Cạm bẫy từ vay tiền qua iCloud, mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng
Thực trạng cho thấy trong nhiều năm gần đây, tội phạm trên lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông, mạng Internet được phát hiện ngày càng gia tăng; các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng vẫn diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn mới tinh vi hơn.
Trên cơ sở chủ động nhận diện tình hình, lực lượng Công an tỉnh Lào Cai đã tăng cường công tác phát hiện đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trên môi trường mạng.
Chiêu trò cho vay tiền qua iCloud
Công an tỉnh Lào Cai chủ trì phối hợp với các Cục nghiệp vụ Bộ Công an vừa triệt phá đường dây cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự phạm vi cả nước bằng hình thức cho vay qua tài khoản iCloud trên điện thoại di động.
Trước đó, qua triển khai các biện pháp nghiệp vụ nắm tình hình trên không gian mạng, Công an tỉnh Lào Cai phát hiện nhiều group (nhóm), tài khoản cá nhân trên mạng xã hội Facebook ở các tỉnh, thành phố thường xuyên đăng bài quảng cáo vay tiền qua tài khoản iCloud trên điện thoại di động. Quá trình xác minh xác định đây là đường dây cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự với phương thức, thủ đoạn hoạt động mới, quy mô lớn, hoạt động ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng...
Các đối tượng thiết lập khoảng 60 group và hàng trăm tài khoản cá nhân trên mạng xã hội Facebook, thường xuyên đăng tải quảng cáo vay tiền dưới hình thức qua tài khoản iCloud. Khi có người vay tiền liên hệ qua điện thoại số Hotline hoặc Facebook, Zalo, các đối tượng tiến hành “tư vấn”, giới thiệu các gói vay tương ứng với giá điện thoại iPhone đang sử dụng, cụ thể: iPhone 11 Pro - 11 Pro Max được vay số tiền từ 4 đến 5 triệu đồng; iPhone 12- iPhone 12 Pro Max được vay số tiền từ 5 đến 7 triệu đồng; iPhone 13- iPhone 13 Pro Max được vay số tiền từ 7 đến 10 triệu đồng; iPhone 14 - iPhone 14 Pro Max được vay số tiền từ 8 đến 16 triệu đồng. Lãi suất cho vay 9.700 đồng/1 triệu đồng/1 ngày (tương đương 349,8%/năm); thời gian vay là 30 ngày hoặc 40 ngày; hàng ngày người vay phải thanh toán cả tiền gốc và tiền lãi tương ứng với số tiền đã vay.
Khi người vay đồng ý, các đối tượng yêu cầu cung cấp hình ảnh thẻ căn cước công dân, hình ảnh người vay, số điện thoại, danh bạ, địa chỉ thường trú, nghề nghiệp, địa chỉ nơi làm việc, phòng ở hiện tại, họ tên bố, mẹ, vợ hoặc chồng, link Facebook của người thân, số tài khoản ngân hàng,... và yêu cầu đăng nhập tài khoản, mật khẩu iCloud theo hướng dẫn của các đối tượng. Sau khi kiểm tra các thông tin trùng lặp, các đối tượng tiến hành giải ngân tài khoản vay vào tài khoản ngân hàng của người vay. Hàng ngày, người vay phải trả tiền gốc và lãi. Nếu người vay không trả tiền đúng theo định mức và thời gian quy định, các đối tượng sẽ khóa tài khoản iCloud không cho người vay sử dụng điện thoại, buộc người vay phải trả tiền để mở lại.
Qua xác minh, Ban Chuyên án xác định 3 nhóm đối tượng (tại TP Hà Nội, TP Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh) cầm đầu, điều hành toàn bộ đường dây tội phạm và xác định hàng trăm cộng tác viên, "chân rết" thực hiện nhiệm vụ quảng cáo, tìm kiếm người vay, trong đó đã làm rõ 160 đối tượng. Khi giới thiệu vay tiền thành công, các đối tượng cộng tác viên được hưởng từ 15% đến 20% số tiền vay.
Ngày 14/12/2023, Công an tỉnh Lào Cai chủ trì phối hợp với các Cục nghiệp vụ Bộ Công an, Công an TP Hà Nội, Công an TP Đà Nẵng, Công an TP Hồ Chí Minh thành lập 5 tổ công tác tổ chức đồng loạt khám xét 6 địa điểm, bắt giữ 41 đối tượng, bảo đảm tuyệt đối an toàn (trong đó, 1 đối tượng tại TP Lào Cai, 14 đối tượng tại TP Hà Nội, 22 đối tượng tại TP Đà Nẵng, 4 đối tượng tại TP Hồ Chí Minh). Vật chứng thu giữ 42 máy tính, 65 chiếc điện thoại di động, 2 xe ô tô và nhiều công cụ phương tiện khác; tiến hành phong tỏa 23 tài khoản ngân hàng liên quan đến hoạt động phạm tội của các đối tượng.
