Ấm lòng bữa cơm của đồng bào vùng xa cho lực lượng chống dịch

Thứ Bảy, 11/09/2021, 08:47

Nhiều tháng qua, bà con ở vùng giáp ranh ba tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk và Đắk Nông không chỉ lo công tác “hậu cần” cho các chốt chống dịch mà còn trở thành “tai mắt”, hỗ trợ lực lượng chức năng hoàn thành nhiệm vụ nơi núi rừng hun hút.

Cơn mưa rào buổi sáng do ảnh hưởng của bão Côn Sơn bất chợt ập tới, chị Nơm HDon, buôn Pang Pê Dơng, xã Đạ Rsal, huyện Đam Rông (Lâm Đồng), nơi tiếp giáp với huyện Đắk Glong (Đắk Nông), huyện Lắk và Krông Bông (Đắk Lắk) khoác vội bộ áo mưa đã lỗ chỗ miếng vá đi chợ mua thịt, cá. Các loại rau, củ, quả thì lúc nào cũng sẵn có trong nhà bếp, đó là tấm lòng của bà con đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng chung tay quyên góp. Những chị em ở nhà chia nhau nhặt rau, vo gạo thổi cơm, mỗi người một việc, gần trưa khi mưa vừa ngớt thì bữa ăn của 40 người thuộc hai chốt chống dịch phía địa phận tỉnh Lâm Đồng đã lên bàn tươm tất.

covid 2.jpg -0
Người dân thay nhau tới nấu ăn hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Bà Siu HBing, Phó Chủ tịch UBND xã Đạ Ral, huyện Đam Rông cho biết, hơn 3 tháng qua, hằng ngày thấy rõ những vất vả của lực lượng Công an, Quân đội, y tế, thanh niên tình nguyện... bà con vùng rừng núi giáp ranh giữa 3 tỉnh (Lâm Đồng, Đắk Lắk và Đắk Nông) ai có gì thì hỗ trợ thứ đó, tùy vào điều kiện của mỗi gia đình. Chẳng ai bảo ai, ban đầu là những người đi rừng về, kiếm được gùi măng, bó rau, khi ngang qua chốt gọi hỏi hất vào: Cán bộ có ăn măng, rau rừng không, ra đây mà lấy!..

Xưa nay, bà con đồng bào vùng sâu, vùng xa nơi này vẫn thế, chẳng mấy gia đình khá giả, thậm chí nhiều nhà quanh năm thiếu thốn, vẫn còn dựa vào sự hỗ trợ của Nhà nước nhưng nếu giúp được gì cho ai thì không bao giờ có sự tính toán thiệt hơn. Nghĩa cử cao đẹp của bà con nhanh chóng được lan tỏa cùng với sự tiên phong của chính quyền địa phương. Rồi sau đó, người giỏ măng, người bó rau rừng, nải chuối, thùng nước, hộp sữa... cùng chung tay hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Thấy cán bộ, chiến sĩ Công an và lực lượng chức năng không quản ngại mưa nắng, ngày đêm nỗ lực làm việc, kiểm soát người và phương tiện ra, vào tỉnh rất vất vả, đến bữa lại phải chia nhau đi chợ, nấu ăn, UBND xã Đạ Rsal, huyện Đam Rông kêu gọi các tổ chức, đoàn thể thay nhau tới nấu ăn cho lực lượng tuyến đầu. Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, tập thể giáo viên, rồi bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở các buôn gần, bản xa cũng xung phong tới chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19 trên quốc lộ (QL) 27 nấu ăn phục vụ lực lượng chống dịch.

Bà Krong KPhiên, Chi hội Phụ nữ buôn Phi Jut, xã Đạ Rsal, huyện Đam Rông là một trong những người nhiều tháng qua đã đồng hành cùng bếp ăn của chốt chống dịch ở cửa ngõ phía Tây Bắc của tỉnh Lâm Đồng. Bà cho biết: “Bà con không đóng góp được gì nhiều vì phần lớn còn khó khăn. Gia đình nào có giỏ măng, bó rau hái được trên rừng thì gùi tới bổ sung thêm bữa ăn cho chốt chống dịch. Chị em chúng mình xem công việc nấu ăn là nhiệm vụ, cùng chung tay chống dịch là bảo vệ cuộc sống an lành cho chính bà con buôn mình!...”.

