Đấu tranh mạnh với tội phạm mua bán hóa đơn trái phép
Thời gian qua, đã có hàng chục giám đốc, kế toán của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế bị truy tố hình sự về tội “Mua bán hóa đơn trái phép”.
Nhiều vụ án đã đưa ra xét xử nghiêm minh nhằm đấu tranh, phòng ngừa hành vi vi phạm, tội phạm mua bán trái phép hóa đơn có chiều hướng gia tăng trên địa bàn tỉnh. Thế nhưng, nhiều giám đốc doanh nghiệp vẫn bất chấp pháp luật để thu lợi bất chính.
Trong năm 2022 và đầu năm 2023, Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đã phát hiện nhiều vụ mua bán hóa đơn trái phép xảy ra trên địa bàn. Điển hình là đầu năm 2023, bằng các biện pháp nghiệp vụ và nguồn tin trinh sát, Đội Cảnh sát kinh tế Công an TP Huế (Thừa Thiên-Huế) phát hiện, Công ty HCC có địa chỉ tại 61A Thạch Hãn (phường Thuận Hòa, TP Huế) do Hồ Công Chính (SN 1974) làm Giám đốc và Bùi Thị Thu Thủy (SN 1990), đều trú tại TP Huế, làm Kế toán có dấu hiệu trốn thuế, nghi vấn sử dụng hóa đơn trái phép. Ngay sau đó, Công an TP Huế đã xác lập chuyên án để đấu tranh, điều tra làm rõ.
Sau một thời gian thu thập tài liệu, chứng cứ, ngày 17/1, Đội Cảnh sát kinh tế Công an TP Huế nhận lệnh khám xét khẩn cấp tại Công ty HCC và nơi ở của ông Chính. Qua đó, thu giữ nhiều tài liệu liên quan đến hoạt động trốn thuế, mua bán trái phép hóa đơn chứng từ nộp ngân sách nhà nước. Theo cơ quan điều tra, từ tháng 4/2021 đến tháng 12/2022, Công ty HCC đã bán ra 2.257 hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) cho gần 300 cơ quan, doanh nghiệp với số tiền hơn 8,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi kê khai số hóa đơn bán ra của doanh nghiệp trên hệ thống thuế chỉ 4 tỷ đồng, giảm hơn 4,7 tỷ đồng. Qua đó, Công ty HCC trốn đóng thuế GTGT hơn 441 triệu đồng.
Hiện, Cơ quan CSĐT Công an TP Huế đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Hồ Công Chính và Bùi Thị Thu Thủy liên quan đến hành vi trốn thuế. Ngoài hành vi trốn thuế, hiện, Cơ quan CSĐT Công an TP Huế đã củng cố tài liệu, chứng cứ chứng minh 2 đối tượng này có liên quan đến hành vi mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ. Liên quan đến vụ án này, hiện, Cơ quan CSĐT Công an TP Huế đang tiếp tục điều tra làm rõ hành vi vi phạm của một số công ty bảo hiểm đóng trên địa bàn TP Huế có những biểu hiện liên quan đến hoạt động sử dụng hóa đơn chứng từ bất hợp pháp.
Tương tự, trước đó, đầu tháng 10/2022, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối tượng Lê Lợi, chủ doanh nghiệp tư nhân Quang Hiếu (địa chỉ tại xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên-Huế) về tội “Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước” theo quy định tại khoản 2 Điều 203 Bộ luật Hình sự 2015. Qua kết quả điều tra, Công an xác định, với tư cách là chủ doanh nghiệp, Lê Lợi đã thực hiện hành vi mua bán trái phép số lượng lớn hóa đơn GTGT có ghi sẵn nội dung nhằm kê khai khấu trừ thuế GTGT cho DNTN Quang Hiếu, gây thiệt hại số tiền lớn cho ngân sách Nhà nước. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế thu giữ nhiều hóa đơn, tài liệu sổ sách quan trọng liên quan việc mua bán hóa đơn để phục vụ điều tra.
