Bác sỹ mặc áo cà sa và phòng khám từ thiện

Chủ Nhật, 20/03/2011, 10:37
Ni sư Thích Nữ Liên Thanh tâm sự: "Nếu tôi vẫn làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy thì sẽ chỉ phục vụ một số đối tượng nhất định đến bệnh viện". Chính vì vậy, ni sư Liên Thanh đã xin về chùa Long Bửu với ước nguyện sẽ mở một phòng khám từ thiện miễn phí cho các bệnh nhân nghèo dẫu biết rất nhiều khó khăn đang chờ đợi mình ở phía trước.

Chúng tôi gặp ni sư Thích Nữ Liên Thanh đúng dịp Bộ Y tế, Báo Sức khoẻ và Đời sống tổ chức chương trình trao giải cho các tác phẩm về "Sự hy sinh thầm lặng" của các thầy thuốc ở mọi miền đất nước. Đã có dịp đọc tác phẩm về bà của tác giả Thành Văn (tác phẩm đoạt giải A), thế nhưng, khi tiếp xúc đời thực, chúng tôi vẫn không khỏi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác bởi tấm lòng nhân ái bao la của một nữ tu hành, nữ bác sỹ ban ngày mặc áo bluose trắng, ban đêm lại khoác áo cà sa.

Bà đã xây dựng Phòng khám đa khoa từ thiện Long Bửu trên khuôn viên chùa Long Bửu - một ngôi chùa thuộc vùng sâu, vùng xa của huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương bắt đầu từ đôi bàn tay trắng. Thế nhưng, ít ai biết được, để có thành quả như ngày hôm nay, ni sư Thích Nữ Liên Thanh đã phải trải qua quãng đời gian khó, côi cút từ khi mới là đứa trẻ. Cuộc đời bà giống như một câu chuyện cổ tích được viết lên từ trong mưa bom, lửa đạn của chiến tranh.

Người không tên và 3 tấm bằng cử nhân

Tuy đây không phải là lần đầu tiên ni sư Thích Nữ Liên Thanh ra Thủ đô Hà Nội, thế nhưng mỗi lần chuẩn bị hành trang ra Bắc là một lần ni sư lại bồi hồi cảm xúc như được trở về quê hương bản quán. Bởi lẽ, trong ký ức trẻ thơ còn mơ hồ cùng những thông tin không đầy đủ được chắp nối sau này thì quê bà ở đâu đó tại một tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng.

Giọng ni sư Thích Nữ Liên Thanh nghẹn ngào: "Đến bây giờ, tôi không hề biết họ tên, ngày tháng năm sinh thật của mình. Tên và ngày tháng năm sinh hiện tại đều là do ni sư Huỳnh Liên đặt cho, còn quê quán tôi cũng chỉ láng máng Thái Bình"…

Theo lời bà thì một ngày cách đây gần 40 năm khi cả dải đất miền Trung chìm trong mưa bom, bão đạn. Ni sư Huỳnh Liên đang đi hành khất, chạy nạn bỗng nghe thấy tiếng trẻ nhỏ khóc đâu đó. Và, giữa đống đổ nát, một cô bé còn quấn tã đang nằm gọn trong vòng tay của người cha đã lạnh cứng. Không cầm lòng được, ni sư Huỳnh Liên nhanh chóng đón lấy đứa bé, ủ ấm trong vòng tay đồng thời làm lễ chôn cất thi hài đưa tiễn người cha.

Sau khi bom đạn dứt, ni sư Huỳnh Liên mang bé đi khắp nơi mong tìm được những người thân thích. Thế nhưng giữa thời loạn lạc chiến tranh, ai nấy đều lắc đầu không biết. Với tấm lòng từ bi bác ái của nhà phật, ni sư Huỳnh Liên đã quyết định mang đứa bé về một ngôi chùa tại tỉnh Sóc Trăng để chăm sóc đồng thời đặt tên bé là Nguyễn Thị Kim Anh (tức ni sư Thích Nữ Liên Thanh ngày nay).

