"Hội thánh của Đức Chúa trời Mẹ" hay "thánh lừa" tiền bạc của người mê tín

Bài 1: Đằng sau cái gọi là "Hội thánh của Đức Chúa trời Mẹ"

Thứ Bảy, 29/01/2022, 09:29

Nhiều nhóm tự xưng "Hội thánh của Đức Chúa trời mẹ" tổ chức hoạt động khắp nơi, gây ra bao đau khổ cho nhiều gia đình, song vẫn có không ít người mê muội đi theo.

“Hội thánh của Đức Chúa Trời mẹ” hay còn có tên gọi khác là “Hội thánh Đức Chúa Trời làm chứng cho Chúa Giesu” do Ahn Sahng Hong (1918-1985) sáng lập. Ahn Sahng Hong xuất thân trong gia đình Phật giáo ở Hàn Quốc.

Từ năm 1939, trong thời gian chiến tranh Trung - Nhật Bản lần hai và thế chiến thứ hai, Ahn Saghn Hong cùng bố mẹ sống tại Nhật Bản. Sau 9 năm khi chiến tranh kết thúc, Ahn Sahng Hong quay lại Hàn Quốc và bắt đầu tham gia giáo đoàn của giáo hội Cơ đốc Phục lâm.

ảnh 1.jpg -0
Công an tỉnh Bắc Kạn phát hiện nhóm đối tượng tuyên truyền “Hội thánh của Đức Chúa trời Mẹ”

Năm 1948, Ahn Sahng Hong từ bỏ Phật giáo và chịu phép Baptem của giáo hội Cơ đốc Phục lâm. Đến năm 1953, Ahn Sahng Hong tuyên bố mình nhận được mặc khải và sáng lập ra tổ chức mang tên “Hội thánh Đức Chúa trời làm chứng cho Chúa Giê Su” hay “Hội thánh Đức chúa trời mẹ”.

Ahn Sahng Hong bắt đầu chỉ trích giáo lý của hội Cơ đốc Phục Lâm, sau đó bị giáo hội khai trừ sau cuộc tranh luận về ý nghĩa tôn giáo của Thánh giá. Vì thế, Ahn Sahng Hong cùng 23 người từ bỏ giáo hội và sau 2 năm thành lập “Hội thánh Đức chúa trời Nhân chứng Jesu” vào ngày 28/4/1964. Năm 1985, sau khi ông qua đời, Hội thánh đã mở rộng được 13 giáo đoàn.

Là tôn giáo ngoại sinh, có nguồn gốc từ Tin lành, “Hội thánh của Đức Chúa Trời mẹ” được truyền đến Việt Nam. Về giáo lý, sử dụng Kinh thánh (66 quyển) và tin có Đức Chúa Trời Ba ngôi như đa số các tổ chức Tin lành khác. Tuy nhiên, tổ chức này tin Đức Chúa Trời Ba ngôi đã hiện thân vào ông Ahn Saghn Hong (Đức Chúa trời Cha) và tin có Đức Chúa trời Mẹ (hiện thân ở bà Jang Gil Ja). Không sử dụng cây Thánh giá, tượng Chúa; nữ trùm khăn ren trắng; không tổ chức lễ Giáng sinh, tin vào ngày tận thế, hàng tuần có lễ Sabat.

