Cặp vợ chồng đại lão 222 tuổi nửa thế kỷ ngóng chờ con

Thứ Năm, 12/09/2024, 15:26

Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Ngách ở thôn Hữu Chung, xã Hồng Quang, huyện Thanh Miện, Hải Dương năm nay đã 109 tuổi. Người bạn đời của mẹ Ngách là cụ Đặng Văn Tiền hơn cụ bà những 4 tuổi, tức là đã được đón 113 mùa Xuân. Tính ra, hiện 2 cụ có tổng số tuổi là 222 năm!

Dù mắt mờ, chân chậm, trí nhớ đã phôi phai nhưng hai cụ vẫn gắn bó với nhau trong từng bữa ăn, giấc ngủ. Ở tuổi xưa nay vô cùng hiếm, hai cụ mang chung một niềm đau hơn nửa đời người và nỗi niềm mong ngóng hai người con trai đi bộ đội trở về…

Tiếng gọi con vắt qua hai thế kỷ

“Thóc ơi, Bằng ơi, về ăn cơm”, giọng cụ bà Nguyễn Thị Ngách khẽ gọi, cứ như thể hai con trai của cụ vẫn đang ở trong ngôi nhà bé nhỏ, đơn sơ ở thôn Hữu Chung. Tiếng gọi con vắt qua hai thế kỷ, thao thiết vang lên mỗi sớm mỗi chiều khiến ai nghe cũng thấy nhói lòng.

1.jpg -0
Cụ Nguyễn Thị Ngách và cụ Đặng Văn Tiền xúc động khi nhận di ảnh hai người con liệt sĩ.

Cụ bà Nguyễn Thị Ngách sinh năm 1915, quê ở Thái Bình kết hôn cùng cụ Đặng Văn Tiền (quê Hải Dương) và sinh được 5 người con, 3 trai, 2 gái. Người con trai cả Đặng Ngọc Thóc sinh năm 1936, con trai thứ là Đặng Văn Bằng sinh năm 1947. Năm 1958, anh cả Thóc lên đường đi bộ đội. Hai năm sau, năm 1960, người em Bằng cũng từ biệt mẹ cha khoác balo vào chiến trường. Hai lần tiễn con đi, là hai lần mẹ Ngách khóc thầm, mong con chân cứng đá mềm, đánh giặc anh dũng và trở về. Nhưng năm 1966, nhận tin anh Bằng hy sinh tại Bình Phước, mẹ Ngách chết lặng người. Nỗi đau chưa kịp nguôi ngoai thì đến năm 1970, bà lại nhận tin anh Thóc hy sinh ở Lâm Đồng.

Ông Đặng Xuân Chàng (75 tuổi) là con trai thứ 3 của cụ Ngách kể về giây phút buồn đau cách đây đã mấy chục năm: “Cả hai lần nhận được giấy báo tử của hai anh, bố mẹ tôi đều khóc rất nhiều. Mẹ tôi đổ bệnh nặng, không thiết ăn uống nên cơ thể suy nhược, tưởng không gượng dậy nổi. Có lẽ động lực để bố mẹ tôi bám trụ cuộc sống đến tận hôm nay chính là niềm mong mỏi thông tin con hy sinh là nhầm lẫn. Sớm chiều nào cũng ngóng trông, bữa ăn nào cũng gọi mời. Bao nhiêu nhớ mong dồn cả vào ánh mắt đau đáu hướng ra nơi cổng ngõ và tiếng gọi con. Ai đến thăm hai cụ cũng bật khóc khi chứng kiến cảnh ấy”.

Sau đợt ốm kéo dài, sức khỏe mẹ Ngách sa sút, không còn sức làm việc đồng áng nữa nên quanh quẩn việc nhà. Hòa bình lập lại, cứ nghe tin có anh bộ đội nào trở về là mẹ lại lật đật tìm đến để hỏi thăm tin tức con mình. Càng chờ đợi càng bặt vô âm tín nên hai cụ mới chịu lập bàn thờ hai con.

Ở tuổi 109, có lúc nhớ lúc quên, người mẹ ấy vẫn mỏi mòn chờ con, mong con trở về để nấu cơm cho con ăn. Theo ông Chàng thì ngày hai anh lên đường, gia đình rất nghèo, không có nổi một bữa cơm no để tiễn con ra trận. Đó là điều khiến cụ Ngách, cụ Tiền day dứt khôn nguôi. Cụ Tiền nay đã 113 tuổi, có nhiều lúc đầu óc khá minh mẫn. Khi có khách đến nhà cụ vẫn bảo con cháu rót nước tiếp khách và mời khách ở lại ăn cơm. Mỗi lần nghe thấy tiếng mở cổng, hai cụ lại nghĩ hai con trai từ chiến trường trở về, hối thúc mọi người nấu cơm cùng ăn. Hiện tại, mọi sinh hoạt của cụ Ngách và cụ Tiền đều do con trai Đặng Xuân Chàng và con dâu Trần Thị Yến chăm sóc.

Ngày 25/6/2014, cụ Ngách đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Bà Yến - con dâu của hai cụ nay đã 71 tuổi vẫn chăm sóc bố mẹ chồng chu đáo, ân cần. Bà Yến kể về bố mẹ chồng: “Từ khi tôi về làm dâu đến giờ, hai cụ chưa từng bao giờ nặng lời với nhau. Cụ ông rất chăm cụ bà, không để cụ bà phải làm việc nặng nhọc bao giờ. Còn cụ bà nhỏ nhắn, nhanh nhẹn và khéo lo toan việc gia đình”.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Anh - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Thanh Miện cho biết, cả huyện chỉ còn 2 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Mẹ Ngách hiện là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cao tuổi nhất huyện cũng như tỉnh Hải Dương. Nhiều năm qua, Hội Phụ nữ xã Hồng Quang nhận phụng dưỡng mẹ Ngách, hàng tuần đến nhà trò chuyện, dọn dẹp nhà cửa và chăm sóc hai cụ.

Chị Đặng Thị Nga – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hồng Quang cho biết, cụ Ngách sinh năm 1915, cụ Tiền sinh năm 1911, cả hai cụ đều ở tuổi “xưa nay rất hiếm”. Các dịp lễ tết, ngày giỗ của hai liệt sĩ, chị em trong Hội cùng nhiều cơ quan, tổ chức đều đến thăm và tặng quà 2 cụ. Ngày 2/9 vừa qua, Hội đã tổ chức bữa cơm đón Tết độc lập để động viên hai cụ.

Là người gắn bó với hai cụ, chị Nga chia sẻ về bí quyết sống khỏe của hai bậc cao niên đặc biệt này: “Hai cụ từ trước đến nay luôn giữ nếp sinh hoạt giản dị, ăn uống thanh đạm. Ngày trước khi còn ở tuổi lao động, hai cụ đều dậy sớm, người làm việc đồng áng, người làm việc nhà. Cụ ông không hút thuốc, không uống rượu và ít khi ăn cay, nhưng nước chè xanh thì ngày nào cũng phải có. Nhờ đó mà hai cụ có sức khỏe lâu bền, cùng nhau vượt qua những cú sốc tinh thần quá lớn”. 

“Bà uống nước chè không, bà uống nữa không? Tôi uống nhe ?”. Mỗi khi đến thăm, tôi vẫn thấy hai cụ ân cần chăm sóc cho nhau, nói với nhau những lời giản dị như thế. Tôi thật sự xúc động và cảm phục trước tình cảm của hai cụ dành cho nhau”, chị Nga chia sẻ.

Đoàn viên trong một tấm hình

Căn nhà bé nhỏ của mẹ Ngách một ngày thu tháng 8 có đoàn khách đặc biệt tới thăm. Đó là Nhóm Phục dựng ảnh Skyline và Trưởng nhóm Phùng Quang Trung – một người trẻ nhiều năm qua luôn tận tâm phục dựng miễn phí chân dung các liệt sĩ. Cách đây mấy tháng, nhóm đã phối hợp với Huyện đoàn và UBND huyện Thanh Miện thực hiện dự án phục dựng miễn phí 50 chân dung các liệt sĩ trên địa bàn huyện. Trong những bức ảnh liệt sĩ, có ảnh của liệt sĩ Đặng Văn Bằng – con trai của cụ Ngách và cụ Tiền. Mới đây, tình cờ thấy bố mẹ của liệt sĩ Bằng cầm di ảnh của con, Trung tìm hiểu và biết rằng đó là gia đình Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cao tuổi nhất tỉnh Hải Dương. Anh và nhóm ảnh đã tới tận nhà thăm hai cụ.

3-1725985486012.jpg
Nhóm trưởng Phùng Quang Trung (bìa phải) trao di ảnh liệt sĩ biếu cụ Đặng Văn Tiền.