Từ đó trở đi, Kim Anh được nuôi dưỡng bằng những lẽ sống đạo đức và tấm lòng bao dung rộng mở với cuộc đời. Các ni sư đã giảng đạo, đời, bể khổ, bi ai, hành thiện và nhiều triết lý nhà phật sâu sa khác vào tâm hồn cô bé Kim Anh.

Ni sư Thích Nữ Liên Thanh cùng các bác sỹ tại phòng khám.

Kim Anh rời Sóc Trăng về ngụ tại một ngôi chùa ở ngoại thành TP HCM để học chương trình THPT. Để đến trường, mỗi ngày, cô phải đi xe đạp gần 30 cây số với hành trang là mấy cuốn sách cũ, cặp lồng cơm nguội cùng muối vừng... Cực khổ là thế, nhưng năm nào Kim Anh cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi. Sau khi tốt nghiệp THPT, Kim Anh quyết định thi vào Trường Phật giáo và trở thành một trong những sinh viên đầu tiên của lớp Cao cấp Phật học khoá 1 cơ sở tại TP HCM.

Sau này, nhận thấy phật học mới chỉ là bước đầu trong con đường thực hiện những tâm nguyện của mình, Kim Anh lại tiếp tục thi đậu ngành Xã hội học, Đại học Tổng hợp TP HCM. Trong suy nghĩ của bà, có hiểu biết về xã hội học mới có thể ứng lý thuyết Phật học vào cuộc đời, thay đổi cuộc sống. Dường như vẫn chưa thoả mãn với sở nguyện của mình, sau khi tốt nghiệp 2 ngôi trường nói trên, Kim Anh lại tiếp tục thi vào Đại học Y dược TP HCM.

Nhớ lại khoảng thời gian học tại Trường Đại học Y dược, ni sư Liên Thanh chia sẻ với chúng tôi: Chủ trương của đạo Phật là từ bi hỉ xả. Và, học y học để chữa bệnh cứu người chính là ứng những điều từ bi của đạo Phật vào y đức của người bác sỹ. Tôi nghĩ rằng, khi đau yếu, bệnh tật chính là lúc con người ta chạm vào danh giới của sinh - tử. Người bác sỹ cũng là người tu hành, với sự chân thành, lòng bao dung, từ bi bác ái sẽ dễ dàng hơn để giúp cho người bệnh tìm lại được sự bình an, khoẻ mạnh.

Là một trong những sinh viên xuất sắc nhất của Đại học Y dược TP HCM nên Kim Anh vinh dự được nhận học bổng sang Nhật Bản du học. Thế nhưng, cô sinh viên trẻ đã khiến cho thầy cô, bạn bè không khỏi thán phục bởi lối suy nghĩ rất tiến bộ lúc bấy giờ. Kim Anh đã quyết định từ chối đi du học, ở lại và học tập tại Việt Nam.

Dẫu đã gần 20 năm trôi qua, dường như, bà vẫn không thay đổi suy nghĩ: "Nếu sang Nhật Bản học và làm việc thì tất cả chất xám, kiến thức mình học được đều chỉ để phục vụ cho nước bạn. Khi đó, sẽ không còn cơ hội để trở về xây dựng quê hương, mang kiến thức và tâm đức để giúp đời".

Không phụ lòng mong mỏi của thầy cô, bạn bè, khi đang tiếp tục theo học tại Đại học Y dược TP HCM, Kim Anh là 1 trong 5 sinh viên xuất sắc được nhận học bổng của Nhật Bản. Với tư chất thông minh, bà đã tận dụng số tiền học bổng để mua một đồn điền cà phê địa bàn tỉnh Đắk Nông với niềm tin: Những cây cà phê sau một thời gian được chăm bón sẽ đơm hoa, kết trái. Thành quả đó có thể chuyển hoá được thành những viên thuốc quý để giúp đỡ những bệnh nhân nghèo không có tiền chữa bệnh sau này.