Cơ quan điều tra đã làm rõ số tiền các đối tượng sử dụng để cho vay lãi nặng khoảng 400 tỷ đồng với khoảng 100.000 lượt người vay trên khắp cả nước, mức lãi suất cao nhất là 9.700 đồng/1 triệu/ngày (tương đương 349,8%/năm. Số tiền các đối tượng thu lợi bất chính khoảng 120 tỷ đồng.
Chiêu trò mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng
Ngày 15/12/2023, Công an tỉnh Lào Cai khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Quý (SN 1997, trú tại tổ dân phố số 11, thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) về hành vi thu thập, mua bán, trao đổi trái phép thông tin tài khoản ngân hàng.
Quá trình xác minh, xác định, trong thời gian từ tháng 7/2020 đến tháng 10/2022, thông qua các đối tượng Mầu Thế Anh (SN 2000, trú tại 035 Nguyễn Huệ, phường Lào Cai, TP Lào Cai), Đỗ Ngọc Hưng(SN 2005, trú tại tổ 28, phường Pom Hán, TP Lào Cai), Quý đã thu mua trên 30 tài khoản ngân hàng với giá 500.000 đồng/l tài khoản rồi bán lại cho đối tượng tên Thành Lacos và hai tài khoản Facebook khác với giá 1.000.000 đồng/l tài khoản.
Ngoài hành vi mua bán tài khoản ngân hàng trên, Quý còn bàn bạc với đối tượng Mầu Thế Anh và đối tượng Thành Lacos thực hiện hành vi chiếm đoạt 353.100.000 đồng trong các tài khoản ngân hàng mà Quý đã mua. Nguy hiểm hơn là bị sử dụng các thông tin cá nhân vào các hoạt động trái pháp luật…
Nâng cao ý thức người dân để ngăn chặn tội phạm trên không gian mạng
Không chỉ đánh bạc, lừa đảo, tội phạm trên không gian mạng thời gian qua đã đẩy mạnh các hoạt động rất tinh vi dưới nhiều hình thức như vi phạm bản quyền, sở hữu trí tuệ, buôn bán hàng giả, hàng cấm, truyền bá văn hoá phẩm đồi truỵ, đăng tải thông tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác trên không gian mạng,... Nếu người dân không tỉnh táo, có thể sẽ sập bẫy các đối tượng này.
Mặc dù lực lượng Công an đã quyết liệt đấu tranh với các loại tội phạm trên không gian mạng, đạt nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên trên thực tế vẫn còn nhiều khó khăn. Đây là loại tội phạm “phi truyền thống”, địa bàn hoạt động rộng, không phân biệt biên giới, lãnh thổ, hoạt động suốt ngày đêm, có tính tự động hóa và chuyên nghiệp cao, dễ dàng xóa bỏ dữ liệu điện tử, dấu vết phạm tội khiến việc điều tra, xác minh thông tin gặp nhiều khó khăn, tốn nhiều thời gian, công sức, kinh phí. Nhận thức, kiến thức về pháp luật trên lĩnh vực an ninh mạng, tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao của người dân còn thiếu, không đủ để phòng tránh hoặc biết cách thu thập những thông tin, dữ liệu có giá trị ban đầu để tố giác tội phạm với cơ quan Công an khi trở thành nạn nhân.
Đại tá Trần Quốc Huy, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lào Cai cho biết: Thời gian tới, Công an tỉnh tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm và vi phạm pháp luật trên không gian mạng; kịp thời phát hiện, xử lý các đường dây, ổ nhóm tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản... Thường xuyên thông báo phương thức, thủ đoạn (nhất là phương thức, thủ đoạn mới) của tội phạm, vi phạm pháp luật trên không gian mạng để tuyên truyền rộng rãi. Phối hợp với các ngành, cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, cảnh báo phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản; kết quả đấu tranh, bắt giữ các vụ việc, vụ án điển hình của lực lượng Công an các cấp trong đấu tranh với tội phạm trên không gian mạng nhằm răn đe, nâng cao ý thức cảnh giác cho người dân.
Cơ quan Công an cũng nhận định, hoạt động của các loại tội phạm trên không gian mạng trong nhiều lĩnh vực đang có sự biến tướng và diễn biến phức tạp. Cùng với các giải pháp đồng bộ của lực lượng Công an, mỗi người dân cần đề cao tinh thần cảnh giác, tự nâng cao và tạo sức “đề kháng” cho bản thân sẽ góp phần bảo đảm an ninh, an toàn khi tham gia hoạt động trên không gian mạng.