Thầy giáo trẻ dạy nghề giúp SV nghèo
Tốt nghiệp trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội với tấm bằng ưu, chàng cử nhân Nguyễn Tuấn Anh rời quê Ninh Bình tìm vào TP HCM làm cho một số công ty quảng cáo, nhưng sau đó anh lại chọn Huế để lập nghiệp.
Những năm thầy giáo đứng trên giảng đường thầy lại đăng ký vào các tổ chức xã hội để làm công tác từ thiện giúp những người khó khăn hơn mình. Từ năm 2000 đến 2008, thầy luôn là người dẫn các em sinh viên tình nguyện đi lên các xã miền núi để giúp bà con. Năm 2008, thầy dẫn sinh viên khoa Xã hội học của trường lên bản Panang - huyện Đakrông- Quảng Trị để dựng nhà và tuyên truyền cho đồng bào.
"Từ lúc bé mình đã cho mình cái suy nghĩ là muốn giúp được người khó khăn hơn mình nếu mình có thể. Nên khi đi làm mình may mắn hơn những người khác thì muốn cống hiến một chút công sức nhỏ bé nào đó có ích cho đời" thầy Tuấn Anh chia sẻ.
Học sinh tìm đến thầy đủ các hoàn cảnh, người thì nhà nghèo không có tiền ăn học, người thì tật nguyền, người thì vì ham mê bóng đá… nhưng đều được thầy đón nhận và dang tay giúp đỡ. Thầy cho biết đến nay thầy đã giúp đỡ được 17 sinh viên, các em đều đã ý thức được giá trị của cuộc sống và đều đã ra đời thành công trong công việc.
Ngoài giờ lên lớp, thầy còn tranh thủ giảng dạy thêm cho các em sinh viên cần phụ đạo không lấy tiền. Thầy cho biết: "Nhiều người cho mình dạy là để kiếm thêm tiền, thu tiền của sinh viên, nhưng mà cái đó các em sinh viên hiểu lòng mình là được. Các em muốn mình phụ đạo thêm kiến thức thì mình sẵn sàng giúp thôi".
Sinh viên đang học cách làm đồ mỹ nghệ từ những gốc tre để kiếm thêm thu nhập. |
Lương giảng viên đại học cũng đủ chi tiêu hàng ngày, có khi còn thiếu. Thầy Tuấn Anh đã phải bán chiếc xe máy là phương tiện duy nhất để lên lớp cho sinh viên, đến trường bằng xe đạp. Rồi với nghề chạm khắc học được từ bé, thầy đã áp dụng nó vào các gốc tre để chạm trổ thành những ông phúc-lộc-thọ… để trưng bày và bán cho khách du lịch. Thầy đã truyền và dạy lại cho các em học sinh để sản xuất ra nhiều hàng bán hơn. Trong cơ sở của thầy mở ra đã có được 6 em thành thạo công việc chạm trổ mỹ thuật này.
Gần đây, thầy đã mở thêm "Phòng trưng bày mỹ thuật Tuấn Nguyễn", với các sản phẩm được làm từ gỗ, tre, đá nghệ thuật ở tại Trung tâm trưng bày mỹ thuật phường Đúc. Mình muốn giới thiệu đến với bạn bè trên khắp thế giới về hình ảnh tre xanh Việt
Khi được hỏi về dự định, thầy chia sẻ: "Mình đang cần thêm vốn để mở rộng lớp học nghề và nhận thêm nhiều em sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vào làm việc. Nếu sau này cơ sở đi vào hoạt động ổn định mình sẽ liên hệ với các trung tâm khuyết tật để nhận đào tạo nghề cho các em khuyết tật ở đây!". Đối với thầy giáo tất cả đến với thầy đều được đón nhận và giúp đỡ theo tâm của mình, luôn là nơi tin yêu cho các sinh viên nghèo, sinh viên mồ côi, sinh viên cá biệt…