Tên người trong thời chuyển đổi số

Thứ Ba, 22/11/2022, 14:10

Trong không khí tưng bừng chuyển đổi số thì một số người đã chuyển đổi tên của mình thành một cái tên khác từ lâu. Thí dụ xướng ngôn viên Nguyễn Lê sẽ đổi thành Lê Nguyễn. Việc này với các bậc cao niên sẽ thoáng mất thăng bằng khi không biết đâu là họ, đâu là tên. Tên thực là Lê hay Nguyễn.

Danh tính một con người hiển nhiên có ý nghĩa quan trọng của một con người trong suốt cuộc đời. Thời xa xưa thì những thân phận thấp cổ bé họng có thể không có họ mà chỉ có tên hay biệt hiệu. Thường là cái biệt hiệu ngây ngô như Đen, Hến, Ốc… Chỉ có nhà gia giáo thì có họ, tên đệm đầy đủ. Những khai quốc công thần còn được ban quốc tính (họ của vua).

Bên Trung Quốc thì cầu kỳ hơn. Tới tuổi trưởng thành sẽ có lễ được đặt tên tự, sau đó là tên hiệu (biệt danh). Thí dụ Nhà chính trị, quân sự Gia Cát Lượng, tự là Khổng Minh. Hiệu là Ngọa Long. Ở nước ta cũng có nhiều danh nhân có đủ họ, tự, hiệu như cụ Nguyễn Du, tự Tố Như, hiệu Thanh Hiên.

Tất nhiên, danh tính, hiệu mang đầy đủ ước mong của các bậc sinh thành và người mang danh tính, tự hiệu. Thế nên cái tên là yếu tộ định vị đầu tiên trong tổng hòa quan hệ xã hội của một nhân vật. Người tiêu cực, bi luỵ lại coi cái tên là “số tù” của chính gã trong “nhà tù” cuộc đời đầy đỏ đen.

Thời lạc hậu, y tế yếu kém, người ta sợ tên đẹp dễ bị ma quỷ cướp về cõi âm nên thường đặt tên khiêm tốn, xấu xí như Vàng, Vện, Nhường, Nhịn, Nhẫn, Nhục… Thời kháng chiến thì cái tên thường mang tinh thần chiến thắng và bình yên. Nhiều gia đình đông con đặt theo cả combo như: Thắng, Lợi, Huy, Hoàng; Thống, Nhất… Thời thị trường, toàn dân khởi nghiệp với khát vọng đổi đời thì hay đặt tên con là Thành, Đạt, Giàu, Sang, Phú, Quý… Nhà có của ăn của để không cần tiền thì hay đặt tên con như của báu. Thí dụ Gia Bảo, Quốc Bảo…

Dù tên theo thời cuộc thì trật tự tên họ vẫn theo truyền thống là họ trước tên sau: Nguyễn Tuấn chứ không phải Tuấn Nguyễn. Trật tự này cũng gây kinh ngạc khi tiếp xúc với khá nhiều quốc gia có lối đặt tên ngược với ta là tên trước, họ sau. Thành ra khi một giáo viên tây gọi tên sinh viên Việt Nam rằng mời anh/chị Nguyễn… sẽ làm cho 40 % sinh viên Việt ngơ ngác không biết thầy gọi ai.

BLV tây thì than trời rằng đội tuyển Việt Nam có cả đội hình đều tên là Nguyen cả: Nguyen Cong Phuong, Nguyen Van Toan, Nguyen Quang Hai, Nguyen Hoang Duc… Oh my god!... Các bạn tây còn sáng tác ra chuyện vui rằng loa sân vận động gọi chúng tôi muốn gặp ông Nguyễn thì cả khán đài đứng dậy.

Chuyện này không khác gì họ Kim và họ Lee ở Triều Tiên - Hàn Quốc. Dân ở đây có câu nói rằng, nếu đứng tại đỉnh núi Namsan (Seoul) ném một hòn đá xuống, nếu không trúng người họ Lee cũng trúng người họ Kim. Có thể thấy, tên họ thực sự mang bản sắc quốc gia.

Các nước láng giềng cũng có họ Nguyễn nhưng quá ít. Người Hàn họ Nguyễn thì âm thanh là Won. Chữ “Nguyen” khiến cho các bạn nước ngoài cảm giác Việt Nam, y như khi ta nghe tên có đuôi Ze hoặc Vili là đoán ngay ra người Georgia, hay đuôi Sen thì y rằng người Đan Mạch...

Thời Internet tràn vào cùng mạng xã hội như Facbook, Twitter khiến mỗi người đều đăng ký một cái tên trên mạng. Người khai vụng về thì tên sẽ bị đảo lộn trật tự tên họ. Thành ra anh Nguyễn Lê lại thành Lê Nguyễn. Đây là những thao tác chuyển đổi số để cái tên của mình trở nên ngang xương nhất. Điều đó không sao nếu chỉ là một cái danh để đăng đàn? Có lẽ hơi kỳ cục khi một phóng viên truyền hình tự đọc tên mình cuối phóng sự là Lê Nguyễn tại London… Dù đăng ký mạng xã hội hay đăng ký email bị ngược thì vẫn có thể làm xuôi cái tên của mình trước khán giả chứ. Cũng ái ngại không kém khi xu hướng đảo lộn họ tên được sử dụng rộng rãi ở giới bình dân. Thí dụ “Hôm qua vừa hát hò ở quán của Trang Trần. Cả Tiến Vũ, Sơn Bùi… cả Tuấn Nguyễn cũng có mặt…”.  Xu hướng càng lan rộng thì chắc chắn làm thay đổi văn hóa diện rộng.

 Trật tự họ trước tên sau cũng là đặc trưng lớn của người Á Đông và cụ thể là người Việt. Vậy có nhất thiết phải hòa nhập với thế giới bằng cách xóa đi bản sắc của mình không? Văn minh có thể đồng bộ nhưng văn hóa cũng rập theo khuôn của nhau thì thế giới này buồn tẻ biết bao nhiêu?

Tả Từ
.
.
.