Tổ chức dạng Hội thánh, “Hội thánh của Đức Chúa Trời mẹ” có Tổng hội đặt tại Bundang, thành phố Sungnam, tỉnh Kyunggi, Hàn Quốc và các chi nhánh ở các quốc gia. Năm 1985, sau khi Ahn Sahng Hong qua đời, Hội thánh mở rộng được 13 giáo đoàn tại Hàn Quốc. Năm 2015 có khoảng 2,5 triệu tín đồ; 2.500 Hội thánh (trong đó Hàn Quốc có 400 Hội thánh) có mặt ở 175 quốc gia. Tại Việt Nam, “Hội thánh Đức Chúa trời” có tổ chức không chặt chẽ, hoạt động theo các nhóm nhỏ lẻ, len lỏi đến từng địa phưong. Ngoài Lễ Sabat diễn ra vào ngày thứ 7 hàng tuần; hằng năm có 7 lễ chia làm tập ba kỳ (Thời kỳ Đức Chúa cha, thời kỳ Đức Chúa Giê-su, Thời kỳ Đức Thánh linh) gồm: Lễ vượt qua, lễ bánh không men (1 ngày sau lễ vượt qua);  Lễ Phục sinh, Lễ Ngũ tuần (50 ngày sau lễ Phục sinh); Lễ Kèn thổi, Lễ Chuộc tội và Lễ lều tạm (những ngày lễ đều được lý giải trong kinh thánh). Để tượng trưng cho máu và thịt (mình) Chúa, họ dùng nước ép nho có màu đỏ và bột mỳ để làm bánh không men.      

 Năm 1985, sau khi Ahn Saghm Hong qua đời, Hội thánh bị chia làm 2, trong đó có nhóm mang tên “Hội thánh của Đức Chúa trời Hiệp hội truyền giáo Tin lành thế giới”. Vì Hội thánh giải thích và thực hành Kinh thánh có nhiều điểm khác biệt so với cộng đồng Ki-to giáo nói chung, trong đó có việc tin Đức Chúa trời bị các tổ chức Tin lành cho là báng bổ Kinh thánh nên các tổ chức Tin lành cho đây là “tà đạo” và gọi là “Hội thánh của Đức Chúa Trời mẹ” để phân biệt với các Hội thánh Đức Chúa trời khác thuộc Đạo Tin lành. Hiện nay, “Hội thánh của Đức Chúa Trời mẹ” hoạt động dưới sự điều hành của bà Zahng Gil Jah (vợ ông Ahn Sahng Hong) và Mục sư Kim Joo Cheol. Năm 2001, “Hội thánh Đức Chúa trời Mẹ” du nhập vào Việt Nam thông qua hoạt động nhập cảnh của một giáo sĩ người Hàn Quốc và một số người lao động ở Hàn Quốc trở về. Năm 2005, 2006 hình thành điểm nhóm đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh. Khoảng từ năm 2013, tổ chức này bắt đầu có những hoạt động ở các tỉnh, thành phố miền Bắc.

hoi-thanh-15249647956711914717401.jpg -0
Một buổi sinh hoạt của “Hội thánh của Đức Chúa trời Mẹ”.

Trong quá trình du nhập vào Việt Nam, Hội thánh Đức Chúa trời đã có hoạt động ở 21 tỉnh/thành phố trên toàn quốc gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang, Thanh Hóa, Sơn La, Bình Thuận, Vĩnh Phúc, Tiền Giang, Lai Châu, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Điện Biên, Lào Cai, Bến Tre, Hòa Bình, Quảng Bình, Yên Bái, An Giang, Hải Dương.

“Hội thánh của Đức Chúa Trời mẹ” đã tác động không nhỏ đến một số địa phương với tính chất phức tạp. Cụ thể, các đối tượng đã lén lút đến các địa phương để tuyên truyền dưới danh nghĩa là nhân viên các công ty bán hàng đa cấp; giới thiệu sản phẩm để tiếp cận, lôi kéo người tham gia. Lực lượng chức năng đã phát hiện hoạt động tuyên truyền trái pháp luật và triệu tập các đối tượng để làm việc, họ thừa nhận hành vi tuyên truyền của mình là trái pháp luật và cam kết chấm dứt hoạt động.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2018 đến nay, để đối phó với lực lượng chức năng, các đối tượng tham gia thường xuyên thay đổi địa điểm cầu nguyện, giảng đạo tập trung vào tối thứ 3 và thứ 7 hàng tuần, bố trí người canh gác. Qua công tác nắm bắt tình hình địa bàn và được quần chúng cung cấp thông tin, lực lượng chức năng đã ngăn chặn, xử lý nhiều việc tụ tập, tuyên truyền, sinh hoạt tôn giáo trái pháp luật ở  một số địa phương…

