Hội Phụ nữ, Công đoàn Cục Truyền thông CAND tri ân, tặng quà các cựu chiến binh và nạn nhân chất độc da cam

Thứ Ba, 25/07/2023, 18:16

Ngày 25/7, Hội Phụ nữ, Công đoàn Cục Truyền thông CAND phối hợp với Công ty cổ phần Tập đoàn Vitech đã trao 25 suất quà và xe lăn trị giá 50 triệu đồng cho các cựu chiến binh và nạn nhân chất độc da cam ở huyện Ứng Hoà, Hà Nội

Đây là hoạt động tri ân nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh liệt sĩ của Hội Phụ nữ Cục Truyền thông CAND nhằm đẩy mạnh phong trào "đền ơn, đáp nghĩa", "uống nước nhớ nguồn", thể hiện lòng biết ơn những đóng góp xương máu của thế hệ đi trước, góp phần động viên, chăm lo đời sống gia đình người có công với cách mạng.

Tới thăm gia đình Đại tá Nguyễn Văn Hiên, nguyên Trưởng Công an huyện Ứng Hoà (Hà Nội), chúng tôi không khỏi chạnh lòng khi cả hai con trai của ông đều nhiễm chất độc da cam.

Theo lời kể của Đại tá Hiên, năm 1972, khi vừa kết hôn với cô gái cùng làng, ông lên đường nhập ngũ. Tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam Bộ đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, người lính ấy đã nhiễm chất độc da cam của quân Mỹ rải trên những cánh rừng nơi ông cùng đồng đội hành quân.

Năm 1977, ông chuyển ngành sang Công an. Năm 1983, ông làm Phó trưởng Công an huyện Ứng Hoà. 10 năm sau, ông được đề bạt làm Trưởng Công an huyện khi mới 39 tuổi. Khi chia sẻ với chúng tôi về cuộc sống đời thường, ông buồn rầu cho biết, mình nhiễm chất độc da cam từ chiến trường nhưng không hay biết, mãi sau này, ông mới nhận được hung tin.

Hội Phụ nữ Cục Truyền thông CAND thăm, tặng quà các cựu chiến binh và nạn nhân chất độc da cam -0
Đại diện Hội Phụ nữ Cục Truyền thông CAND và Công ty cổ phần Tập đoàn Vitech thăm, tặng quà anh Nguyễn Chí Hiếu.

Năm 1979, vợ chồng ông vui mừng đón con trai đầu lòng và đặt tên là Nguyễn Chí Hiếu. Hiếu sinh ra bình thường, nhưng càng lớn chân tay càng đau nhức và dần lan ra toàn thân. Em trai Hiếu kém anh 2 tuổi, sinh ra cũng hoàn toàn bình thường. Được 7 tuổi, người em có biểu hiện đau lưng, đau cơ, đi “bước thấp bước cao”. Ông Hiên đưa con đến Bệnh viện Quân y 103 khám. Làm một loạt xét nghiệm, bác sĩ nghi ngờ con ông nhiễm chất độc da cam từ ông. “Khi đó bác sĩ chỉ định tôi đi xét nghiệm và tôi bàng hoàng biết mình nhiễm chất độc da cam và di truyền sang các con”, ông Hiên kể.

Nỗi đau và bất hạnh ập đến với gia đình khi năm lớp 12, anh Hiếu bệnh nặng, chân tay teo tóp dần, các cơ khớp đau đớn triền miên. “Học xong lớp 12, con không đi lại được nữa và nằm liệt từ đó đến nay. 25 năm qua, tôi phục vụ con nằm liệt giường, cơ thể con teo tóp dần, đôi chân biến dạng quặt ra hai bên, luôn đau đớn trong xương, thương con lắm nhưng không biết làm cách nào được",  bà Nguyễn Thị Xạ - vợ Đại tá Nguyễn Văn Hiên kể lại.

Di chứng của chất độc da cam đã di truyền sang đến thế hệ thứ ba là cháu nội của ông Hiên. “Cậu con trai thứ hai sau khi lấy vợ sinh được 3 người con, có một cháu trai bị bại não do di truyền chất độc da cam từ bố. Còn bố cháu thì lưng ngày càng gù xuống”, ông Hiên xót xa kể.

 Nhận món quà tri ân từ Đoàn công tác, ông Hiên cho biết, rất xúc động khi tới dịp 27/7 hàng năm đều nhận được sự quan tâm của đồng đội và các đoàn thể, xoa dịu nỗi đau và bất hạnh của gia đình ông. 

