Nhạc sĩ Trần Lệ Giang: Còn đẫm một tình yêu âm nhạc

Thứ Bảy, 13/11/2021, 22:00

Khi còn nhỏ, sống ở làng, tôi thường nghe âm nhạc trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Trong rất nhiều ca khúc tôi thuộc nằm lòng, có “Đất nước tình yêu” và “Ước mơ xanh”.

Vào những dịp khai giảng hay ngày lễ hiến chương các nhà giáo, tôi luôn nhớ hình ảnh các cô giáo mặc áo dài xanh, đứng hát trên sân khấu giữa sân trường lộng gió, những lời như từ trái tim phơi phới của người đi gieo mầm hy vọng: “Ước muốn ngày nào ôm ấp trong tim mai đây là cô giáo”. Còn “Đất nước tình yêu” thì vào ngày lễ đặc biệt của đất nước tôi đều lắng nghe từ chiếc radio bé xíu của cha tôi: “Và khi chúng ta yêu nhau, chẳng kẻ thù nào làm con tim ta yếu mềm”.

Giống như hàng vạn khán giả nghe đài, tôi thuộc ca từ của những bài hát mà phần lớn không nhớ tên người sáng tác ra nó. Mãi sau này tôi mới biết cả 2 ca khúc tôi thuộc lòng ngày ấy là của nhạc sĩ Trần Lệ Giang. Mạng Internet ra đời, có công cụ tìm kiếm, nhưng tôi cũng không tìm thấy nhiều thông tin về nữ nhạc sĩ. Chỉ nghe nói, chị viết vài ba ca khúc rồi thôi, và hiện đã định cư ở nước ngoài. Nhưng đầu năm nay tôi tình cờ nghe ca khúc “Cội nguồn” của Trần Lệ Giang do NSND Thái Bảo trình bày qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam.

Nhạc sĩ Trần Lệ Giang: Còn đẫm một tình yêu âm nhạc -0
Nhạc sĩ Trần Lệ Giang thời trẻ.

Ca từ mượt mà, giàu cảm xúc, thấm đẫm chất thơ, “Cội nguồn” là tâm trạng của một người con sống xa quê hương rất chân thực và xúc động. Tìm hiểu mới hay, nữ nhạc sĩ đang sống ở Scotland và ca khúc “Cội nguồn” chị gửi về tham gia cuộc thi “Hát lên Việt Nam – Letsing Việt Nam” do Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức. Nhờ mạng xã hội, tôi kết nối được với tác giả “Đất nước tình yêu” mà tôi yêu mến từ những ngày còn thơ ấu.

Dù nhiều năm đi làm báo, lại chuyên viết về văn hóa văn nghệ, gặp nhiều nghệ sĩ, nghe nhiều ca khúc hay về chủ đề quê hương đất nước, tôi vẫn cho rằng, “Đất nước tình yêu” là một trong những ca khúc nổi bật, hay nhất về chủ đề này. Bởi ngôn từ giản dị dễ đi vào lòng người, giàu chất thơ và mạch cảm xúc tuôn trào từ một tâm hồn thiết tha với Tổ Quốc, thấm nỗi đau gian lao đất nước và cảm nhận sâu sắc những giá trị nhân văn Việt Nam. Phần âm nhạc thì quá đẹp, nó là sáng tạo của một người được đào tạo bài bản về âm nhạc, tôi nghĩ vậy.

Nhưng hóa ra trong những lần trò chuyện với nhạc sĩ Trần Lệ Giang, qua chia sẻ của chị tôi mới biết thời điểm viết ca khúc “Đất nước tình yêu” chị mới chỉ đang theo học khoa sáng tác của Nhạc viện Hà Nội. Khi đó chị mới 23 tuổi. Bài hát được viết vào dịp Quốc khánh 2-9 năm 1980. Thật khó hình dung một người còn rất trẻ về tuổi đời lại có thể sáng tác ca khúc có chiều sâu đến vậy. “Đất nước tình yêu” ngay lập tức được phát sóng trên Đài tiếng nói Việt Nam và nhanh chóng xác định được chỗ đứng vững chắc của nó trong lòng khán giả. Cho đến tận hôm nay, đây vẫn là ca khúc hiếm khi vắng mặt trong các cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc chuyên nghiệp.

Riêng ca khúc “Ước mơ xanh”, trong ngành giáo dục, có lẽ không ai không từng nghe ca khúc này. Nó là tiếng lòng buổi ban mai tinh khiết của những thầy cô giáo trẻ khi  bước chân vào sự nghiệp trồng người. Hồi tưởng lại những năm tháng trong trẻo ấy, nhạc sĩ Trần Lệ Giang vẫn còn nguyên cảm xúc bồi hồi. “Ước mơ xanh” là ca khúc đầu tiên của Trần Lệ Giang, trước cả “Đất nước tình yêu”. Trần Lệ Giang kể, khi viết “Ước mơ xanh” chị mới chỉ biết chút ít về nhạc lý vì có theo học lớp sáng tác ở Hàng Buồm dưới sự dìu dắt của thầy Hồng Đăng (nhạc sĩ Hồng Đăng). Như vậy, cả hai ca khúc đều đã được viết từ những tháng năm tuổi hai mươi của Trần Lệ Giang, và cả hai đều có một đời sống rực rỡ trong lòng khán giả.