Với tấm lòng hiếu học, vượt lên khó khăn, chỉ sau thời gian ngắn, ni sư Liên Thanh đã có trong tay 3 bằng cử nhân: Phật học, Xã hội học và Y dược học. Đầu năm 1997, bà nhận công tác tại khoa Tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy. Đạt đúng tâm nguyện, trong thời gian công tác tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bác sỹ Kim Anh đã mang tất cả tài năng, nhiệt huyết cống hiến cho nghề nghiệp để cứu chữa người bệnh. Nụ cười của những bệnh nhân được chữa trị khỏi bệnh trở thành niềm vui lớn nhất trong cuộc sống thường nhật của bà.

Những tưởng, cuộc đời ni sư Thích Nữ Liên Thanh sẽ cứ thế êm ả trôi đi khi tâm nguyện được chữa bệnh cứu người đã trở thành hiện thực. Thế nhưng, một việc thật lạ kỳ đã xảy ra. Giữa lúc tài năng đang ở độ chín, ni sư Liên Thanh lại quyết định xin được lên vùng sâu, vùng xa để lập nghiệp trong sự tiếc nuối của người thân, bạn bè và Ban lãnh đạo Bệnh viện.

Mở phòng khám từ thiện phục vụ người nghèo

Thời điểm những năm 1996, 1997, tỉnh Bình Dương có chính sách trải thảm đỏ kêu gọi nhân tài, nhân lực khắp nơi trên đất nước về phục vụ xây dựng tỉnh mới. Ni sư Thích Nữ Liên Thanh đã làm đơn gửi chính quyền cho mình về Bình Dương. Ban đầu, lãnh đạo tỉnh Bình Dương và những người thân thiết, ai cũng mừng, bởi về vùng cao, lại có trong tay nhiều bằng đại học, có trí tuệ, chắc chắn bà sẽ được cất nhắc lên vị trí cao.

Thế nhưng, khi nhận đơn của bà, thật ngạc nhiên, bà xin về làm việc ở chùa Long Bửu, một ngôi chùa nằm hẻo lánh bên những cánh rừng cao su hun hút gió huyện Thuận An. Đây lại là một ngôi chùa xây dựng đã khá lâu, do thiếu người trông coi cũng như bị tàn phá trong chiến tranh nên nó bị xuống cấp, dột nát khá nghiêm trọng. Tuy nhiên, bà vẫn nhận được sự hỗ trợ và tạo điều kiện nhiệt tình từ chính quyền các cấp tỉnh Bình Dương.

Ngày đầu tiên từ thành phố trở về vùng quê xa xôi hẻo lánh, dưới mái chùa hoang vắng, rêu phong, ni sư Thích Nữ Liên Thanh trải tấm nilon bên một góc chính đường làm chốn nghỉ ngơi. "Ban đầu, cũng có 3, 4 người bạn cùng về chùa Long Bửu với tôi. Nhưng sau thấy cực quá, họ đành quay trở lại thành phố". Với bằng cấp trong tay, kiến thức trong đầu, cái tâm nung nấu bao lâu này ở trong tim, đã bỏ phố lên rừng một mình bươn chải thì phải làm gì đó cho người nghèo đã ngày càng thôi thúc bà thành lập phòng khám bệnh đa khoa từ thiện Long Bửu để chữa bệnh miễn phí cho người nghèo.

Cuối năm 1999, bà trở thành vị trụ trì chùa Long Bửu và cũng là Giám đốc Phòng khám đa khoa từ thiện Long Bửu từ đó. Cũng mấy năm đó, Bình Dương trên đà phát triển, khu công nghiệp Sóng Thần được quy hoạch xây dựng gần chùa Long Bửu. Hàng ngàn dân nghèo khắp nơi đổ về làm công nhân trong các khu công nghiệp. Ấp ủ trong lòng thành hiện thực, bà đã có cơ hội đem kiến thức của mình giúp cho xã hội bằng cách treo bảng khám bệnh miễn phí cho công nhân.

Những công nhân là những người tứ xứ, nghèo mới làm công nhân, lương ít, đói nghèo vẫn triền miên, giờ được khám chữa bệnh miễn phí ai cũng mừng lắm. Nhất là vào những ngày nghỉ, bà con nghèo, công nhân đến khám bệnh rất đông, bà phải khám, chữa từ mờ sáng đến nửa đêm vẫn chưa hết việc. Đông quá, một mình khám không hết, bà lại phải chạy về TP.HCM nhờ các đồng nghiệp ở Bệnh viện Chợ Rẫy lên tiếp sức.

