Chương trình Quà Tết cho người nghèo của Báo CAND - Chuyên đề ANTG và VNCA đến với đồng bào Khmer nghèo Tây Nam Bộ:

Thêm sắc xuân chan chứa nghĩa tình tận phum sóc nghèo

Thứ Ba, 06/02/2007, 08:03
Tiếp theo những chuyến quà Tết đầy nghĩa tình đến với miền quê nghèo Tây Bắc, Tây Nguyên, miền Trung và đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 9, trong hai ngày 31/1 và 1/2, Báo CAND - Chuyên đề ANTG và VNCA đã chuyển gần 1.000 phần quà cho đồng bào Khmer nghèo tại các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng và Bạc Liêu.

Mỗi suất quà gồm 3 hộp bánh ngọt, 3 chai nước chấm, đường, quần áo… trị giá chỉ hơn 100.000 đồng - chẳng thấm vào đâu so với sự nghèo khó nhưng cầm quà trong tay, bà con đã xúc động, vui sướng đến phát khóc…

Nhận phần quà từ tay Thiếu tá Phạm Văn Chiến - Phó Trưởng cơ quan đại diện phía Nam Báo CAND - Chuyên đề ANTG và Thượng tọa Thích Quảng Niệm - trụ trì chùa Bảo Tạng (TP Hồ Chí Minh), tôi thấy mắt bà Danh Phil đỏ hoe. Bà khóc vì "Tết này được Đảng, Nhà nước và anh em Công an thương quá!".

Bà cụ 79 tuổi này kể cho tôi nghe về hoàn cảnh hết sức thương tâm. Vợ chồng bà chẳng có được mụn con nào nên xin được đứa con về nuôi. Được 7 tuổi, nó cũng bệnh rồi chết. Chồng bà mất cách đây vừa tròn tháng. Trước đó, hai người anh trai và đứa em gái cũng đã bỏ bà về với cõi âm. Vậy là chỉ còn có mình bà. Không cục đất chọi chim.

Hàng ngày, bà phải vất vả bằng nghề bán xôi. Mấy ngày qua, tiết trời phương Nam trở lạnh nhưng để kiếm được vài ba ngàn đồng đổi gạo, bà Phil vẫn phải gắng thức dậy lúc 4h sáng để thổi xôi, rồi bưng ra khu vực chân cầu Rạch Rắn bán.

Có hôm, người ta thấy bà bị lạnh, ngồi co ro ven đường, lặng lẽ khóc bên xàng xôi còn nguyên. Tôi chưa có dịp tiếp xúc và nghe hết hoàn cảnh của người dân nghèo tại xã Long Điền, huyện Đông Hải (Bạc Liêu) này nhưng có lẽ, bà Phil là người nằm trong tốp hộ gia đình nghèo khó nhất nhì của địa phương.

Lúc ngồi sau xe Phó Chủ tịch UBND xã Phạm Minh Kha di chuyển từ UBND xã ra điểm trao quà, anh kể: Long Điền hiện có hơn 25.000 dân. Tỉ lệ hộ nghèo của xã dù đã được kéo giảm nhưng hiện còn đến 29%, riêng ấp Rạch Rắn (ấp mà cụ Phil lưu trú - PV) còn tới 46%.

Long Điền hiện là xã có người Khmer đông đúc nhất huyện, trên 250 hộ không đất sản xuất. Dẫu còn khó khăn muôn phần nhưng mấy năm qua, nhờ sự hỗ trợ kinh phí cấp trên, của các nhà hảo tâm, chính quyền địa phương anh hùng này cũng đã xây cất cho bà con nghèo, đối tượng chính sách được gần 500 căn nhà tình thương, tình nghĩa.

Chia tay với người dân nghèo Long Điền, chúng tôi sang Giá Rai và Hộ Phòng, tỉnh Bạc Liêu. Thượng tá Bùi Thanh Hòa - Trưởng phòng PX 15 Công an Bạc Liêu nói: "Tiếng là thị trấn (của huyện Giá Rai), nằm cặp theo QL1A nhưng cái nghèo vẫn còn là nỗi bận tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương nơi đây".

Anh Nguyễn Hải Đăng - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Giá Rai cho biết, thị trấn này có đến 30% dân là đồng bào Khmer và tỉ lệ hộ nghèo dù năm 2006 vừa qua kéo giảm gần 4% nhưng hiện vẫn còn đến 14,5%.