Trong nghệ thuật, chuyện một người nghệ sĩ chỉ sáng tác một vài tác phẩm nhưng để lại dấu ấn đậm sâu trong trong đời sống như nhạc sĩ Trần Lệ Giang không nhiều, nhưng cũng không phải là hiếm. Đem chút băn khoăn hỏi chị, vì sao sau khi tên tuổi đã nổi tiếng với những ca khúc đầu tiên, tức là có một nền tảng cực kỳ thuận lợi cho sự nghiệp sáng tác, chị lại “im hơi bặt tiếng” lâu như vậy, Trần Lệ Giang có chút trầm tư. Chị chia sẻ, suốt những năm tháng đã qua, chưa khi nào lòng chị vơi bớt tình yêu dành cho âm nhạc.

Nhưng cuộc đời có quá nhiều chuyện không thể ngờ xô đến, cuốn chị đi theo những lối rẽ không định trước. Đàn bà vừa yếu mềm lại vừa cá tính như chị, không dễ để đoán định những sóng gió phải đối mặt. Âm nhạc như ngọn lửa đâu đó vẫn lẩn khuất trong tâm hồn nhạy cảm của chị, đợi một ngày bình yên để lại được bắt đầu. Âm nhạc như giấc mơ mà đời thực thì khốc liệt, để rồi chị phải mất nhiều năm tháng để có thể lại ngồi vào bàn viết: “Mình không phải kiểu người “viết xoành xoạch” được. Mình ngẫm nghĩ cái gì cũng rất lâu. Mình cũng chỉ viết được trong những thời điểm tâm hồn bình thản không vướng bận. Và việc viết thì chẳng ai có thể đặt hàng ngoài chính mình, chính những ân tình của đời sống thôi thúc”.

Với nhạc sĩ Trần Lệ Giang, âm nhạc là cuộc dạo chơi thiêng liêng, nó như một chốn riêng của chị, không liên quan đến đời sống, nơi mà chị phải trải qua nhiều đoạn trường khốn khó, làm nhiều công việc khác nhau để sống và nuôi con. Giờ đây, khi tìm thấy sự bình yên viên mãn bên người đàn ông hiểu mình, chị mới thực sự “dành” chính mình cho âm nhạc, không chỉ thời gian mà cả trái tim.

Và khán giả bất ngờ khi Trần Lệ Giang của năm 2021 “tái xuất”  bằng một loạt ca khúc. Trong tinh thần của chị, mạch nguồn nhớ thương tiếp tục tuôn chảy, như là cách “trả nợ” cho những nghĩa tình sâu nặng bao năm chị vẫn gói ghém trong lòng. Cảm xúc dâng trào đến mức, nữ nhạc sĩ “đầu tư” hẳn một cây đàn piano mới thay cây đàn cũ để sáng tác. Những nỗi niềm dồn nén suốt một chặng đường đời đã hóa thành giai điệu trong những ca khúc mới. Đầu tiên là “Cội nguồn” đã được phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam qua giọng hát của NSND Thái Bảo và sau đó là tiếng hát của nghệ sĩ trẻ Đào Mác. “Nắng gió quê nhà” của chị gây thương nhớ qua giọng hát tình cảm, ấm áp của ca sĩ Lương Huy và sắp tới đây là bản thu của NSND Tạ Minh Tâm. Rồi “Ngân khúc tơ vàng”- ca khúc viết cho người em, người nghệ sĩ mà chị Trần Lệ Giang rất thương quý là NSND Thái Bảo, được ví như một đoản khúc tri âm những người mang nghệ thuật đến làm đẹp cuộc đời. Nhưng với riêng tôi, cảm động nhất có lẽ là ca khúc “Sài Gòn của tôi” vừa được Đài Tiếng nói Việt Nam phát sóng qua giọng hát của ca sĩ trẻ Ngọc Quy.

Bài hát này cũng được NSND Tạ Minh Tâm thu âm gửi tới khán giả những ngày vừa qua. Đây là ca khúc viết về Sài Gòn, với chủ đề chính là các em nhỏ mồ côi sau đại dịch. Nói về sự ra đời của ca khúc này, nhạc sĩ Trần Lệ Giang cho biết, trong suốt thời gian dịch bệnh COVID-19 bùng phát, chị không ngừng trông ngóng về quê hương, xót xa về những thiệt hại mất mát không gì có thể bù đắp của đồng bào trong vùng dịch. Con số 1.500 trẻ em mất cha, mẹ, người thân sau cơn bão dịch bệnh ở các tỉnh phía Nam khiến lòng chị se sắt, nhói đau. Chị đã viết “Sài Gòn của tôi” trong nước mắt buồn thương, trong tinh thần sẻ chia cùng “bao em thơ nay phận bơ vơ tuổi đời còn thơ lá thắm trên cành”.

