Quà Tết tặng đồng bào nghèo nơi địa đầu Tổ quốc

Thứ Sáu, 25/01/2019, 08:40
Lâu lắm rồi người dân tộc Pà Thẻn ở xã Tân Bắc, huyện Quang Bình (Hà Giang) mới vui như hôm nay. Họ đi bộ từ bản ra UBND xã để nhận quà Tết do Báo CAND, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển BIDV và Công an tỉnh Hà Giang trao tặng. 


Pà Thẻn là dân tộc ít người sinh sống ở nước ta và Tân Bắc, huyện Quang Bình lại có đông người Pà Thẻn sống nhất cả nước.

Chiếm 42% dân số của xã, người Pà Thẻn có tập quán du canh, du cư nhưng không chọn các vùng núi cao tít tắp như người Mông để sinh sống. Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn được công nhận là Di sản phi vật thể quốc gia. Vào 16 tháng 10 âm lịch hằng năm là ngày lễ hội diễn ra, đây được coi là cái Tết của người Pà Thẻn, đón đông đảo du khách về thăm quan, vui chơi.

Theo ông Nguyễn Văn Hưng, Bí thư Đảng ủy xã Tân Bắc thì do chịu thương chịu khó, nhiều năm qua đồng bào Pà Thẻn đã tăng gia sản xuất, kết hợp trồng lúa nước, trồng cây keo và chăn nuôi nên đời sống đã đổi thay hơn trước.

Đại diện Báo CAND, Ngân hàng BIDV và Công an huyện Quang Bình (Hà Giang) trao quà cho người nghèo xã Tân Bắc.

Tân Bắc là xã đặc biệt khó khăn, năm 2018 xã có 248 hộ nghèo thì năm 2019 đã giảm xuống còn 180 hộ. Xã có 7 thôn thì có tới 5 thôn có dân tộc Pà Thẻn sinh sống. Năm 2019 Tân Bắc nằm trong kế hoạch của huyện Quang Bình là xã về đích nông thôn mới nên sẽ phấn đấu giảm hộ nghèo xuống dưới 12%.

Bà Phù Thị Tả, dân tộc Pà Thẻn, ở thôn Nà Ô với giọng nói tiếng Kinh chưa sõi cho biết, năm nay bà 72 tuổi nhưng vẫn giúp con lên rừng hái măng, hái rau rừng, trồng lúa nước. Sức khỏe dẻo dai nhờ vào việc mỗi ngày bà đi bộ gần 10km đường rừng.

Đây là lần đầu tiên bà được nhận quà Tết nên rất vui. Trong những người đến nhận quà Tết, tôi đặc biệt chú ý tới người phụ nữ địu con nhỏ sau lưng bởi nước da và nét mặt đặc trưng của con gái Tây Nguyên. Hơ Neo Hơ Long là người dân tộc Ê Đê, năm nay 28 tuổi, lấy chồng ở xã Tân Bắc nên đã từ Đắk Lắk chuyển về đây. Họ gặp nhau khi cả hai đều làm công nhân ở miền Nam, sau khi cưới, Hơ Long theo chồng về quê sinh sống.

Kể với tôi về hoàn cảnh của mình, Hơ Long đã rơm rớm nước mắt. Do hoàn cảnh quá nghèo, lấy nhau đã gần 10 năm nhưng vợ chồng họ vẫn chưa có nhà. Mẹ chồng và anh chị em chồng đều nghèo, cho họ một mảnh đất nhưng không có tiền xây. Vợ chồng họ dựng tạm tranh tre, tấm liếp lên ở. Để kiếm kế sinh nhai, chồng Hơ Long đi làm công nhân ở Bắc Ninh, còn cô ở nhà làm ruộng và trông con.

“Cuộc sống của em vất vả quá, lâu lắm rồi em không về thăm nhà vì không có tiền” – vừa nói cô vừa xốc đứa con đang cọ quậy sau lưng. Cô sửa sang bộ quần áo sờn bạc của hai mẹ con trước khi lên nhận quà, trong đôi mắt sâu thẳm chất chứa nhiều ưu tư trĩu nặng.

Ở Tân Bắc có rất nhiều hoàn cảnh đáng thương như Hơ Long. Cả xã có 40 hộ nằm ở hai thôn Nặm Khẳm và Nặm O chưa có điện lưới quốc gia. Cuộc sống của họ còn chịu nhiều cực nhọc, vất vả vì tất cả chỉ dựa vào sức người.

