Đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến người nước ngoài: Muôn vàn vi phạm (Bài 1)
Nhằm phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động tội phạm liên quan đến nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài (NNN) và nâng cao nhận thức của nhân dân về tầm quan trọng của công tác phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh với hoạt động tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của NNN phục vụ công tác phòng chống tội phạm; tạo môi trường an toàn cho người NNN đến Việt Nam du lịch, làm việc và đầu tư và đảm bảo an ninh quốc gia, lãnh đạo Bộ Công an đã đồng ý đề xuất, giao Cục Quản lý xuất nhập cảnh mở cao điểm tấn công tội phạm liên quan đến nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của NNN tại Việt Nam.
Từ tình hình tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài thời gian gần đây, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã mở đợt cao điểm tấn công tội phạm liên quan đến nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài từ ngày 1/7 đến 15/8. Sau một thời gian triển khai, dưới sự chỉ đạo sát sao của Cục Quản lý xuất nhập cảnh; sự vào cuộc của Công an các địa phương đến thời điểm này đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Theo chân các trinh sát Phòng Quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài (Phòng Quản lý NNN), Cục Quản lý xuất nhập cảnh phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi hiểu hơn những khó khăn mà các cán bộ Phòng Quản lý NNN đang hằng ngày, hằng giờ phải đối mặt trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Đêm trắng kiểm tra, phát hiện nhiều người nước ngoài “nấp” trong nhà trọ
Trong cơn mưa tầm tã, chúng tôi theo chân các cán bộ Phòng Quản lý NNN lên đường. “Lần này, hy vọng thành công…”, một cán bộ Phòng Quản lý NNN nói với chúng tôi. Qua con đê Yên Phụ đang xây dựng dang dở, chúng tôi có mặt tại Công an phường Quảng An, quận Tây Hồ (Hà Nội). Sau cuộc trao đổi, chúng tôi cùng các cán bộ Phòng Quản lý NNN nhanh chóng xuống hiện trường, lúc này, trời đã bắt đầu tối.
Một cán bộ Phòng Quản lý NNN nói với chúng tôi, thời gian qua đã xuất hiện một số nhóm NNN sang Việt Nam, chủ yếu làm lao động chân tay không đúng quy định. Những người này thường đi làm về muộn; có trường hợp thường đi chơi đến khoảng 24h mới về nhà… Vì thế, việc kiểm tra của đơn vị chủ yếu diễn ra vào buổi đêm. Khu vực kiểm tra hành chính lần này là cơ sở lưu trú nằm trong ngõ nhỏ trên đường Âu Cơ, đơn vị quản lý hoạt động trong lĩnh vực chuyển nhượng, thuê, cho thuê chung cư mini, phòng trọ chuyên nghiệp. Sau khi quan sát, xác định nhóm NNN đang ở nhà, tổ công tác đã nhanh chóng triển khai lực lượng tiến hành kiểm tra hành chính.
“Đề nghị nhà các anh cho kiểm tra hành chính”, sau tiếng gọi của CSKV và chủ nhà, bên trong ánh điện bỗng phụt tắt. Vừa kiên quyết, vừa mềm dẻo, các trinh sát Phòng Quản lý NNN kiên trì trao đổi với đối tượng. Khi căn phòng được mở ra, chúng tôi cảm thấy tức ngực vì mùi ẩm mốc…. Bên trong căn phòng rộng chừng 8m vuông, đồ đạc chẳng có gì đáng giá, có một nhóm người ngoại quốc. Thấy lực lượng chức năng, các đối tượng co lại một góc. Khi được hỏi thì một số khai rằng không nhớ đã bay vào Việt Nam bằng chuyến nào; số khác thì không khai báo. Ở căn phòng liền kề, đối tượng cũng cố thủ ở bên trong không chịu mở cửa… Sau khoảng 2h làm việc, cùng việc vận động và thuyết phục, cán bộ Phòng Quản lý NNN phối hợp với Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an TP Hà Nội đã tiến hành kiểm tra, phát hiện vào thời điểm đó, cơ sở có 13 NNN có danh sách khai báo tạm trú. Kiểm tra trên hệ thống quản lý xuất nhập cảnh phát hiện có 6/13 người Nigeria nhập cảnh bằng thị thực điện tử và đã quá hạn thị thực. Kiểm tra thực tế tại các phòng lưu trú, phát hiện thêm 2 người Nigeria nhập cảnh bằng thị thực điện tử đã quá hạn thị thực; 1 người Nigeria nhập cảnh bằng thị thực điện tử còn hạn tạm trú, không khai báo tạm trú… Phòng Quản lý NNN đã phối hợp với các đơn vị có liên quan lập biên bản bàn giao thông tin các trường hợp vi phạm cho Công an quận Tây Hồ, Công an phường Quảng An quản lý, theo dõi. Đồng thời, giao cho Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an TP Hà Nội xử lý đối với các trường hợp vi phạm. Khi chúng tôi cùng với các cán bộ Phòng Quản lý xuất nhập cảnh rời cơ sở lưu trú trên về đến trụ sở đơn vị đã quá nửa đêm… Đây là một trong những đêm trắng, các trinh sát Phòng Quản lý NNN âm thầm thực hiện nhiệm vụ.
