Người nữ thương binh nuôi 164 đứa con tật nguyền

Chủ Nhật, 24/04/2011, 16:00
Mang trong mình căn bệnh ung thư ác hiểm trong nhiều năm nhưng bà Trần Thị Thanh Hương, một cựu chiến binh vẫn tận tâm chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy nghề cho 166 lượt trẻ tật nguyền là con đồng đội của bà bị nhiễm chất độc da cam. Vượt qua bao sóng gió, oan nghiệt, người mẹ ấy cho đến những ngày cuối của cuộc đời vẫn hết mình, hi sinh hạnh phúc của bản thân làm việc thiện.

Trần Thị Thanh Hương, SN 1949, quê tại huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế. Năm 1954, gia đình tập kết ra Bắc, bà được vào học tại Trường THPT Thái Phiên, Hải Phòng. Năm 1966, theo tiếng gọi của Tổ quốc bà vào TNXP rồi chuyển sang bộ đội.

Năm 1972, trên đường hành quân ra Bắc qua thị trấn Hồ Xá, tỉnh Quảng Trị, một đồng đội bị nhiễm chất độc da cam, nhà chẳng còn ai đã trao cho bà 1 đứa bé nhờ nuôi hộ. Biết chuyện, lại một đồng đội khác cũng đến "gửi con". Thế là một mình bà phải gánh 2 đứa trẻ từ miền Trung ra Đoàn an dưỡng 253 (Quân khu 3). Do không đủ thủ tục, bà buộc phải đưa các cháu về nhờ mẹ nuôi nuôi giúp. Những năm tháng chiến tranh, cuộc sống vất vả, 3 mẹ con bà phiêu bạt, lúc ở Hải Dương, Hưng Yên, lúc lại ở Bắc Ninh, Hải Phòng. 

Với những thương tật hạng 1/4, lại bị nhiễm chất độc da cam, năm 1978, bà Hương buộc phải vào trại điều dưỡng thương binh tại Móng Cái, đồng đội thương binh cứ mang con phó thác cho người phụ nữ đơn chiếc. Cũng có vài người đàn ông muốn cưới bà nhưng họ không thể "cưới" thêm đàn con. Không nỡ bỏ lũ trẻ tội nghiệp, bà Hương đành gác lại hạnh phúc riêng tư của mình.

Mẹ Hương đang kiểm tra nấm trong kho.

Cho tới năm 2001 cha ốm nặng, bà Hương phải chia tay đàn con để về chăm sóc cha. Khi cha qua đời ít ngày, một trong những đứa con nuôi của bà - thằng Kim "xoăn" kéo theo cả lũ em từ Móng Cái về tìm mẹ. Chẳng còn cách nào, người mẹ "bất đắc dĩ" phải lần mò đi tìm thuê căn nhà ở Chợ Hàng, dựng cơ sở làm nấm và nhà ở cho đám con.

Năm 2004, do cơ sở này quá chật chội mẹ con bà lưu lạc đến Đồ Sơn, Hải Phòng. Tại khu cánh đồng thuộc tổ 8, phường Ngọc Xuyên ấy, bà đã thuê 5.000m2 đất của 1 người nông dân dựng lên mấy túp lều để ở. Được nhiều người động viên, giúp đỡ, bà Hương xây tiếp chuồng để nuôi lợn, ủ nấm, tổ chức cho các con bà đi học nghề mỹ nghệ, rồi vét ao nuôi cá, trồng rau. Cứ thế, mẹ con ngày ăn cá ở ao, ăn rau ở vườn. Đôi ba tháng thì thịt 1 con lợn rồi kho để ăn dần. Tiền bán đồ mỹ nghệ và nấm dùng mua gạo, mua đồ dùng... Lần hồi, bà Hương cùng hai mươi mấy đứa con tật nguyền đùm bọc nuôi nhau.

Dần dần mọi người cũng biết, hiểu công việc mà bà đang làm. Khi chính quyền có quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất, một số người quen đã giúp bà chút tiền để mua lại mảnh đất này. Trên mảnh đất 5.000m2 ấy, ngoài dãy nhà tôn liền với căn bếp, cơ sở có hai dãy nhà cho đám trẻ trú ngụ, còn có một hội trường và một xưởng ủ nấm. Tất cả đều là nhà tranh mái lá, tường gạch ba banh tróc lở, tuy không dư dả nhưng đầy ắp tình thương người cùng những tiếng cười có thể tự chủ hoàn toàn. Bà Hương chia sẻ: "Tôi muốn các con tôi sống bằng chính sức lao động của chúng".

Đến thăm "cơ ngơi" của mẹ con bà Hương, không ai không khỏi xúc động, chạnh lòng. Do di chứng của chất độc da cam, tất cả các cháu ở đây đều thiểu năng trí tuệ, việc đi đứng, ăn ở, sinh hoạt cá nhân đều hết sức khó khăn. Chỉ để học được một việc đơn giản như quét nhà cũng mất tới hàng năm. Cá biệt, có người giờ đã 30 tuổi cũng chỉ biết làm có mỗi việc nhặt lá trong vườn.