Đại úy Nguyễn Đức Hoàng, chốt trưởng chốt kiểm soát dịch bệnh đóng tại vùng giáp ranh giữa 3 tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk và Đắk Nông cùng 9 cán bộ Công an huyện Đam Rông và Công an xã Đạ Rsal hơn 3 tháng qua chưa được về nhà. Vì yêu cầu đặc thù của công việc chống dịch nơi cửa ngõ phía Tây Bắc của tỉnh Lâm Đồng, tất cả cán bộ, chiến sĩ và lực lượng liên quan phải thực hiện nhiệm vụ, ăn ngủ tại chỗ. Tấm lòng của bà con đồng bào dân tộc thiểu số đối với lực lượng tuyến đầu nơi đây khiến ai cũng cảm động. Đó thực sự là tình nghĩa quân dân nơi thượng nguồn sông Krông Nô hùng vĩ của Tây Nguyên.

Đại úy Nguyễn Đức Hoàng cho biết, nếu không có sự giúp đỡ, hợp tác có trách nhiệm của bà con, nhiệm vụ chống dịch của toàn chốt sẽ càng khó khăn bội phần. Nhiều tháng qua, bà con không chỉ lo công tác “hậu cần” cho toàn chốt mà còn trở thành “tai mắt”, hỗ trợ lực lượng chống dịch bằng những tin báo về người xâm nhập trái phép vào địa phận tỉnh Lâm Đồng từ các đường mòn xuyên rừng hoặc bơi qua sông Krông Nô.

Trước khi vào ca trực, Đại úy Nguyễn Đức Hoàng còn chia sẻ vội với PV Báo CAND về trường hợp của Trung úy Nguyễn Văn Bắc, cán bộ Đội Xây dựng phong trào và Bảo vệ an ninh Tổ quốc Công an huyện Đam Rông, đây là trường hợp đặc biệt nhất của chốt. Hoàn thành chiến dịch làm căn cước công dân đúng vào thời điểm dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn Lâm Đồng bước sang giai đoạn căng thẳng, Trung úy Bắc lại lên đường thực thi nhiệm vụ ở nơi núi rừng. Sau mỗi ca trực, công việc đầu tiên của anh là gọi điện ngay về nhà hỏi thăm tình trạng sức khỏe của con trai đầu lòng mới hơn 1 tuổi mắc bệnh tim bẩm sinh, thường xuyên phải nhập viện điều trị. Có thời điểm, con trai anh Bắc phải nhập viện kéo dài tới 20 ngày, nhìn con qua điện thoại ruột đau như cắt nhưng anh không thể về nhà thăm con, vì đó là quy định nghiêm ngặt trong phòng, chống dịch.

“Đó là sự hi sinh thầm lặng nhưng rất to lớn của một người cha. Anh em trong chốt biết đồng chí Bắc rất khổ tâm, phần vì nhiệm vụ chống dịch, phần lo cho con thơ ở nhà bệnh tật hiểm nghèo. Chúng tôi vẫn thường động viên đồng chí cố gắng vững tâm, vì đồng đội, các tổ chức, đoàn thể và bà con chòm xóm luôn bên cạnh trong những lúc đồng chí gặp khó khăn nhất!...”, Đại úy Nguyễn Đức Hoàng chia sẻ.

Ở nơi núi rừng hun hút này, có một “cây văn nghệ” luôn biết xuất hiện đúng thời điểm để làm vơi đi sự mệt mỏi, vất vả của lực lượng chống dịch. Đó chính là Siu HBing, Phó Chủ tịch UBND xã Đạ Rsal, người quê Gia Lai nhưng lấy chồng ở Lâm Đồng. Ở tuổi 32, Siu HBing đã từng kinh qua chức vụ Bí thư Đoàn Thanh niên, Chủ tịch Hội Phụ nữ và bây giờ là Phó Chủ tịch UBND xã Đạ Rsal. Siu HBing luôn biết cách tạo ra tiếng cười cho mọi người để xua tan mệt mỏi và giữ vững niềm tin chiến thắng đại dịch nơi thượng nguồn sông Krông Nô cuồn cuộn.

Khắc Lịch
.
.
.