Ngôi nhà chung hỗ trợ người vô gia cư khu vực miếu Bà Chúa Xứ
Năm 2018, UBND TP Châu Đốc tiếp tục quan tâm, chăm lo các đối tượng chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em cơ nhỡ, khuyết tật và hoàn cảnh khó khăn… Để công tác trên thực sự có hiệu quả, lãnh đạo TP Châu Đốc chỉ đạo Phòng LĐ,TB&XH thành lập Trung tâm Bảo trợ xã hội TP Châu Đốc (đặt tại ấp Vĩnh Khánh 1, xã Vĩnh Tế, TP Châu Đốc) với nguồn kinh phí vận động xã hội hóa từ nguồn tiền công đức của du khách thập phương vía Bà Chùa Xứ.
Được thành lập từ 2004, Trung tâm vừa kể có nhiệm vụ tiếp nhận, chăm sóc cho người cơ nhỡ, ăn xin, đa phần là những người có trạng thái tâm thần không ổn định, đi lang thang được lực lượng Công an phường phát hiện và vận động về trung tâm.
Khi chúng tôi đến, tại trung tâm có 22 người mắc bệnh tâm thần đang được chăm sóc, trong đó có 2 người vừa được Công an phường Núi Sam phát hiện và vận động chở đến. Ông Lý Thành Trí, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội TP Châu Đốc, cho biết: “Trong những ngày Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 vừa qua, trung tâm tiếp nhận 17 người. Cán bộ, nhân viên của trung tâm tổ chức nấu bánh chưng, kho thịt để cho những bệnh nhân, người cơ nhỡ được đón Tết với món ăn truyền thống của dân tộc. Lúc cao điểm, trung tâm có hơn 50 người, con số này thay đổi bất thường… nhiều người được đưa về trung tâm chăm sóc thời gian thì có người thân đến nhận. Tiền ăn mỗi người là 40.000đ/người/ngày, tất cả từ nguồn kinh phí do Ban Quản trị lăng miếu Núi Sam ủng hộ”.
Chỉ trong năm 2018, Trung tâm đã tiếp nhận và chăm sóc cho hơn 320 lượt người bệnh, hằng năm Ban Quản trị lăng miếu Núi Sam quyên góp trên 1,8 tỷ đồng để trung tâm chăm lo cho đời sống cho những người kém may mắn.
Nhiều người cơ nhỡ, lang thang… được nuôi dưỡng, chăm sóc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội TP Châu Đốc bằng nguồn tiền công đức miếu Bà Chúa Xứ. |
Theo Ban Quản trị lăng miếu Núi Sam, hiện miếu Bà Chúa Xứ đặt hòm công đức để du khách đóng góp, định kỳ Ban Quản trị cho mở hòm trước sự chứng kiến giám sát của hội đồng gồm hội quý tế, ngành chức năng của TP Châu Đốc. Tiền được kiểm tra chặt chẽ, có lập biên bản, niêm phong.
“Tất cả các khoản tiền và vàng đều gửi vào ngân hàng, lãi cũng nhập vào đó, khi cần sử dụng thì chuyển khoản. Ngoài ra gạo muối, vật cúng tế, nhang đèn sử dụng không hết thì cấp phát cho nhiều đình chùa. Mỗi đợt tết, Ban Quản trị hỗ trợ dân nghèo hàng chục tấn gạo cùng nhiều loại thực phẩm khác”, ông Đường cho biết.
Phần tiền công đức vừa kể được sử dụng vào việc xây dựng các công trình phúc lợi xã hội như: trường học, trạm y tế, đường nông thôn… và phục vụ cho việc trùng tu sửa chữa cơ sở vật chất. Ngoài ra Ban Quản trị còn hỗ trợ hộ nghèo, gia đình chính sách và các đơn vị tham gia giữ gìn ANTT trên địa bàn. Đóng góp cho quỹ khuyến học, quỹ vì người nghèo, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, người tàn tật, trẻ mồ côi, lang thang cơ nhỡ; cất nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, cứu trợ thiên tai, hỏa hoạn...