Nghèo túng, không đất sản xuất, bà con lại đi tứ tán làm mướn. Anh Võ Hoàng Hải, 38 tuổi, nhà ở ấp 5, thị trấn Giá Rai kể, cả nhà anh đã đi làm mướn đến ba đời. Ai mướn gì làm nấy. Mấy ngày trước khi đến đây nhận quà Tết của Báo CAND - Chuyên đề ANTG, anh vừa kết thúc đợt cắt lúa mướn cả tháng trời bên huyện Phước Long.

Cả tháng phơi sương, đội nắng, nhịn chi tiêu, anh cho biết còn được 800 ngàn đồng. Hết vụ lúa rồi, anh quay sang làm công việc phụ hồ hoặc đi câu tìm từng con cá, cho vợ con mang ra chợ bán.

Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hộ Phòng - anh Trương Thành kể tôi nghe thêm: Thanh niên trai tráng thì còn đi làm thuê xa; còn mấy người lớn tuổi thì bám víu vào nghề đơn giản hoặc bán vé số. Bà Trần Thị Mau, 79 tuổi ở thị trấn Hộ Phòng cho biết, bà đang sống bằng nghề cắt rau muống.

Từng tuổi đó nhưng bà phải còng lưng lao động để nuôi con trai của bà năm nay 55 tuổi bị bệnh tâm thần. Còn con trai lớn của bà sau khi li dị vợ cũng đi làm thuê xa xứ, kiếm sống, để lại cho bà đứa cháu nội. Bà cho biết: "Năm nay nó 16 tuổi rồi. Thấy tui khổ cực quá, mấy bữa nay nó xin đi theo mấy người cùng xóm, tập tành nghề móc đất mướn".

Chứng kiến những hoàn cảnh thương tâm như thế nên đoàn chúng tôi quên cả cơn đói và cái nắng gay gắt của mùa khô. Thượng tọa Thích Quảng Niệm và thầy Thích Tâm Quang cứ hướng mắt tôi vào những căn nhà lá đơn sơ ven QL1A, nói buồn: "Tội nghiệp quá!".

Lại thấy Trung tá Bùi Thanh Giang - Phó phòng PX 15 Công an Sóc Trăng chẳng ngại quãng đường 30 - 40 cây số, đi xe gắn máy để kịp giờ hẹn tặng quà cho bà con vùng căn cứ Anh hùng Mỹ Phước, cả hai đều tâm đắc nói: "Quý quá! Vùng quê nghèo của mình rất cần những tấm lòng, những người Công an thương và lo cho dân như thế!".

Tại trụ sở UBND xã Mỹ Phước, khi chúng tôi đến nơi thì hàng trăm phần quà đã được mang xuống trước. Kèm theo phần quà là tờ lịch và thư chúc xuân của Giám đốc Công an tỉnh. Anh Thắng - Trưởng phòng Tổ chức, anh Chánh - Phó Công an huyện Mỹ Tú cùng hàng chục cán bộ, chiến sĩ Công an Sóc Trăng cũng đã có mặt, trực tiếp cùng đoàn trao quà và chúc xuân bà con.

Trước đó một ngày, tại xã Ngũ Lạc - xã nghèo khó nhất nhì của tỉnh Trà Vinh, có 63% dân là người Khmer, từng được Công an tỉnh nhận đỡ đầu, giúp đỡ trong nhiều năm nay, cũng nhận 300 phần quà xuân và tình cảm ấm áp của nhà hảo tâm, của Báo CAND - Chuyên đề ANTG.

Cùng đoàn trao xong quà cho bà con, Thượng tá Nguyễn Văn Phái - Phó Giám đốc Công an tỉnh không quên nhắc lại bao nhiêu chuyện đầy nghĩa tình của Báo CAND - Chuyên đề ANTG đối với địa phương xa xôi, đặc biệt nghèo khó này. Chủ tịch UBND xã Lê Thanh Việt thì khoe: "Tỉ lệ hộ nghèo hiện chỉ còn 36%, giảm 12% so với năm 2005. 16/27 hộ nghèo được Công an tỉnh hỗ trợ tiền mua bò hiện đã thoát nghèo".

Với những phần quà đầy ắp nghĩa tình, anh cho biết: "Khi nghe Báo CAND - Chuyên đề ANTG, các nhà hảo tâm và lực lượng Công an tỉnh về thăm, tặng quà, bà con phấn khởi lắm". Ông Ngô Văn Khải, 71 tuổi, ở ấp Sóc Ớt ôm phần quà vào lòng, xúc động nói: "Tết năm nay, phum sóc của tụi tui vui thêm! Tui biết ơn Đảng, Nhà nước và mấy anh Công an nhiều lắm"

Thái Bình - Nam Giao
.
.
.