Nữ “bệnh binh” nuôi mẹ anh hùng
Chăm sóc một người tai biến nằm liệt giường với người bình thường đã cực trăm bề. Với người bị mất nửa bàn chân thì kể sao cho hết nỗi cực nhọc. Nhưng 10 năm nay chị vẫn vậy. Mỗi đêm chỉ dành cho mình 3 tiếng chợp mắt, ban ngày luôn túc trực bên giường của mẹ. "Một bữa ăn cho mẹ phải mất cả giờ. Tắm cho mẹ cũng mất chừng đó thời gian. Mẹ còn "thua" cả một em bé mà!…". Chị nói về mẹ mình với tình cảm tràn đầy yêu thương. Chị là Nguyễn Thị Phượng, cô con gái duy nhất còn lại của Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Cai, ngụ tại ấp Liên Lộc, xã Xà Bang, huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Còn con thì còn mẹ
Chúng tôi tìm về ngôi nhà tình nghĩa do UBND xã xây cho 2 mẹ con chị Phượng vào một chiều mưa tháng 6. Trong ngôi nhà nhỏ chị Phượng đang cho mẹ Cai ăn trên giường. Một chiếc tivi cũ kỹ, bộ bàn ghế gỗ lâu lắm rồi. Một chiếc máy giặt để phục vụ chăm sóc cho mẹ được lau chùi sạch bóng. Cái đáng giá nhất trong ngôi nhà ấy có chăng là 5 tấm bằng Tổ quốc ghi công, những tấm Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, Kỷ niệm chương… treo kín trên 3 bức tường của phòng khách.
Cha chị là ông Phạm Văn Trứ cùng 3 anh trai, 1 chị gái của chị Phượng đều là liệt sỹ Công an hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Chiến tranh ác liệt đã cướp đi khỏi tay mẹ Cai gần hết những người thân yêu nhất. Chỉ còn lại cô con gái út là chị Phượng nhưng cũng không may bị đạn pháo của Mỹ tiện đứt mất nửa bàn chân trái. Hoà bình lập lại từ lâu nhưng những nỗi đau mất mát người thân in hằn mãi trong tâm trí mẹ Cai khiến mẹ ốm đau, bệnh tật liên miên.
Năm 2000, một cơn cao huyết áp gây cho mẹ Cai bị tai biến phải nằm liệt. Chăm mẹ liệt giường được 3 năm, chị Phượng lại đau đớn tột cùng khi chồng mình cũng đột ngột ra đi vì bị đột quỵ. Vậy là từ đó kẻ tàn tật chăm người tai biến, cái khó chồng chất cơ cực, chị hầu như chung thân bên giường mẹ, không ra khỏi nhà .
Mẹ Cai vẫn sống trong thế giới riêng - thế giới của người sống đời thực vật nhờ tình yêu vô bờ bến của cô con gái. |
Chị Phượng vừa bón cho mẹ ăn, vừa nói nhè nhẹ: Mẹ ăn nha! Ăn xong ngủ nha! Nói chuyện là vậy dù chẳng biết mẹ có biết hay không. 2 con người ấy dường như chỉ nhận biết nhau qua "thần giao cách cảm" mà sao chính xác lạ kỳ. Chỉ cần nghe kiểu mẹ rên là chị biết mẹ đói bụng, nghe tiếng ho là biết mẹ muốn đi vệ sinh. Thấy hơi thở mẹ nóng, ho khúc khắc là biết mẹ bị cảm, ăn mà bị chớ ra là đau dạ dày. Cứ thế, tình thương vô bờ bến của cô con gái hiếu nghĩa ấy đã duy trì hơi thở của mẹ già hơn 10 năm nay. "Dù có đi ăn xin cũng không bao giờ con bỏ mẹ". Trong câu chuyện với chúng tôi, chị thường nhắc đi nhắc lại câu nói này.
Tạm gác chuyện mình, chỉ lo mẹ “trăm tuổi”
Chúng tôi ngước nhìn trên tường của phòng khách nhà chị Phượng mà không khỏi xót xa. Năm liệt sĩ: Nguyễn Văn Trứ, Nguyễn Văn Khôi, Nguyễn Văn Ánh, Nguyễn Thị Cần, Nguyễn Văn Thành - những người thân yêu nhất của 2 mẹ con chị đều lần lượt hy sinh từ năm 1968 tới 1971.
Ông Trứ chính là một cán bộ nằm vùng hoạt động rất gan dạ năm xưa, bị địch bắt đày ra Côn Đảo, đã từng vượt ngục trở về. Tấm kỷ niệm chương trên tường ghi nhận những năm tháng mẹ Cai đã từng bị địch giam giữ tù đầy, tra tấn khi hoạt động trong lòng địch. Chị Phượng bảo chỉ cần nghĩ về truyền thống của gia đình như vậy mà tự nhủ lòng phải sống sao cho xứng đáng. Chân trái chị bị thương do pháo Mỹ găm phải vào năm 1972 khi đó đang là một giao liên hoạt động cùng mẹ.