Trước đó, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế khởi tố bị can, bắt tạm giam Hồ Văn Nhật (SN 1967, trú tại đường An Dương Vương, phường An Đông, TP Huế) để điều tra về hành vi “In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước”. Theo kết quả điều tra của Công an, từ năm 2017 đến 2021, Hồ Văn Nhật đã mua khống hàng nghìn hóa đơn GTGT mặt hàng xăng dầu của các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế. Tiếp đó, Nhật bán số hóa đơn này cho một số doanh nghiệp nhưng không thực hiện mua bán hàng hóa thực tế kèm theo. Qua đó, đối tượng Nhật thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng từ việc mua, bán khống hóa đơn GTGT tăng này.
Theo cơ quan điều tra, khoảng 3 năm trở lại đây, Tòa án 2 cấp ở tỉnh Thừa Thiên-Huế đã đưa ra xét xử hàng chục vụ mua bán hóa đơn trái phép trên địa bàn. Điển hình gần đây là vụ án 7 bị cáo, gồm: Lê Mộng Nhàn (SN 1983), Nguyễn Xuân Hùng (SN 1989), Đặng Thị Thu Ngân (SN 1981, cùng trú tại thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế), Phan Văn Được (SN 1983, trú huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế), Nguyễn Thị Kim Ngân (SN 1990), Nguyễn Quốc Anh (SN 1977), Ngô Quý Thùy Linh (SN 1981, trú tại TP Huế, đều thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế). Theo cáo trạng, Nhàn cùng chồng là Phan Văn Được thành lập Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Phan Thiện Phúc (trụ sở đóng tại xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế). Phan Văn Được là Giám đốc, còn Nhàn là Kế toán trưởng Công ty Phan Thiện Phúc.
Sau khi thành lập công ty, nhận thấy một số cá nhân và doanh nghiệp có nhu cầu mua khống hóa đơn (không kèm theo hàng hóa) để hợp thức hóa đầu vào khi thanh, quyết toán công trình và quyết toán thuế nên vợ chồng Nhàn liền nảy sinh ý định sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng của Công ty Phan Thiện Phúc để xuất bán trái phép nhằm thu lợi bất chính. Theo đó, từ lúc được thành lập đến khi tạm dừng hoạt động, Công ty Phan Thiện Phúc đã bán trái phép 413 hóa đơn đã xuất bán có ghi nội dung nhưng không có hàng hóa kèm theo với số tiền tương ứng số thuế phải nộp là hơn 2,678 triệu đồng, thu lợi bất chính số tiền gần 701 triệu đồng… HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Nhàn 15 tháng tù, buộc bị cáo nộp lại số tiền thu lợi bất chính hơn 681 triệu đồng; bị cáo Được 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, bị cáo Thu Ngân bị phạt 140 triệu đồng, bị cáo Kim Ngân bị phạt 110 triệu đồng, bị cáo Xuân Hùng bị phạt 40 triệu đồng, bị cáo Quốc Anh bị phạt 80 triệu đồng và phạt bị cáo Thùy Linh 20 triệu đồng cùng tội “Mua bán trái phép hóa đơn”.
Đại tá Đặng Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cho rằng, đối tượng vi phạm trong việc bán hóa đơn thường là chủ hộ kinh doanh, doanh nghiệp sau khi được cơ quan thuế đồng ý cho in hóa đơn, vì lợi ích cá nhân đã bán khống cho các cơ quan, tổ chức để họ hợp lý hóa chứng từ thanh quyết toán. Trong khi các giao dịch mua bán không có thật trên thực tế, hoặc có thật nhưng khai tăng giá trị hàng hóa…
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến việc mua bán trái phép hóa đơn thuế GTGT, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thuế một cách đồng bộ, toàn diện; tăng cường kiểm tra sau cấp phép, rà soát việc kê khai thuế đối với doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp, hộ kinh doanh thường xuyên xuất hóa đơn nhưng báo lỗ; ngành thuế và các cơ quan chức năng tiếp tục phối hợp chặt chẽ để nắm bắt, xử lý kịp thời trường hợp vi phạm pháp luật về thuế; phối hợp kiểm tra, xác minh, cung cấp thông tin để tăng cường quản lý, ngăn chặn hành vi vi phạm của người nộp thuế; tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác quản lý để đảm bảo tính minh bạch và ngăn ngừa vi phạm; triển khai rộng việc sử dụng hóa đơn điện tử thay thế cho hóa đơn giấy để giảm việc in, phát hành và ngăn chặn hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp...