Chuyện về Thái “tê tê”

Thứ Ba, 20/07/2021, 10:19
Vượt 130km từ Hà Nội về huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, vào rừng Cúc Phương, tôi đã gặp được Thái “tê tê”. Những ngày qua, cả thế giới biết đến Thái với giải thưởng danh giá về môi trường được mệnh danh là “Nobel Xanh” 2021.

Nhưng, với người đàn ông sinh năm 1982 này, dường như không có gì thay đổi, như 16 năm qua, Thái vẫn lặng lẽ dưới những tán rừng, ăn ngủ cùng tê tê và miệt mài giải cứu loài vật này. Điều thú vị tôi phát hiện ra, Thái lành hiền như loài tê tê, lặng lẽ và đơn độc như tê tê nhưng cũng không dễ bị đánh gục giống như tê tê…

Cuộc giải cứu đẫm nước mắt

Đó là năm 2006, lần thứ 2 Nguyễn Văn Thái trực tiếp tham gia giải cứu tê tê. Có đến 67 cá thể tê tê được phát hiện trong một vụ buôn bán trái phép. Nhưng, cơ quan chức năng chỉ giao cho anh 5 cá thể tê tê, 62 cá thể còn lại được bán thanh lý một cách hợp pháp. Trong 5 con tê tê ấy, không may có một con đã chết, Thái kiên trì đòi đổi lấy một con tê tê sống. Con tê tê may mắn được giải cứu sau cuộc hoán đổi đó, Thái đặt tên là Lucky.

16 năm qua, Nguyễn Văn Thái dồn sức cứu hộ tê tê.

Lucky đã sống 11 năm trong trung tâm cứu hộ, trở thành đại sứ tê tê khi câu chuyện về con vật này được các hãng truyền thông quốc tế đồng loạt đưa tin. Số phận của Lucky đã khiến nhiều người biết đến và hiểu rõ thực trạng săn bắt tê tê đang diễn ra trên thế giới đẩy loài vật này vào Sách Đỏ. Đến tận năm 2013, sau nhiều nỗ lực của Thái và các tổ chức phi lợi nhuận quốc tế, việc bán thanh lý động vật hoang dã bị bắt giữ không còn tiếp diễn, đồng nghĩa với việc Thái có nhiều cơ hội hơn trong việc giải cứu, chăm sóc và tái thả tê tê ngoài tự nhiên.

Với Thái, có những chuyến cứu hộ tê tê đã trở thành vệt buồn dài trong kí ức. Đó là năm 2018, cơ quan chức năng phát hiện 115 cá thể tê tê còn sống bị buôn bán trái phép. Chiếc xe chở tê tê đã lao vào xe của lực lượng chức năng để chạy trốn nhưng không thành. Khi Thái và nhân viên cứu hộ tiếp cận được số tê tê, đau lòng là có đến 90 con tê tê đã chết do bị nhốt trong thùng xe đóng kín suốt 3 tiếng đồng hồ dưới thời tiết nắng nóng. Dù nỗ lực cấp cứu tê tê tại chỗ, nhóm của Thái chỉ cứu được 25 con. Tất cả thành viên trong nhóm cứu hộ đều khóc khi chứng kiến những con tê tê chết một cách oan uổng trong túi lưới.

Cuộc trò chuyện giữa tôi và Nguyễn Văn Thái - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (Save Vietnam’s Wildlife), Phó Chủ tịch Hội Chuyên gia bảo tồn tê tê thế giới (IUCN) được xâu chuỗi bởi vô số sự kiện đã ám ảnh tâm trí anh về số phận của nhiều loài động vật hoang dã trong chính môi trường sống của chúng - những cánh rừng.

Nhà ở gần rừng Cúc Phương, tuổi thơ của Thái xanh ngắt màu xanh của rừng. Nhưng, từ khi là một cậu bé 8 tuổi, Thái đã phải chứng kiến cảnh phá rừng diễn ra ngay trước mắt. Đầu những năm 1990, khi ngày ngày trước cửa nhà, trông thấy đoàn xe thồ chở củi, chở gỗ xẻ lũ lượt từ trong rừng ra, Thái như nghe thấy tiếng kêu cứu phát ra từ “cơ thể rừng” đang chảy máu. Rất tự nhiên và hiển nhiên, Thái ước mơ trở thành cán bộ kiểm lâm để giữ rừng.

Năm 1992, Tilo Nadler - người đàn ông Đức gốc Do Thái một mình sang Việt Nam, lặn lội đến rừng Cúc Phương và thành lập trung tâm cứu hộ linh trưởng. Nhiều lần Thái nhìn thấy cảnh Tilo Nadler đang lái ôtô đã dừng giữa đường và yêu cầu đoàn người chở gỗ quay ngược vào rừng. Trước thái độ kiên quyết của người đàn ông ngoại quốc, người dân đã nghe theo. Bắt đầu từ đó, Thái cảm nhận được rằng, muốn bảo tồn thiên nhiên, phải mạnh mẽ, dứt khoát, dù có đơn độc và nhiều khó khăn.

Nguyễn Văn Thái thi đỗ Đại học Lâm nghiệp Việt Nam, ngành Quản lý tài nguyên rừng và môi trường. Thời gian thực tập ở trung tâm cứu hộ linh trưởng, Thái được nghe những câu chuyện về động vật hoang dã bị săn bắt, giết hại một cách thương tâm. Đó là khi những con linh trưởng mẹ bị bắn chết và rơi từ trên cây xuống, linh trưởng con bu lại, vậy là cả mẹ cả con bị bắt mang đi. Thái nhen nhóm ý định làm bảo tồn động vật hoang dã.

Ra trường, Thái về làm việc tại rừng Cúc Phương để tìm kiếm cơ hội được làm về lĩnh vực bảo tồn động vật. Có lẽ là cơ duyên khi năm 2005, Vườn quốc gia Cúc Phương phối hợp với nhóm các nhà hoạt động môi trường quốc tế triển khai dự án Bảo tồn tê tê châu Á. Không chần chừ, Thái đăng kí tuyển dụng và chính thức trở thành điều phối viên của dự án. Từ thời điểm đó, Thái quyết định gắn bó, bảo vệ loài tê tê vàng, tê tê java trước nguy cơ bị tận diệt.

Tê tê rất hiền, không có răng, không có bất cứ một vũ khí mạnh mẽ nào ngoài việc cuộn tròn lại khi gặp nguy hiểm. Thế nhưng, cũng không có loài động vật nào tấn công được lớp vảy cứng và sắc bao phủ trên thân tê tê. Thái chứng kiến cảnh con tê tê mẹ khi được giải cứu vẫn cuộn tròn lại, bọc tê tê con nhỏ xíu trong bụng. Nhưng, dù có bảo vệ được con thì tê tê mẹ cũng không bảo vệ được chính mình trước bàn tay của con người.

Ngày bé, trong khu vườn mít cạnh nhà, Thái từng phát hiện thấy có dấu vết của loài tê tê vàng. Nhưng, sang đầu những năm 1990, khi nhu cầu về thịt, máu và vảy tê tê tăng cao khiến loài động vật có vú này bị săn bắt, buôn bán tràn lan bất chấp lệnh cấm thương mại quốc tế. Dù mòn mỏi kiếm tìm, Thái chưa bao giờ nhìn thấy bóng hình tê tê vàng ngoài tự nhiên. Những con tê tê được Thái giải cứu đều có nguồn gốc từ nước ngoài. “Liệu có còn con tê tê vàng nào tồn tại ở Việt Nam?”, câu hỏi đó cứ đeo đẳng Thái đến tận bây giờ.

Lương 3 triệu, mơ đi du học nước ngoài

Công việc gắn với rừng chỉ đem lại cho Thái 3 triệu đồng thu nhập mỗi tháng. Nhưng, điều đó không cản được Thái vượt ra khỏi những cánh rừng Việt Nam để đến với nhiều cánh rừng trên thế giới, để học tập, mở mang kiến thức bảo tồn động vật. Quyết tâm giành học bổng tại nhiều quốc gia, năm 2010, Thái tốt nghiệp chứng chỉ sau đại học về quản lý giám sát các loài động vật hoang dã tại Đại học Kent, Vương quốc Anh. Năm 2013 hoàn thành việc học thạc sĩ quản lý môi trường tại Đại học Quốc gia Australia. Sau đó, Thái tiếp tục sang Mỹ học vào năm 2015. Những tháng ngày đó không chỉ học, Thái đi làm phụ bếp, chăm sóc vật nuôi gia đình để có tiền trang trải cuộc sống.

