Cảnh giác trước tin nhắn lạ, bảo mật thông tin cá nhân (Kỳ cuối)
Việc phát tán tin nhắn rác thông qua trạm BTS giả tiềm ẩn những hệ lụy khôn lường với xã hội. Việc theo dõi, bắt quả tang các đối tượng gặp không ít khó khăn, do đó cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị. Người dân cũng cần nhận diện hành vi, thủ đoạn của các đối tượng sử dụng trạm BTS giả, cũng như nêu cao tinh thần tố giác tội phạm để tránh rơi vào kịch bản mà tội phạm đã dựng lên.
Nhiều mối nguy hại lớn
Tin nhắn rác thực sự đang là nỗi ám ảnh của người sử dụng điện thoại di động. Ngoài quảng cáo dịch vụ thì các đối tượng còn lợi dụng để gửi đường link chứa mã độc, từ đó chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, tiền của người dân.
Trước đây, tin nhắn rác sẽ phải dùng sim, còn hiện tại các đối tượng đã "biến hóa", dùng thiết bị giả trạm BTS với số lượng tin nhắn phát tán đi nhiều hơn. Đây là lý do vì sao mà các cơ quan, ban, ngành đang phải siết chặt quản lý sim rác nhưng người dùng thuê bao di động vẫn liên tục bị tin nhắn rác làm phiền.
Theo ông Đỗ Đình Rô, Trưởng phòng Thanh tra bưu chính viễn thông và Công nghệ thông tin, Bộ TT&TT, cho biết từ lời khai của các đối tượng cho rằng với 3 máy BTS giả và 3 máy này phát 80.000 tin nhắn/ngày, nếu một tỉnh có một cái, trong vòng 1 tháng thì cả nước có khoảng 150 triệu tin nhắn rác. Đặc điểm của trạm BTS giả này là không cần sử dụng sim, tin nhắn rác không chạy qua hệ thống của viễn thông mà phát thẳng vào điện thoại di động…
Đáng nói, các thiết bị BTS giả này có thể giả được nguồn gửi, giả thông tin người gửi số người thân, hoặc ngân hàng, tổ chức cá nhân. Đối tượng thích gán tên nào cũng được, trên máy di động sẽ hiển thị. Việc này tác hại rất lớn với người dân và Nhà nước, đối tượng có thể phát bản tin giả mạo các tổ chức, cá nhân, ngân hàng, tòa án…
Nghiêm trọng hơn, cũng không loại trừ việc giả mạo thông tin đối tượng, giả mạo cơ quan nhà nước để kích động bạo lực, chống phá Đảng và Nhà nước. Trong đó, vì đặc điểm các trạm BTS giả có thể dễ dàng phát tán lượng tin nhắn lớn nên các đối tượng có thể giả cơ quan chức năng, chính quyền như giả UBND tỉnh gửi tin nhắn đồng loạt cho người dân thì đây sẽ là mối nguy hại rất lớn với xã hội…
Đại tá Hoàng Xuân Bách, Trưởng phòng 4, Cục An ninh mạng và PCTPSDCNC - Bộ Công an, cho biết qua điều tra, cơ quan Công an đã xác định các đối tượng sử dụng các thiết bị giả trạm thu phát sóng di động BTS để tán phát hàng chục nghìn tin nhắn tới người dân. Đây là thủ đoạn hết sức tinh vi vì tin nhắn có nhiều dạng và trong đó có nhiều tin nhắn dạng tương tự như tin nhắn của ngân hàng. Do đó, người dân rất khó phát hiện hành vi của các đối tượng đã gây thiệt hại rất nghiêm trọng đến cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực ngân hàng.
"Các đối tượng đã thực hiện hàng trăm vụ giả mạo với số lượng người bị hại rất lớn thì ngoài thiệt hại về mặt kinh tế còn ảnh hưởng rất lớn đến uy tín và hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp", Đại tá Hoàng Xuân Bách cho biết.
Theo các chuyên gia, trong các loại tin nhắn giả thì tin nhắn giả Brandname dễ đánh lừa người dùng hơn so với tin nhắn từ sim rác và thường đi kèm một đường link, nếu người dùng làm theo hướng dẫn, các đối tượng sẽ lấy cắp mã OTP, sau đó thực hiện lệnh chuyển tiền trên hệ thống của ngân hàng, khiến cho người dùng bị mất tiền ngay lập tức. Ngoài ra, người dùng còn có nguy cơ bị mất các thông tin cá nhân, tài khoản mạng xã hội, hoặc bị cài mã độc chiếm quyền điều khiển, theo dõi điện thoại.
Cần xử lý nghiêm minh
Để ngăn chặn, đấu tranh với loại tội phạm công nghệ cao nói chung và hành vi giả trạm BTS phát tán tin nhắn rác nói riêng, Đại tá Hoàng Xuân Bách khuyến cáo người dân cần hết sức cảnh giác trước các loại tội phạm này, không được truy cập các đường link lạ, không cung cấp các thông tin cá nhân như tài khoản ngân hàng, mã OTP, mật khẩu để tránh bị kẻ gian sử dụng chiếm đoạt tài sản.
Người dân cũng cần định kỳ thay đổi và sử dụng mật khẩu mạnh để đăng nhập tài khoản ngân hàng, nhất là Internet Banking, có biện pháp quản lý, bảo mật các thông tin quan trọng trên. Khi nhận được các tin nhắn nghi vấn không rõ ràng, người dân có thể trực tiếp gọi lên tổng đài chăm sóc khách hàng của các ngân hàng để kiểm tra thông tin.
Theo các chuyên gia trong ngành Luật, hành vi của các đối tượng dùng trạm phát sóng BTS giả là rất tinh vi và nguy hiểm, phạm tội "Xâm nhập trái phép vào mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác" theo Bộ luật Hình sự và có hành vi "xâm phạm đến quyền tài sản của cá nhân", cần phải xử lý nghiêm minh.
Trao đổi về vấn đề này, luật sư Lê Nguyễn Thế Hưng (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho biết, ngày 26/11/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 08/2021 để giải thích khoản 1 Điều 289 của Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 về hành vi xâm phạm trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc là phương tiện điện tử của người khác.
Hành vi tại khoản 1 của Điều 289 Bộ luật Hình sự được hiểu là bao gồm cả hành vi cố ý vượt qua cảnh báo, rồi truy cập tường lửa, rồi sử dụng những quyền quản trị của người khác hoặc là bằng một phương thức khác là xâm nhập trái phép vào cái mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc là phương tiện điện tử của người khác để chiếm đoạt dữ liệu có chứa bí mật kinh doanh, kể cả những việc như là nghe, đọc rồi ghi chép, chụp ảnh, ghi âm, ghi hình… Người vi phạm, người phạm tội sẽ phải chịu mức phạt tù từ 1 năm cho đến mức án cao nhất là 12 năm hoặc phạt tiền từ 50 triệu đến một tỷ đồng.
Để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật trong việc xử lý tình trạng giả trạm BTS nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc cho các mục đích xấu, khi thấy có dấu hiệu sai phạm hoặc phát hiện được các đối tượng có hành vi lắp đặt, sử dụng trạm BTS giả, người dân cần nhanh chóng trình báo cơ quan chức năng nơi gần nhất để kịp thời vào cuộc xử lý. Đồng thời, mỗi người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, tránh lơ là, dễ dàng tin vào những tin nhắn, dịch vụ sai trái do đối tượng xấu cung cấp ảnh hưởng tới bản thân, gia đình.