Bộ Y tế “để trống” câu trả lời về mức giá 470.000 đồng/kit test
Vụ việc gây xôn xao dư luận cả nước trong những ngày qua khi cơ quan điều tra khởi tố 7 bị can ở Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (gọi tắt là Công ty Việt Á) và CDC Hải Dương, về nâng khống giá sinh phẩm xét nghiệm và chi hoa hồng cho đối tác với số tiền hàng chục tỷ đồng.
Vụ việc khiến nhiều người đặt câu hỏi, trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế ở vụ việc này thế nào? Ngày 21/12, Bộ Y tế đã lên tiếng nhưng khẳng định phía Bộ đã làm đúng. Còn Bộ Khoa học và Công nghệ chưa có thông tin chính thức, chỉ rút bài đăng trên website.
Trong thông cáo báo chí chiều 21/12 mà Bộ Y tế phát đi, Bộ khẳng định việc cấp phép sử dụng tạm thời cho 2 bộ sinh phẩm Realtime PCR chẩn đoán SARS-CoV-2 (LightPoweriVA SARS-CoV-2 1st RT-PCR Kit, LightPoweriVA SARS-CoV-2 1st RT-rPCR Kit) của Công ty Việt Á trong thời hạn 6 tháng vào ngày 4/3/2020 để sử dụng trong xét nghiệm sàng lọc đã đáp ứng nhu cầu xét nghiệm "tại thời điểm khó khăn khi tiếp cận với nguồn cung ứng sinh phẩm trên thế giới". Đến ngày 4/12/2020, Bộ Y tế có Quyết định số 5071 cấp phép lưu hành 5 năm đối với bộ sinh phẩm xét nghiệm này.
Còn về việc WHO không cấp phép cho kit test của Việt Á, Bộ Y tế cho biết, mỗi quốc gia, tổ chức đều xây dựng tiêu chí và yêu cầu về hồ sơ, sản phẩm khác nhau về việc chấp thuận lưu hành sinh phẩm. Các công ty có nhu cầu lưu hành, sử dụng tại quốc gia và tổ chức nào sẽ nộp hồ sơ theo quy định của từng tổ chức, quốc gia đó. Do vậy, việc cấp phép của Bộ Y tế đối với sản phẩm của Công ty Việt Á và các nhà sản xuất khác không phụ thuộc vào danh sách do WHO công bố.
Bộ Y tế khẳng định, theo quy định của Luật giá, trang thiết bị y tế và sinh phẩm xét nghiệm không thuộc trong danh mục mặt hàng phải quản lý giá. Giá trang thiết bị y tế và sinh phẩm xét nghiệm được xác định thông qua đấu thầu và giá các sản phẩm khác nhau theo từng thời điểm và số lượng mua sắm, khả năng cung ứng.
Cùng thời điểm Công ty Việt Á niêm yết giá trên Cổng công khai giá là 470.000 đồng/sản phẩm, thì Công ty cổ phần Sao Thái Dương niêm yết giá loại xét nghiệm PCR là 300.000 đồng/sản phẩm và xét nghiệm LAMP có giá 385.000 đồng/sản phẩm, Công ty Ampharco U.S.A có giá 179.800 đồng/sản phẩm; có 15 sản phẩm PCR nhập khẩu đã được cấp phép đăng ký và niêm yết giá từ 280.000 đồng đến 600.000 đồng/sản phẩm.
Thông tin này đã được công khai trên Cổng công khai giá để các địa phương, cơ sở y tế nắm bắt, tham khảo khi xây dựng kế hoạch và thực hiện mua sắm, đấu thầu, sử dụng sản phẩm phục vụ nhu cầu phòng, chống dịch, mà không phải là giá bắt buộc áp dụng. Các địa phương, đơn vị thực hiện mua sắm, đấu thầu theo đúng quy định và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện.
Thời gian qua, nhiều CDC các tỉnh đã mua kit test của Công ty Việt Á với mức giá 450.000 đ/sản phẩm, thậm chí có nơi còn mua hơn 500.000 đ/sản phẩm. Một số địa phương giải thích, do giá Công ty Việt Á niêm yết trên Cổng công khai giá là 470.000 đ/sản phẩm nên địa phương cứ áp dụng mà tiến hành mua sắm. Một số Sở Y tế còn cho biết, giá 470.000 đ/sản phẩm là do trước đó Bộ Y tế có văn bản giới thiệu cho Sở Y tế các tỉnh, thành trên cả nước liên hệ mua chứ không phải giá do Việt Á và khách hàng đàm phán.
Cụ thể, vào ngày 2/7/2021, ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành danh sách các sinh phẩm/trang thiết bị chẩn đoán vitro xét nghiệm virus SARS-CoV-2 đã được cấp số đăng ký, cấp giấy phép nhập khẩu và khả năng cung ứng và giá bán do đơn vị cung ứng công bố. Theo đó, bộ thiết bị sinh phẩm nêu trên của Việt Á có giá là 470.000 đ/kit test.
Đến nay, Công ty Việt Á đã cung ứng kit test COVID-19 cho CDC và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với doanh thu gần 4.000 tỉ đồng. Cơ quan điều tra bước đầu đã làm rõ để thu lời bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Phan Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty Việt Á và cấp dưới đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá, xác định giá bán là 470.000 đ/kit test.
Nhiều người đặt câu hỏi, mức giá mà Bộ Y tế giới thiệu 470.000 đ/kit test là đã được nâng khống, vậy căn cứ vào đâu để xây dựng mức giá này và ai cho phép việc mua, bán mức giá này? Việc Bộ Y tế giới thiệu mức giá này cho các địa phương thì có phải chịu trách nhiệm không? Trong thông cáo báo chí của Bộ Y tế không có câu trả lời cho vấn đề này.
Theo một chuyên gia dịch tễ, qua hình ảnh trên phương tiện truyền thông về nhà xưởng sản xuất của Công ty Việt Á, người ta đặt câu hỏi nghi ngờ về năng lực sản xuất gần 1 triệu kit test/tháng của công ty này. Đặc biệt, sau cấp phép cho doanh nghiệp sản xuất, công tác hậu kiểm có được cơ quan chức năng thực hiện hay không?
Bộ Y tế cho biết, đến ngày 20/12/2021, Bộ đã cấp phép 146 sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2, trong đó có 46 sinh phẩm xét nghiệm vật liệu di truyền (PCR, LAMP) tương tự như sản phẩm của Công ty Việt Á và Công ty cổ phần Sao Thái Dương (bao gồm 7 sinh phẩm sản xuất trong nước và 39 sinh phẩm nhập khẩu). Bộ Y tế cũng cho biết, các địa phương, đơn vị phải thực hiện việc đấu thầu mua sắm theo các quy định hiện hành của Nhà nước và tự chịu trách nhiệm về việc mua sắm của mình.