Cảnh báo thủ đoạn lừa mua bán hóa đơn giá trị gia tăng, cho vay tài chính
Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Bình Dương khuyến cáo người dân cảnh giác với thủ đoạn lừa bán hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) khống, cho vay đáo hạn ngân hàng và vay tiền của các đối tượng mạo danh là nhân viên của công ty tài chính.
Cuối năm 2020, anh T.G.N (ngụ TP Hồ Chí Minh) trình báo bị chiếm đoạt gần 1,2 tỷ đồng tại một chi nhánh ngân hàng đặt ở phường Lái Liêu, TP Thuận An, Bình Dương. Đối tượng bị tố cáo tên là Lê Như Chiến đã dùng thủ đoạn mua bán hóa đơn GTGT khống để lừa anh N. Nhận được tin báo, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Bình Dương phối hợp cùng một số đơn vị nghiệp vụ điều tra, xác định 3 đối tượng gây án là Lê Minh Trí (SN 1995, quê Tiền Giang), Lê Minh Truyền (SN 1987, quê Vĩnh Long) và Nguyễn Công Hùng (SN 1988, quê TP Hồ Chí Minh). Trong đó, chính đối tượng Trí đã sử dụng căn cước công dân giả mang tên Lê Như Chiến để lừa đảo anh N.
Ngoài vụ lừa này, băng nhóm của Trí còn gây ra 6 vụ lừa đảo khác tại TP Cần Thơ, Hải Dương, Hà Nội, Bà Rịa- Vũng Tàu và TP Hồ Chí Minh với tổng số tiền chiếm đoạt lên đến gần 13 tỷ đồng. Thủ đoạn của các đối tượng là mua bán hóa đơn GTGT và cho vay đáo hạn ngân hàng. Hiện Công an tỉnh Bình Dương đã bắt giữ hai đối tượng Trí và Truyền, còn đối tượng Hùng hiện đã bỏ trốn.
Cách đây không lâu, bà T.T. H (ngụ TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) nhận được cuộc điện thoại từ một người phụ nữ sử dụng số thuê bao “0336601116” tự xưng là nhân viên của một công ty tài chính chuyên cho vay tiền trực tuyến với lãi suất thấp, thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh chóng và nhiều ưu đãi cao.
Do đang có nhu cầu vay tiền nên bà H. đã chọn gói vay trị giá 40 triệu đồng. Ngay sau đó bà H. đã được 2 tài khoản Zalo mang tên “Văn Nghị” và “DUY T N” kết bạn để hướng dẫn làm thủ tục vay tiền trên trang web “vs5.org”.
Hướng dẫn xong, các đối tượng yêu cầu bà H. đóng phí bảo hiểm khoản vay 10% (tức 4 triệu đồng) để được giải ngân và cam kết sau khi bà H. trả hết khoản vay sẽ được hoàn số tiền bảo hiểm trên. Để tạo niềm tin cho bà H., các đối tượng gửi hình ảnh, địa chỉ công ty giả và hẹn gặp mặt trực tiếp để làm việc nếu sau này bà H. cần vay với số tiền cao hơn.
Không nghi ngờ, bà H. đã chuyển tiền vào tài khoản do các đối tượng cung cấp. Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền xong, các đối tượng đã đưa ra nhiều lý do khác nhau (như chuyển tiền sai cú pháp, sai mẫu, thông tin người nhận tiền giải ngân không chính xác, lỗi giao dịch,...) để yêu cầu bà H. chuyển lại tiền. Để bà H. rối trí, các đối tượng liên tục điện thoại để tư vấn và yêu cầu bà H. chuyển thử số tiền cao hơn xem có được không. Khi bà H. chuyển số tiền lên đến hơn 800 triệu đồng thì các đối tượng cắt đứt liên lạc….
Để hạn chế các vụ lừa đảo tương tự, Công an tỉnh Bình Dương yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương tăng cường, đa dạng hóa công tác tuyên truyền, cảnh báo về phương thức thủ đoạn tới quần chúng nhân dân; điều tra, xác minh, làm rõ hành vi vi phạm của các đối tượng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Khi tiếp nhận tin báo phải lập tức phân công thực hiện nhanh việc xác minh, liên hệ với các đơn vị có liên quan để truy xét dòng tiền, ngặn chặn thiệt hại cho người dân.