Đánh mạnh các ổ, nhóm hoạt động “tín dụng đen” ở Cố đô Huế

Thứ Hai, 13/06/2022, 08:02

Thời gian qua, Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đã triệt phá nhiều băng nhóm ngoại tỉnh đến Huế tạm trú để hoạt động “tín dụng đen”. Tuy nhiên, với mức cho vay “cắt cổ”, thu lợi nhuận cao; trong 6 tháng đầu năm 2022, vẫn còn nhiều nhóm đối tượng tội phạm trên “dạt” đến Huế để hoạt động gây mất an ninh, trật tự (ANTT) địa bàn.

Sơ kết 3 năm triển khai thực hiện công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế theo Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, từ kết quả của công tác tuyên truyền, ý thức chấp hành pháp luật và tinh thần cảnh giác của nhân dân đã được nâng lên; các thông tin phản ánh, tố giác về tội phạm nói chung và tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan hoạt động “tín dụng đen” đến các cơ quan chức năng ngày càng nhiều.

1.jpg -0
Nhóm đối tượng trú huyện Vĩnh Bảo (TP Hải Phòng) vào Huế cho vay nặng lãi bị Công an bắt giữ ngày 8/6.

Đặc biệt, lực lượng Công an tiếp tục làm tốt công tác tiếp nhận và giải quyết các tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp kịp thời phát hiện các vụ việc, vụ án liên quan đến các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” và tiến hành điều tra, xử lý kịp thời, nghiêm theo quy định pháp luật. Cơ quan Công an đã phát hiện, triệt phá, bắt giữ được nhiều đối tượng có hành vi “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” và một số hành vi vi phạm pháp luật khác liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

Chỉ tính từ 15/4/2019 đến 15/4/2022, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế phát hiện, đấu tranh, xử lý hình sự 26 vụ, 51 đối tượng liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Trong đó, khởi tố điều tra 24 vụ, 44 đối tượng về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”; 1 vụ, 4 đối tượng về tội “Cố ý gây thương tích” và 1 vụ, 3 đối tượng về tội “Bắt giữ người trái pháp luật” cũng liên quan đến cho vay. Đồng thời, xử lý hành chính 50 việc, 77 đối tượng về hành vi rải, dán tờ rơi quảng cáo vay tiền gây mất mỹ quan đô thị, phạt tiền gần 400 triệu đồng, kiểm tra xử phạt 1 cơ sở kinh doanh không có giấy phép kinh doanh… Đáng quan tâm, mặc dù cơ quan chức năng ở Thừa Thiên-Huế đã quyết liệt xử lý tội phạm “tín dụng đen”, nhưng do lợi nhuận rất cao nên thời gian gần đây vẫn còn nhiều nhóm đối tượng ngoại tỉnh “dạt” vào Huế để hoạt động.

Qua công tác nghiệp vụ, mới đây, Đội CSĐT tội phạm về kinh tế và chức vụ Công an TP Huế phát hiện một nhóm đối tượng dán, thả tờ rơi cho vay nhanh liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng tại nhiều làng quê. Thực tế này khiến cho không ít người nông dân trở thành nạn nhân của các đối tượng sau khi vay tiền.

Sau một thời gian thu thập thông tin tài liệu, chứng cứ, ngày 8/6, Công an TP Huế đã làm rõ nhóm đối tượng cho vay nặng lãi, gồm Dương Văn Khang (SN 1997), Đỗ Anh Quyết (SN 2001), Nguyễn Văn Chinh (SN 1992) cùng trú tại huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng. Tại cơ quan Công an, Khang, Quyết và Chinh khai nhận, khoảng tháng 4/2022, các đối tượng vào Huế và tạm trú tại kiệt 200 đường Lý Thái Tổ, phường Hương An, TP Huế nhằm mục đích cho vay nặng lãi. Khang là người bỏ tiền ra cho vay và trả công cho Quyết và Chinh.

Các đối tượng đã rải tờ rơi cho vay nhanh tại TP Huế, thị xã Hương Trà và huyện Quảng Điền (Thừa Thiên-Huế). Từ tháng 4/2022 đến ngày bị tạm giữ, Khang, Quyết, Chinh đã cho 88 người vay với tổng số tiền hơn 1,3 tỷ đồng. Lãi suất cho vay từ 121% đến 243%/ năm. Hiện, cơ quan Công an đang tiếp tục điều tra mở rộng, xử lý các đối tượng theo quy định.

Thượng tá Lê Ngọc Minh, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an TP Huế cho biết, giữa tháng 5/2022, đơn vị đã bắt giữ đối tượng Lê Thiên Vũ (SN 1996, trú tại huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) về hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” trên địa bàn TP Huế. Thời điểm bị bắt giữ, Vũ thuê một căn hộ tạm trú tại chung cư Vincoland (phường Xuân Phú, TP Huế) để “hành nghề” cho vay nặng lãi.

Theo cơ quan điều tra, vào khoảng cuối tháng 2/2022, Vũ rời Thanh Hóa vào TP Huế với mục đích tìm kiếm việc làm. Tại đây, đối tượng biết được người dân cần vay tiền nhưng không muốn thế chấp nên Vũ đã nảy sinh việc cho người khác vay không cần thế chấp với thời hạn ngắn để lấy lãi, kiếm tiền tiêu xài cá nhân. Từ tháng 2 đến tháng 5/2022, Vũ đã cho nhiều người vay với số tiền dao động từ 5 triệu đồng đến 40 triệu đồng/người với lãi suất “cắt cổ” từ 283% đến 365%/năm. Theo xác định của cơ quan Công an, người vay tiền của Vũ chủ yếu sinh sống tại các vùng nông thôn thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Trước đó, Công an TP Huế cũng bắt giữ Nguyễn Xuân Sơn (SN 1997, trú tại Thọ Sơn, Thanh Hóa) về hành vi cho vay nặng lãi. Khoảng tháng 2/2022, Sơn vào Huế rồi in ấn tờ rơi cho vay tiền nhanh và dán, rải nơi công cộng. Ai có nhu cầu vay thì Sơn xác minh nơi ở của người vay và mỗi lần cho vay từ 3 triệu đến 20 triệu đồng. Chu kỳ vay và trả hết gốc, lãi là từ 25 đến 30 ngày. Lãi suất cho vay từ 282% đến 451%/ năm...

Thượng tá Lê Ngọc Minh chia sẻ, hoạt động “tín dụng đen”, đòi nợ thuê trên địa bàn tuy được kiềm chế, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng lớn đến ANTT. Xác định hơn 95% đối tượng hoạt động cho vay lãi nặng trên địa bàn Thừa Thiên-Huế đều là đối tượng ngoại tỉnh đến, vì vậy thời gian tới, các đơn vị nghiệp vụ của Công an TP Huế phối hợp với Công an các phường, xã để quản lý chặt đối tượng ngoại tỉnh đến địa bàn để tạm trú, lưu trú có dấu hiệu nghi vấn; đặc biệt là các đối tượng có tiền án, tiền sự.

Công an khuyến cáo người dân không nên vay mượn tiền thông qua các tờ rơi, quảng cáo cho vay tiền nhanh, tránh trường hợp vay thì dễ trả thì khó, nợ chồng nợ và bị các đối tượng cho vay nặng lãi đe dọa, khủng bố về tinh thần…

Hải Lan
.
.
.