợp vẫn còn đi học nhưng hầu hết đều là những học sinh cá biệt trong trường. Nhiều đối tượng nghiện game, nghiện Internet, ăn chơi, lêu lổng, lười lao động, không nghề nghiệp. Bên cạnh đó, công tác phối hợp, tham gia phòng ngừa tội phạm của các tổ chức đoàn thể, nhà trường tại địa phương còn chưa thật sự quyết liệt, vẫn còn có tâm lý ỷ lại vào lực lượng Công an, nhất là trong việc quản lý các nhóm thanh, thiếu niên hư…