Tỉnh Quảng Trị là một trong những địa phương có diễn biến phức tạp. Tháng 1/2017, theo sự chỉ đạo của một đối tượng tên Ngọc (mục sư của tổ chức Hội Thánh Đức Chúa trời mẹ) hoạt động tại Hà Nội, 2 đối tượng Lê Khắc Thắng (1989, quê Bắc Giang), Quách Thị Vui (SN 1993 - quê Ninh Bình) đã vào địa bàn tỉnh Quảng Trị để  đào tạo ra “mạng lưới” nhằm phát triển tổ chức, từng bước thành lập Sion, công khai hóa tổ chức.

Đến cuối năm 2017, “Hội thánh của Đức Chúa Trời mẹ” có những hoạt động phức tạp tăng cường hoạt động tuyên truyền, lôi kéo, tổ chức tụ tập sinh hoạt trái pháp luật tại địa bàn 9/10 huyện, thị xã, thành phố nhằm thực hiện ý đô thành lập các Sion.

Trong thời gian từ tháng 1/2017-1/2018, các đối tượng trên đã móc nối, lôi kéo và xây dựng được 15 đối tượng cốt cán và đưa đi tập huấn, đào tạo tại Quảng Bình và Nghệ An. “Hội thánh của Đức Chúa Trời mẹ”, bước đầu hình thành được đội ngũ cốt cán, phân công các nhóm trưởng phụ trách hoạt động từng khu vực trên địa bàn. Tại các địa bàn này, các Sion sẽ được xây dựng nhằm mục đích từng bước công khai hóa hoạt động tổ chức.

Các đối tượng nói trên tiếp tục đến các địa bàn vùng núi, các khu công nghiệp, các vùng quê để tổ chức vẽ tranh để truyền đạo. Nhằm tránh sự phát hiện, theo dõi của các cơ quan chức năng, các đối tượng liên tục thay đổi chỗ và địa điểm sinh hoạt, thường tập trung nhóm họp tại nhà trọ, khách sạn, quán café..., đồng thời sử dụng máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại thông minh để trao đổi thông tin, cất giữ tài liệu và liên lạc với nhau.

Để lôi kéo thành viên tham gia, các đối tượng thuê phòng trọ tại các khu vực tập trung đông người rồi liên kết với các đối tượng trên địa bàn như: Nguyễn Thị Tuyên, Nguyễn Thị Tuyến, Nguyễn Thị Nghệ (ở Quảng Trị); sử dụng luận điệu xuyên tạc không đúng với kinh thánh, mang tính chất tà giáo, mê tín dị đoan như: Tuyên truyền về ngày tận thế, chỉ cần sống cho bản thân mình, từ bỏ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, không làm cũng có ăn, đi theo Hội thánh mới được cứu rỗi; đồng thời có dấu hiệu cưỡng ép người theo đạo, lợi dụng giáo lý để trục lợi.

Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, các đối tượng đứng đầu với hình thức hoạt động làm sai kinh thánh, không giống Tin lành chính thống, phát triển tín đồ thông qua các trang mạng xã hội, quan hệ quen biết, buôn bán để tìm hiểu, lôi kéo, tụ tập tổ chức sinh hoạt tại các điểm xa khu dân cư để tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng.

Các nhóm này không có địa điểm sinh hoạt cố định. Phụ trách nhóm có nhóm trưởng, có nhiệm vụ hướng dẫn kinh thánh cho tín đồ mới, tổ chức sinh hoạt, thờ phụng, tập hợp tình hình, phát triển tín đồ. Các điểm nhóm sinh hoạt vào thứ ba và thứ 7 hàng tuần.