Phát hiện, đấu tranh với nhiều hành vi vi phạm
Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Thị Bình Phương, Trưởng phòng Quản lý NNN cho biết, thời gian gần đây, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của NNN có những diễn biến phức tạp. Một số nhóm NNN lợi dụng chính sách thông thoáng trong việc cấp thị thực điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho NNN nhập cảnh, cư trú để hoạt động tội phạm lừa đảo, trộm cắp, mại dâm và ma tuý; hoạt động vi phạm pháp luật (quá hạn tạm trú, hoạt động trái phép) có dấu hiệu hình thành các tụ điểm gây phức tạp về an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Mới đây, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã bắt ổ nhóm tội phạm từ châu Phi nhập cảnh vào Việt Nam trộm cắp tài sản. Theo tài liệu điều tra, Mokhtar Azzabi (SN 1977); Benrada Rabah (SN 1971) và Abderrezak Fellous (SN 2004), cùng mang quốc tịch Algeria quen biết nhau từ trước. Ngày 30/4, Benrada Rabah và Abderrezak Fellous rủ nhau cùng nhập cảnh vào Việt Nam; đến ngày 18/5, Mokhtar Azzabi nhập cảnh vào Việt Nam. Các đối tượng này thuê phòng ở khách sạn trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Chiều 23/5, Benrada Rabah và Abderrezak Fellous rủ nhau đến các cửa hàng bán điện thoại tìm sơ hở để trộm cắp lấy tiền ăn tiêu. Khoảng 14h30 phút cùng ngày, Abderrezak Fellous điều khiển xe máy được đối tượng thuê để đi lại trong thời gian ở Hà Nội, chở theo Benrada Rabah đi đến cửa hàng FPT Shop số 80 Trần Nhật Duật, quận Hoàn Kiếm. Tại đây, hai đối tượng đã lấy trộm 1 chiếc điện thoại, bán được với giá 8 triệu đồng. Tiếp đó, vào ngày 23/5, Mokhtar Azzabi đã mở cửa xe ôtô của ông N.M.T. (SN 1959), trú tại quận Ba Đình, Hà Nội đang dừng đỗ ôtô tại trước cửa số 86 Hàng Bạc, lấy trộm 1 chiếc túi, bên trong có hơn 35 triệu đồng tiền mặt, 2 chiếc điện thoại và một số tài sản khác... Số tiền có được, Mokhtar Azzabi đã đưa tiền cho đồng bọn cầm hộ để tiêu xài dần và tiếp tục rủ nhau đi trộm cắp. Sau khi nhận tin báo của người bị hại, Đội Cảnh sát hình sự - Công an quận Hoàn Kiếm phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP Hà Nội đã phát hiện, bắt giữ Mokhtar Azzabi, Abderrezak Fellous và Benrada Rabah.
Giữa năm 2024, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã triệt phá đường dây rửa tiền, vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới với số tiền rất lớn; trong đường dây có sự tham gia của 5 đối tượng người Việt Nam và 2 đối tượng quốc tịch Nigeria. Thủ đoạn của các đối tượng rất tinh vi, các đối tượng ở nước ngoài chỉ đạo các đối tượng ở Việt Nam thành lập nhiều công ty “ma” có tên giống với tên công ty đối tác, để mở tài khoản ngoại tệ USD, tài khoản VNĐ; sau đó cung cấp số tài khoản của công ty "ma" để bị hại lầm tưởng mà chuyển tiền. Khi nhận được tiền vào tài khoản ngoại tệ USD, các đối tượng đứng tên pháp nhân công ty nhanh chóng làm thủ tục đổi sang tiền VNĐ rồi chuyển vào tài khoản VNĐ; tiếp đến, chuyển khoản vào tài khoản của các cá nhân khác tại Việt Nam…
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP chủ trì xác lập chuyên án, sau 2 tuần tập trung triển khai các biện pháp nghiệp vụ đã bắt giữ, khởi tố 13 đối tượng, trong đó có 2 đối tượng quốc tịch Nigeria về tội “Rửa tiền và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”; đồng thời, thu hàng trăm con dấu của các công ty "ma" đã được thành lập để sử dụng phạm tội, nhiều ngoại tệ nhóm sử dụng chuyển tiền trái phép qua Campuchia và thu đổi ngoại tệ trái phép tại Việt Nam.
Đại tá Nguyễn Thị Bình Phương cho biết, ngoài vi phạm trên, đã xuất hiện một số đối tượng người châu Phi lừa đảo, môi giới lao động, lừa gạt đồng hương sang Việt Nam tìm kiếm việc làm để thu lợi, hứa hẹn, thu tiền làm thủ tục gia hạn tạm trú của người châu Phi quá hạn tạm trú sau đó bỏ trốn; lợi dụng qua Việt Nam để đi nước thứ ba, tiềm ẩn nguy cơ xâm phạm ANTT. Cá biệt, có doanh nghiệp đã lợi dụng nhu cầu tìm việc của người châu Phi, làm thủ tục đề nghị cấp giấy tờ cho họ nhập cảnh, cư trú, lao động để trục lợi, không quản lý, sử dụng số NNN này, tạo điều kiện để NNN cư trú trái phép…