Trao quà Tết tặng những mảnh đời khuyết tật
Sáng 7/2, chiếc xe của Đoàn công tác XHTT của Báo CAND vừa dừng tại sân trụ sở Trung tâm, nhiều trẻ em tàn tật đã vây xung quanh chào đón và giúp chúng tôi chuyển hàng vào hội trường. Dường như hình ảnh của sắc phục Công an giữa không gian này đã tạo sự hào hứng cho các em bé thiệt thòi khi chúng hỏi: “Chú là Thượng tá, chú là Trung tá… phải không?”. Những khuôn mặt và điệu cười ngồ ngộ đã khiến các thành viên trong đoàn xúc động.
Thượng tá Phạm Khải, Phó Tổng biên tập Báo CAND thay mặt đoàn công tác trao quà tặng Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội. |
Trung tâm này có tới 170 người già, người tàn tật; 160 trẻ tàn tật; 30 trẻ sơ sinh. Mỗi người là một mảnh đời thiệt thòi và đáng thương. Trẻ em ở đây đều là trẻ bị bỏ rơi và hầu hết là bị tàn tật, bại não... Bởi thế, nơi nuôi dưỡng những số phận thiệt thòi ấy chính là một điểm đến trong chương trình Tết vì người nghèo 2015 của Báo CAND và các nhà tài trợ.
Hai cô bé tàn tật đón khách bằng tiết mục văn nghệ cảm động. Trong khi Nguyễn Thị Thúy dồn cảm xúc cho bài hát “Mái ấm tình thương” thì cô bạn Nguyễn Thị Giang đệm đàn organ bằng hai bàn tay không lành lặn. Rời đàn, Giang đứng giữa sân khấu với đôi chân teo tóp, đôi mắt tật nguyền và cất tiếng hát. Chúng tôi và cả những vị khách là các nhà hảo tâm đã lặng người trước tinh thần vượt lên số phận để tìm niềm vui của các cô gái này.
Trực tiếp tới từng khu nhà nuôi dưỡng trẻ tàn tật chúng tôi mới cảm nhận sự nghiệt ngã của số phận dành cho những đứa trẻ đáng thương, cảm nhận được sự vất vả, chuyên cần của những hộ lý, người chăm sóc các cháu hàng ngày. Trung tâm có nhiều khu nhà, mỗi khu dành chăm sóc, nuôi dưỡng từng nhóm đối tượng khác nhau. Khu riêng cho trẻ bại não, khu cho trẻ sơ sinh, khu cho người tàn tật… Có một điểm chung là khu nào cũng có những chiếc giường cũi với những đứa trẻ nằm đắp chăn, đứa say sưa ngủ, đứa nhìn trân trân lên trần nhà, không chút biểu cảm. Cuộc sống sinh hoạt của những cháu bé ấy hoàn toàn trên chiếc giường cũi và phụ thuộc vào các cô hộ lý.
Trong khu nhà số 1, một cậu bé nằm riêng trong một chiếc cũi tay vỗ bồm bộp vào trán, chân đạp mạnh vào cũi liên hồi. Chị hộ lý Đỗ Thị Hương cho biết, cậu bé có tên Nguyễn Sầm Sơn đã 14 tuổi mà vẫn như một đứa trẻ sơ sinh vậy. Giường bên, bé Tuấn Anh bị xương thủy tinh 9 tuổi, bé Mai Hoa 2 tuổi đều vào trung tâm trong hoàn cảnh giống các bạn của mình: bị bỏ rơi. Các bé dù lớn hay nhỏ đều không nói được, chỉ biết hào hứng nhận bánh kẹo, sữa từ tay các thành viên trong đoàn rồi đưa lên miệng. Nhiều bé nằm im trong cũi chẳng có đến phản xạ ăn thông thường thì cũng được dành riêng quà là sữa, bỉm. Ở trung tâm này có đến 80 trẻ bị bại não, 30 trẻ sơ sinh.
Ở khu dành riêng cho người già, chúng tôi bắt gặp hình ảnh hai người tàn tật cầm hai bát tô hồn nhiên ăn, chẳng quan tâm đến những vị khách lạ. Từ gian phòng nhỏ bước ra, bác Tước 73 tuổi có mái tóc bạc trắng đã chia sẻ cuộc sống của người già ở đây. Chiếc bánh chưng tỏa mùi thơm của lá dong là món quà đặc biệt ý nghĩa, mang đậm hương vị Tết cổ truyền mà bác nhận được từ tay đoàn công tác trong những ngày giáp Tết này.
Ông Đỗ Đức Hồng, Giám đốc Trung tâm cho biết, mỗi đối tượng là người lớn được nhà nước chu cấp hơn 700.000 đồng/tháng, trẻ tàn tật là hơn 800.000 đồng/tháng, trung tâm tự tăng gia sản xuất đảm bảo 90% rau xanh, thực phẩm. Nhưng số các cháu bại liệt nhiều, việc chăm sóc khó khăn. Bởi vậy, với các món quà của Báo và Tổng Công ty Vận tải Hà Nội như: bánh chưng, sữa, mì tôm, bánh kẹo, bỉm là rất thiết thực đối với các đối tượng của trung tâm.
Chứng kiến cuộc sống của các thành viên trong trung tâm và tiếp xúc với các cá nhân tự tìm đến làm việc thiện, Thượng tá Phạm Khải, Phó Tổng biên tập Báo CAND nói: “Báo CAND luôn đặt công việc làm từ thiện bên cạnh công tác chuyên môn. Cả hai công việc đều là bắc những nhịp cầu gắn kết lực lượng CAND với người dân, đặc biệt là với những phận người chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội. Mọi sự đóng góp cho người già và trẻ tàn tật ở đây bao nhiêu cũng không đủ, nhưng chúng tôi thấy rất vui vì gặp nhiều đoàn công tác khác, nhiều cá nhân đã tìm đến cùng chia sẻ vất vả với cán bộ nhân viên của trung tâm, chia sẻ sự thiệt thòi của các số phận đang được nuôi dưỡng, chăm sóc ở đây. Mong trung tâm tiếp tục là địa chỉ tin cậy để các số phận thiệt thòi trong xã hội có nơi nương tựa”.
Rời trung tâm, người phụ nữ luống tuổi với miệng cười vô tư tìm đến từng thành viên trong đoàn bắt tay thật chặt. Dù không nói được thành lời, nhưng chúng tôi hiểu, cái bắt tay thay cho lời cảm ơn và mong rằng những hoàn cảnh thiệt thòi tiếp tục được sự chung tay góp sức của cộng đồng, được đón chào một năm mới bình an.