Trước việc làm nghĩa cử cao đẹp này, Ban Giám đốc Bệnh viện 175 - TP HCM đã ủng hộ nhiệt tình, luân phiên cử các bác sĩ xuống đây giúp đỡ vật chất, thuốc men và hỗ trợ kiến thức y học để nâng cao hiệu quả khám, chữa bệnh ngày một tốt hơn. Điều vui mừng nữa là phòng khám được Sở Y tế Bình Dương cấp giấy phép hoạt động. Từ việc khám bệnh miễn phí cho bà con nghèo, phòng khám nâng cấp phát luôn cả thuốc chữa trị.

Để có thể duy trì được hoạt động của phòng khám, ngoài sự giúp đỡ của bạn bè, ni sư Liên Thanh còn duy trì hoạt động một đồn điền cà phê thu hút hàng chục lao động mỗi mùa vụ thu hoạch. Tất cả số tiền thu được, ngoài việc trả lương cho các công nhân sẽ được dùng để mua thuốc men phục vụ phòng khám đa khoa Long Bửu đúng như mong muốn khi còn đang là sinh viên của bà.

Tiếng lành đồn xa, một tổ chức từ thiện có tên Agape Foundation của Thụy Điển khi biết thông tin về hoạt động từ thiện của ni sư đã cử người sang tìm hiểu sự thật về ngôi chùa, phòng khám nhân đạo nói trên. Nhận thấy thiện nguyện của ni sư cũng như những hoạt động thiết thực của phòng khám, tổ chức này đã gửi hàng chục container trang thiết bị hiện đại như máy scan, x-quang... trị giá hàng triệu USD sang cho phòng khám.

Đến thời điểm này, Phòng khám đa khoa từ thiện Long Bửu đã có hơn 20 buồng khám và điều trị bệnh. Mỗi ngày có khoảng 20 y, bác sĩ, hộ lý ở các bệnh viện lớn khác tình nguyện đến phục vụ cho bệnh nhân nghèo. Họ đều làm việc mà không toan tính đến lợi nhuận hay phí bồi dưỡng. Nhận thấy nhiều bệnh nhân do quá hoàn cảnh mà không có đủ tiền ăn, ni sư còn duy trì một bếp ăn miễn phí dành cho các bệnh nhân nghèo do chính những người đã khỏi bệnh đứng ra nấu nướng. Hàng tháng, phòng khám cũng tổ chức chương trình đi khám chữa bệnh miễn phí cho bà con tại vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh khó khăn; thăm và phát quà cho các trẻ em mồ côi, người già neo đơn…

Trong 5 năm qua, Phòng khám đa khoa từ thiện Long Bửu đã khám, điều trị, cấp thuốc miễn phí, tặng quà, tặng trang thiết bị y tế cho các cơ sở y tế với tổng trị giá trên 8,5 tỷ đồng. Mặc dù Phòng khám đa khoa Long Bửu đã phần nào đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của những người dân nghèo xung quanh khu vực.

Thế nhưng, ước mong của ni sư Thích Nữ Liên Thanh vẫn là làm sao mở rộng được phòng khám thành một Bệnh viện nhân đạo có sức chứa khoảng 500 giường bệnh. Bệnh viện sẽ nằm ngay trên phần đất hiện tại của chùa đó là mong ước của bà con nhân dân địa phương và khắp nơi đổ về.

Một vị ni sư giàu từ tâm, lòng bao dung với sự khả kính đã và đang cống hiến một cách hết sức hiệu quả những kiến thức cũng như chính sức lực của mình để góp phần mang lại hạnh phúc cho nhân loại. Chia tay ni sư Thích Nữ Liên Thanh chúng tôi thầm chúc tâm nguyện cao cả của bà sẽ trở thành sự thực

Lưu Vinh - Nguyễn Hương
.
.
.