Đấu tranh mạnh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức mua bán nhà đất
Lợi dụng nhu cầu mua bán đất, tài sản gắn liền trên đất của người dân tại các tỉnh, thành vùng Tây Nam Bộ, các đối tượng đã sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của bị hại. Nhằm bảo vệ tài sản hợp pháp của chủ sở hữu, Công an TP Cần Thơ, Công an tỉnh Cà Mau… đã kiên quyết đấu tranh, xử lý các đối tượng vi phạm.
Từ công tác quản lý địa bàn, cũng như nguồn tin báo tố giác tội phạm của nhân dân, mới đây, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Cần Thơ đã đấu tranh triệt phá chuyên án, bắt băng nhóm tội phạm có tổ chức, thực hiện hành vi làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSĐ) đánh tráo giấy thật của chủ sở hữu sau đó mang đi chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp để chiếm đoạt tài sản.
Theo Thượng tá Phạm Quốc Anh, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Cần Thơ, trong năm 2020 và đầu năm 2021 trên địa bàn thành phố và các tỉnh, thành Tây Nam Bộ xuất hiện một nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức mua bán nhà đất gây thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ đồng cho các bị hại.
Ban Chỉ huy của đơn vị đã báo cáo và được Ban Giám đốc Công an TP Cần Thơ chỉ đạo xác lập chuyên án, tập trung lực lượng triển khai các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh với nhóm đối tượng gây án.
Từ những tài liệu trinh sát ban đầu, Ban chuyên án xác định nhóm đối tượng thực hiện hành vi phạm tội có tạm trú trên địa bàn TP Hồ Chí Minh nhưng hoạt động lưu động từ địa bàn TP Cần Thơ đến các tỉnh, thành vùng Tây Nam Bộ.
Thiếu tá Trần Văn Thủy, Đội trưởng Đội Phòng ngừa đấu tranh, chống tội phạm theo tuyến địa bàn Phòng Cảnh sát hình sự cho biết, các đối tượng cầm đầu đường dây lừa đảo, chiếm đoạt tài sản có nghề nghiệp môi giới bất động sản ở địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Các đối tượng tập hợp thành một nhóm, thường tụ tập tại các quán cà phê để bàn bạc, nắm bắt thông tin từ những người có nhu cầu mua bán nhà, đất. Nhóm đối tượng đã thỏa thuận, thống nhất với nhau đi làm giả GCNQSĐ và các giấy tờ tùy thân của chủ đất để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Để thực hiện hành vi lừa đảo, các đối tượng gây án tìm số điện thoại của những người đang cần bán đất, bán nhà bằng nhiều nguồn khác nhau (thông qua môi giới, rao bán trên mạng, số điện thoại cắm biển trên đất..) để xin GCNQSĐ photo.
Sau khi nhận được GCNQSĐ photo thì mang đi làm giả. Rồi cho đồng bọn lấy tên giả, sử dụng số điện thoại khuyến mãi liên hệ gặp chủ đất để xem vị trí thửa đất, nhà và GCNQSĐ bản chính để đặt cọc. Lợi dụng chủ đất không chú ý, các đối tượng tráo lấy GCNQSĐ thật.
Sau đó, chúng thuê người đóng giả chủ đất, làm giả giấy tờ tùy nhân của chủ đất như: chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu và giấy đăng ký kết hôn để ủy quyền, chuyển nhượng cho người khác với giá rẻ hơn giá thị trường.
"Các đối tượng có sự phân công, vai trò rõ ràng. Nhóm cầm đầu bỏ tiền ra để cả đường dây hoạt động, nhóm đi tìm thông tin "con mồi" và thuê mướn những người làm nghề xe ôm, cơ nhỡ để đóng giả chủ đất. Để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện, thực hiện xong giao dịch, chúng tắt điện thoại di động và chỉ giao dịch tiền mặt không chuyển khoản…. ", Thiếu tá Trần Văn Thủy thông tin.