Từng là người lính, bà Hương không khỏi xót xa trước nỗi đau của đồng đội khi bất lực nhìn thấy những đứa con của mình. Căn bệnh ung thư quái ác không khuất phục được trái tim đầy ắp yêu thương của người mẹ. Đã rất nhiều đêm, trước bàn thờ Tổ quốc, bà Hương rơi lệ tâm niệm không bao giờ xa rời những đứa con của bà, rằng bà sẽ quyết tâm làm tròn bổn phận đối với đồng đội cũ.

Tiếng lành đồn xa, rất nhiều CCB có con, thậm chí cháu của họ bị nhiễm chất độc hóa học đã họp nhau lại. Họ bàn bạc và quyết định xin phép các cơ quan chức năng làm thủ tục chuyển mái ấm của mẹ con bà Hương thành cơ sở Thiện Giao với nhiệm vụ nuôi dưỡng, dạy nghề, tạo việc làm cho nạn nhân chiến tranh và người tàn tật.

Do số lượng các cháu tật nguyền đông nên bà Hương đành phải chọn lựa các trường hợp có một trong ba điều kiện: con ruột của các CCB, gia đình thuộc diện cấp sổ hộ nghèo, bố, mẹ đã chết hoặc là người tàn tật. Công việc thật không dễ dàng. Trăm công nghìn việc song bà liên tục phải xác minh các trường hợp nộp đơn thống nhất với chính quyền xã, phường, huyện, quận rồi lại phải thông qua các phòng LĐ-TB-XH đầy đủ trước khi nhận nuôi. Đối với Thiện Giao, tất cả không phải đóng góp bất cứ một khoản tiền nào. Tiêu chuẩn, chế độ, trẻ đều được hưởng như nhau. Riêng chế độ của nhà nước, bà Hương dành lại cho gia đình các cháu.

Tới nay gần chục năm trôi qua, ngôi nhà bằng tre, mái rạ, vách đất dần được thay thế bằng những ngôi nhà khang trang. Ngày nào cũng như ngày nào, "mẹ" Hương dậy từ 5h sáng sàng ngô, cho đàn heo ăn rồi đánh thức các con của mình dậy, làm vệ sinh cá nhân rồi ăn cơm sáng. Sau đó, những đứa nhỏ và bệnh nặng trở về phòng chơi với nhau. Đám anh chị lớn thì cùng mẹ vào xưởng làm nấm.

Buổi tối trước giờ tắt đèn, bà Hương với cây đèn pin đi một vòng quanh trung tâm kiểm tra. Không lần nào bà không quát thằng Quảng "đàn môi" luôn ngồi thu lu trong góc nhà lên giường ngủ, buộc thằng Trầm nằm ngoài. Căn phòng kế bên  ngừng hát những câu vô nghĩa "cúng coong cọ kẻng" vào buông màn, rồi mới yên tâm nghỉ ngơi.

Do được sự dạy dỗ, chỉ bảo nên những đứa trẻ ở mái ấm Thiện Giao đã tự biết làm những việc vệ sinh cá nhân đơn giản như: đánh răng, rửa mặt, tắm rửa. Thậm chí nhiều em còn biết nấu cơm, nuôi heo, ủ nấm... Những người thực hiện bài báo này đã tận mắt chứng kiến cái nắng trưa gay gắt của đầu hè, trên công trình còn ngổn ngang vật liệu, mẹ Hương "chỉ huy" các con tập kết vật liệu, xách vữa, lợp mái như một công trường xây dựng thực thụ. Những đứa con mồ hôi nhễ nhại dỡ những cây tre, thanh dóc bó lại thành bó. Đứa thì bê từng tấm lá cọ đặt lên xe cút kít, đẩy ra sân sau xếp thành đống. Khi mẹ cho nghỉ, hai chàng trai kéo nhau ra cầu ao, hồn nhiên lột hết cả quần áo ào xuống tắm. Bà Hương lại khản cổ quát chúng lên.

Những “đứa con da cam” của bà Hương đang vận chuyển lá cọ lợp mái nhà.

Từ mái nhà này, nhiều đứa con của bà đã trưởng thành. Có thể kể đến các trường hợp điển hình như: Hiếu giờ đã nhập ngũ trở thành bộ đội, Phương sắp tốt nghiệp cao đẳng kinh tế, đã có nơi nhận vào làm... Nhìn những bức tượng được làm bằng nhựa composite do các em của Thiện Giao làm ra, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước bàn tay khéo léo của các em. Nếu không được giới thiệu, ít ai có thể ngờ được rằng tấm hình phù điêu Chủ tịch Hồ Chí Minh có giá đỡ bằng hoa sen đầy uy nghi, hay bức tượng nụ hôn vĩnh cửu, tượng nữ thần Xin Va ấy là do chính những người thợ tật nguyền ở Thiện Giao làm ra.

Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Thanh Hương cho biết hiện 23 "đứa con" của gia đình Thiện Giao đều chịu di chứng chất độc da cam. Trong đó, chín trường hợp bị chứng bệnh down (bệnh gây chậm phát triển trí tuệ và những bất thường về phát triển khác), lúc nào cũng ngơ ngơ ngác ngác. Năm đứa câm điếc chỉ có thể ú ớ ra hiệu bằng tay. Những cháu khác thì tay chân teo tóp thảng hoặc mới có được một cháu phát triển bình thường.

Một trong những trường hợp đáng thương là cháu Thêm. Từ cô bé 15 tuổi tóc tai rối bù, toàn thân cóc cáy bẩn thỉu, Thêm và em gái được đưa về gia đình Thiện Giao nuôi sáu năm trước, giờ cháu đã biết giúp quét dọn nhà và nhặt lá tre rụng vương ngoài ngõ. Hai chị em Thêm đều bị di chứng chất độc da cam từ người cha. Thêm mắc bệnh down không thể nói được, em trai Thêm sinh ra  không có chân. "Hôm đưa Thêm về, tôi đưa nó ra gội đầu, hết ba gói dầu mà chẳng có tí bọt nào" - bà Hương, nhớ lại. Một năm về sống dưới mái nhà Thiện Giao, Thêm đã biết tự đánh răng. Nhưng mẹ Hương phải dạy mất bốn năm Thêm mới có thể quét nhà.

Chỉ cho chúng tôi một nhóm 8 đứa con gái khác của mình đang nằm mắt lơ ngơ, nhìn ngược, nhìn xuôi, bà Hương ngậm ngùi: Vất vả lắm với những đứa này vì chúng không thể tự xúc cơm được. Mỗi khi ăn là một cuộc đánh vật với chúng. Rồi nữa, nhiều cháu như cháu Đạt (10 tuổi), cháu Quảng (11 tuổi)… đều không biết gì, ngay cả đại tiểu tiện cũng không thể tự chủ. Hàng ngày mẹ Hương phải cắt cử người đóng bỉm, làm vệ sinh cho lũ con.

Lo nhất là những "trẻ" đã không còn trẻ nữa như Hạnh (31 tuổi), Trầm (29 tuổi), Hương (31 tuổi)… tuy thiểu năng trí tuệ nhưng nhu cầu sinh lý cá nhân vẫn bình thường. Việc quản lý, dạy dỗ họ kiềm chế bản năng, sống hoà nhập trong cùng một ngôi nhà mái ấm này luôn luôn không dễ. Đã từng xảy ra chuyện hờn ghen, dở khóc dở cười trong những đứa con đã lớn và khác giới của bà. Người mẹ ấy đã phải mất hàng năm trời mới có thể hòa giải.

Nghe những việc bà Hương làm, nhìn thấy nỗi gian truân, vất vả của bà những đồng đội cũ thân thiết gọi bà Hương là "người đàn bà du mục". Bao nhiêu năm đã trôi qua, mái tóc không còn đen mượt như ngày xưa song người phụ nữ đầy nghị lực vẫn mải miết chăm sóc, vun vén hạnh phúc cho những đứa con tật nguyền của đồng đội. Cả đời bà Hương chưa một lần lên xe hoa, không con cái nhưng tới nay niềm hạnh phúc lớn nhất của bà là đã nuôi nấng 164 đứa con.

Tâm sự với chúng tôi, bà Hương một thoáng bồi hồi, năm 40 tuổi, một người đàn ông có ý định lập gia đình với bà nhưng anh lại không đồng ý sống chung với đàn con. Dù rất đau khổ nhưng bà đã chọn các con của mình. Bà Hương tâm sự, bệnh tật của các cháu rất thất thường nên bà không yên lòng, không dám đi đâu lâu.

Biết mình một ngày nào đó rồi cũng phải đi xa, bà đã dành thời gian chỉ bảo cho một trong những đứa con "cưng" nhất của mình là chị Hoàng Thị Hương, 30 tuổi, quê ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa để sau này thay mẹ trông nom, chăm sóc mái ấm Thiện Giao. Cũng có một số ngôi nhà, một số địa chỉ từ thiện ngỏ lời xin các cháu về nuôi song lo các con mình còn quá non dại nên bà chưa thể đồng ý.

Chuyện về mẹ Trần Thị Thanh Hương đã gây xúc động lớn trong dư luận nhân dân thành phố Cảng, đặc biệt với nhiều CCB trên khắp mọi miền đất nước. Cầu mong cho bà mạnh khỏe, cầu cho những đứa con tật nguyền luôn được sưởi ấm bằng ngọn lửa yêu thương từ trái tim bà

Đăng Hùng
.
.
.