Cậu bé xương thủy tinh 9 năm đạt học sinh giỏi

Chủ Nhật, 01/07/2012, 11:09
Từ khi lọt lòng mẹ đến nay đã hơn 20 lần đôi chân của em Nguyễn Trọng Tín, trú thôn Phú Mỹ, xã Tam Phước, huyện Phú Ninh, Quảng Nam, bị gãy. Càng ngày chân càng teo tóp lại, không thể đi đứng được, phải nhờ đôi vai, đôi chân của bố mẹ đến trường. Thế nhưng, 9 năm liền, với sự cố gắng, nỗ lực vượt lên bệnh tật, Tín liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi...

Mẹ của Tín - bà Võ Thị Thìn (45 tuổi) rưng rưng nước mắt, giọng nghèn nghẹn kể rằng, từ khi sinh ra đến bây giờ đã 16 tuổi, Tín nằm viện nhiều hơn ở nhà. Hai chân của Tín đã hơn 20 lần bị gãy, bao nhiêu tiền bạc vợ chồng bà dành dụm đều dùng chữa trị bệnh cho con, song tiền hết mà bệnh tật vẫn cứ đeo bám...

Năm lên 6 tuổi, Tín đòi đi học. Thấy con ao ước được cùng bạn bè đến trường, vợ chồng bà Thìn cầm lòng không đặng, mỗi ngày thay nhau cõng con tới trường. Họ cũng không ngờ, kể từ khi đi học, năm nào Tín cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi. Đó cũng là niềm an ủi, hạnh phúc của vợ chồng họ.

“Vợ chồng tui chỉ mong sao có tiền để chữa lành đôi chân của con để nó được đi lại như bạn bè cùng trang lứa. Nhưng cuộc sống gia đình chỉ trông vào 2 sào lúa, cha nó đi làm phụ hồ ngày được vài chục ngàn lấy đâu ra dư dả...” - bà Thìn tâm sự.

16 tuổi, Tín vẫn được mẹ bế tới trường.

Còn Tín cười thật hiền, nói rằng, vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên chưa có tiền để chữa bệnh cho đôi chân được lành lặn, đi lại như người bình thường. Để đền ơn cha mẹ, em sẽ không nhụt chí trước số phận, mà phải cố gắng học thật giỏi. Không trả ơn bằng tiền bạc được thì em trả ơn, trả hiếu cha mẹ bằng những tấm giấy khen của trường và xã hội... Thật vậy, 9 năm học với hàng chục giấy khen của nhà trường và Hội Khuyến học huyện Phú Ninh khen thưởng cho Tín đã chứng minh điều ấy.

Thầy Võ Minh Phú, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phú Ninh, bày tỏ: “Từ khi sinh ra, Tín đã mắc chứng bệnh xương thủy tinh, đụng đâu gãy đó, đến học ở cấp THCS mà chân em vẫn còn bó bột. Nhưng với nghị lực vươn lên, Tín học rất giỏi. Tôi luôn khuyên các thầy cô giáo cùng các em học sinh trong trường phải dành tình yêu thương, giúp đỡ cho Tín nhiều hơn, đừng thấy Tín như vậy mà xa lánh sẽ làm em tủi thân. Hằng năm nhà trường luôn giúp đỡ Tín về mọi mặt để động viên em trong học tập”.

Khi chia tay Tín, chúng tôi hỏi về ước mơ, Tín nói rằng, sẽ cố gắng hoàn thành chương trình học THPT và thi vào ngành Công nghệ thông tin. Tuy nhiên, ai cũng hiểu được rằng, để Tín đạt được ước mơ này cần có sự quan tâm, giúp đỡ rất lớn từ các nhà hảo tâm và cộng đồng...

An Khang
.
.
.