Quá trình đấu tranh chuyên án đến nay đã bắt tạm giam 11 đối tượng do Lưu Hoàng Hải (SN 1972, ĐKTT, số 48/16/5 Hoàng Lê Kha, phường 9, quận 6, TP Hồ Chí Minh) cầm đầu. Bước đầu, nhóm của Hải khai nhận đã thực hiện 7 vụ đánh tráo 9 GCNQSDĐ trên quận Ninh Kiều và quận Cái Răng (TP Cần Thơ), trong đó 1 vụ được ngăn chặn kịp thời. Trị giá của 6 GCNQSDĐ theo giá thị trường khoảng 100 tỷ đồng.
Tuy nhiên, để nhanh chóng thực hiện việc chiếm đoạt, nhóm đối tượng này đã thực hiện giao dịch chuyển nhượng, cầm cố được 4 GCNQSDĐ với số tiền hơn 20 tỷ đồng. Ban Chuyên án đã đề nghị cơ quan chức năng phong tỏa kịp thời 2 GCNQSDĐ.
Ngoài ra, các đối tượng bị bắt còn khai nhận đã làm giả GCNQSDĐ ở các tỉnh như: Long An, Bến Tre, Đồng Tháp và Sóc Trăng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hiện, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Cần Thơ đang phối hợp Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an, Công an các tỉnh, thành có liên quan để tiếp tục củng cố tài liệu chứng cứ để xác minh truy bắt các đối tượng có liên quan.
Theo Ban Chuyên án, cái khó trong quá trình điều tra là chủ đất, tài sản gắn liền trên đất phát hiện thì hợp đồng chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp tài sản đã qua nhiều người. Các bị hại trung gian khi phát hiện nhưng không trình báo cơ quan chức năng mà tiếp tục thực hiện việc mua bán để thu hồi vốn.
Do GCNQSĐ thật nên văn phòng công chứng và phòng tài nguyên và môi trường không phát hiện. Các đối tượng đã lợi dụng vào dịch vụ công chứng, không vào văn phòng công chứng để thực hiện các thủ tục pháp lý, mà chỉ ngồi ở quán cà phê rồi đăng ký dịch vụ công chứng tận nơi, để tránh bị camera quay hình…
Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công an TP Cần Thơ cho biết, qua các vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn mua bán nhà, đất có thể nhận thấy các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm có tổ chức, thủ đoạn hết sức tinh vi. Nhiều đối tượng hoạt động lưu động từ địa bàn TP Hồ Chí Minh đến địa bàn TP Cần Thơ và các tỉnh, thành Tây Nam Bộ để thực hiện hành vi phạm tội.
Các đối tượng trong nhóm có sự phân chia rõ vai trò, nhiệm vụ trong hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hành vi của các đối tượng này đã gây hậu quả rất nghiêm trọng đến tài sản hợp pháp của chủ sở hữu và ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan quản lý Nhà nước trong việc cấp GCNQSDĐ, giấy CMND và các loại giấy tờ tùy thân khác.
Để ngăn chặn hiệu quả loại tội phạm này, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan Công an, các ngành, các cấp cần tuyên truyền sâu rộng đến quần chúng nhân dân biết về tình hình hoạt động và phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản để người dân nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác, phòng ngừa.
Người dân khi giao dịch, hợp đồng mua bán nhà, đất cần soạn thảo hợp đồng một cách chặt chẽ, đầy đủ. Đối với người dân chưa làm Căn cước công dân gắn chíp điện tử thì nhanh chóng đến Công an địa phương để được hướng dẫn, thực hiện, đây là một trong những giải pháp hiệu quả để ngăn ngừa các đối tượng có ý đồ xấu làm giả giấy tờ tùy thân của nạn nhân. Đồng thời, các cơ quan quản lý Nhà nước cần nâng cao vai trò, trách nhiệm cũng như nghiệp vụ của các văn phòng công chứng, tránh tình trạng tiếp tay cho tội phạm.