Nguyễn Văn Thái trong một chuyến tái thả tê tê về tự nhiên.

Trước khi thành lập Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam năm 2014, Thái đã dành 3 tháng rong ruổi khắp các cánh rừng Việt Nam, đến các trung tâm bảo tồn để phỏng vấn, tìm hiểu. Khi quyết định dồn sức cứu hộ và bảo vệ tê tê, anh biết đó là sự lựa chọn đầy mạo hiểm. Vì với lớp vảy siêu cứng, hầu như không bị đe dọa ngoài tự nhiên nên loài vật này khá “tự tin”, “phớt lờ” mọi sự tiến hóa. Cũng vì thế mà tê tê hầu như không có cơ chế phản ứng để thích nghi với sự thay đổi môi trường sống, dễ bị stress, bị bệnh và chết. Để cung cấp số lượng lớn kiến và mối làm thức ăn cho tê tê trong khu cứu hộ không hề dễ dàng. Bởi thế, có rất ít vườn thú trên thế giới nuôi loài động vật này. Ở châu Á, Trung tâm của Thái là đơn vị đầu tiên cứu hộ tê tê.

1.540 cá thể tê tê được cứu hộ khỏi nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã từ năm 2014 đến 2020 là kết quả của những nỗ lực mà Thái và đội ngũ nhân viên của anh nhằm phục hồi nhóm loài này. Để tê tê được an toàn, Thái thường xuyên đối diện với hiểm nguy. Đó là lúc anh phải sắm nhiều vai, từ người mua, người đặt hàng, người đi săn để thâm nhập những đường dây buôn bán trái phép tê tê và giải cứu chúng. Những lời hù dọa, những tin nhắn cảnh cáo, những lúc bị săn đuổi và trốn thoát trong gang tấc, tất cả không khiến Thái đầu hàng.

Năm 2016, Thái là người Việt Nam đầu tiên được giải thưởng Future for Nature dành cho người trẻ có nhiều đóng góp bảo tồn động vật hoang dã. Và năm nay, từ Mỹ, giải Goldman đã gọi tên anh. Sau 2 giải thưởng lớn, Thái bỗng nhiên thành tỉ phú với tổng số tiền thưởng hơn 6 tỉ đồng. Nhưng, sau giải thưởng lớn, Thái “tê tê” vẫn vào rừng, vẫn đi chiếc xe máy Wave mua từ 2010, vẫn giọng nói và nụ cười thô mộc. Còn tiền thưởng, Thái “ném” cả vào rừng, bởi anh muốn làm bảo tồn một cách chuyên nghiệp.

Khi tái thả tê tê về tự nhiên, anh gắn chip và sử dụng thiết bị bay không người lái để theo dõi chúng. Thái từng thuê chó nghiệp vụ nước ngoài về tìm kiếm tê tê vàng. Rừng vẫn đang chảy máu, đâu chỉ là việc cây rừng bị chặt phá, mà các loài vật trong rừng bị săn bắt bừa bãi, những cánh rừng dần lặng im. Bởi vậy, việc thành lập biệt đội giải cứu thú rừng “Anti-poaching” ngày ngày xuyên rừng gỡ bẫy thú, giải cứu động vật từ năm 2018 cũng là một hướng bảo tồn chuyên nghiệp và thiết thực. Là người đầu tiên cùng đồng nghiệp xuất bản cuốn cẩm nang chăm sóc tê tê ra thế giới, thường xuyên tổ chức tập huấn chăm sóc và cứu hộ tê tê cho các tổ chức trong và ngoài nước, Thái muốn liên kết các quốc gia để bảo vệ loài tê tê trên trái đất này.

Chúng tôi đeo ngôi nhà gỗ của tê tê trên lưng, đi sâu vào những cánh rừng. Cánh cửa có khắc hàng chữ “Save Vietnam’s Wildlife” màu xanh lá bung mở, chú tê tê ngỡ ngàng nhìn quanh. Dường như nhận ra mùi cây lá, mùi đất, mùi rừng quen thuộc, chú ta cuống quýt bò ra. Chỉ đến lúc ấy, chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm, vì thêm một con vật nhỏ bé được trở về với đại ngàn. Chúng tôi đã nỗ lực hết mình chỉ để được nhìn thấy những giây phút ấy”, Nguyễn Văn Thái - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam.

Huyền Châm
.
.
.