Trung xúc động khi biết hai cụ còn có một người con trai liệt sĩ là Đặng Ngọc Thóc. Anh Thóc từng đi bộ đội, đã phục viên nhưng tình nguyện tái ngũ khi đã có vợ, hai con và một người con chưa chào đời. Gần 40 năm sau khi nhận được giấy báo tử của anh Thóc, đến tận năm 2008 gia đình mới tìm thấy hài cốt của anh và đưa về quê hương. Ngày anh Thóc “trở về” quê hương, mẹ Ngách khóc lặng người. Càng xót xa khi liệt sĩ Thóc không có một bức ảnh nào nên gia đình treo bằng Tổ quốc ghi công để thay ảnh thờ. Còn liệt sĩ Bằng có di ảnh nhưng đến nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Hai cụ thường cố mường tượng ra gương mặt con trai Thóc và tả lại cho con cháu, sợ một mai hai cụ về với tổ tiên sẽ không còn ai nhớ mặt con trai mình.

Ước mơ về một bữa cơm no, có các con sum vầy là điều mà hai cụ hằng mong muốn. Hiểu được ước muốn đó, Phùng Quang Trung và Nhóm Skyline đã đến thăm 2 cụ. Hai bạn trẻ trong nhóm mặc trang phục bộ đội ngồi quây quần, gắp thức ăn cho hai cụ. Bức ảnh đó sẽ là bối cảnh để Trung dựng ảnh bố mẹ sum vầy cùng hai con trai.

Trung chia sẻ về quá trình dựng ảnh: “Để dựng được ảnh đoàn viên, trước tiên phải dựng chân dung liệt sĩ Thóc. Được sự đồng ý của gia đình, trong suốt ba tuần, chúng tôi đã dựng lại chân dung liệt sĩ Thóc qua lời kể, lời miêu tả của gia đình và dựa vào nét mặt con trai của liệt sĩ Thóc. Đó thực sự là một nhiệm vụ không hề đơn giản nhưng chúng tôi quyết tâm phải hoàn thành. Qua rất nhiều lần trao đổi, chỉnh sửa, khi người thân của liệt sĩ Thóc thốt lên: “Giống anh Thóc quá” thì chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Xúc động nhất khi người con gái út của liệt sĩ Thóc trước giờ không biết mặt cha, nay nhìn thấy ảnh cha cứ khóc mãi”.

Sau khi có chân dung liệt sĩ Thóc và liệt sĩ Bằng, nhóm tiếp tục dựng bức ảnh đoàn tụ. Đó là cảnh nhà ngày tết với cây quất, bình hoa tết, mâm ngũ quả và mâm cơm sum vầy. Anh Thóc ngồi bên cha, anh Bằng ngồi bên mẹ, họ mặc bộ quần áo bộ đội, ba lô và mũ cối để bên. Hai bố mẹ và hai con trai ăn bữa cơm năm mới, cảm giác ấm áp vô cùng. Vậy là sau hơn nửa thế kỷ mong chờ, ở quãng cuối cuộc đời, cha mẹ đã đoàn viên cùng hai con trai, dù rằng cuộc đoàn viên chỉ trong một tấm hình.

Chân dung hai liệt sĩ và bức ảnh đoàn viên đã được Nhóm Skyline mang đến tận nhà trao tặng cho cụ Ngách và cụ Tiền. Bữa ấy, cụ Ngách run run chạm nhẹ bàn tay gầy guộc lên gương mặt hai con. Còn cụ Tiền thúc giục con cháu treo bức ảnh để căn nhà trở nên ấm cúng. 

Nhóm Skyline gồm 10 bạn trẻ đến từ nhiều địa phương, làm nhiều công việc khác nhau nhưng nhiều năm qua vẫn âm thầm làm công việc ý nghĩa này. Tính đến nay, họ đã phục dựng miễn phí khoảng 5.000 chân dung liệt sĩ ở nhiều địa phương trong cả nước. Dựa vào những tấm ảnh đen trắng mờ nhòe, nhỏ bé, rách nát, có tấm dán băng dính chằng chịt, cùng những thông tin ít ỏi về liệt sĩ mà gia đình cung cấp, nhóm đã chia nhau phục dựng, thận trọng chỉnh sửa, bám sát đường nét từ ảnh gốc. Công việc triền miên từ đêm này sang đêm khác, một giấc ngủ trọn vẹn với họ dường như xa vời. Những bức ảnh qua quá trình chỉnh sửa tận tâm và có nghề bỗng trở nên sắc nét và thần thái, để khi người nhà nhận bức ảnh phải thốt lên rằng sao có thể giống thế, có hồn đến thế. Trung bảo, công việc nhóm anh đang làm nặng tâm can nhưng ấm áp con tim.

Huyền Châm
.
.
.