Cùng mang nỗi đau di chứng chất độc da cam là gia đình ông Phạm Văn Tiến, ở xã Đồng Tân, huyện Ứng Hoà. Ông có hai con trai năm nay 37 và 42 tuổi đều nhiễm chất độc da cam từ ông, bị ảnh hưởng thần kinh nên không có sức lao động. Vợ ông Tiến bị bại liệt nhiều năm nay, chỉ ngồi một chỗ; bản thân ông thường xuyên ốm đau, bệnh tật, cuộc sống của gia đình lâm vào bĩ cực.

“Hai con trai lấy vợ sinh con, các cháu đều bị di chứng chất độc da cam, đi học không biết gì, có cháu học 4 năm không lên nổi lớp. Trong nhà có cháu gái năm nay 16 tuổi bị u máu, cũng không biết gì, mẹ cháu thì đã mất do bị ung thư”, ông Tiến buồn bã kể lại.

Hội Phụ nữ Cục Truyền thông CAND thăm, tặng quà các cựu chiến binh và nạn nhân chất độc da cam -0
Đại diện Hội Phụ nữ, Công đoàn Cục Truyền thông CAND và nhà tài trợ tặng quà, xe lăn cho gia đình ông Phạm Văn Tiến. 

Theo bà Đoàn Thị Lý, Phó Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam huyện Ứng Hoà, gia đình ông Tiến đặc biệt khó khăn, đã hai lần được trợ cấp xây nhà tình nghĩa. Trước đây, vợ chồng ông Tiến làm thuê dán khảm trai kiếm được 20-30 nghìn đồng/ngày, nhưng nay không có việc làm, cuộc sống của cả gia đình không biết bấu víu vào đâu ngoài trông chờ vào tiền trợ cấp chất độc da cam và người tàn tật.

Cùng hoàn cảnh đặc biệt khó khăn còn có gia đình ông Nguyễn Văn Cầu, bị nhiễm chất độc da cam và di chứng sang con gái là Nguyễn Thị Hương (42 tuổi). Ông Cầu đã mất, để lại vợ và con gái bị động kinh, nguồn sống chỉ trông chờ vào tiền phụ cấp chất độc da cam.

Hội Phụ nữ Cục Truyền thông CAND thăm, tặng quà các cựu chiến binh và nạn nhân chất độc da cam -0
Đoàn công tác tặng quà, xe lăn cho các cựu chiến binh và nạn nhân chất độc da cam.

Chia sẻ với đoàn công tác, ông Nguyễn Đình Khiêm, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam huyện Ứng Hoà cho biết: Toàn huyện có 3.775 liệt sĩ, 315 Mẹ Việt Nam anh hùng, hiện 3 mẹ còn sống; 36 thương bệnh binh và nạn nhân nhiễm chất độc da cam. Cả huyện có xấp xỉ 1.300 người bị ảnh hưởng chất độc da cam, hiện có 851 người còn sống.

“Những gia đình được nhận quà hôm nay đến từ 5 xã, một số người không đến được do đang nằm viện. Các hộ đều có hoàn cảnh khó khăn, nhiều gia đình thuộc diện hộ nghèo. Chúng tôi rất xúc động và cảm ơn Đoàn công tác của Hội Phụ nữ và Công đoàn Cục Truyền thông CAND, cùng Công ty Vitech đã thăm hỏi, tặng quà, tri ân, động viên các gia đình vượt qua khó khăn để vươn lên trong cuộc sống”.

Hội Phụ nữ Cục Truyền thông CAND thăm, tặng quà các cựu chiến binh và nạn nhân chất độc da cam -0
Đoàn công tác và đại diện UBND huyện Ứng Hoà trao quà cho các cựu chiến binh và nạn nhân chất độc da cam.

Theo ông Lê Đức Nam, Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Vitech, đây là lần đầu tiên công ty phối hợp với Hội Phụ nữ Cục Truyền thông CAND trong hoạt động xã hội từ thiện. Chương trình tặng quà, thăm hỏi các gia đình là nạn nhân chất độc da cam và cựu chiến binh đặc biệt có ý nghĩa, nhằm tri ân và gửi lời biết ơn của thế hệ trẻ đến những hy sinh, đóng góp xương máu của thế hệ cha ông cho hòa bình, độc lập của Tổ quốc. Thời gian tới, Công ty mong muốn tiếp tục được đồng hành với Hội Phụ nữ Cục Truyền thông CAND trong các chương trình thiện nguyện mang đầy ý nghĩa nhân văn.

Trần Hằng
.
.
.