Mới đây nhất, nữ nhạc sĩ “khoe” bản thu âm một tác phẩm mới về chủ đề nhà giáo, là ca khúc  mang tên “Thầy tôi”. Không còn là những run rẩy đầu đời của một cô giáo trẻ bước chân vào nghề như thời “Ước mơ xanh”, “Thầy tôi” giống như lời cảm tạ sâu sắc từ trái tim một người học trò khi nhớ về thầy giáo cũ của mình. Hai nghệ sĩ trẻ Lương Huy và Đào Mác đều rất “ưng” ca khúc và mỗi người qua sự trình bày của mình đều có một sức thuyết phục riêng với khán giả.  Bài hát đặc biệt ý nghĩa với người nghe  khi ngày hiến chương các nhà giáo đang tới gần.

Có một cảm nhận rõ ràng trong loạt ca khúc mới của nhạc sĩ Trần Lệ Giang, là tâm trạng hoài niệm. Dường như ở một quãng nào đó trong cuộc đời, nhạc sĩ muốn quay về với quá khứ đã xa, cảm nghiệm và tri ân những ngày tháng đã làm nên mình của hôm nay.

“Những năm tháng sống xa tổ quốc tôi càng thấm thía hai chữ quê nhà. Có một tình yêu rất thật mang tên đất nước. Tôi hay bất cứ một người con đất Việt Nam khi sống ở nơi xa cũng sẽ luôn luôn hướng về quê nhà trong ưu tư trĩu nặng. Dù bàn chân có đi xa tới đâu, vẫn có một nỗi nhớ thường trực trong tâm hồn. Nhìn cái nắng xứ người mà tôi nhớ tha thiết cái nắng mùa hè miền Bắc. Nghe tiếng gió đập ngoài vườn tôi nhớ nao lòng cơn gió mùa đông bắc tràn về Hà Nội những ngày rét mướt”. Nhạc sĩ cũng thừa nhận, mỗi khi ngồi vào bàn viết một ca khúc về quê hương, chị thường hay “khóc nhè” như thời còn trẻ. Sâu trong trái tim chị vẫn mãi thầm thì một tiếng gọi.

Nhạc sĩ Trần Lệ Giang: Còn đẫm một tình yêu âm nhạc -0
Nhạc sĩ Trần Lệ Giang.

Sự xuất hiện trở lại của Trần Lệ Giang nhận được nhiều sự động viên khích lệ của các đồng nghiệp thân thiết. Nhiều nghệ sĩ biểu diễn hào hứng với tác phẩm của chị vì họ đồng cảm với những điều chị thể hiện. Và sự chờ đợi của khán giả vẫn âm thầm dành cho chị chính là món quà để chị có động lực tiếp tục với âm nhạc. Dù mấy chục năm trôi qua mới quay trở lại với công việc sáng tác, Trần Lệ Giang vẫn cho thấy một nội lực dồi dào. Vẫn là một Trần Lệ Giang tinh tế trong nhạc cảm, trong ngôn từ nhưng có chiều sâu và giàu chiêm nghiệm hơn. Tác phẩm của chị vẫn luôn mang một phong cách riêng rất dễ để nhận diện. Đó chính là chất thơ thấm đượm trong một tâm hồn nhạy cảm, luôn nâng niu cái đẹp của đời sống. Âm hưởng trong ca khúc của Trần Lệ Giang luôn là tiếng sáo của đồng quê, tiếng đàn bầu Việt Nam, những giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam. Dường như càng đi xa thì người nghệ sĩ càng cảm nhìn thấy rõ hơn và  trân trọng hơn những vẻ đẹp riêng của văn hóa dân tộc mình.

Có chút áp lực nào với Trần Lệ Giang khi mà ngay từ những tác phẩm đầu tiên của chị đã quá thành công, đã đi vào lòng công chúng nhiều thế hệ? Viết để vượt qua đỉnh cao của chính mình có dễ, và có phải là mục đích của Trần Lệ Giang? Trước câu hỏi này nhạc sĩ chỉ cười nhẹ nhõm. Đối với chị ở tuổi này, việc sáng tác đã vượt ra khỏi câu chuyện danh hay lợi, mà là “trả nợ” cho những ân tình của cuộc đời. Mỗi ca khúc vang lên, nó sẽ có một đời sống riêng trong khán giả, chị cũng không muốn đoán định nhiều. Bởi trong tâm hồn chị luôn còn đẫm một tình yêu dành cho âm nhạc, dành cho quê hương thì còn viết… 

Bình Nguyên Trang
.
.
.