Trong ký ức xa mờ, chị chỉ nhớ ngày bị đạn pháo bắn vào chân do lúc đó đang theo một số chị em khác vào rừng mót khoai mì về cứu đói cho bà con đang bị địch giam trong ấp chiến lược. Chỉ có điều nhiều năm nay UBND xã Xà Bang chưa có cách gì đưa chị vào danh sách thương binh để sắp xếp chế độ do mất dấu những người cùng hoạt động.
Nghe chị kể chuyện chăm mẹ, chúng tôi không khỏi nể phục. Chị nặng chưa đầy 45kg, chân lại tàn tật, vết thương khiến gân đã bị co rút, do đó để giữ được thăng bằng mỗi khi đi, đứng, làm việc, chị phải tự nghĩ ra cách cho riêng mình. Chị phải cắt chiếc dép Lào làm đôi, đóng thêm một cái đế 3 phân có quai thun cột vào cổ chân trái cho chắc. Khi dìu mẹ dậy thì nửa bàn chân trái bị mất ấy làm trụ thật vững, hai tay đỡ lấy thân mẹ già, chân phải đá vào chân mẹ bật ra phía trước. Thế là mẹ già bước được một bước. Kế tiếp tới chân kia, chân phải làm trụ, nửa chân trái đá vào chân bên kia của mẹ. Mẹ già lại bước thêm một bước nữa. Hai mẹ con cứ "làm xiếc" như vậy để ra tới cửa buồng tắm. Có ba mét thôi nhưng xong việc thì người chị cũng "tắm" mồ hôi.
Khổ nhất là do thân thể đã bị liệt, việc vệ sinh của mẹ không kiểm soát được, chị đành mua quần áo cũ về "tấn" xung quanh mẹ. Nhưng ngày nào cũng giặt hai ba thau đồ sợ lâu ngày mình bệnh thì ai chăm mẹ. Chị ra chợ xin mua máy giặt trả góp. Có 2 triệu đồng tiền "chế độ" của mẹ lo tiền ăn và thuốc thang còn không đủ. Tiền mua máy giặt chỉ trông vào thu nhập quán cà phê cóc trước cửa và 2 cây điều sau vườn. 2 năm trời chị mới trả góp xong cái máy giặt. Chưa kể không biết bao lần chị vác mẹ trên lưng ra bến ôtô chở bà đi nhà thương. Lúc mẹ đau dạ dày, lúc mổ sỏi mật, lúc lại bệnh tim… Chị vẫn chỉ ngủ một ngày 3 - 4 tiếng nhưng với chị, mẹ là hơi thở, là cả cuộc đời.
Trong ngôi nhà nhỏ nhoi ngay đầu ngã 3 Đức Hiệp - Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu) ấy, chuyện về người con gái chăm mẹ liệt nhiều năm nay trở thành tấm gương được bà con xã Xà Bang nhắc nhở con cháu noi gương học tập.
Còn chuyện chúng tôi gọi chị là nữ "bệnh binh" cũng có lý do khi ông Phạm Văn Tươi - Chủ tịch UBND xã Xà Bang cho biết: "Do nhiều năm nay chị chỉ ở nhà chăm cho mẹ già, không có điều kiện tới các ban, ngành lo "chuyện của mình". Xã đã cho người đi xác minh nhiều lần và hiện đã tìm ra người cùng hoạt động với chị ở huyện Xuyên Mộc. Thu thập xong dữ liệu chúng tôi sẽ hoàn tất hồ sơ làm tiêu chuẩn chế độ diện thương binh cho chị". Tôi báo tin, chị chỉ cười hiền hậu nói: Chuyện chế độ có được hay không với mình không có gì phải phàn nàn. Giờ chỉ lo sao có tiền để cho mẹ tới ngày "trăm tuổi"…
Năm nay chị đã sang tuổi 51, phía trước cuộc đời biết chắc sẽ còn nhiều khó khăn lắm, song nhìn ánh mắt chị, tôi hiểu, chưa khi nào cô gái giao liên ấy tắt niềm hy vọng vào cuộc sống. Đặc biệt, chị vẫn tin lắm vào phép diệu kỳ: "Biết đâu mẹ thoát khỏi cơn mê tỉnh dậy thì sao?". Niềm tin bền vững nơi chị đã sưởi ấm trái tim người mẹ già, nó cũng là sợi dây níu kéo duy nhất của mẹ Cai với cuộc sống thực tại. Sợi dây tình mẫu tử và đạo nghĩa làm người