Theo ông Nguyễn Văn Hưng thì Điện lực Hà Giang đã kiểm tra, khảo sát và đưa vào chương trình nông thôn mới năm 2019. Chị Hoàng Thị Túy, Trưởng thôn Lủ Thượng chia sẻ, chỉ khi có điện thì cuộc sống của người dân mới mong đổi thay. Thôn Lủ Thượng năm 2018 còn 42 hộ nghèo, năm 2019 phấn đấu giảm xuống còn 19 hộ. Một số bản của thôn mới vừa có điện lưới quốc gia, nếu không có điện thì dân không thể nào bước khỏi bóng tối của khó khăn.

Mặc dù trời rét, sương mù bao quanh các dãy núi, nhưng người dân xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên đã đi bộ từ sớm để đến UBND xã. Đoàn công tác đã trao quà cho 100 hộ nghèo, đình chính sách ở đây. Ông Vi Quốc Trung, Chủ tịch UBND xã Thuận Hòa cho biết, cả xã có 15 thôn với 1.894 hộ. Mỗi năm Thuận Hòa phấn đấu giảm từ 4-5% hộ nghèo.

Năm 2019 xã còn trên 700 hộ nghèo, chiếm 41,2% dân số xã. Địa hình là núi cao, bà con sinh sống du canh, du cư là chủ yếu, đặc biệt người Mông thường chọn đỉnh núi cao để định cư nên để vận động, tuyên truyền cho bà con về chính sách pháp luật, về phát triển kinh tế gia đình theo mô hình vườn – chuồng rất khó khăn. Nhưng do sự tích cực của cán bộ khuyến nông nên 2 năm qua người dân xã Thuận Hòa đã tích cực trồng lúa nước, trồng cây keo, kinh tế gia đình phát triển.

Đi 5km đến nhận quà Tết, anh Vàng Seo Phềnh, thôn Lũng Pù rất vui vì đây là lần đầu tiên anh được nhận quà Tết. Gia đình anh Phềnh là hộ nghèo, lại chưa có điện lưới quốc gia, cuộc sống vô cùng cơ cực. Nhận số tiền từ Đoàn công tác, anh nói rằng sẽ mua cho các con quần áo mới và sách vở.

200 suất quà Tết trị giá 100 triệu đồng đã được Báo CAND, Ngân hàng BIDV và Công an tỉnh Hà Giang trao cho 200 hộ nghèo, hộ gia đình chính sách ở 2 xã Tân Bắc (Quang Bình) và Thuận Hòa (Vị Xuyên) tỉnh Hà Giang là món quà Tết ấm áp, góp thêm niềm vui để người dân có một cái Tết trọn vẹn.

Trao 2 căn nhà cho gia đình chính sách ở Vĩnh Long

Ngày 23-1, Báo CAND phối hợp cùng với UBND huyện Long Hồ (Vĩnh Long), chính quyền địa phương và đại diện gia đình ông Võ Văn Chương (Trưởng Ban liên lạc Hội đồng hương huyện Long Hồ tại TP Hồ Chí Minh), ông Nguyễn Đức Thiện, Giám đốc Công ty Hoàn Thiện Phát trao 2 căn nhà chính sách tại ấp Hoà Thuận, xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ.

Bà Nguyễn Thị Bé Ba xúc động tại lễ trao nhà.

Đại diện Báo CAND, các Mạnh Thường Quân và ông Lê Phi Long, Chủ tịch UBND huyện Long Hồ đã trao quyết định, bàn giao 2 căn nhà cho ông Nguyễn Văn Lực và bà Nguyễn Thị Bé Ba. Hai căn nhà được trao tặng, mỗi căn trị giá 60 triệu đồng, do Báo CAND vận động doanh nghiệp, Mạnh Thường Quân hỗ trợ cho các gia đình chính sách khó khăn về nhà ở tại huyện Long Hồ.

Chia sẻ niềm vui với hai gia đình tại lễ trao nhà, ông Nguyễn Hoàng Nguyên, Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh động viên gia đình cố gắng vượt lên mọi khó khăn, cải thiện đời sống kinh tế. “Hai hộ được trao nhà có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn và cấp thiết về nhà ở trên địa bàn. Riêng hoàn cảnh của bà Ba rất khó khăn. Căn nhà trước đây bị xiêu vẹo, có nguy cơ bị sập. Trong khi đó, bà Ba sống một mình, đã lớn tuổi và bán vé số mưu sinh nên thu nhập chỉ đủ chi dùng qua ngày, không có điều kiện cất nhà mới. 

Chúng tôi xin cảm ơn Báo CAND cùng các Mạnh Thường Quân đã góp sức hỗ trợ cùng với chính quyền địa phương thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là chăm lo cho các hoàn cảnh khó khăn, gia đình neo đơn”, ông Nguyên nói.                                

Văn Vĩnh

Tr. Hằng – Ph.Sơn
.
.
.