Các đối tượng trưởng nhóm thường luân chuyển, chọn lựa địa điểm kín đáo để đối phó với cơ quan chửc năng và sự hiếu kỳ của người dân. Chúng dùng thủ đoạn lôi kéo người thân, bạn bè, các mối quan hệ xã hội hoặc đi từng nhóm từ 2 đến 3 người đến các nơi như công viên, trường học, siêu thị, chung cư, khu công nghiệp để tuyên truyền phát triển tín đồ.

Luận điệu tuyên truyền là “gần đến ngày tận thế, mọi người nhanh chóng tham gia vào nhóm để được vào nước thiên đàng”. Sau khi lôi kéo được người tham gia, các đối tượng đưa về các quán café, nhà hàng để các nhóm trưởng hướng dẫn đọc kinh thánh. Hiện nay, các đối tượng cầm đầu còn thành lập các công ty, quán café hoặc cửa hàng dịch vụ kinh doanh để tổ chức sinh hoạt, nhằm qua mặt cơ quan chức năng.

Tại tỉnh Quảng Bình, “Hội thánh của Đức Chúa Trời mẹ” hoạt động dưới hình thức kinh doanh. Tháng 5/2016 có một nhóm khoảng 10 người đến từ các tỉnh phía Bắc do Nguyễn Tiến Công đứng đầu đến hoạt động tại một số địa bàn trong tỉnh Quảng Bình để thực hiện tuyên truyền, lôi kéo người dân tham gia, tụ tập đông người tại một số nhà dân để sinh hoạt trái phép. Chúng hoạt động lúc tập trung, khi phân tán, truyền đạo đến nhiều gia đình dưới hình thức như: tìm hiểu thị trường, tiếp thị, kinh doanh mỹ phẩm, bán máy lọc nước, tư vấn xuất khẩu lao động, chăm sóc sức khỏe miễn phí...

Tại tỉnh Điện Biên, hoạt động của nhóm này dưới hình thức Trung tâm Bảo tồn và phát triển cây thuốc Việt Nam để che mắt lực lượng chức năng để hoạt động, tuyên truyền phát triển tổ chức. Nhóm này do Bùi Đình Cường (Thanh Xuân, Hà Nội) cầm đầu. Sau một thời gian sinh hoạt và quá trình tuyên truyền, vận động của các cơ quan chức năng, các đối tượng đã từ bỏ, quay về cuộc sống bình thường.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, những hoạt động liên quan đến “Hội thánh Đức Chúa trời” lại có những biểu hiện mang tính chất tiêu cực và phức tạp. Các đối tượng hoạt động mang nặng tính chất mê tín dị đoan, đưa ra lý lẽ về ngày tận thế và những hành vi, ứng xử trái văn hóa dân tộc, gây mất đoàn kết nội bộ gia đình, thậm chí vi phạm pháp luật và chiếm đoạt tài sản cá nhân để trục lợi (mỗi người tin theo đóng 1/10 thu nhập để dâng lên Chúa Trời).

Điều nguy hiểm là một số người bị lôi kéo cũng tích cực học đạo và đi truyền giảng đạo, phá bỏ bàn thờ tổ tiên. Khi bị phản đối thì coi người thân như ma quỷ, ruồng bỏ gia đình. Hoạt động của nhóm đạo “Hội thánh của Đức Chúa Trời mẹ” đã làm xáo trộn đời sống tín ngưỡng, tôn giáo một bộ phận nhân dân, gây mâu thuẫn.

Thành phần tin theo của “Hội thánh của Đức Chúa Trời mẹ” chủ yếu là học sinh, sinh viên phụ nữ là những đối tượng cả tin, dễ bị các đối tượng lôi kéo, lợi dụng tin vào những lời mê hoặc của người đứng đầu. Hoạt động trong thời gian khá dài, phạm vi ảnh hưởng rộng nên số lượng người tin theo cũng khá đông. Những người theo “Hội thánh của Đức Chúa Trời mẹ”, có nhiều người rơi vào cảnh “nhà tan, cửa nát”…

Xuân Mai
.
.
.