“Mẹ đỡ đầu” - việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn
Chương trình “Mẹ đỡ đầu” được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phát động từ cuối năm 2021. Nhận thức được ý nghĩa lớn lao của chương trình, từ đầu năm 2022, Hội Phụ nữ Công an tỉnh Bạc Liêu đã vận động 100% cơ sở Hội cùng cán bộ, hội viên tích cực tham gia, hưởng ứng chương trình bằng nhiều phần việc thiết thực.
Hội Phụ nữ Công an tỉnh đã nhận đỡ đầu cho 3 trẻ em mất mẹ do dịch bệnh COVID-19, định kỳ tổ chức thăm, động viên, hỗ trợ và trao sổ tiết kiệm với tổng số tiền 21 triệu đồng. Một trong số đó có cháu Lê Dương Bảo Long (17 tháng tuổi). Cha đi làm ăn xa, cháu Long hiện đang được ông bà ngoại nuôi dưỡng. Ông bà ngoại của Long vẫn hàng ngày đi làm thuê kiếm tiền nuôi cháu. Hội Phụ nữ Công an tỉnh Bạc Liêu nhận đỡ đầu, hỗ trợ gia đình mỗi tháng 500.000 đồng; đồng thời, cán bộ, hội viên phụ nữ Công an cũng thường xuyên thăm hỏi, tặng quà nhân dịp lễ, Tết.
Hai cháu Hứa Hoàng Sơn (SN 2011) và Hứa Hoàng Thái (SN 2016) cũng mất mẹ do COVID-19, hiện đang sống cùng ông bà nội già yếu, không còn sức lao động, cả gia đình đều trông chờ vào đồng lương ít ỏi của người cha đang làm công nhân tại TP Hồ Chí Minh. Hội Phụ nữ Công an tỉnh đã nhận hỗ trợ hai cháu theo chương trình “Mẹ đỡ đầu” để tiếp thêm động lực cho các cháu tiếp tục cắp sách đến trường...
Ngày 12/6, Hội Phụ nữ Công an tỉnh An Giang ra mắt chương trình “Mẹ đỡ đầu” nhằm hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi do dịch COVID-19 và nguyên nhân khác trên địa bàn tỉnh, đã tổ chức đến thăm, tặng sách giáo khoa, tập, cặp, tiền mặt cho 5 cháu mồ côi cha, mẹ trong đợt dịch COVID-19 ở 3 huyện Châu Phú, Châu Thành, Chợ Mới và TP Long Xuyên. Qua rà soát, Hội Phụ nữ Công an tỉnh An Giang nhận đỡ đầu 7 cháu, với tổng kinh phí 35 triệu đồng, từ nguồn đóng góp của các cán bộ, hội viên các cơ sở hội. Hoạt động này được thực hiện từ năm 2022 cho đến khi các cháu 18 tuổi.
Công an TP Cần Thơ cũng thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa hướng về cộng đồng. Mô hình “Tình thương cho em – hậu COVID” của Công an TP Cần Thơ góp phần hiệu quả cuộc vận động “Xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”. Mô hình triển khai từ tháng 10/2021, ban đầu nhận bảo trợ 11 trẻ mồ côi. Các em được bảo trợ học tập đến năm 18 tuổi, mức hỗ trợ tối thiểu 3 triệu đồng/năm để mua sách vở, đồng phục, đồ dùng học tập. Hàng năm, các em được mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể. Công an TP Cần Thơ phối hợp chặt chẽ với chính quyền, đoàn thể quan tâm hỗ trợ các em lúc khó khăn.
Hội Phụ nữ Công an TP Cần Thơ cũng triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu” nhằm hỗ trợ, chăm sóc cho các em bị mồ côi do tác động của COVID-19 trên toàn địa bàn thành phố. Theo Trung tá Nguyễn Ngọc Thúy, Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an TP Cần Thơ, trong quá trình thực hiện, Hội sẽ phối hợp chặt chẽ với Hội Liên hiệp phụ nữ xã, phường, thị trấn, nơi có các trẻ mồ côi để có những hoạt động phối hợp hỗ trợ, chăm lo cho các cháu phù hợp với hoàn cảnh của từng gia đình. Thượng tá Võ Thị Hồng Tiến, Trưởng phòng Công tác đảng và Công tác chính trị Công an TP Cần Thơ cho biết, đến thời điểm hiện tại mô hình “Tình thương cho em” đã nhận bảo trợ, chăm sóc cho 49 trẻ em mồ côi do COVID-19 và 2 trẻ em mồ côi do nguyên nhân khác trên địa bàn.
Để phát huy tính nhân văn cao cả, sức lan tỏa của mô hình “Tình thương cho em” và chương trình “Mẹ đỡ đầu”, Ban Giám đốc Công an TP Cần Thơ đã chỉ đạo Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ tổ chức sơ kết triển khai thực hiện 2 hoạt động trên, xác định các nội dung trọng tâm để hoạt động này đi vào chiều sâu như là hỗ trợ sinh kế, giới thiệu việc làm cho các em và người thân các em tạo điều kiện cho các gia đình có cuộc sống ổn định.